slider

Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản (Quốc tế cộng sản III)

21 Tháng 05 Năm 2014 / 55743 lượt xem

ThS Nguyễn Thị Bình

Phòng TT-GD

Tháng 3-1919, tại Mátxcơva, Lênin và các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân các nước trên thế giới đã thành lập Đệ Tam Quốc tế (Quốc tế III). Sự ra đời của tổ chức cách mạng này đã kế tục tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, mang lại cho sự nghiệp cách mạng vô sản và giải phóng dân tộc trên thế giới sức mạnh với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”. Quốc tế Cộng sản cũng đã trở thành hậu thuận vững chắc cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, một chi bộ của Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người liên lạc của Quốc tế Cộng sản với cách mạng Việt Nam.

Sự thành lập Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, góp phần đẩy nhanh sự hình thành các Đảng Cộng sản ở nhiều nước. Trong thời gian tồn tại của mình, Quốc tế Cộng sản đã tiến hành 7 kỳ đại hội. Từ Đại hội I đến Đại hội IV do Lê nin trực tiếp lãnh đạo, Đại hội V đến Đại hội VII do Xtalin lãnh đạo.

Từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 tại Pêtơrôgrát và Mátxcơva, Đại hội II Quốc tế Cộng sản diễn ra với 217 đại biểu của 67 tổ chức ở 37 nước tham dự. Đại hội diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga đã thúc đẩy cao trào cách mạng thế giới đạt tới đỉnh cao, một loạt Đảng Cộng sản ra đời. Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng như Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; Điều kiện kết nạp vào Quốc tế Cộng sản; Vấn đề thành lập và củng cố các Đảng Cộng sản kiểu mới... Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa xác định lập trường giai cấp vô sản với nông dân và nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa, xác định ''cương lĩnh ruộng đất của chuyên chính vô sản''. Đề cương kêu gọi Đảng Cộng sản các nước giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc và với sự giúp đỡ của các nước vô sản tiên tiến, các nước lạc hậu có thể đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Sau Đại hội II của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đã được đọc bản Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo) số 16 và 17-7. Nguyễn Ái Quốc đã đọc đi đọc lại văn kiện này và thấy rằng Quốc tế Cộng sản đã thừa nhận việc đấu tranh giành độc lập dân tộc là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác. Nói về khoảnh khắc bắt gặp chân lý của cuộc đời, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của V.I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(1).

Từ đó, Lê nin và Quốc tế III là nguồn động lực tinh thần cho Nguyễn Ái Quốc tiếp bước vững chắc trên con đường đã được định hướng rõ ràng. Với tinh thần ấy, Nguyễn Ái Quốc vững tin đến Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, khai mạc ngày 25-12-1920 tại thành phố Tua - Đại hội quyết định bước chuyển căn bản theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc là người dân thuộc địa duy nhất, người Đông Dương duy nhất trong đoàn đại biểu các đảng bộ thuộc địa gồm 8 người (7 đại biểu khác của các thuộc địa đều là người Pháp). Việc Nguyễn Ái Quốc tham gia sang lập Đảng Cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản là sự kiện có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại, một đại diện của giai cấp công nhân và dân tộc thuộc địa tham gia sáng lập Đảng tiên phong của giai cấp công nhân ở một đế quốc lớn đang áp bức dân tộc mình. Thông qua Nguyễn Ái Quốc, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam và giai cấp công nhân Pháp hợp thành một mặt trận chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Điều này còn mang ý nghĩa tượng trưng cho xu hướng cách mạng thế giới- tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới theo khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế Cộng sản.

