slider

Nguyễn Ái Quốc với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênnin

22 Tháng 01 Năm 2013 / 198424 lượt xem

Th.s Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu

Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên con tàu Latutso Tơrevin sang phương Tây với quyết tâm tìm lại độc lập tự do cho dân tộc. Người muốn đi sang phương Tây xem nước Pháp họ làm thế nào rồi về giúp đồng bào ta. Đây được coi là quyết định táo bạo thể hiện tư duy khoa học và thức thời của Nguyễn Tất Thành. Bởi lẽ con đường cứu nước của các nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám mang nặng tư tưởng phong kiến lỗi thời; Phan Bội Châu đi sang Nhật cầu viện thì chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”; con đường cải cách cải lương của Phan Châu Trinh chỉ là đến xin giặc rủ lòng thương; hay cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Trung Quốc, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên cũng không đủ sức hút với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Người quyết tâm ra đi tìm một hướng mới cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc đã hướng sang phương Tây, đến Pháp - nơi đang đô hộ dân tộc mình để xem họ thế nào rồi mới về giúp đồng bào.

Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đến Pháp, Mỹ, Anh… Tại những nơi này Người đã nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại, những cuộc cách mạng đã đưa các nước này từ phong kiến lạc hậu trở thành đế quốc thực dân hùng mạnh. Người nhận thấy trong Bản tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng tư sản Pháp những giá trị chân chính, những nhân tố tích cực tiến bộ của cách mạng dân chủ tư sản: tư tưởng tự do bình đẳng bác ái, giải phóng con người khỏi sự thống trị của quan hệ sản xuất phong kiến; Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cho Người biết được quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; cách mạng Tân Hợi là tư tưởng Tam dân… nhưng những cuộc cách mạng này không triệt để, ở đó vẫn tồn tại chế độ người bóc lột người, đại bộ phận người dân lao động không có cuộc sống tự do, bình đẳng, ấm no hạnh phúc. Bản chất của chế độ đó là: “…trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1). Tại các nước Pháp, Mỹ, Anh… được coi là những nước dân chủ bậc nhất, nhưng đằng sau những ngôn từ tự do, bình đẳng, bác ái là sự phản bội, lừa bịp nhân dân của chính quyền tư sản, là nỗi đau khổ tột cùng của người dân lao động bị áp bức, bóc lột. Người rút ra cho mình những bài học quí và nhận thức được rằng các cuộc cách mạng đó không triệt để, cách mạng không đến nơi. Hơn nữa phong trào cách mạng tư sản vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã trở nên lỗi thời, không phù hợp với dòng thác cách mạng của thế giới; Chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ bản chất xấu xa, những hạn chế lịch sử nên không còn là hình thái kinh tế xã hội mà con người hướng đến. Sự thất bại của các cuộc cách mạng tư sản đầu thế kỷ XX như: cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc) năm 1911, cách mạng tư sản ở Ấn Độ, Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái (Việt Nam) năm 1930… là minh chứng tiêu biểu.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp sống, học tập và hoạt động. Vì Người biết rằng sống ngay tại đất nước đi đô hộ dân tộc ta thì mới hiểu rõ được chúng, phải “biết địch biết ta” mới đánh thắng được kẻ thù. Ở Pháp, Nguyễn Tất Thành đã chủ động hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động, đến các buổi sinh hoạt chính trị, các buổi mít tinh, nói chuyện ở các đường phố, gặp những người bạn Pháp đấu tranh trong phong trào công nhân. Cũng trong năm 1917, cuộc cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ. Một cuộc cách mạng do nhân dân lao động tiến hành đấu tranh với bọn tư sản, đế quốc đã giành thắng lợi. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra thời kỳ mới cho lịch sử thế giới. Nhưng không phải ai cũng nhận ra ngay ý nghĩa thời đại, ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc cách mạng này. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã có tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Người đã đi đến kết luận cơ bản: Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, ở nước Nga, những người lao động đã nắm được chính quyền. Chính quyền thực dân Pháp cố tình bưng bít thông tin về cuộc cách mạng này, nhưng Người vẫn kiên trì tìm mọi cách để biết về cuộc cách mạng tháng Mười từ việc theo dõi sách báo, thu thập những tài liệu ít ỏi từ bạn bè. Đến năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp tại Versailles (Pháp), Người với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách gồm 8 điểm đòi lại quyền lợi cho dân tộc. Nhưng bản yêu sách không được đáp ứng, các nước thắng trận chỉ lo phân chia quyền lợi cho mình. Từ đây, Người nhận thức một điều sâu sắc đó là: Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản.Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình(2). Tuy Bản yêu sách không được đáp ứng những nó có tiếng vang lớn, khiến cho nhân dân Pháp hiểu rõ hơn về An Nam; đồng thời bản yêu sách được truyền bá về Việt Nam làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta nhất là tầng lớp thanh niên. Năm 1919, Người đã gia nhập Đảng xã hội Pháp, một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực quyền lợi của Việt Nam và theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp. Gia nhập Đảng xã hội Pháp Nguyễn Ái Quốc trở thành nhà “cách mạng chuyên chính” đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc.

