slider
Phát triển kinh tế số

“TÌNH BÁO LÀ MỘT KHOA HỌC. NGƯỜI LÀM TÌNH BÁO ẮT PHẢI CÓ 4 ĐỨC TÍNH: BÍ MẬT-CẨN THẬN-KHÔN KHÉO-KIÊN NHẪN”

05 Tháng 01 Năm 2010 / 13803 lượt xem
 
B. K. H
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
          Tư tưởng Hồ Chí Minh là bước phát triển mới và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hoá Việt Nam, tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây, là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, từng bước phát triển lên CNXH. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, tiếp nối truyền thống đánh giặc của cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tinh thần yêu nước của dân tộc ta lên tầng cao mới bằng cách xây dựng cho cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam một hệ thống lý luận hoàn chỉnh cả về sách lược và chiến lược, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng nhưng mang tính hiệu quả cao trong các biện pháp tiến hành đấu tranh cụ thể. Một nội dung cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là tạo lực- lập thế- tranh thời- dùng mưu. Người đặc biệt nhấn mạnh vào nghệ thuật lừa địch, đánh địch bất ngờ vì đó là yêu cầu chung của chiến tranh, trong đó chiến thuật cốt yếu để giành được thắng lợi là phải áp dụng chiến thuật giả trá và tuyệt đối bí mật. Vì sự khắc nghiệt của chiến tranh nên người lính trên mọi mặt trận phải là những người trung thành nhất, kiên quyết nhất, hăng hái nhất, tuy mỗi binh chủng, mỗi ngành đều có nhiệm vụ riêng nhưng vai trò người chiến sỹ luôn luôn là nhân tố quyết định. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức để đào tạo và rèn luyện những thế hệ chiến sỹ có lý tưởng cách mạng, có trình độ và hiểu biết về nghệ thuật quân sự, trong số đó có những chiến sỹ tình báo- nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta.        
Trong một lá thư gửi Hội nghị tình báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra vài ý kiến để Hội nghị thảo luận như sau:
"- Tình báo là tai và mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ thắng địch
- Biết địch là nhiệm vụ của tình báo
- Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo phải có 4 đức tính: Bí mật- Cẩn thận- Khôn khéo- Kiên nhẫn và phải tuyệt đối tẩy sạch những chứng: khoe khoang, ba hoa, cẩu thả, hấp tấp, lộ bí mật, làm việc luộm thuộm, sơ xuất hoặc làm bằng cách bàn giấy.
- Tình báo có huấn luyện hẳn hoi, huấn luyện tinh thần và kỹ thuật. Từ cấp trên đến cấp dưới, phải thi đua nhau nghiên cứu học tập. Không nên giấu dốt, giấu dốt thì không bao giờ thông được ( lý luận tình báo trong quyển Tôn Tử binh pháp tất cả các chú đã nghiên cứu chưa? Chưa thì phải nghiên cứu. Nó là nền tảng của công tác tình báo).