Là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, từ năm 1921 đến 1923,  Nguyễn Ái Quốc say mê nghiên cứu lý luận của Lê-nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản trên tất cả các vấn đề đấu tranh cách mạng, đặc biệt là vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia tích cực mọi hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện lý luận và các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản. Ngày 26-6-1921, được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp, sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các chiến sĩ chống thực dân thuộc nhiều quốc gia khác nhau đang sống ở Pari, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức cuộc họp thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Xét theo chương trình và Điều lệ của nó, Hội liên hiệp thuộc địa là hình thức liên minh của các dân tộc bị áp bức lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và là một hình thức có một không hai ra đời tại trung tâm của chính quốc đang thống trị họ. Hình thức này chỉ ra đời sau năm 1920, tức là sau khi Quốc tế Cộng sản có những văn kiện về các vấn đề dân tộc và thuộc địa . Đặc biệt,  Đại hội III Quốc tế Cộng sản họp từ 22-6 đến 12-7- 1921 tại Mátxcơva đã coi sách lược lập Mặt trận thống nhất là phương pháp chủ yếu để mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản trong quần chúng. Đến Đại hội IV Quốc tế Cộng sản diễn ra từ ngày 5-11 đến 5- 12-1922, đề cương về Mặt trận thống nhất công nhân do Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản soạn thảo được xác nhận. Sự ra đời của tổ chức mang tính chất mặt trận sơ khai này là kết quả của những cuộc vận động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, của sự đồng tình ủng hộ của những người macxit chân chính để đưa lý luận của Quốc tế Cộng sản vào thực tiễn đấu tranh. Với nỗ lực của Ban chấp hành Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, đặc biệt là của Nguyễn Ái Quốc, ngày 1-4-1922, báo Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội được xuất bản. Đây là kênh tuyên truyền rất hiệu quả và thiết thực tới các dân tộc thuộc địa trong đó có Việt Nam. Cũng từ đây, tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc càng nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn như nhà cách mạng Nguyễn An Ninh từng nói: “Chính anh Nguyễn Ái Quốc đã làm tôi hăng hái cách mạng. Tôi hoàn toàn tán thành đường lối của Quốc tế đệ tam và tôi luôn coi anh Nguyễn Ái Quốc là một người dẫn đường cho tôi”(2).

Những hoạt động xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao và cử Người đi dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va từ ngày 17- 6 đến ngày 8-7-1924. Trong Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận về hoạt động của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, vấn đề dân tộc và thuộc địa và vấn đề ruộng đất. Nguyễn Ái Quốc còn đưa ra trước Đại hội những đề nghị cụ thể mà theo đồng chí thì nếu thực hiện được sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng Cộng sản Pháp trong việc đẩy mạnh hoạt động về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đại hội đã cử Nguyễn Ái Quốc làm Ủy viên Ủy ban thường trực các thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Tại trung tâm của Quốc tế Cộng sản đã diễn ra “cuộc gặp gỡ kỳ thú” giữa Quốc tế Cộng sản, một tổ chức đang cần gây ảnh hưởng, gây cơ sở ở Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc, người đang muốn mở đường đưa chủ nghĩa Mác- Lenin đến với nước mình. Qua các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, nhiều văn kiện của Quốc tế Cộng sản được chuyển về Đông Dương. Như vậy, có thế nói, con đường đưa chủ nghĩa Mác- Lênin từ Matxcova, từ Quốc tế Cộng sản đã được khai thông mà Người khai mở con đường đó chính là Nguyễn Ái Quốc.

Để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, Quốc tế Cộng sản thành lập những trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin cho các nước phương Đông trong đó có Quảng Châu- Trung Quốc. Trong một buổi tiếp thân mật Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Manuinxki- ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đã thông báo quyết định của Quốc tế Cộng sản cử Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu công tác nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Quảng Châu lúc này là trung tâm cách mạng của Trung Quốc. Tháng 11- 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc xây dựng tổ chức cách mạng theo từng bước - từ tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước đến việc thành lập Cộng sản đoàn làm hạt nhân, cuối cùng là thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và đặt nó trong mối liên hệ với cách mạng Đông Nam Á, tức là  thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông ( năm 1925). Các tổ chức này đã có nhiều công lao trong việc tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam. Tất cả những hoạt động này đều được Nguyễn Ái Quốc báo cáo về Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản, như trong bức thư đề ngày 22-12-1924 viết: “Tôi đã tổ chức được ở đây vài ba người Đông Dương mà tôi hy vọng có thể làm được một số việc” (3). Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được đường dây liên lạc với trong nước và Quốc tế Cộng sản.

