“PHẢI CÓ QUYẾT TÂM THẬT LỚN, VƯỢT MỌI KHÓ KHĂN THÌ MỚI ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU MONG MUỐN”
20 Tháng 07 Năm 2012 / 2753 lượt xem
Ths.Trần Thị Thắm
Phòng TT-GD

Cách đây hơn 50 năm, vùng đất Nam Cường còn là bãi biển hoang vu, lau lác chen chúc um tùm, nước có độ phèn rất cao… Tháng 3/1960, Tiền Hải dùng sức người, sức của, tiến hành quai đê lấn biển, lập nên vùng đất có tên gọi Nam Cường. Ngày 19/04/1961 được coi là ngày khai sinh ra mảnh đất này. Hơn 200 cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện đã hội tụ về thôn Hoàng Môn làm lễ tuyên thệ, thành lập tiểu đoàn khai hoang. Trong những ngày tháng gian khó đầu tiên của thời kỳ lập bãi, năm 1962 một niềm vinh dự lớn lao đã đến với Đảng bộ và nhân dân Nam Cường: được đón Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của dân tộc về thăm. Sự quan tâm của Bác như tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu quê hương tha thiết trong trái tim mỗi người dân Nam Cường, bình minh ló rạng trên quê hương Nam Cường kể từ ngày đó.
Đúng 8giờ 15 phút, ngày 26/03/1962, từ trong máy bay trực thăng bước xuống, Bác Hồ giơ tay vẫy chào người dân. Về Nam Cường, đôi chân Bác bước trên mảnh đất mới còn nồng chất muối và cỏ chưa mọc được.Người đến thăm nơi ăn chốn ở của người dân đi khai hoang lấn biển, ân cần hỏi thăm cuộc sống và sức khỏe của nhân dân. Bác vào thăm nhà chị Lưu, người phụ nữ đầu tiên sinh con trai ở làng mới. Thấy anh Lưu đau mắt, Bác bảo cán bộ: xã chú còn những người đau mắt hột, phải làm mọi cách bảo vệ con mắt cho xã viên. Bác còn giành thời gian thăm các cụ già, chia quà cho cháu nhỏ, tặng huy hiệu cho các chiến sĩ khai hoang… Khi nói chuyện với nhân dân trong xã tại căn lán nhỏ dựng tạm, Bác bảo đồng chí phục vụ cất chiếc mic-cơ-rô đi và phê bình: “cán bộ xuống xã lại còn mang theo máy nói”(1) để Bác trò chuyện thân mật với đồng bào. Giọng Bác thân thương ấm áp: “Được biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển. Bác cùng các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương thay mặt Đảng, Chính phủ về thăm đồng bào. Bác khen ngợi đồng bào đã có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm lấn biển, quai đê, mở rộng diện tích canh tác, làm giàu cho mảnh đất quê hương”(2).
Bác xem tấm bản đồ làng mới, góp ý với cán bộ về việc xây dựng khu nhà ở, nơi làm trường học và nhà y tế hộ sinh. Đứng giữa các xã viên, Bác nói: “Bản đồ vẽ đẹp lắm. Làm được như bản đồ, bà con xã nhà sẽ có một quê hương mới giàu đẹp”(3). Bác còn căn dặn đồng bào khi đi khai hoang: “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn”(4). Hiểu được những khó khăn, vất vả trong những ngày đầu của người dân đi khai hoang khiến một số người ngả lòng, nản chí, Bác hỏi:
“- Bà con có muốn ăn cam không?
Mọi người thưa:
- Có ạ!
Bác dạy:
- Muốn ăn cam thì phải trồng cam, trồng xong phải chăm bón từ ba đến năm năm thì có quả. Xã viên đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất để sau này được ấm no”(5).
Xúc động trước tấm lòng của Bác, những xã viên của làng mới Nam Cường đã ra sức cải tạo cánh bãi hoang Nam Cường, đào mương ngòi lấy nước ngọt từ sông Lân vào; cày bừa ruộng, ngâm rửa cho đất bớt chua, bớt mặn; xây lò, chở đá về nung vôi bón cho ruộng chua. Bà con thả bèo dâu, trồng điền thanh lấy phân xanh bón cho ruộng mặn và ngay trong năm Bác về thăm, bà con đã cấy được 200 mẫu lúa đầu tiên trên đất mặn. Lúa chưa tốt nhưng đã cho bà con một số lương thực, giảm việc phải đong gạo của Nhà nước.
