slider

Nguyễn Ái Quốc và Đại hội VII Quốc tế cộng sản

08 Tháng 01 Năm 2016 / 57867 lượt xem
 Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng HC-TH
Sau khi bị bắt ở số nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long, Hương Cảng năm 1931 và bị giam ở nhà tù Victoria, nhờ sự giúp đỡ tận tình của vợ chồng luật sư Lôdơbi và những người đồng chí, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do. Từ Hồng Kông, Người tới Hạ Môn, Thượng Hải và đầu năm 1934, trên một chiếc tàu buôn Liên Xô, Người đã đến Vladivostock. Trở lại đất nước của Lênin, Người xúc động nói: “Ba năm lưu lạc linh đinh - Nay đã trở lại trong đại gia đình công nông”. Nhưng niềm vui không được bao lâu, Nguyễn Ái Quốc phải đối diện với mối nghi ngờ trong Quốc tế Cộng sản về lý do tại sao lại được thực dân Anh trả tự do quá dễ dàng, Người cũng bị đánh giá là mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc. Đầu năm 1935, một lá thư gửi Vụ Hải ngoại Quốc tế Cộng sản (QTCS) thậm chí đã đề nghị: “Về vấn đề liên quan đến Quốc, thì trong vòng hai năm, đồng chí ấy phải nghiêm túc tu dưỡng bản thân trong học tập và không bố trí công tác khác. Sau khi kết thúc học tập, chúng ta sẽ có kế hoạch giao công việc riêng”(1). Trong hoàn cảnh “không hoạt động gì”, “đứng ngoài Đảng”, không được giao nhiệm vụ quan trọng nào, Nguyễn Ái Quốc vẫn đặc biệt quan tâm đến phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, nói như đồng chí Hải An (Lê Hồng Phong) là: Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng ở bất kỳ hoàn cảnh và môi trường nào. Chính những năm tháng buộc phải ẩn mình trước nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm ấy đã góp phần khắc họa nổi bật hơn nữa bản lĩnh cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Tháng 6/1934, đồng chí Vaxilieva, cán bộ của QTCS là người đã trực tiếp đón Nguyễn Ái Quốc trong những ngày đầu tiên trở về Liên Xô. Sau gần hai năm bị giam giữ trong tù, một năm không bắt được liên lạc với tổ chức, luôn bị ốm đau cùng những lo nghĩ, suy tính về phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc gần như kiệt sức. Dù Nguyễn Ái Quốc vẫn muốn nhận công tác ngay, nhưng QTCS thu xếp để Người nghỉ an dưỡng ở Sochi bên bờ biển Đen. Mùa thu năm 1934, QTCS ra Quyết định số 45 cử Người đi học tại Trường Bồi dưỡng Lý luận quốc tế mang tên Lênin, đăng ký trong danh sách sinh viên số hiệu 375, bí danh Lin, niên khóa 1934-1935.
Ngày 16/1/1935, Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông, ký tên Lin, nêu lên tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đại đa số cán bộ Đảng Cộng sản ở Đông Dương và những vấp váp, sai lầm, bế tắc của họ do “trình độ lý luận và chính trị rất thấp” gây nên. Người yêu cầu Ban Phương Đông “phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thu được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có” và nêu tên 30 loại sách, tài liệu cần xuất bản viết về các vấn đề sau đây: Tuyên ngôn Cộng sản, Đảng Cộng sản và tổ chức của Đảng, Lịch sử Quốc tế Cộng sản, Luận cương và Nghị quyết về vấn đề thuộc địa của Quốc tế Cộng sản... Theo Người, đó là “biện pháp duy nhất có hiệu quả” để nhanh chóng chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận cách mạng nói trên. Kết luận, Người nhấn mạnh, đối với những đồng chí ở các nước thuộc địa như Đông Dương, mà ở đây Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ văn hoá của những người lao động còn thấp, thì những quyển sách nhỏ này rất có ích.
