slider
Phát triển kinh tế số

“Lịch sử nước ta” với việc dạy và học lịch sử hiện nay

06 Tháng 07 Năm 2024 / 425 lượt xem

ThS. Nguyễn Văn Dương

PGĐ. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Năm 1941, trước những chuyển biến của tình hình thế giới, nhận rõ tình thế khẩn trương của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị lần thứ Tám (VIII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941), xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết nhất của cách mạng nước ta lúc này. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, phải tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính là phát xít Nhật - Pháp; thành lập Mặt trận Việt Minh, thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương; tiến tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, xúc tiến thành lập và phát triển lực lượng vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; đồng thời giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia, v.v.. Ngay sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư Kính cáo đồng bào, kêu gọi 20 triệu con Lạc cháu Hồng hãy nêu cao truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, đoàn kết toàn dân đánh đuổi Pháp - Nhật. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng... giành tự do độc lập”. Có thể nói tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong thư Kính cáo đồng bào, cũng như trong các văn kiện của Hội nghị lần thứ Tám (VIII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) là sự tiếp nối và phát triển cao của tư tưởng độc lập tự do và đại đoàn kết toàn dân của Người được nêu lên trong các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1927) và các văn kiện chính trị của Hội nghị thành lập Đảng (1930). Đây là sự phát triển sáng tạo về tư tưởng, lý luận và thực tiễn về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa trong điều kiện và hoàn cảnh mới của thời đại. Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh còn viết tác phẩm Lịch sử nước ta với nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hội, đoàn thể cứu quốc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc. Đến nay, hơn 80 năm ra đời, tác phẩm “Lịch sử nước ta” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, nhất là đối với việc dạy và học lịch sử.

Tác phẩm “Lịch sử nước ta” gồm 208 câu lục bát; tiếp sau đó là niên biểu nước ta được Người đặt dưới tên gọi Những năm quan trọng, gồm 30 cột mốc, bắt đầu từ Hồng Bàng - năm 2879 trước Tây lịch và kết thúc là dự báo tài tình: “Việt Nam độc lập - 1945”, xuất bản lần đầu vào tháng 2/1942, do Việt Minh tuyên truyền bộ ấn hành. Nội dung tác phẩm nêu bật tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc qua các triều đại, ca ngợi những anh hùng dân tộc trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. “Lịch sử nước ta” là tác phẩm có giá trị đặc biệt đứng về phương diện sử học bởi đây là lần đầu tiên lịch sử Việt Nam được đánh giá theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tác giả Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên những quan điểm có tính nguyên tắc chỉ đạo làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng lý luận của Đảng. Người đã khái quát và coi lịch sử là một nguồn tư liệu vô giá, là động lực góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”(1).

Với phong cách diễn đạt độc đáo, Nguyễn Ái Quốc đã dùng những từ ngữ phổ thông, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, ca ngợi, tri ân, vinh danh các triều đại vua chúa, các đấng anh hùng có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài thù trong, mở mang bờ cõi như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Nam Hán để lại “tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”, Bà Triệu khởi nghĩa chống quân Ngô, Lý Bôn đánh Tàu “lập nên triều Lý sáu mươi năm liền”, Mai Thúc Loan chống nhà Đường, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, “ra tài kiến thiết kinh dinh”, Lê Đại Hành “đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành”; “đời Trần văn giỏi võ nhiều” đã 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Khi quân Minh đô hộ nước ta, Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã “Đánh 20 vạn quân Minh tan tành, Mười năm sự nghiệp hoàn thành…”. Đặc biệt, trong 208 câu diễn ca, Nguyễn Ái Quốc đã tâm huyết viết về thời đại Quang Trung - Nguyễn Huệ 40 câu. Thông qua việc điểm lại những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược với những tên tuổi tiêu biểu, Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thời nào đất nước ta cũng xuất hiện những nhân tài có công trị nước yên dân, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Đặc biệt là những khi đất nước bị xâm lăng, từ những người nông dân áo vải bình dị đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt có lòng yêu nước nồng nàn, có tài cầm quân thao lược giữ yên bờ cõi, trở thành tấm gương sáng, để lại tiếng thơm cho muôn đời. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng nghiêm khắc phê phán một số triều đại thoái vị cướp ngôi, tạo nên cảnh chia cắt “Lê Nam - Mạc Bắc”; “Trịnh Bắc - Nguyễn Nam”; “Nam - Bắc phân tranh”; “Vua Lê chúa Trịnh”;… cõng rắn, cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ, gây nên thảm cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt, kéo dài hàng thế kỷ, làm chậm quá trình phát triển của đất nước trong một thời gian dài.

