slider

"Điện Biên Phủ như một mộc chói lọi bằng vàng của lịch sử"*

20 Tháng 05 Năm 2014 / 3280 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Đến năm thứ 8 của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta, kẻ địch sa sút nghiêm trọng cả về tinh thần và lực lượng, quân ta bắt đầu chuẩn bị tổng phản công trên các mặt trận. Sau khi cân nhắc kỹ, so sánh tương quan lực lượng, Trung ương Đảng, Tổng quân uỷ quyết định mở chiến dịch Tây Bắc từ tháng 10- 12/1952 và giành được những thắng lợi quan trọng. Ngay sau thất bại đó, giới quân sự Pháp đã nghĩ đến việc chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi này trở thành lá chắn che chở cho Bắc Lào và bảo vệ Lai Châu. Tháng 5/1953, tướng Navarre được cử sang Việt Nam làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã đề ra một kế hoạch quân sự “chuyển bại thành thắng trong vòng 18 tháng” bằng cách: “Tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh, giữ thế phòng ngự trong chiến cuộc 1953- 1954, tránh giao chiến với chủ lực Việt Minh để bảo đảm an toàn và tăng cường sức mạnh cho quân đội viễn chinh và chuyển sang thế tấn công trong chiến cuộc 1954-1955, gây cho chủ lực Việt Minh những thất bại quân sự để có thể bắt buộc họ phải đi đến thương lượng hoà giải”(1). Trước ý đồ đó của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra phương hướng chiến lược của quân ta là: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do. Cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo (Định Hoá, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân. Sau khi nghe báo cáo tình hình của địch, Người nhấn mạnh: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó cũng sẽ không còn”(2), bàn tay Người mở ra, mỗi ngón chỉ về một hướng. Trên cơ sở chỉ đạo đó, Bộ Tổng chỉ huy đã tung ra 5 hướng tiến công chiến lược: Tiến công mặt trận Tây Bắc, tiêu diệt quân địch ở Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; Phối hợp với bộ đội Pathét Lào tấn công Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt; Tiến xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven; Tấn công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum; Tấn công lên Thượng Lào, uy hiếp Luôngphrabăng. Kế hoạch của Navare bị phá vỡ, binh lực Pháp phải phân tán trên khắp các chiến trường, không những quân Pháp không thể tập trung vào một trận đánh quyết định, mà cũng chưa đủ lực lượng để mở một cuộc tiến công lớn vào các đại đoàn chủ lực quân ta. Vào thời điểm này, nếu tính chung trên chiến trường Bắc Bộ, lực lượng ta mới bằng 2/3 lực lượng Pháp (76 tiểu đoàn/112 tiểu đoàn), nhưng tính riêng lực lượng cơ động chiến lược, thì lực lượng ta đã vượt Pháp (56 tiểu đoàn/44 tiểu đoàn). Khi phát hiện ra chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, Navarre đã cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, gấp rút xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Là một thung lũng phì nhiêu ở Tây Bắc, dài 15 km, rộng 5 km, giữa thung lũng có sông Nậm Rốm chảy qua cánh đồng người Thái cày cấy, có một sân bay từ thời Nhật, nằm dọc theo sông Nậm Rốm về phía bắc, lòng chảo Điện Biên Phủ cách Hà Nội khoảng 500 km về phía tây, cách Lai Châu 80 km về phía nam, xung quanh là núi đồi trập trùng, rừng già ngút ngàn. Sau các đợt bổ sung vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ và tăng viện binh lực, cho đến cuối tháng 12/1953, tổng quân số của Pháp tại Điện Biên Phủ lên tới 16.200 lính (chưa kể 3000 lính thợ phục dịch) cố thủ trong hệ thống hầm ngầm, giao thông hào, lô cốt kiên cố cùng các lá chắn của xe tăng, xe bọc thép và được yểm trợ tối đa của không quân, pháo binh Pháp- Mỹ. Các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đều tự tin cho rằng Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả chiến bại", là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh". Tướng Cogny đã trả lời phỏng vấn rằng: "Chúng ta đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần… Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải “ăn bụi” và chừa cái thói muốn đóng vai một nhà chiến lược lớn". Tướng Navarre nhận xét: "Làm cho Việt Minh tiến xuống khu lòng chảo! Đó là mơ ước của đại tá Castries và toàn ban tham mưu. Họ mà xuống là chết với chúng ta... Và cuối cùng, chúng ta có được cái mà chúng ta đang cần: đó là mục tiêu, một mục tiêu tập trung mà chúng ta có thể “ quất cho tơi bời". Charles Piroth, chỉ huy pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ thì tự đắc:Không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được 3 phát mà không bị pháo binh của chúng ta tiêu diệt!"(3).