Những năm sau đó, xã viên Nam Cường tiếp tục xây dựng bờ thửa, bờ vùng, làm thêm mương ngòi, thau chua, rửa mặn, lấp trũng, san cao, mở rộng cánh đồng cấy lúa. Có sông ngòi, Nam Cường mở nghề nuôi cá. Một số khoảng đất còn nhiều chất mặn thì họ trồng cói, có năm thu được 55 tấn cói bán cho cửa hàng nông sản. Bãi cỏ Nam Cường rộng thênh thang, đàn trâu bò vừa cày vừa đẻ phát triển đều đặn…
Tháng 1 năm 1967, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình lần thứ năm. Sau khi khen ngợi nhân dân cả tỉnh về thành tích thâm canh giành 5 tấn thóc một héc ta đầu tiên trên miền Bắc, Bác nhắc đến việc khai hoang của Nam Cường và khen xã viên, cán bộ Nam Cường có tinh thần phấn đấu cao: “Trong việc vỡ hoang có xã Nam Cường, năm nọ Bác về thăm thì mới bắt đầu vỡ hoang. Bây giờ Nam Cường chẳng những sản xuất đủ ăn mà còn xung phong bán thóc làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Như thế là rất tốt”(6) . Bác khuyên Nam Cường cố gắng hơn nữa để xây dựng quê hương thật sự giàu đẹp.Những lời động viên kịp thời của Bác có một ý nghĩa thật lớn lao, sự lan tỏa mạnh mẽ đến diệu kỳ và đã trở thành nguồn sức mạnh động viên nhân dân Nam Cường phấn đấu xây dựng quê hương.
Những năm đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và đánh phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi của Đảng và của Bác Hồ, lớp thanh niên Nam Cường mà trước đây là những thiếu niên được Bác xoa đầu, chia kẹo… đã hăng hái lên đường đi đánh Mỹ. Thời kỳ đó, Nam Cường đã tiễn đưa trên 700 người con ưu tú lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, góp sức mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Đã có 66 đồng chí là sỹ quan các cấp trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam; 72 người con ưu tú của quê hương Nam Cường đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc; hơn 100 thương bệnh binh, đối tượng chất độc hoá học; 4 lão thành cách mạng; 4 bà mẹ được truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngày 30/04/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 05/9/1975, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 234/HĐBT cắt thôn Hoàng Môn xã Đông Lâm và hợp nhất với HTX Nông nghiệp Nam Cường để thành lập ra xã Nam Cường. Từ đây đất Nam Cường đã có tên làng, tên xã. Người Nam Cường bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trong hoà bình.
Nửa thế kỷ đã qua đi nhưng trong nếp nghĩ, cách làm, người dân Nam Cường vẫn khắc sâu những lời dạy của Bác Hồ trong lần Người về thăm: “cán bộ đảng viên, các cháu đoàn viên thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó, xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ thì mọi việc sẽ thành”(7). Bước vào thời kỳ đổi mới,Nam Cường từng được đánh giá là lá cờ đầu của tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Quan trọng hơn, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã tìm được hướng đi riêng thích hợp với đặc điểm đất đai địa phương.
Học tập và làm theo lời Bác, Đảng bộ Nam Cường đã lãnh đạo nhân dân “làm một cuộc cách mạng mới”. Trên cánh đồng cói năm xưa, Nam Cường đã quy hoạch chuyển đổi thành vùng nuôi trồng thuỷ hải sản rộng gần 100 ha. Hơn 10 năm qua, cánh đồng này liên tục đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần cấy lúa, trồng cói, có năm gấp 8 - 9 lần. Đầu tư cải tạo đất bằng phương pháp thuỷ lợi, tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng, đến nay Nam Cường đưa 100% giống ngắn ngày vào canh tác, đạt năng suất từ 100 - 110 tạ/ha/ năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 45 - 50% diện tích.