- Tình báo cũng như mọi việc khác phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho nhân dân giúp sức, thì sẽ thành công to"(1).Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đánh giá rằng tuy binh pháp của Tôn Tử (một thiên tài quân sự ở Trung Quốc) ra đời từ cách đây hơn 2000 năm nhưng tại các trường quân sự chính quy ở nhiều nước vẫn dựa vào Binh pháp này để nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thêm lý thuyết quân sự hiện đại. Và Trong 13 chương Binh pháp, Người đã chọn ra chương Trinh thám để sáng tạo và cải tiến nghiệp vụ tình báo, phản gián như sau:Đầu tiên là tầm quan trọng của công tác phản gián là: “Chi phí hàng vạn hàng triệu về việc quân để chống nhau với địch trong một thời gian lâu dài, mong có ngày đựơc thắng lợi, thế mà tiếc một vài trăm để chi về việc gián điệp, đến nỗi không biết rõ tình hình bên địch, đành phải chịu thua. Người làm tướng như thế không đủ tư cách làm tướng, không đủ tài giúp Chính phủ, không đủ trí thắng được quân địch”. Việc của gián điệp là vịêc bí mật nhất trong những bí mật. Nếu những tin tức của gián điệp báo cáo về lỡ để tiết lộ cho người ngoài biết, người gián điệp hay người tuyền tin sẽ bị xử tử hình. Không mật như thế, sợ quân địch biết mình chuẩn bị như thế nào rồi lại tìm cách đưa mình vào cạm bẫy. Để tiết lộ bí mật là việc tối kỵ của gián điệp. Nên, những giấy má báo cáo tin tức về tình hình bên địch phải giấu giếm thật kín đáo, cẩn thận. Cuốn vào điếu thuốc lá giấu trong mũ, đệm dưới đế giày, khâu trong tà áo là những phương pháp cũ rích dễ bị khám phá. Thường có nhiều phương pháp mới là: Viết thật nhỏ vào mặt trong khuy áo, đăng quảng cáo vào một tờ báo của nước trung lập, ngụ những bí mật ở trong đó, giấu trong hàm răng giả hay dưới lưỡi gần cổ họng, viết vào mặt trái tem gửi thư, hoặc dùng nhiều thứ nước hoá học để viết, hoặc đặt những dấu hiệu riêng với nhau.Người ta thường nói: chúa hiền, tướng giỏi, đánh thì thắng lợi, thành công hơn người là vì biết trước. Muốn biết trước không phải nhờ quỷ thần, không phải do bói toán. Muốn biết phải có người nắm rõ tình hình địch cho nên phản gián có thể chia làm 5 loại:
1. Hương gián - Hương gián nghĩa là lợi dụng dân chúng bên địch làm gián điệp, rồi theo ngôn ngữ hành động của họ để phán đoán, có thể, lấy cả những bản ráp của những báo chí, thư từ, điện báo đem so sánh với những bản đã chép lại hoặc in ra để xét tình hình bên địch. Những sổ sách, giấy má trong công sở, nhà bưu điện, hãng thông tin... cũng có thể dùng làm tài liệu phán đoán được. Những tin tức đăng lên báo hay nói miệng nhiều khi có ảnh hưởng rất lớn về quân sự, không thể không chú ý.
2. Nội gián - Mua chuộc bọn quan lại, tướng tá, binh sĩ cùng những người có năng lực như học giả, ký giả, các nhà tu hành, các nhà thực nghiệm... để họ báo cáo tình hình bí mật trong nội bộ của bên địch hoặc nhân ngôn ngữ và hành động của họ để phán đoán tình hình.
3. Phản gián - Mua chuộc bọn gián điệp của bên địch biến họ làm gián điệp của mình. Bắt đựơc gián điệp của bên địch, lợi dụng nó báo cáo tình hình thực tế của nước nó cho mình. Hoặc giả vờ không biết nó làm gián điệp, hoặc giả bày đặt bằng những mưu kế của mình cho nó biết rồi thả nó ra. Khi về nước, nó sẽ báo cáo những mưu kế ấy với người nước nó làm cho người nước nó tưởng là mưu kế thực.
4. Tử gián - Để cho gián điệp biết chuyện của mình nhưng mà chỉ là chuyện bịa đặt thôi. Rồi phái người gián điệp ấy ngầm sang bên địch hoạt động, một mặt lại bày mưu làm cho bên địch biết người gián điệp là của bên mình, tất nhiên người gián điệp đó bị quân địch bắt. Không chịu đựơc tra khảo, gián điệp phải cung xưng cho địch tình hình của bên mình mà hắn đã biết lúc ra đi. Nhưng thực ra tình hình hắn báo cáo đó chỉ là giả dối. Theo lời cung khai này để mưu kế đánh mình, quân địch nhất địch bị thua. Ngoài cách ấy lại có thể bảo gián điệp mình làm hướng đạo cho địch để đưa địch vào cạm bẫy. Trong khi chiến đấu, sai sứ sang trá hàng. Địch thấy hàng rồi không phòng bị nữa, mình liền thừa cơ tiến công. Tất cả những hành động kể trên, quân thù sẽ tự biết bị lừa sau khi chúng đã thất bại. Cách làm gián điệp không có hy vọng sống như thế gọi là tử gián.