Ngày 6/12/1953, cũng tại Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(4). Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, thư có đoạn: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch; Quyết tâm giữ vững chính sách; Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi”(5). Theo lời kêu gọi của Người, phong trào “vì tuyền tuyến, hậu phương thi đua với tiền phương” dấy lên sôi nổi khắp nơi. Dưới làn bom đạn và pháo sáng của địch, nhiều tuyến đường được sửa chữa và làm mới kéo dài từ Thanh Hoá lên tới Điện Biên. Năm Đại đoàn quân chủ lực của ta lần lượt hành quân lên Điện Biên Phủ, cùng phối hợp với 260.000 dân công hoả tuyến, 600 ô tô, 500 ngựa thồ, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng, tải được hàng trăm tấn đạn dược, 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô… ra mặt trận. Ngày 22/12/1953, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ Quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội thi đua lập công, riêng với Tổng cục cung cấp, Người đặt giải thưởng thi đua Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Ngày 1/1/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch. Khi trao nhiệm vụ cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(6). Cuộc tấn công Điện Biên Phủ được chuẩn bị khẩn trương và kỹ lưỡng vì đây là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Trước khi nổ súng tấn công một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên bộ đội vào trận: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Bác chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú”(7).

Ngày 14/1/1954 tại sở chỉ huy ở Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20/1, đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng, Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, bởi đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng. Nhưng do một đơn vị trọng pháo của ta vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày đến 17 giờ ngày 25/1. Sau đó, do tin tức về ngày nổ súng bị Pháp biết được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/1. Nhưng đêm ngày 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và đưa ra một quyết định rất khó khăn là ra lệnh rút quân vì những nguyên nhân: Bộ đội chủ lực cho đến thời điểm đó chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm; Trận này là một trận đánh hiệp đồng, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập; Quân ta chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần dần tập đoàn cứ điểm. Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo lại được kéo ra, quân ta tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn xung quanh núi rừng Điện Biên rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố, đào hào sâu, tiếp cận sát căn cứ của quân Pháp và lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận cũng nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến mùa mưa. Đúng 17h05 ngày 13/3/1954, ta bắt đầu tấn công đợt 1 đến 17/3, tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Ngày 30/3 đến 30/4, ta tấn công đợt 2, đánh phân khu trung tâm đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm. Ngày 1/5 đến 7/5, ta tấn công đợt cuối, đánh dứt điểm dãy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại.

Ngay sau đợt tấn công đầu tiên thắng lợi, ngày 15/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã kịp thời gửi điện khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên, nêu rõ ý nghĩa lịch sử của trận đánh và động viên toàn quân: “Phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”(8). Trong suốt chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo và theo dõi diễn biến từng trận đánh tại đại bản doanh xã Hồng Thái (Sơn Dương, Tuyên Quang). Đến đợt tấn công cuối cùng, Người chuyển về làng Hãn rồi qua Vân Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên). Cuối tháng 4/1954, khi trả lời câu hỏi của nhà báo Australia W. Burchett về thông tin ngoại trưởng Mỹ đe doạ dùng bom nguyên tử hòng cứu vãn cho Pháp khỏi thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lật ngửa chiếc mũ cát trên mặt bàn tre, chỉ vào đáy mũ, vành mũ rồi đấm nắm tay vào lòng mũ, giải thích: “Đây là thung lũng Điện Biên Phủ có núi bao bọc xung quanh. Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Còn ở đó là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được”(9). Và kết quả đúng như vậy, sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, gian khổ, ngoan cường, mưu trí, anh dũng khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt máu trộn bùn non, người trước ngã xuống, người sau tiến bước, lúc 17h ngày 7/5/1954 quân và dân ta đã toàn thắng tại Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 16.200 quân địch, kể cả Bộ chỉ huy của tướng De Castries. Ngày 8/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen mặt trận Điện Biên Phủ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt”(10). Ngày 12/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ đã tham gia trận đánh lịch sử này: “Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao. Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới. Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Các chú tán thành không?”(11). Cùng ngày, báo Nhân Dân cũng đăng bài thơ của Người với bút danh C.B nhan đề: Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Sáng 19/5/1954, đúng vào ngày sinh nhật của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón và gắn huy hiệu cho các chiến sĩ đã lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những là kết quả to lớn nhất của 9 năm kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, đã tạo điều kiện căn bản cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi, lập lại hoà bình ở Đông Dương, mà còn “đánh tiếng chuông báo tử cho công cuộc thực dân hoá trên toàn hành tinh”(12) và hơn nữa, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay. Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại. Cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”(13).

 

Chú thích:

*Tên bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân Dân số 3690 ngày 7/5/1964

1, Điện Biên Phủ, nhìn từ phía bên kia. Nxb Quân đội nhân dân 1994, trang 8

2, Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2007. Tập V, trang 374

3, Paul Ely- Đông Dương trong cơn lốc. Nxb Paris 1964, trang 51

4, Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2007. Tập V, trang 403

5, S. đ. d                  nt        trang 413

6, S. đ. d                  nt        trang 416

7, S. đ. d                  nt        trang 433

8, S. đ. d                  nt        trang 434

9, Việt Nam&Hồ Chí Minh qua cảm nhận của nhà báo W. Burchett. Nxb Thế Giới 2011, trang 57

10, Hồ Chí Minh toàn tập,. Nxb Chính trị quốc gia 2011. Tập VIII, trang 466

11, S. đ. d                 nt        trang 470

12, Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam. Nxb Phụ nữ 2004, trang 83   

13, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2008. Tập IX, trang 64

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)