Nam Cường cũng là một trong số xã đi đầu phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; đã xây dựng được 2 trang trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại với quy mô hàng ngàn đầu lợn/trang trại và 30 gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm. Nếu chưa tới Nam Cường, ai cũng nghĩ nơi đây chỉ có tôm cá, lúa, lợn, nhưng Nam Cường hiện tại còn có nhiều nghề thủ công như sản xuất đồ nhựa, thêu móc sợi, cơ khí... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Tổng kết năm 2011, Nam Cường đạt GTSX (theo giá cố định 1994) hơn 40 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hơn 10%. Toàn xã 790 hộ, 3.176 nhân khẩu đạt thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 8%. Nhiều phong trào văn hoá - giáo dục y tế an ninh quốc phòng vẫn duy trì tốt. Đặc biệt là phong trào xây dựng văn hoá mới, Nam Cường đã có 2/3 thôn đạt danh hiệu “Thôn làng văn hoá” cấp huyện; 72% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá ”...
Từ khi chuyển đổi đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nam Cường đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương và hơn 100 đoàn đại biểu từ các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc và các địa phương trong tỉnh về thăm quan học tập mô hình chuyển đổi kinh tế. Ngày vui hôm nay đã làm vơi đi những vất vả của quá khứ. Nhưng đó là những bài học không thể nào quên, những trải nghiệm không thể thiếu để chứng minh sâu sắc hơn sức mạnh của con người. Làm chủ được đất đai, người Nam Cường đã có những cánh đồng bội thu liên tiếp. Làng quê Nam Cường thay da đổi thịt vươn lên trong diện mạo mới.
Mỗi dịp tháng 5 hay khi mùa sen nở, nhân dân Nam Cường lại nhớ Bác khôn nguôi. Để thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân Nam Cường đã quyết tâm xây dựng đền thờ Bác Hồ (tại nơi Bác đã nói chuyện với người dân Nam Cường) với tổng diện tích gần 300m2. Công trình gồm 2 hạng mục: nhà truyền thống và vườn quả Bác Hồ. Bức tượng Bác bằng đồng được đặt ở vị trí trung tâm của nhà tưởng niệm. Ngoài ra, còn có các vật thờ tế bằng đồng như đỉnh trầm, hạc, lư hương… cùng các tủ trưng bày ảnh, các tư liệu về Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng, với lực lượng vũ trang, bộ đội và các tầng lớp nhân dân Thái Bình. Đền được khánh thành vào ngày 19/5/1995 và được UBND tỉnh công nhận là Khu di tích lịch sử văn hoá vào năm 2002. Đền thờ Bác Hồ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Nam Cường, là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương, từ đó giúp mọi người nhận thức được trách nhiệm, sống, chiến đấu, học tập và làm theo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và quyết tâm xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu.
Lời dạy của Bác khi về thăm đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho nhân dân Nam Cường vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng cuộc sống mới, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với niềm tin một lòng vào Bác, nhân dân Nam Cường nói riêng và Thái Bình nói chung mãi khắc ghi hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già dân tộc và mang nặng ân nghĩa của Người
Bác về thăm Nam Cường ngày ấy
Cánh đồng cói nước ngập mênh mông
Chim bay đến không tìm ra chỗ đậu
Ngọn đèn treo lung lay trước gió
Căn nhà tre xưa Bác Hồ về đứng đó
Bác dặn dò gian khổ gắng vượt lên
Muốn ăn quả phải trồng cây
Ơn Bác Hồ Nam Cường ghi nhớ mãi./.Chú thích:
(1): Thái Bình năm lần đón Bác. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình. Xb. 1970, tr 54
(1): Thái Bình năm lần đón Bác. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình. Xb. 1970, tr 54
(2): Thái Bình năm lần đón Bác. Sđd, tr 54
(3): Thái Bình năm lần đón Bác. Sđd, tr 55
(4): Thái Bình năm lần đón Bác. Sđd, tr 55
(5): Thái Bình năm lần đón Bác. Sđd, tr 56
(6): Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. H2000. T12, tr196
(7): Thái Bình năm lần đón Bác. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình. Xb. 1970, tr 56