5. Sinh gián - Phái người người bên địch dò xét tình hình để về báo cáo gọi là sinh gián. Tuy gọi là sinh gián nhưng cũng phải coi cái chết như thường mới có thể làm nổi. Phải là người can đảm, nhanh nhẹn, trầm tĩnh, kiên quyết và tinh thông phong tục, tập quán, ngôn ngữ của bên địch. Ngoài ra, còn phải có đủ tri thức về quân sự, về khoa học. Nhất là người khéo giả hình giả dạng được càng tốt. Hơn nữa, lợi dụng kết mỹ nhân lại càng đắc lực lắm. Những tay gián điệp này có khi hoạt động ở bên nước địch, có khi hoạt động ở một nước trung lập hay ở ngay chiến trường.
Có được lực lượng phản gián rồi nhưng cách sử dụng điệp viên là một việc rất khó: “Không phải người đại tướng thông minh, tinh đời, nhân nghĩa, không thể dùng gián điệp một cách đích đáng đựơc”, vì hiểu rõ đựơc người không phải là việc dễ. Không phải người đại tướng có đức hạnh, có nhân nghĩa, người gián điệp không chịu nghe theo. Đối với gián điệp đã đành phải ưu đãi họ, nhưng lại cần phải đem nghĩa khí cảm phục họ. Có như thế, gián điệp mới chịu gắng sức làm trong nhiệm vụ. Người làm tướng còn phải có trí xét đoán tinh vi để phân biệt được thực hư trong những báo cáo của gián điệp. Có khi làm gián điệp cho mình mà biến thành gián điệp của địch. Có khi không tìm đựơc tin tức xác thực tế để báo cáo, gián điệp tự bịa đặt ra tin giả dối. Lại có khi mới nghe địch tuyên truyền đã vội cho là vịêc có thực đem báo cáo về nước nên không khỏi trúng vào kế của địch định lừa. Vậy người làm tướng giỏi phải biết dùng người có mưu trí là gián điệp cho mình. Đó là bí quyết trong phép dụng binh. Vì căn cứ vào báo cáo xác thực của người gián điệp mới đủ tài liệu bày mưu, tính kế định đường lối tiến thoái được. Đặt được kế hoạch đáng tức là biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận"(2).        
Là một chiến sỹ cách mạng quốc tế lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc và là vị lãnh tụ quân sự xuất sắc của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong quá trình hoạt động với một bề dày kinh nghiệm vô cùng phong phú về kỹ thuật nghiệp vụ: bí mật- cẩn thận- khôn khéo- kiên nhẫn. Một lần gặp gỡ các đại biểu thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên: Các cháu học tập Bác điều gì cũng được, nhưng tuyệt đối đừng hút thuốc nhiều như Bác. Người tâm sự rằng: Thời thanh niên sống và hoạt động ở nước ngoài, vì phải thức khuya dậy sớm để học ngoại ngữ, đọc sách, viết báo, mà thời tiết châu âu lại rất lạnh nên Bác hút thuốc lá nhiều, lâu dần thành thói quen. Nhưng đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) kể lại đã được nghe Bác giải thích rõ hơn là hồi ở Pari, bị mật thám Pháp theo dõi sát sao nên hễ cứ ra khỏi nhà, Bác mang theo hộp thuốc lá và bao diêm. Mỗi lần muốn kiểm tra xem có kẻ nào theo dõi không thì Bác dừng lại giả vờ lấy thuốc lá ra hút, châm diêm quay ngang, khum tay che chắn gió để quan sát phía sau cho tự nhiên, dần dà Bác cứ phải luôn luôn dùng thuốc lá rồi thành quen. Thời gian Bác hoạt động vừa công khai, vừa bí mật ở Paris, mật thám Pháp lập thời gian biểu những hoạt động, sinh hoạt, địa điểm thường đến của Bác để giám sát chặt chẽ, nhưng chúng không ngờ rằng chính Bác cũng nắm vững quy luật hoạt động của chúng để đối phó. Vào ngày có kế hoạch rời Pháp sang Nga, Bác vẫn đi xe buýt tham gia một cuộc mít tinh ở ngoại ô Paris như  thường. Khoảng nửa giờ sau, khi bọn mật thám mất cảnh giác, Bác lặng lẽ đi cổng sau, ra ga phía Bắc, lên tàu rời Paris trong một toa xe lửa hạng nhất. Sau sự kiện này mật thám Pháp bị rối tung lên vì mất dấu Bác hơn một năm, mãi đến tháng 10.1924 đại sứ quán Pháp tại Maxcơva mới điện về nước thông báo người cộng sản gây rối Nguyễn ái Quốc đã lại xuất hiện ở đây!