Năm 1935, trong thời gian Nguyễn Ái Quốc học tập tại trường Quốc tế Lê nin, diễn ra một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của những người cộng sản quốc tế là Đại hội VII QTCS. Đại hội lần này đã vạch rõ cho Nguyễn Ái Quốc những phương hướng cụ thể liên quan đến cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đại hội lần thứ VII của QTCS có sự tham dự của nhiều đoàn đại biểu Đảng Cộng sản từ các nước trên thế giới, trong đó có đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương gồm 3 đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Hưu. Biết tin đoàn tới Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã đến gặp gỡ, thăm hỏi, thông báo tóm tắt tình hình Liên Xô, nhắc các đồng chí chú ý giữ sức khỏe và dặn phải đổi tên. Trong thời gian Đại hội chưa họp, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu hai đồng chí Minh Khai và Tú Hưu vào học văn hóa và chính trị ở lớp đặc biệt của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Được QTCS phân công phụ trách nhóm Việt Nam, Người tận tình giúp đỡ, chỉ bảo, truyền đạt những kiến thức lý luận và thực tiễn cho các cán bộ, đảng viên. Mỗi khi làm việc, Người luôn giữ đúng nguyên tắc, đúng lời hẹn, giảng giải ngắn gọn, rõ ràng. Tất cả các học sinh Việt Nam tìm thấy ở tác phong đó của Người những biểu hiện sinh động của tính kỷ luật, tính tổ chức và một tinh thần tự chủ rất cao.
Ngày 25/7/1935, Đại hội lần thứ VII QTCS khai mạc với 513 đại biểu thay mặt cho 3.140.000 đảng viên của 76 tổ chức đảng và tổ chức cộng sản trên khắp thế giới tham dự. Trước đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đề nghị đại biểu chính thức Nguyễn Ái Quốc dự  Đại hội và là đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh QTCS nhưng không được chấp nhận. Người chỉ được tham gia với tư cách là đại biểu tư vấn và được cấp thẻ mang số đăng ký 154. Bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ  VII QTCS của Người như sau:
1. Quê quán: Đông Dương.
2. Họ, tên, bí danh trong Đảng hiện nay: Teng Man Huon.
3. Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin.
4. Dân tộc: Đông Dương.
5. Tuổi: sinh năm 1900, 35 tuổi.
6. Thành phần xuất thân: Gia đình trí thức.
7. Trình độ học vấn: tự học.
8. Đã học trường Đảng chưa? Từ năm nào đến năm nào?: Đang học Trường Quốc tế Lênin.
9. Nghề nghiệp, đã làm bao nhiêu năm?: thuỷ thủ, làm thuê 10 năm.
10. Phương tiện sinh sống hiện nay: sinh viên Trường Quốc tế Lênin.
11. Đã tham gia những bộ phận nào của Quốc tế Cộng sản? Từ năm nào đến năm nào?
- Từ năm 1921 - 1930 tham gia Đảng Cộng sản Pháp.
- Từ năm 1930 đến nay là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
12. Có tham gia các đảng phái nào khác? Từ năm nào đến năm nào?: không.
13. Những công tác Đảng đã và đang tham gia từ Đại hội VI Quốc tế Cộng sản?
- Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm.
- Năm 1930 - 1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương.
14. Có bị bắt vì hoạt động cách mạng không? Bao nhiêu năm bị tù đày?
- Năm 1931 bị bắt, bị tù 2 năm.
- Năm 1933 ra khỏi tù.
15. Đã tham gia những Đại hội, những Hội nghị quốc tế nào? (Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Công đoàn...).
- Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản với tư cách đại biểu... và Đại hội quốc tế Công đoàn.
16. Từ nước mình hay nước ngoài đến (Liên Xô)?
- Từ nước ngoài (Trung Quốc).
17. Có là thành viên của nghị viện, cơ quan hành chính nào không?
- Không.
