slider

“VIỆT - LÀO HAI NƯỚC CHÚNG TA TÌNH SÂU HƠN NƯỚC HỒNG HÀ, CỬU LONG”!

23 Tháng 01 Năm 2013 / 35571 lượt xem
Ths. Mai Lệ Huyền
Lào là quốc gia Đông Nam Á láng giềng có chung đường biên giới dài 2069 km với Việt Nam, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và cùng có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân hai nước đã cùng sát cánh bên nhau, viết nên những trang sử hào hùng và cùng nhau xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai quốc gia do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông đã dày công vun đắp.
Từ thực tế tình hình trong nước và các nước Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản(1). Người luôn đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước trong đó có dân tộc Lào. Người cũng luôn quan tâm sâu sắc và coi việc giúp đỡ Lào vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ, là một nội dung quan trọng nhất của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt - Lào. Người không chỉ đóng góp về lý luận, đường lối, phương hướng cách mạng mà Người còn quan tâm đến cả việc tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Lào.
Vì vậy, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào được khẳng định từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, đặt phong trào cách mạng  hai nước Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và lan rộng trong cả nước và có ảnh hưởng lớn đến Lào. Các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân Lào. Trước vận mệnh của các dân tộc Đông Dương, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, tháng 5/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi.  
Cuối tháng 7/1945, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập đoàn cán bộ Xứ uỷ Ai Lao dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội tại Tân Trào, Tổng Bí thư Trường Chinh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Chính Giao chuyển chỉ thị của Trung ương gửi Xứ uỷ Ai Lao và tổ chức đưa đại biểu về dự hai hội nghị quan trọng này, đồng thời giao 500 đồng Đông Dương làm lộ phí về Việt Nam cùng thư của Trung ương gửi Xứ uỷ được giấu trong miếng trầu. Tối 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Lào. Người hỏi kỹ tình hình Lào và cũng chính trong buổi gặp đó, các đại biểu Lào lần đầu tiên được trực tiếp nghe những chỉ thị của Người. Sau khi trở về Lào, cùng với tập thể xứ uỷ, các đại biểu đã thực hiện nghiêm túc những căn dặn của Bác lãnh đạo lực lượng cách mạng và lực lượng những người yêu nước ở Lào đấu tranh giành thắng lợi trong công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Lúc này ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa đang diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Giữa thời điểm công việc bộn bề đó, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu…vào Huế trực tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Cũng theo mệnh lệnh của Người, Uỷ ban nhân dân Khu 4 đã đến gặp Hoàng thân Xuphanuvông lúc đó đang ở Vinh giữ chức vụ Hạt trưởng giao thông Trung kỳ chuyển lời mời Hoàng thân ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn công việc. Chiều tối ngày 3/9/1945 đoàn ra đến thị xã Phủ Lý. Mưa ngập đường, nhưng Hoàng thân Xuphanuvông vẫn quyết: Mưa thế này chứ mưa to hơn cũng cứ đi Hà Nội luôn. Trong đêm đó Hoàng thân về đã đến Hà Nội. Chính phủ xếp chỗ nghỉ cho Hoàng thân, đó là một biệt thự nhỏ 2 tầng nằm trong khuôn viên của thư viện Quốc gia phía sát với ngã tư đường Hai Bà Trưng và Quang Trung ngày nay, đoàn được bố trí ở tầng 2. Buổi tiếp đón Hoàng thân Xuphanuvông và cựu Hoàng đế Bảo Đại được tổ chức rất trọng thể tại phòng khách lớn ở Bắc Bộ phủ - nơi làm việc của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tháng 9/1945.
