55 năm hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch
Nguyễn Văn Dương
Phó giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu Di tích), là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất 15 năm cuối đời (1954 đến 1969), cũng là nơi Người đã chữa bệnh và qua đời để vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Sau khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta những di sản vô giá, đó không chỉ là kho tàng lý luận cách mạng mà còn có các di tích bất động sản, động sản và môi trường cảnh quan gắn với cuộc sống đời thường của Người tại Khu Phủ Chủ tịch. Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhìn lại các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích, bài tham luận góp bàn một số vấn đề sau đây.
1. Khu Di tích và tính đặc thù trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và tài liệu, hiện vật, cảnh quan môi trường
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969), Đảng và Nhà nước ta đã quyết định bảo tồn nguyên vẹn, lâu dài nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích có diện tích rộng 14,7 ha, gồm 3 khu vực A, B và C, trong đó có nhiều di tích bất động sản, tài liệu hiện vật và và môi trường cảnh quan di tích. Khuôn viên Khu Di tích được bao quanh bởi hệ thống tường rào: có từ sinh thời Bác Hồ. Phía Đông giáp đường Hùng Vương và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp đường Hoàng Hoa Thám, phía Tây giáp vườn Bách Thảo, phía Nam giáp Chùa Một Cột và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện tại, một phần của khuôn viên Khu Di tích vẫn là nơi làm việc của Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ.
- Khu Di tích gồm có:
+ Các di tích bất động sản (công trình xây dựng, ngôi nhà, căn hầm…)
Khu Di tích có 13 Di tích bất động sản (công trình xây dựng, ngôi nhà, căn Hầm…). đang được Khu Di tích bảo quản và phát huy tác dụng, đó là: Di tích nhà 54, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; Di tích phòng họp Bộ Chính trị và tiếp khách; Di tích nhà BK1, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cán bộ đến báo cáo công việc và ký các Sắc lệnh. Di tích Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 đến ngày 17/8/1969. Di tích nhà H67, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị (từ 1967 đến 1969) và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chữa bệnh từ ngày 17/8/1969 cho đến khi Người qua đời vào ngày 2/9/1969. Căn phòng trưng bày thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi nghỉ giải lao giữa phiên họp Bộ Chính trị và cũng là nơi hội đồng bác sĩ họp hội chẩn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị cho Người từ ngày 24/8/1969; Di tích Nhà Phòng không; Di tích Hầm H66, nơi đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khi có báo động. Di tích Nhà ga-ra ôtô: Nơi trưng bày những chiếc xe đã dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di tích Nhà bếp A, nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ tháng 12/1954 đến tháng 7/1969; Nhà bếp B: Nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7/1969 đến 2/9/1969;….
+ Di tích động sản (hiện vật) và tư liêu (phim, ảnh, các tài liệu,…)
Tổng số tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà Di tích là 1738 đầu hiện vật, với gần 4.000 đơn vị hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau (như: sứ, kim loại, đá, gỗ, thủy tinh, giấy, vải... Hiện nay Khu Di tích đang trưng bày 932 đầu hiện vật, với 1858 đơn vị hiện vật. Cùng với đó là hàng ngàn tài liệu, tư liệu (như phim ảnh, các trang bản thảo,….), hệ thống ảnh tư liệu về Bác trong những năm tháng sống và làm việc ở Khu Di tích (1954 -1969).
+ Cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá di tích
Toàn bộ khu vườn có diện tích thảm cỏ, cây xanh chiếm hơn 2/3 diện tích. Vườn cây có 46 thảm cây xanh với 1.922 cây các loại, trong đó có 1.425 cây thân gỗ và 497 cây thân bụi, thân thảo, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 73 loài có nguồn gốc nước ngoài; 35 loài là cây ăn quả, 59 loài là cây bóng mát, 67 loài là cây hoa, cây cảnh. Đặc biệt, trong đó có 50 cây được Bác Hồ trồng hoặc trực tiếp chăm sóc như: cây vú sữa, cây dừa Miền Nam, cây xanh bốn mùa, dừa lửa, cọ dầu, cây đa kiên trì, cây bụt mọc... Mỗi cây trong vườn là một hiện vật sống đã gắn với những kỷ niệm về Bác.
Cùng với Vườn cây là Ao cá Bác Hồ. Ao cá có diện tích 3.320m2, với trữ lượng gần 5.000kg cá các loại, thuộc 14 loài và 6 nhóm: chép, trôi, rô phi, mè, trắm cỏ…, có nhiều loài đã được Bác Hồ nuôi dưỡng và theo dõi quá trình sinh trưởng. Năm 1959, hợp tác xã Tiền Phong - nay là Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội - là đơn vị đầu tiên được Bác Hồ gửi cho giống cá rô phi để nuôi.
- Tính đặc thù trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích
Thứ nhất: Xét về loại hình, cấp độ và sự lan toả, ảnh hưởng giá trị, Khu Di tích là Di tích lưu niệm danh nhân (di sản), khác với các bảo tàng (là thiết chế văn hoá). Đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất.