Ký tên: Lin
Trong thời gian diễn ra Đại hội, Nguyễn Ái Quốc được Trường Quốc tế Lênin cho nghỉ học một tháng, tham gia dịch và in ấn sang tiếng Việt những văn kiện của Đại hội. Để giúp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương có bài tham luận tốt trước Đại hội, Người đã cùng các thành viên nghiên cứu, trao đổi ý kiến về các mặt tình hình và vấn đề cần nêu cho phù hợp với xu thế mới của phong trào chung. Tại phiên họp bế mạc, Đại hội chuẩn y Quyết định Ban Chấp hành QTCS đã thông qua từ năm 1931, công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ của QTCS và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành QTCS. Từ đây, phong trào cộng sản Đông Dương đang lớn mạnh đã có đại biểu ở cơ quan lãnh đạo của tổ chức QTCS. Trong phiên họp tối 16/8, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu về cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương trước nguy cơ phát xít đang lên.
Đối với Nguyễn Ái Quốc và các bạn chiến đấu của Người, Đại hội VII đặc biệt quan trọng ở chỗ: Đại hội vạch rõ kẻ thù chính trước mắt của nhân dân thế giới lúc này không phải là chủ nghĩa tư bản quốc tế nói chung mà là chủ nghĩa phát xít với bản chất là chế độ độc tài khủng bố. Đại hội cũng nêu lên những nhiệm vụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước hiểm họa phát xít ngày một tăng. Đại hội bác bỏ luận điểm tả khuynh trước đây cho rằng cần phải thực hiện “cách mạng công nông”, lập “Chính phủ Xô – viết” ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, những việc làm này là quá sớm đối với phần lớn các nước và có nghĩa là đánh giá không đúng mức những nhiệm vụ chống đế quốc của các dân tộc. Đại hội chỉ ra rằng, đối với phần lớn các nước thuộc địa và nửa thuộc địa thì bước đầu tiên của cách mạng dân tộc thực sự tất yếu phải là giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, chĩa mũi nhọn vào bọn áp bức đế quốc; sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu gác sự nghiệp giải phóng dân tộc cho đến lúc mọi điều kiện để chính quyền công nông giành được thắng lợi đã chín muồi. Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân chưa phải là đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh đế quốc, giành dân chủ và hòa bình, do đó các Đảng Cộng sản phải chuyển hướng hành động ngay cho kịp.
Đúng ở thời điểm phức tạp đầy biến động này của thế giới, Nguyễn Ái Quốc được làm việc ở trung tâm đầu não của phong trào cộng sản quốc tế nên có điều kiện tiếp thu từ ngọn nguồn những tư tưởng, đường lối mới do Đại hội vạch ra, đồng thời nhìn lại những công việc đã qua của Đảng trong nước để kịp thời vạch ra những chiến lược, sách lược cách mạng thích hợp với tình hình. Công việc cấp bách của những người cộng sản châu Á là cần thực hiện ngay Mặt trận thống nhất của công nhân và quần chúng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chống cuộc chiến tranh xâm lược mà chủ nghĩa phát xít đang điên cuồng chuẩn bị. Nguyễn Ái Quốc trao đổi với đồng chí Lê Hồng Phong khi về nước cần nhanh chóng phổ biến cho Trung ương Đảng tinh thần nghị quyết Đại hội, xuất phát từ tình hình cụ thể của Đông Dương, xem lại những nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất của Đảng, khắc phục tư tưởng “tả” khuynh, hẹp hòi, bảo thủ, chỉ chú trọng công tác không hợp pháp, chỉ biết quần chúng công nông mà không chịu vận động, tuyên truyền, hợp tác với các tầng lớp nhân dân rộng rãi khác, đồng thời đề phòng tư tưởng hữu khuynh trong cán bộ, đảng viên không tích cực đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Những luận điểm cơ bản của Đại hội VII đã trở thành ánh sáng dẫn đường cho phong trào cách mạng nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Kết luận của Đại hội về nguy cơ phát xít đã giúp cách mạng Việt Nam sau này vạch ra và thực hiện một cách triệt để lập trường có tính chất nguyên tắc đối với bọn quân phiệt Nhật đang mở rộng chiến tranh xâm lược xuống miền Nam Trung Quốc và có thể trở thành kẻ thù nguy hiểm của cách mạng nước ta.