Những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào công nhân, nhân dân lao động nghèo khổ khắp đường phố Pari, đặc biệt các hoạt động kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ cuộc cách mạng của nước Nga Xô viết chống lại cuộc bao vây của các nước đế quốc như: rải truyền đơn, tuyên truyền vận động nhân dân Pháp quyên góp tiền ủng hộ nước Nga Xô viết… đã làm cho nhận thức về chính trị xã hội của Người được nâng cao. Những hoạt động thực tiễn và tiếp thu chân lý ban đầu đã làm sáng tỏ hơn con đường cứu nước mà Người hướng tới. Trong quá trình hoạt động, tư tưởng và lý luận của Nguyễn Ái Quốc đã hướng gần với cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo lời báo cáo của mật thám Giăng và Đơveđơ Theo Báo L’Humanité các số ra ngày 13 và 14/1/1920 ngày 14/1/1920, tại số 3 đường Chateau - Pari, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài Sự tiến triển trong xã hội các dân tộc châu Á và những yêu cầu của nước Nam. Ngày 11/2/1920, Nguyễn Ái Quốc thuyết trình đề tài Chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và vấn đề ruộng công điền ở Trung Quốc và Việt Nam tại Hội nghị những người thanh niên Cộng sản Quận 2 (Pari). Đến ngày 27/3/1920, Người nói chuyện với thanh niên ở quận này về Chủ nghĩa xã hội… Những hoạt động trên của Nguyễn Ái Quốc chứng tỏ nhận thức chính trị của Người đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chưa hiểu bản chất cuộc cách mạng tháng Mười Nga giờ đây Người đã có xu hướng theo cuộc cách mạng tiến bộ nhất trên thế giới này. Người liên tục theo dõi các sự kiện chính trị xã hội trên các báo ra hàng ngày, đặc biệt Người quan tâm hơn cả là vấn đề Lênin và cách mạng tháng Mười Nga. Chính vì thế, trong hai ngày 16 và 17/7/1920 trên báo Nhân đạo đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin (được gọi tắt là Sơ thảo luận cương) với tiêu đề chạy suốt cả trang báo đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc. Tên bài báo có liên quan đến vấn đề thuộc địa - một vấn đề mà Người đang theo đuổi tìm kiếm. Đọc Sơ thảo luận cương của Lênin là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc. Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(3). Sau nhiều năm tìm tòi cuối cùng Nguyễn Ái Quốc cũng tìm ra được “cẩm nang” để giải phóng dân tộc. Từ chủ nghĩa yêu nước Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin: "Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến cuộc gặp gỡ kỳ thú đó. Nó tạo ra bước chuyển căn bản, quyết định trong nhận thức tư tưởng của nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi và mở đầu một chuyến biến cách mạng thực sự trong lịch sử tư tưởng nước ta"(4).

Bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa được đăng trên báo Nhân đạo, một tờ báo uy tín ở Pháp và có rất nhiều độc giả trong đó có cả những người Việt Nam yêu nước. Nhưng tại sao chỉ có Nguyễn Ái Quốc tìm thấy được con đường cách mạng trong Sơ thảo luận cương của Lênin? Cần phải khẳng định rằng không chỉ có Nguyễn Ái Quốc tiếp cận được với Sơ thảo luận cương mà còn rất nhiều người Việt Nam yêu nước sống và hoạt động tại Pháp. Nội dung của Sơ thảo được đăng trên báo Nhân đạo và sau trở thành nghị quyết đại hội của Quốc tế III Quốc tế cộng sản. Những người Việt Nam yêu nước ở Pháp rất nhiều trong đó tiêu biểu như: Phan Châu Trinh, tiến sĩ luật Phan Văn Trường, Khánh Ký,… họ đều là những nhà trí thức yêu nước, có hiểu biết và trình độ học vấn cao được đào tạo bài bản, chuyên sâu hơn rất nhiều so với Nguyễn Ái Quốc. Họ cũng rất quan tâm đến tình hình nước Pháp. Nhưng những nhà yêu nước này đã không rũ bỏ được ý thức hệ tư tưởng cũ của mình để hòa vào dòng thác cách mạng vô sản trong thời đại mới. Còn Nguyễn Ái Quốc ngay từ đầu đề ra mục tiêu tìm đường cứu nước táo bạo nhưng rất sáng suốt; lại sống và chiến đấu trong phong trào công nhân, nhân dân lao động. Bởi vậy, ngay khi đọc được Sơ thảo luận cương của Lênin Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra con đường duy nhất đúng đắn cho cách cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa đó là con đường cách mạng vô sản, trong đó Chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam cho cho mọi hành động. Chân lý này không phải ai tiếp cận với Sơ thảo luận cương của Lênin cũng có thể nhận thức được.

Đọc Sơ thảo luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra những lý luận cách mạng phù hợp với con đường cách mạng Việt Nam, cụ thể là:

Thứ nhất, Người đã xác định rõ đâu là kẻ thù của giai cấp, của dân tộc và phải chĩa ngọn cờ cách mạng vào đúng kẻ thù. Nhận thức về bản chất chế độ tư bản chủ nghĩa, Lênin viết: “Chế độ dân chủ tư sản, do bản chất của nó, vốn có cái lối đặt vấn đề một cách trừu tượng hoặc hình thức về quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền dân tộc bình đẳng. Nấp dưới quyền bình đẳng của cá nhân nói chung, chế độ dân chủ tư sản tuyên bố quyền bình đẳng hình thức hoặc quyền bình đẳng trên pháp luật giữa kẻ hữu sản và người vô sản, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột; do đó làm cho những giai cấp bị áp bức bị lừa dối một cách ghê gớm(5). Nội dung của Luận cương Lênin đã đánh giá đúng tình hình lịch sử cụ thể; phải phân biệt rõ rệt lợi ích giai cấp của những người lao động, những người bị bóc lột, làm sáng tỏ bức tranh của chế độ tư bản chủ nghĩa. Chính giai cấp tư bản chủ nghĩa áp bức, bóc lột nhân dân lao động chính quốc, đồng thời đô hộ đàn áp các nước thuộc địa. Về kẻ thù của cách mạng Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930 đó là: thực dân Pháp và bọn phong kiến. Đồng thời phân tích rõ mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc để lôi kéo, đoàn kết tập trung mọi lực lượng tiến hành cách mạng, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của giai cấp vô sản, nhân dân lao động.

