slider

45 năm tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"

21 Tháng 05 Năm 2014 / 7272 lượt xem

Trần Thu Hà

Phòng TTGD

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành tâm huyết cho việc xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Người coi đó là nhiệm vụ then chốt, là cái gốc để rèn luyện cán bộ cách mạng và xây dựng Đảng ngày một vững mạnh:

“Gốc có vững, cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”([1]).

Đó cũng là chân lý và phương châm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh rằng đạo đức như gốc của cây, nguồn của sông, người cách mạng phải có đạo đức làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, mới lãnh đạo được nhân dân, cũng như sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”([2]).

Vấn đề đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm, nhất quán và liên tục trong các bài nói, bài viết của Người. Điều này đã được thể hiện xuyên xuốt từ bài học đầu tiên “Tư cách một người cách mệnh” (năm 1927), “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Chủ nghĩa cá nhân” (năm 1948), “Cần, kiệm, liêm, chính” (tháng 1-1955),“Đạo đức cách mạng” (năm 1958) cho đến tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng báo Nhân dân số 5409, ngày 03/02/1969 với bút danh T.L. Qua những tác phẩm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, ý nghĩa, những chuẩn mực cơ bản và các nguyên tắc xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được viết và công bố trong dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác phẩm ra đời trong tình hình cách mạng hai miền Nam - Bắc đang có những bước ngoặt mới. Tại miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang diễn ra quyết liệt. Sau mùa xuân 1968, cả miền Nam sục sôi, các mũi tổng công kích của quân và dân ta đồng loạt tấn công vào 64 thành phố, thị trấn, thị xã trên toàn miền Nam. Sau gần 2 tháng tiến công và nổi dậy, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 15 vạn tên địch (có hàng nghìn lính Mỹ), phá huỷ 1/3 vật tư chiến tranh của Mỹ-ngụy; phá 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã mới với hơn một triệu dân. Riêng ở Trị-Thiên-Huế, hầu hết nông thôn 2 tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên được giải phóng với 296 thôn, trong đó có 240 thôn được xây dựng chính quyền cách mạng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam như “một đòn sét đánh” đối với Mỹ, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Qua đó, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán 4 bên về lập lại hoà bình ở Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri (1968-1973), nhưng chúng vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam. Trong khi đó, miền Bắc đang tranh thủ điều kiện tạm thời có hòa bình, thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong bối cảnh ấy, đòi hỏi Đảng ta cần tăng cường hơn nữa đoàn kết nhất trí trong Đảng, củng cố mặt trận tư tưởng, ngăn chặn tâm lí ‘xả hơi’ sau nhiều năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hơn lúc nào hết, đạo đức cách mạng trở thành động lực tinh thần quan trọng và quyết định để chiến thắng kẻ thù, đặc biệt chiến thắng được chính bản thân mình, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân - một thứ giặc “nội xâm” luôn ẩn nấp trong mỗi con người. Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (ngày 03/02/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để giáo dục cán bộ, đảng viên – đối tượng mà Người rất quan tâm, bồi dưỡng. Đây là tác phẩm cuối cùng của Người viết về vấn đề đạo đức cách mạng, có thể được coi là sự hoàn chỉnh về tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài báo tuy chỉ ngắn gọn trong 2 trang với chưa đầy 700 chữ, là một trong những tác phẩm vào loại ngắn nhất xét về mặt dung lượng ngôn từ, nhưng lại chứa đựng những tư tưởng to lớn, đề cập tới vấn đề quan trọng nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Có thể nói, đây là di huấn tư tưởng và đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta cho một thế hệ cách mạng - không chỉ đương thời mà còn mai sau, mãi mãi về sau.

Giá trị của tác phẩm là ở chỗ đã tổng kết lý luận và thực tiễn sâu sắc về đạo đức cách mạng, có giá trị và ý nghĩa trên nhiều phương diện. Mở đầu bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”. Đây cũng là điều mà Người thường nhắc đến và căn dặn cán bộ, đảng viên.

Tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam: “làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”. Người chỉ rõ một trong những nguyên nhân tạo nên thắng lợi đó chính là sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên, luôn đi đầu phong trào để toàn dân thực hiện: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”([3]) là niềm tự hào của Đảng và của nhân dân. Tổng kết này là sự khẳng định giá trị bản chất và truyền thống của Đảng.

Tác phẩm dành một phần lớn để vạch rõ thực trạng về “một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân”. Trên tinh thần phê phán nghiêm khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cụ thể những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và những hậu quả mà nó gây ra: không lo "mình vì mọi người” mà chỉ muốn "mọi người vì mình", “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”. Người còn lưu ý: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm..., mắc nhiều sai lầm”([4]). Đoạn phê phán chủ nghĩa cá nhân trong bài báo này đã thâu tóm đầy đủ nhất những gì gọi là phản đạo đức, xa lạ với cách mạng và đạo đức cách mạng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trước đó, phải quét sạch những rác rưởi bẩn thỉu này để làm trong sạch Đảng.

Sau khi vạch rõ những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà một số cán bộ, đảng viên đã mắc phải, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cách sửa chữa hết sức cụ thể, rõ ràng. Với toàn Đảng: “phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”([5]). Người lưu ý mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên phải “thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng”. Người đặc biệt chú trọng việc quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Đảng phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng làm việc đó. Ở đây toát lên một tư tưởng lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra từ rất sớm: dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Người cũng nêu rõ yêu cầu: giữ nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng, phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra của Đảng một cách chặt chẽ. Lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân phải đặt lên trên hết, trước hết, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Muốn vậy phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, tôn trọng quần chúng, gần gũi quần chúng, sát thực tế, gắng sức học tập rèn luyện về mọi mặt. Theo Hồ Chí Minh, đó là cách thiết thực nhất để kỷ niệm ngày thành lập Đảng và là một việc làm cần thiết giúp tất cả cán bộ, đảng viên tiến bộ, góp sức cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” cũng như nhiều tác phẩm khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang một đặc điểm là tính hướng dẫn tư tưởng đi liền với sự thúc đẩy hành động. Đặc điểm ấy lại thể hiện sinh động qua một hình thức biểu đạt rất đúng với phong cách của Người: chữ ít nhất mà nghĩa nhiều nhất, đem cái tối thiểu của ngôn từ để tải cái tối đa tư tưởng.

Giá trị và bài học ấy qua 45 năm qua vẫn còn vẹn nguyên tính mới mẻ, tính thời sự, hiện đại và là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng luôn được đặt trong chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ cách mạng và được quan tâm sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (tháng 12-2011): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã tiếp tục khẳng định: Bên cạnh những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta trong 25 năm đổi mới vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…”.

Thực trạng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm, mà nguyên nhân, như Người đã chỉ rõ. 45 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nói riêng và trong các tác phẩm về đạo đức cách mạng của Người nói chung, vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa về nhiều phương diện, càng cho thấy tính thời sự và hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Thời gian càng lùi xa nhưng những lời dạy của Người về đạo đức cách mạng ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết, mãi mãi là sách gối đầu giường của những người cách mạng.

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.410.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.253.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438 - 439.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438 - 439.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438 - 439.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)