Năm 1928, sau Đại hội VI, nhiều văn kiện của Đại hội được đưa vào Việt Nam, trong đó có bản Đề cương về cách mạng giải phóng dân tộc được xem là một tài liệu có tác dụng chỉ đạo thiết thực đối với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.  Đề cương cho rằng: cách mạng vô sản có thể thắng lợi trước tiên ở một vài nước. Các nước lạc hậu, khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa với điều kiện là có sự giúp đỡ của nhà nước chuyên chính vô sản và phong trào công nhân quốc tế… Ở những nước thuộc địa và phụ thuộc, có thể làm cách mạng phản đế, phản phong, thiết lập chuyên chính vô sản khi cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới đã thắng lợi.  Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc sang hoạt động tại Xiêm (Thái Lan) – cơ sở thứ 2 Người chuẩn bị sau Quảng Châu. Một lý do không kém phần quan trọng là phòng Nam A của Quốc tế Cộng sản vừa mới được thành lập đặt trụ sở tại Băng Cốc và đang đợi Nguyễn Ái Quốc. Chính Quốc tế Cộng sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Ái Quốc bằng việc hợp thức hóa vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Quốc tế Cộng sản, thích hợp với những công việc đang cần được tiếp tục xúc tiến của Người.

Với sự truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin về Việt Nam, phong trào cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ, đưa đến sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản vào cuối năm 1929. Theo dõi sát sao tình hình cách mạng đang diễn ra ở Đông Dương, ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người cộng sản Việt Nam một Chỉ thị về việc thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất ở Đông Dương: “Nhiệm vụ quan trọng hơn hết và tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng sản Đông Dương là sáng lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản… Đảng ấy phải là một đảng độc nhất”(4). Vấn đề đặt ra lúc này là cần một người có đầy đủ uy tín trong công việc trọng đại này. Và một lần nữa, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện đúng lúc để thực hiện Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.

Đầu tháng 2-1930, Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là Ủy viên Đông Phương bộ, được Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm về Trung Quốc trực tiếp triệu tập Hội nghị Hương Cảng để thống nhất ba tổ chức Cộng sản thành một Đảng Cộng sản thống nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự hiện diện của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất đã diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (10-1930) quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản (1931) đã kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào hàng ngũ của mình là một thành viên chính thức.

Những năm tháng hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng để cống hiến với Quốc tế Cộng sản và chỉ đạo cách mạng ở Đông Dương sau này. Nguyễn Ái Quốc đã đi sâu nắm tình hình ở các thuộc địa, nắm quan điểm của các Đảng Cộng sản có liên quan đến vấn đề thuộc địa, tập hợp và cung cấp cho Quốc tế Cộng sản thêm nhiều tư liệu quý và những nhận xét sâu sắc. Nội dung ấy được trình bày trong các bài phát biểu ở Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, Đại hội lần thứ III Quốc tế Cộng sản đỏ v.v... cùng với vài chục bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí của Quốc tế Cộng sản (Thư tín Quốc tế, Quốc tế Cộng sản) và báo chí của các đoàn thể quốc tế (Quốc tế Nông dân, Quốc tế Công hội đỏ, Nữ Công nhân).