Thứ hai, Sơ thảo luận cương của Lênin chỉ rõ cho Nguyễn Ái Quốc thấy động lực to lớn và lực lượng chính của cách mạng đó là giai cấp công nhân và nông dân. Từ ý chí tìm lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, từ thực tiễn hoạt động cách mạng, thấy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong các cuộc đấu tranh nhất là cuộc cách mạng tháng Mười Nga, lại được lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin soi đường, Nguyễn Ái Quốc đã xác định động lực của cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân và nông dân: “công nông là gốc cách mạng; còn học trò, địa chủ nhỏ nhà buôn nhỏ…là bầu bạn cách mạng của công nông”(6). Đồng thời công - nông cũng là lực lượng nòng cốt của cách mạng.

Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Sơ thảo luận cương của Lênin đã vạch ra đó là: Con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người. Đây cũng là nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam.Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin", Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo:Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(7). Khi ủng hộ Quốc tế III, tin theo Lênin Người vẫn chưa thực sự hiểu về cách mạng tháng Mười Nga, càng chưa thể hiểu được những học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin là gì. Nhưng sau khi đọc Sơ thảo luận cương của Lênin, Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" (8).

Thứ tư, Sơ thảo luận cương của Lênin đã chỉ ra tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa, mối quan hệ và đặc điểm giữa cách mạng chính quốc với các nước thuộc địa. Lênin viết: “…Đối với các quốc gia, dân tộc chậm tiến hơn…nhất thiết phải có sự giúp đỡ của các đảng cộng sản đối với phong trào giải phóng dân tộc dân chủ tư sản của những nước ấy; công nhân của một nước đang thống trị một dân tộc chậm tiến về mặt thuộc địa hoặc về mặt tài chính phải có nhiệm vụ trước tiên ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của dân tộc ấy!”(9). Lênin là người đã phát hiện ra vai trò to lớn của cách mạng thuộc địa, và Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận một cách sâu sắc. Tại Đại hội lần thứ I của Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi vô sản các nước đoàn kết lại. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng năm 1930 Nguyễn Ái Quốc viết: “Phải thực hành liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp(10).

Từ hành trang để người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là lòng yêu nước thiết tha cùng với sự hấp dẫn của những tư tưởng tự do bình đẳng, bác ái của các nhà khai sáng Pháp mà Người đã tình cờ đọc được khi học ở trường tiểu học Pháp. Điều này đã được Người nói rõ khi trả lời phỏng vấn tạp chí Ngọn lửa nhỏ vào năm 1923 của Liên Xô: “Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe về những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái – đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng đều được coi là người Pháp – thể là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ngữ ấy(11). Rõ ràng trước khi đi ra nước ngoài, Người đã nhận thức được rằng: "Cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải, mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khac là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng" (12). Sau 9 năm gian khổ đi tìm chân lý Người đã tìm thấy trong Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa của Lênin: “Một học thuyết thực sự cách mạng, vô cùng phong phú và có tính chất phổ biến. Những nguyên tắc cơ bản của học thuyết này đều phù hợp với các nước tư bản phát triển và các nước tư bản lạc hậu ở phương Đông”(13).
Như vậy, sau khi nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng Sơ thảo luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cách mạng giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những lý luận cách mạng cách mạng đó được hiện thực hóa trong quá trình hoạt động thực tiễn tiếp theo của Người. Đặc biệt là trong công cuộc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, để chuẩn bị những tiền đề về tổ chức, lãnh đạo, lực lượng cách mạng thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Chú thích:

(1) Hồ chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t2, tr274.

(2) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H.1975, tr33.

(3) Hồ chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t12, tr417.

(4) (12) PGS.TS Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam (1921-1930), H.2009.

(5) Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát.xco-va, 1978, tập 41, tr198.

(6) Lênin toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Matxcova, 1978, t41, tr 203.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t12, tr417.
(8) H
ồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t9, tr314.

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 2, trang 266
(10) 
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, t2, tr266.

(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t1, tr477.

(13) Ecobelep, Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Tiến Bộ, Matxcova, 1985, tr69.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)