Sau khi luật sư Looseby bào chữa thành công cho ông Tống Văn Sơ (tên lúc ấy của Bác), toà án Hồng Kông trả ông về Đông Dương (một âm mưu đưa ông vào tay thực dân Pháp để thi hành án tử hình của toà án Vinh tuyên án năm 1929). Luật sư Looseby bố trí cho ông xuống một chiếc tàu sang châu Âu, nhưng khi đi qua Singapore ông Tống lại bị bắt đưa về Hồng Kông. Vị luật sư lại phải lên kế hoạch khác: để ông Tống vào vai một thân sĩ, bạn của quan phó Thống đốc, mua vé hạng nhất trên một chiếc tàu Nhật Bản đi Hạ Môn mới thoát được màng lưới theo dõi của mật thám. Nhưng khi đến Thượng Hải, bọn Quốc Dân đảng đang khủng bố gắt gao, ông Tống vẫn phải đóng vai một thân sĩ giàu có, ở khách sạn sang trọng, mặc quần áo quý tộc nhưng vì đã cạn tiền nên tối tối ông phải khoá cửa buồng lại ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo. Sau ông thuê một chiếc xe thật sang trọng đến nhà bà Tống Khánh Linh trong Tô giới Pháp để nhờ chuyển thư liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp, vì ngại chiếc xe đẹp nên cảnh sát không dám chặn lại xét giấy tờ. Từ đó trở đi, Bác truyền kinh nghiệm hoạt động bí mật cho các anh em khác là: Phải ăn mặc quần áo thật sang để che mắt mật thám, nhưng lại phải đề phòng bọn côn đồ bắt cóc tống tiền nên cần tránh đi vào các phố, ngõ vắng; Khi đi đường không nói tiếng Việt; Đến nơi nào phải quay lại một vòng xem có bị theo dõi không rồi mới vào cơ sở; Viết thư liên lạc thì phải dùng ám hiệu đánh lạc sự chú ý (như lúc ở Thượng Hải, Bác viết thư hẹn gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng giống như lời lẽ của một đôi tình nhân: "Em chờ cậu ở chỗ đánh bi-a của Tiên Thi công ty"!).
Khi về nước Bác làm việc ở Khuổi Nậm, địa hình rậm rạp, bên ngoài nhìn vào khó phát hiện ra, thậm chí nếu có biến động thì cứ theo khe nước ngược lên núi cao là qua biên giới. Nơi ở là một chiếc lán dựng ngay giữa lòng con suối đang mùa khô, lúc đầu dựng lán bên ngoài nhưng sau lùi về phía rừng để tiện cho công tác bảo vệ. Quanh lán Bác ở anh em đều đặt trạm gác, vì dọc dãy núi này phía Trung Quốc nhan nhản thổ phỉ, đặc vụ Quốc dân đảng, còn khu vực phía sau rất nhiều lính dõng, Pháp, Nhật thường xuyên sục xạo, rình mò. Từ chập tối đã phải đảm bảo không đèn, không lửa còn từ sáng đến chiều khi đun nấu gì đều phải thông khói ra xa cho tản lẫn vào sương. Bác thường căn dặn anh em muốn đối phó với địch phải giữ kỷ luật bí mật và Người luôn luôn thực hiện quy định này cẩn thận, nghiêm túc. Qua các vệt đường vào cơ quan, bao giờ Bác cũng xoá ngay mọi dấu vết, không để lại một dấu chân hoặc một cành cây nhỏ nào bị bẻ queo, dập gãy. Người cũng dặn anh em đi công tác mang theo cơm nắm nên ăn cạnh bờ suối, ăn xong quét cơm vãi xuống suối và chôn lá bọc cơm để kẻ địch không thể phát hiện được vết tích gì.           