Tình hình sôi động của thế giới mà Đại hội VII đã nêu cùng nhiệm vụ cấp bách bấy giờ khiến Nguyễn Ái Quốc nóng lòng muốn trở về Tổ quốc nhưng điều kiện lúc này chưa cho phép. Người tiếp tục công việc tại Trường Quốc tế Lênin, phụ giảng bộ môn về Đông Dương tại Trường Phương Đông và giúp đồng chí Vaxilieva trong công việc quản lý bộ phận Đông Dương của Ban Phương Đông QTCS. Cũng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã có Bức thư ngỏ gửi Mặt trận Bình dân Pháp bằng chữ quốc ngữ, đòi thực thi những Quyền cơ bản về tự do dân chủ (gồm 6 điều và quyền tự do tồn tại cho Đảng Cộng sản Đông Dương). Mặc dù tài liệu này không đề tên tác giả, nhưng hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp cho biết rõ bức thư này do chính Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Kết thúc khóa học ở Trường Quốc tế Lênin, Nguyễn Ái Quốc mong muốn được trở về nước hoạt động nhưng chưa được QTCS chấp nhận. Ngày 25/9/1935, Nguyễn Ái Quốc cùng với Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Hưu dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên. Trả lời phỏng vấn của nhà văn I. Êrenbua tại Đại hội, Người nói: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”. Mục tiêu kiên định của Người vẫn là: “Trở về nước, đi vào quần chúng, tổ chức đoàn kết nhân dân, huấn luyện nhân dân, đưa nhân dân ra đấu tranh giành độc lập, tự do”. Chưa có điều kiện về nước, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục theo dõi sát tình hình Việt Nam và quốc tế, tích lũy thêm những thông tin cần thiết để phục vụ đấu tranh cách mạng, mở mang tầm nhìn, tránh mắc vào chủ nghĩa hẹp hòi, chủ quan.
Với sự tin tưởng, giúp đỡ của những bạn bè – đồng chí chân thành, nhưng đầu tiên và quan trọng hơn cả là lý tưởng cách mạng trong sáng và nghị lực tinh thần đã giúp Nguyễn Ái Quốc luôn vững vàng, kiên định trong bầu không khí nghi ngờ bao trùm, trong những xáo động của QTCS, trong cuộc thanh trừng nội bộ căng thẳng ngay trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Thực tế, dù rất phiền lòng, nhưng Người chấp hành theo quyết định cấp trên, kiên trì chờ đợi và hy vọng. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô năm 1938 và những việc Người đã làm, những vấn đề thuộc về tư tưởng và lý luận Người nêu ra được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, thì những hoài nghi này mới thực sự khép lại. Sophie Quyn Judge trong “Hồ Chí Minh những năm tháng lưu lạc (1919-1941)” cũng nhận định: Khó có thể hình dung một người cộng sản lão làng như Hồ Chí Minh có thể lại tiếp tục hoạt động trong thời kỳ rối ren này. Sự tồn tại của ông qua những tháng năm tồi tệ nhất của cuộc thanh trừng, đã không chỉ chứng tỏ sự chịu đựng, mà còn chứng minh bản lĩnh cách mạng phi thường của Nguyễn Ái Quốc. Khoảng thời gian 5 năm thử thách chính trị tế nhị và phức tạp này giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong phong cách của Người, hiểu thêm một khía cạnh khác của chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta – một chiến sĩ tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Một buổi chiều se lạnh tháng 10/1938, tạm biệt Mátxcơva, với 5 năm sống giữa tình yêu thương đùm bọc của nhân dân Xô viết anh hùng, giữa tình đồng chí thân thiết của những chiến sĩ quốc tế, tạm biệt đất nước "thành trì" của phong trào cách mạng và hòa bình thế giới, nơi ngọn nguồn của những lý luận và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của kỷ nguyên cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc lại tiếp tục hành trình tìm đường về với Tổ quốc. Mỗi bước chân Người tìm về gần Tổ quốc là một bước cả dân tộc của Người gần hơn với bình minh độc lập, tự do, hạnh phúc.      
 
Chú thích:
1. Báo ANTG, ngày 6/12/2008, mục Tư liệu
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)