Những năm tháng hoạt động sôi nổi và những người bạn cộng sản chân tình đã Nguyễn Ái Quốc vượt qua giai đoạn gian khó từ 1931 đến 1940 (đặc biệt là thời gian từ 1934-1938) trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đây là thời kỳ thể hiện nổi bật bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh. Tháng 8-1935, đúng ra Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva “với tư cách là đại biểu của Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản”. Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề nghị đại biểu chính thức Nguyễn Ái Quốc dự  Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và là đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản nhưng không được chấp nhận. Người chỉ được tham gia Đại hội với tư cách là đại biểu tư vấn và được cấp thẻ mang số đăng ký 154. Trong thời gian diễn ra đại hội, Nguyễn Ái Quốc được Trường Quốc tế Lênin cho nghỉ học 1 tháng để tham gia dịch và in ấn sang tiếng Việt những văn kiện của Đại hội VII. Người vẫn tận tình giúp đỡ các thành viên trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương sang Mátxcơva dự Đại hội lần thứ VII, cũng như tổ chức chu đáo cho chuyến trở về Tổ quốc, mang theo tinh thần và Nghị quyết mới của Quốc tế Cộng sản về chống nguy cơ chiến tranh phát xít, chiến tranh xâm lược, đặc biệt là phải hình thành một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc, đòi dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Tâm điểm chú ý nhất của giai đoạn này là việc thành lập Ban Thẩm Tra Vụ Việc Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản vào tháng 2- 1936. Đây được xem là trung tâm thu hút mọi vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc đời, sự nghiệp, vận mệnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Đây cũng là một giai đoạn lịch sử phức tạp, căng thẳng khi mà Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đến gần, các nước tư bản thù địch đang bao vây quyết tiêu diệt chính quyền Xô Viết ở nước Nga, nội bộ Quốc tế Cộng sản do nhiều lý do khách quan và chủ quan, gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Trong bối cảnh lịch sử đó Đảng Cộng sản Đông Dương phải trải qua những ảnh hưởng khác nhau về quan điểm tư tưởng và đường lối cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc lúc này đang là học viên Trường đại học Đông Phương, nhưng lại là tâm điểm chú ý của dư luận trong nội bộ Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, bởi “nghi án” của những vụ việc trước đây như sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với tên gọi và Chính cương, Sách lược vắn tắt tập hợp địa chủ và tư sản dân tộc là động lực của cách mạng giải phóng dân tộc. Một loạt dấu hỏi về vụ án Hương Cảng: Vì sao chịu án phạt nhẹ? bằng con đường nào để đến được Liên Xô?… Thời điểm đó bị cho rằng là sai lầm, hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng tiểu tư sản… Thời kỳ này là thời kỳ khó khăn nhất của Nguyễn Ái Quốc, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng Người đã vượt qua. Và trong lúc khó khăn nhất, bên cạnh Nguyễn có những người bạn, người đồng chí hết lòng giúp đỡ, như Vaxiliepna, Lê Hồng Phong, Vaillant Couturier, Manuinxki, Radumopva…

Vượt qua bao khó khăn thử thách, năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Lúc này, ở trong nước, kẻ thù đàn áp cách mạng rất ác liệt. Ở ngoài nước, chiến tranh lan rộng, nên sự liên lạc giữa Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản bị gián đoạn. Tuy vậy, Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, các Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản sau đó vẫn soi sáng cuộc đấu tranh cách mạng tiến lên giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc và phát xít. Trước bối cảnh quốc tế và sự phát triển của các Đảng Cộng sản, năm 1943, Quốc tế Cộng sản tuyên bố giải tán, nhưng tinh thần và truyền thống vẻ vang của Quốc tế Cộng sản vẫn được Đảng ta, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc tiếp tục kế thừa và phát huy, đưa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công trong cả nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp vẻ vang của phong trào cách mạng thế giới.

Chú thích:

1 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 10, trang 127.

2 Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lenin ở Việt Nam (1921- 1930), Nxb Thông tin lý luận, H. 1990, tr.73.

3 Hồng Hà, Bác Hồ trên đất nước Lê nin, Nxb Thanh niên, H.1980, tr.154.

4 Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H. 1970, tr. 53.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)