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam DCCH ra đời, nhưng tình hình vô cùng căng thẳng, rối ren, thù trong giặc ngoài nhan nhản. Làm việc tại Bắc Bộ phủ, Bác không bao giờ để cho mọi người nắm được kế hoạch mình có mặt ở đâu, vào lúc nào. Bác đến cơ quan không theo một cửa nhất định, xe vào cửa này nhưng người lại ra cửa khác, ô tô có thể đỗ ở văn phòng Chủ tịch nhưng Bác lại đi bộ sang Bắc Bộ Phủ, tuy nhiên Bác thường có mặt ở cơ quan rất sớm khi mà đường phố còn ít người qua lại. Cứ ra khỏi Bắc Bộ Phủ là Bác quấn khăn phu- la quanh cổ, rồi kéo cao lên che kín bộ râu, đầu đội mũ kéo sụp xuống trán, như thế gọi là kế sách lai vô ảnh-khứ vô hình. Tết Bính Tuất năm 1945 là ngày hội đón xuân độc lập đầu tiên, 22h Bác cải trang bằng khăn xếp, áo the, quần trắng, giày Gia Định kèm theo chiếc mục kỉnh hệt như cụ đồ quê, còn đồng chí thư ký quần trắng, áo láng đen, dép da như một công tử nhà giàu. Hai bác cháu chen vai thích cánh hoà lẫn cùng mọi người đón xuân nghìn nghịt ở đền Ngọc Sơn, đi một vòng quanh Bờ Hồ rồi quay về nhà an toàn.
          
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác và Chính phủ phải rút lên chiến khu để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Bộ phận tiếp cận bảo vệ Bác lúc ấy có 8 người vừa làm bảo vệ kiêm liên lạc, thư ký có biệt danh là Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong. Bác nói: “Bây giờ chiến tranh mở rộng, chúng ta phải sinh hoạt quân sự hoá. Đến ở, giữ bí mật. Chuyển nhanh, không để lại dấu vết. Mỗi chú mang một chiếc ba lô để đựng những thứ cần thiết, tiện thể may luôn cho Bác một cái để Bác đeo chiếc mang chiếc máy chữ...”(3). Để thể kiên quyết tâm kháng chíên của tòan quân và dân ta và cũng là để giữ bí mật, Người đã đổi tên cho cả 8 anh em là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến- Nhất - Định - Thắng - Lợi. Từ đó, suốt 9 năm kháng chiến, tám người được Bác đặt tên hễ mỗi khi có đồng chí nào thay đổi công việc, người khác đến thay vẫn mang cái tên có sẵn. Công tác bảo mật luôn luôn được đặt lên hàng đầu, chỗ ở thường xuyên thay đổi, cách chọn địa điểm dựng lán trại của Bác được anh em ghi thành bài văn vần như sau: Trên có núi, dưới có sông. Có đất ta trồng. Có bãi ta vui. Tiện đường sang Bộ Tổng. Thuận lối tới Trung ương. Nhà thoáng gió, kín mái. Gần dân không gần đường. Từ hôm rời Hà Nội, anh em bảo vệ phải mang theo 3 cái hòm sắt nặng nhất, phải hai người khỏe mới khiêng được. Đến làng Xảo, Sơn Dương thụôc Tuyên Quang, Bác giao cho anh em bảo vệ một nhiệm vụ đặc biệt là đào một cái hầm ngay dưới lán ở, lấy đất cho vào bao tải mang đổ hẳn nơi xa. Kiểm tra hầm xong, Bác cho tìm ba hòm sắt có đánh dấu chữ thập bằng sơn trắng, đưa cho hai đồng đưa xuống cất ở hầm và Bác giao cho đồng chí Nhất trực tiếp trong coi cái lán ấy. Khi địch ném bom Tuyên Quang, anh em bảo vệ đưa Bác về Tân Trào nhưng đồng chí Nhất vẫn phải ở lại để giữ cái lán này. Mãi bốn năm sau, lãnh đạo và một số anh em khác quay lại đào mấy thùng sắt lên, thì ra đó là số tài sản quốc gia của nhân dân cả nước quyên góp được trong tuần lễ vàng để ủng hộ cách mạng kháng chiến kiến quốc. Bấy giờ anh Nhất mới vỡ lẽ mình đã được Bác tin tưởng giao một nhiệm vụ quan trọng đến thế mà không biết.