Sau này, khi đã trở thành "Ông Hoàng Đỏ", dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào, Hoàng thân vẫn nhớ mãi những buổi gặp gỡ đầu tiên đó. Trong hồi ký của Hoàng thân Xuphanuvông, ông kể lại: Khi ở Hà Nội, có nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm và nói chuyện với Hoàng thân tại biệt thự. Có lần Người còn nghỉ lại để cùng tranh thủ bàn công việc cách mạng ở Lào. Chính những lần tiếp xúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra ý kiến nước Lào đang rất cần sự có mặt của Hoàng thân về nước để trực tiếp đóng góp sức mình với phong trào cách mạng của nhân dân Lào. Người còn nói rằng đây là hành động cần thiết nhất đáp ứng lại mong mỏi của nhân dân các bộ tộc Lào, tuy rằng còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước.
Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, Hoàng thân trở về Lào. Ngày 3/10/1945, hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt mít tinh đón chào sự trở về của Hoàng thân Xuphanuvông tham gia chính phủ Lào. Ngày 12/10/1945 tại Thủ đô Vientiane, Chính phủ lâm thời Lào Itsala được thành lập, thông qua Hiến pháp và tuyên bố nền độc lập trước thế giới. Ngày 14/10/1945, Việt Nam là nước đầu tiên gửi điện chúc mừng và tuyên bố thừa nhận Chính phủ Lào độc lập và ngày 30/10/1945, hai nước đã ký Hiệp ước Hợp tác tương trợ Việt -Lào. Từ đây, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phát triển quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc anh em không chỉ trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, mà còn trên tầm quan hệ gắn bó giữa hai nhà nước như Hoàng thân Xuphanuvông đã từng tuyên bố: Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới... 
Được sự tín nhiệm của những người cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào, năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đội xung phong vùng Lao Nửa bức thư nội dung: “Việc thành lập khu căn cứ Lào độc lập là nhiệm vụ cấp bách; Ban lãnh đạo đội xung phong vùng Lao Nửa phải cố gắng xây dựng cơ sở nhân dân ở vùng địch tạm chiếm cho bằng được. Tôi xin chúc Ban lãnh đạo hãy nhanh chóng thành lập khu giải phóng dân tộc”(2). Ngày 20/l/1949, dưới sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đội Lạtsạvông được thành lập và trở thành lực lượng vũ trang cách mạng và đây là tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào hiện nay. Sự ra đời của Đội Lạtsạvông đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cách mạng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định trách nhiệm của cách mạng Việt Nam đối với việc giúp đỡ cách mạng Lào là “phải đề cao tinh thần hy sinh quốc tế”(3).  Người còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”(4). Lời dặn của Người giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc ích kỷ, hẹp hòi. Ngày 14/9/1952, trong cuộc nói chuyện với cán bộ chiến sĩ hai nước Việt-Lào sau đợt tập huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam nhắc nhở cán bộ Việt Nam sang công tác ở Lào phải hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Trung ương Lào, nhất là đồng chí Xuphanuvông. Tuyệt đối không được cho mình là hơn bạn đồng thời càng không được bao biện việc gì của bạn cũng làm thay. Bất kỳ việc gì cũng phải nghe lời Chính phủ Lào. Cán bộ Việt Nam phải đoàn kết tinh thần, đoàn kết công tác với cán bộ và nhân dân Lào. Cuối buổi, Người nhờ Đoàn đại biểu Lào chuyển về nước món quà gửi tặng Chủ tịch Xuphanuvông gồm: một tấm lụa, một thanh kiếm và một bộ quần áo, Người giải thích: "Tấm lụa tượng trưng cho sự mềm mỏng và đại đoàn kết, đoàn kết chặt chẽ như những sợi tơ trong tấm lụa. Mềm mỏng là để đối với nhân dân. Thanh kiếm là tượng trưng cho sự sắc sảo và kiên quyết. Còn bộ quần áo là để tặng cho cán bộ Lào thi đua giỏi nhất"(5).