Từ trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học xuyên suốt là anh hùng làm nên sự nghiệp cao cả vì biết dựa vào dân, tuy đánh giá cao vai trò của cá nhân, song vẫn khẳng định vai trò quyết định của nhân dân. Người nhấn mạnh khi nào đoàn kết được lực lượng yêu nước chung quanh tướng lĩnh trung quân ái quốc, lấy quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy thì sẽ đánh đổ giặc ngoại xâm và tay sai của chúng: Đó là sự kiện năm 40-43, Trưng Vương khởi binh đánh quân Mã Viện chiếm đất Giao Chỉ: “Quân Tàu nhiều kẻ tham lam - Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?- Hai Bà Trưng có đại tài - Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian - Ra tay khôi phục giang san - Tiếng thơm dài tạcđá vàng nước ta”; Sự kiện năm 939, Tiền Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa thành đã giải phóng nước nhà khỏi ách Bắc thuộc với ý chí cùng quân dân dựng nghiệp lâu dài: “Ngô Quyền quê ở Đường Lâm - Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”; Sự kiện năm 1427, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, “mặc dầu tướng ít binh đơn” nhưng “Vì dân hăng hái kết đoàn - Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng”.

Ngược lại, nếu vương triều nào, cá nhân nào không đoàn kết được sức mạnh của quần chúng thì kết cục chỉ là thất bại: Đó là sự kiện năm 722 Mai Hắc Đế khởi nghĩa chống nhà Đường nhưng “Vì dân đoàn kết chưa sâu – Cho nên thất bại trước sau mấy lần”; sự kiện năm 1802-1888, nhà Nguyễn Thế Tổ lên ngôi vua là Gia Long truyền nghiệp đến đời vua thứ 7 là Đồng Khánh thì “Trung kỳ cũng mất Bắc kỳ cũng tan! - Ngàn năm gấm vóc giang san - Bị vua nhà Nguyễn đem hàng cho Tây! - Tội kia càng đắp càng dầy - Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”.

Bên cạnh việc đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng rất nhạy bén với sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế, sớm nhận ra thời cơ cách mạng trong bối cảnh thực dân Pháp bị mất nước, phát xít Nhật mới sang đô hộ nước ta:

“Ấy là nhịp tốt cho ta, Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”(2).

Người kêu gọi nhân dân ta, từ trẻ đến già xây dựng tình đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh để giành độc lập: “Chúng ta có Hội Việt Minh Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh. Mai sau sự nghiệp hoàn thành Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng. Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”(3).

Phần cuối tác phẩm “Lịch sử nước ta” là mục “Những năm quan trọng”, ghi lại những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc diễn ra “trước Tây lịch, sau Tây lịch” kết thúc bằng mốc lịch sử 1945: Năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập. Đây là một dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dự báo này không phải là nhận định mang tính duy tâm, huyền bí mà xuất phát từ việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của cách mạng, nắm bắt chính xác xu thế vận động của lịch sử, dựa trên các cứ liệu khoa học mà lịch sử mang lại.