          
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cuối tháng 12. 1954, Bác về Hà Nội làm việc nhưng Người vẫn có cách đi thực tế vừa độc đáo vừa có kết quả chính xác. Ngày 29 tết Đinh Dậu, Bác cải trang như một cụ già ở quê ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để nắm tình hình sắm tết của nhân dân. Người ghé vào gian hàng mậu dịch bán hoa quả tươi hỏi mua một quả cam. Nhân viên bán hàng không bán ( không thể nhận ra Bác) và cho biết chỉ bán từ 1kg trở lên. Bác tỏ ý không vui và buổi chiều, Người gọi điện cho Bộ Nội thương góp ý về phương thức bán hàng cho nhân dân. Từ năm 1963, biệt kích Mỹ nguỵ đã thâm nhập ra miền Bắc, bọn gián điệp cũng tăng cường hoạt động, lực lượng cảnh vệ thường phải đi trước rải quân bảo vệ Bác kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, mỗi lần đi địa phương về Bác lại chỉ ra những tác nghiệp chưa khéo, ví như: Bác có thể đếm được chú Kháng (Cục trưởng cảnh vệ) bố trí bao nhiêu người trên một đoạn đường. Các chú không biết cách hóa trang, từ quần áo mặc đến con mắt liếc là Bác nhận ra ngay. Nhân dân cũng cảnh giác ghê lắm đấy, không khéo họ nghi là các chú sẽ bị bắt cho mà xem. Sáng 30 tết năm Quý Mão, có một ông già đội mũ cát trắng, đeo kính lão mắt tròn gọng nhỏ, mặc chiếc quần gụ phai màu và chiếc áo vải bạt cũ, cổ quấn khăn bông mấy vòng che đến gần miệng, cùng đi với một người con trai đứng tuổi và cậu cháu nội rất trẻ, đẹp trai, tay xách cái làn mây đựng mấy củ hành tây, cà rốt và bó rau thơm. Ba cha con, ông cháu lần lượt đi xem hết các dãy hàng trong chợ, hỏi giá các mặt hàng rau quả, thịt cá và trò chuyện hỏi thăm những người đi sắm tết nhưng không mua thêm hàng. Đó chính là Bác Hồ và hai đồng chí cảnh vệ. Một lần Bác đi thăm địa phương, đến giờ khởi hành Người không lên xe thường dùng mà lại ngồi vào xe dành cho bác sỹ và phục vụ, Người nói với anh em bảo vệ: “Các chú vẫn còn suy nghĩ đơn giản về cảnh giác lắm. Hôm nay sẽ đi qua vùng núi hẻo lánh nên phải đề phòng. Hai xe giống nhau quá thì phải đổi chỗ. Biển số xe cũng phải dự phòng, vài ngày phải đổi biển. Chỗ ngồi trên xe cũng thay đổi để kẻ địch không phát hiện ra quy luật”(4).