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhân dân hai nước phải tiếp tục đối mặt với quân xâm lược đế quốc Mỹ. Sự nghiệp cách mạng của hai nước Lào-Việt Nam có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận thấy từ lâu, Người thường căn dặn: Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào.  Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn người con yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc. Quan tâm, chia sẻ cùng đồng cam cộng khổ trong hai cuộc kháng chiến, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… 
Đầu năm 1964, hai đồng chí Xuphanuvông và Kayxỏn Phomvihẳn đến Hà Nội, vào Khu Phủ Chủ tịch thăm Bác. Trong lúc nói chuyện, gió mùa đông bắc lùa hơi lạnh vào phòng khách, Bác chợt hỏi: "Ở Lào không rét như ở Việt Nam. Các đồng chí có lạnh lắm không? Sao hai đồng chí không quàng khăn cổ?", nói rồi Bác đứng dậy mở tủ lấy ra hai chiếc khăn quàng mới rồi nói: "Đồng chí Xuphanuvông và tôi là người già, nhiều tuổi, mỗi người một khăn quàng mới" và Bác tháo chiếc khăn đang quàng đưa cho đồng chí Kayxỏn: "Bác trao khăn này để đồng chí Kayxỏn quàng". Khi ra về, đồng chí Xuphanuvông hớn hở: "Tôi với Bác mỗi người một khăn mới", còn đồng chí Kayxỏn thì gật gù: "Còn tôi được kế thừa chiếc khăn của Bác Hồ". Kể từ đó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng năm đều có những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai Đảng tại Hà Nội, nề nếp đó đã góp phần rất quan trọng bồi đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào trở thành mẫu mực hiếm có trong thời đại ngày nay. Ngày 15/12/1968, tại Khu Phủ Chủ tịch, đã có buổi gặp gỡ ấm áp tình hữu nghị cuối cùng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Kayxỏn Phomvihẳn, Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon, Phuni Vôngvichít. Ngày 10/4/1969, Người gửi bức điện cuối cùng đến chúc Vua Lào Xri xavang Vatthana nhân dịp Tết năm mới của dân tộc Lào.
Ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn, thiết lập nên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 2/12/1975. Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng và khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam kháng chiến có thành công, thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi; và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi, thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”.
Kế thừa di sản quý báu của Chủ tịch Hồ chí Minh, phát huy tinh thần truyền thống quý báu được xây dựng từ nhiều thế hệ, từ sau ngày hai nước được hoàn toàn giải phóng, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giúp nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh; xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ với nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển; giữ vững quốc phòng-an ninh; làm thất bại âm mưu bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch. Ngày 18/7/1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết, là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi nước. Ngày nay, hai Đảng và nhân dân hai nước không ngừng phấn đấu đưa quan hệ đặc biệt Việt – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu của mình, vì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Tại buổi Lễ mít tinh kỷ niệm sáng ngày 17/7/2012 Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khh khẳng định:“Việt Nam và Lào đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nhân dân hai nước đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng và cùng nhau phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam, đất nước Lào giàu mạnh... Hơn bao giờ, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cần tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là lẽ sống, là nghĩa tình thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm cũng không hề lay chuyển. Việt Nam và Lào sẽ cùng nhau giữ gìn, bảo vệ mối quan hệ đặc biệt đó, như giữ gìn và bảo vệ con ngươi của mắt mình, làm sâu sắc, phong phú thêm và đưa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, coi đây là tài sản thiêng liêng vô giá, cần trao truyền lại mãi mãi cho các thế hệ mai sau”(6).  
Trong tình hình hội nhập với nhiều biến động, nhiều khó khăn và thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt và dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng cho mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
''Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng  lội, mấy đèo cũng  qua.
Việt Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”(7).
 
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2002, t.9, tr.314.
2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2006, t.4.
3. Kho Lưu trữ Trung ương: Ban Chấp hành Trung ương khoá III, tập TL. 140.
4. Biên niên sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2007, tr.6.
5. Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2007, T5, tr.246.
6. Báo Nhân dân số ra ngày 19/7/2012, tr.2.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.44.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)