Ngày nay, những chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với việc dạy và học Lịch sử. Trong những năm qua, việc dạy và học Lịch sử đã đạt được những thành tựu nhất định, niềm đam mê lịch sử chưa bao giờ cạn trong huyết quản của thầy và trò. Tuy nhiên, việc dạy và học Lịch sử trong các nhà trường hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập như sách giáo khoa Lịch sử còn nặng về lý thuyết và sự kiện, phương pháp giảng dạy của giáo viên còn chậm đổi mới, truyền thụ một chiều; học sinh thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức, một bộ phận học sinh học đối phó, ngại học, chán học Lịch sử, thái độ của xã hội đối với môn Lịch sử chưa đầy đủ, đúng đắn… Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn dạy và học Lịch sử hiện nay chúng ta cần thực hiện ngay những nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của môn Lịch sử, quán triệt và thực hiện tốt tinh thần “lịch sử là môn học bắt buộc” trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là căn cứ quan trọng để cho mỗi người công dân tương lai “tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bộ Giáo dục và đào tạo cần sửa đổi chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp, môn Lịch sử cần phải thiết kế lại theo nguyên tắc giáo dục cấp trung học phổ thông bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Hai là, viết lại các bộ sách giáo khoa theo hướng mạnh dạn đổi mới ngay từ quan điểm, mục đích viết. Phương pháp viết sử chân thực, sống động, như chính thời đại đã làm nên Lịch sử, diễn đạt sinh động để thổi hồn của cha ông, của dân tộc lắng đọng trong lịch sử vào trái tim, khối óc của thế hệ trẻ. Rà soát, loại bỏ những sự kiện, bài học không đúng sự thật lịch sử. Trong sách giáo khoa cần đưa nhiều hình ảnh, bản đồ…minh hoạ, in màu sắc sinh động gây hứng thú cho học sinh, nên in đĩa đi kèm để học sinh được tiếp cận thông tin phong phú.

Những nhân tố mang tính biểu tượng cao như Hồ Chí Minh, Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, … cần được đưa vào sách với nhiều dữ liệu hơn. Nên làm sách giáo khoa điện tử để học sinh học tập thuận tiện.

Ba là, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên giảng dạy Lịch sử. Coi đây là yếu tố quyết định chất lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử.

Khuyến khích nhà giáo tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng những phương pháp dạy học tối ưu, trong đó cần đặc biệt chú ý sử dụng phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Kết hợp khai thác sử dụng công nghệ thông tin như một phương tiện hỗ trợ hữu hiệu. Giáo viên nên chọn lọc và đăng tải trên trang cá nhân của mình những thông tin, kiến thức, những hình ảnh, bộ phim tư liệu dễ học, dễ nhớ về liên quan những tiết học Lịch sử trên lớp. Mạng xã hội của các thầy cô dạy sẽ là phương tiện để các em tin tưởng đọc, học và sẻ chia. Đồng thời trong giảng dạy, giáo viên chú ý lồng ghép những câu chuyện liên quan đến nhân vật, sự kiện, tạo hứng thú cho học sinh.

Bốn là, đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo hướng kết hợp các hình thức tự luận và trắc nghiệm, dù là bài kiểm tra thường xuyên hay kiểm tra định kỳ. Ra đề kiểm tra đánh giá, phù hợp và có phân loại, khuyến khích các câu hỏi vận dụng kiến thức theo hướng mở. Đó là cơ hội để học sinh thể hiện khả năng tư duy và năng lực nhận thức lịch sử, có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến.

Năm là, khuyến khích học sinh chuẩn bị bài trước khi lên lớp, phát huy ý thức tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Nhà giáo phải thường xuyên kiểm tra để đưa học sinh vào nền nếp, coi việc chuẩn bị bài là việc tất yếu phải làm. Tăng cường hướng dẫn học sinh làm việc theo nhóm, giao cho nhóm học sinh sưu tầm và làm bài tập theo dạng đề tài khoa học với yêu cầu ở mức độ vừa phải, hướng dẫn học sinh lên mạng tìm kiếm thông tin, sau đó cho thuyết trình, tranh luận… điều đó sẽ giúp học sinh có kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin và sẽ học tốt môn Lịch sử. Có các hình thức khen thưởng phù hợp để động viên, khuyến khích học sinh tự giác học tập. Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, khó dự báo, bài học rút ra là chúng ta phải luôn ghi nhớ lịch sử, học tập và vận dụng thành công những kinh nghiệm quý báu của cha ông, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước, nhất là trong dạy và học lịch sử, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thể sánh vai với các nước cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Chú thích:

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.259. 2. Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.265. 3. Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.266.
  2. Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.265.
  3. Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.266.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)