         Cũng trong một lá thư gửi Hội nghị tình báo toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng. Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn địch khỏi biết ta, cũng phải có tình báo giỏi"(5). Nhận thức sâu sắc được vị trí chiến lược của ngành và tầm quan trọng của nghiệp tình báo, lại được sự quan tâm dìu dắt của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù có binh hùng tướng mạnh, những cuộc đụng đầu căng thẳng quyết liệt với lực lượng tình báo, gián điệp của thực dân đế quốc, lực lượng tình báo của ta thường xuyên bí mật- mưu trí- sáng tạo- dũng cảm, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo khôn khéo về sách lược, luôn luôn giành thế chủ động tiến công làm thất bại nhiều kế hoạch tuyệt mật, nhiều âm mưu nham hiểm của các cơ quan tình báo sừng sỏ như: đặc vụ Quốc Dân đảng, phòng Nhì Pháp, CIA Mỹ. Trên bảng vàng danh dự rực rỡ ghi công những anh hùng chiến sỹ của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có rất nhiều tên tuổi và công lao đóng góp của các chiến sỹ tình báo lỗi lạc như Nguyễn Thị Lợi, Bùi Thị Cúc, Đào Phúc Lộc, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân ẩn, Lê Hữu Thuý, Phạm Ngọc Thảo, Trần Quốc Hương... đã tôn vinh lịch sử quân sự vẻ vang của nước ta nói chung và của ngành tình báo nói riêng. Hiện nay, đất nước chúng ta đang tiến hành hiện đại hoá, công nghiệp hoá tiến lên chủ nghĩa xã hội giữa bối cảnh thế giới phức tạp, đang có nhiều xáo trộn và mâu thuẫn mới, đầy rẫy những âm mưu của kẻ thù đang chống phá ta bằng diễn biến hoà bình với thủ đoạn lung lạc tinh thần và vật chất ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, thậm chí những đối tượng gián điệp cũng trá hình tốt hơn và tạo vỏ bọc quốc tế hợp pháp hơn. Trước những thử thách mới này, những chiến sỹ tình báo của chúng ta càng phải trung thành, tận tuỵ, cần kiệm liêm chính, đoàn kết thống nhất, hiệp đồng tác chiến, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, cảnh giác bí mật, mưu trí sáng tạo, kiên quyết khôn khéo, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và muốn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, mỗi người chiến sỹ phải thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ: "Tất cả mọi công tác nhất là công tác tình báo, phải kiên quyết tránh những bệnh chủ quan, khinh địch, hiếu danh, cá nhân chủ nghĩa. Đó là những kẻ địch vô ảnh- vô hình. Vậy các chú phải dùng tự phê bình và phê bình thật thà, để tẩy sạch bệnh nguy hiểm ấy"(6).
         Những quan điểm sáng tạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam và khoa học chiến tranh bí mật đã trở thành một hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh, phù hợp với hoàn cảnh riêng của nước ta, trong đó đặc biệt là nghệ thuật tạo lực- lập thế- tranh thời- dùng mưu là một nội dung cơ bản, giúp chúng ta nắm vững thế chủ động, tạo ra thời cơ và tận dụng một cách hiệu quả nhất và chắc chắn thắng lợi. Trải qua 64 năm hoạt động và trưởng thành, quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có ngành tình báo đã và đang đóng góp phần công sức, tài trí không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng mới, ngành tình báo nhất định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình bởi vì: "Mục tiêu của chúng ta không nhất định là phải tiêu diệt toàn bộ đạo quân xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, mà qua tiêu diệt một bộ phận sinh lực và đánh bại các kế hoạch chiến lược của địch để đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Đánh bại ý chí xâm lược từng bước, đi đến đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của kẻ thù"(7). Và đó đang là trách nhiệm và nghĩa vụ nặng nề mà Tổ quốc tin tưởng giao phó cho các chiến sỹ tình báo xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh anh hùng.
 
Chú thích:
(1),(5),(6): Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các Hội nghị tình báo tháng 8. 1949, tháng 3.1948, tháng 6.1951. Bản gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
(2). Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia 1995, Tập IV, tr 235
(3). Chuyện kể về Bác Hồ. Nxb Chính trị quốc gia 2001. tr 89
(4). Nguyệt san Văn nghệ Công an, số tháng 2.2004
(7). Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia 2000, tr 252
 
ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho cán bộ, chiến sĩ thi đua tiêu biểu của Trung đoàn 600 (12-1965)
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)