Thứ hai: Khu Di tích Phủ Chủ tịch có khuôn viện rộng 14,7 ha, gồm 3 khu vực A, B và C. Hiện nay, khu B là nơi làm việc của Văn phòng Chủ tịch nước và Khu C, là nơi làm việc của Văn phòng Chính phủ. Ba cơ quan chỉ có ranh giới mềm. Vì vậy, trong công tác quản lý, bảo quản và phát huy tác dụng phục vụ khách tham quan cũng phải cân nhắc, tính toán khoa học, hợp lý và hiệu quả để vừa đảm bảo các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích nhưng vừa đảm bảo được các hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Thứ Ba, Khu Di tích là Di tích mở, với một quần thể di sản có giá trị về lịch sử - văn hoá – danh nhân, các điểm di tích không tập trung mà nằm rải rác trong vườn cây của Khu Di tích. Giá trị của Khu Di tích cũng không chỉ được phản ánh trong hệ thống các di tích bất động sản, động sản, hiện vật,… mà còn được phản ánh qua cảnh quan môi trường ngoài trời. Khu Di tích là “Di tích sống” về nơi ở, làm việc, sinh hoạt, chữa bệnh, qua đời của Chủ tichh Hồ Chí Minh, nên các di tích, tài liệu, hiện vật… (khác với sự sắp xếp của các di tích, bảo tàng khác) mà vẫn được giữ nguyên trạng như khi Người còn sống. Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích vì thế mang tính đặc thù – tức được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa trong nhà vừa ngoài trời, vừa thực hiện công tác bảo bảo quản, giữ gìn, vừa thực hiện công tác phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.
Thứ tư: Khu Di tích là Di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt tiêu biểu, quan trọng của quốc gia, của dân tộc là nơi được Đảng, Nhà nước lựa chọn là điểm đến tham quan trong hoạt động văn hóa đối ngoại khi các nguyên Thủ quốc gia, chính khách nước ngoài khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, nhằm góp phần củng cố và tăng cường thêm tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Ngoài ra, Khu Di tích là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chữa bệnh và qua đời vào ngày 02/9/1969. Hiện nay, nơi đây trở thành nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân về dâng hương tưởng niệm Bác Hồ nhân những ngày lễ lớn của quốc gia dân tộc.
Thứ năm: Khu Di tích được cấu thành bởi các Di tích bất động sản (nhà, phòng, hầm, sân, đường...); và động sản (tài liệu, hiện vật...); Cảnh quan môi trường (vườn cây, ao cá ). Mặt khác, đối tượng bảo tồn là những thực thể sống (cây trồng, cá nuôi..). Bên cạnh đó, địa hình, thổ nhưỡng Khu Di tích là vùng trũng nước, mưa là ngập; đất chua, thường xuyên bị xói mòn, bạc màu; … Khu Di tích thường xuyên chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ thấp, độ ẩm cao) và lượng khách tham quan đông (có ngày lên tới 35.000 người). Vì thế nhiệm vụ bảo vệ, bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường của Khu Di tích là hết sức khó khăn. Vì vậy, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích, cán bộ làm công tác bảo quản, môi trường di tích ngoài chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn, bảo tàng thì còn phải có chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực như Nông, Lâm, Thủy sản... để có thể bảo quản, chăm sóc vườn cây, ao cá. Khu Di tích cũng cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học, cũng như các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.
Thứ sáu: Khu Di tích vừa thực hiện công tác bảo bảo quản, giữ gìn, vừa thực hiện công tác phục vụ khách tham quan các yếu tố tạo nên tính đặc thù trong nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích. Đó là phải bảo tồn nguyên vẹn, nguyên gốc các giá trị Khu Di tích. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Khu Di tích. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích được thực hiện bởi rất nhiều hoạt động, như: kiểm kê, bảo vệ, bảo quản; sưu tầm, bổ sung; tu bổ, tôn tạo; nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; truyền thông, tuyên truyền giáo dục phát huy giá trị Khu Di tích trong phát triển văn hoá và du lịch.
2. Thực trạng các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch trong 55 năm qua
Một là: Hoạt động sưu tầm, kiểm kê di tích, tài liệu hiện vật
Ngay sau khi Bác mất, ngày 16/9/1969, thực hiện chỉ thị của Đảng và Nhà nước, Cơ quan CQ41 bắt đầu tiến hành vẽ bản đồ khoanh vùng Khu vực 2-9, chụp ảnh hiện trạng các di tích, ghi chép, thống kê, đăng ký vào số kiểm kê bước đầu để khẳng định tính pháp lý đầu tiên của Khu Di tích. Đến nay toàn bộ không gian Khu Di tích đã được định vị chính xác trên bản đồ, với vị trí, chi tiết cụ thể cho từng ngôi nhà, vườn cây, gốc cây, ao cá, đường đi trong Khu Di tích đã được xây dựng hồ sơ khoa học với nội dung thông tin đầy đủ, đa dạng, đảm bảo đầy đủ các yếu tố khoa học, đúng nguyên tắc Bảo tàng. Tính đến nay, đã xây dựng được 11 bộ hồ sơ Di tích, 1.098 bộ hồ sơ hiện vật và đã chuyển đổi số được: 641 bộ hồ sơ với đầy đủ các yếu tố: Lý lịch, bản ghi chép hiện vật, phiếu kiểm kê hiện vật (với 26 tiêu chí), lời kể của các nhân chứng, các bài viết nghiên cứu có liên quan, ảnh chụp, bản vẽ thiết kế, đạc họa và sơ đồ định vị hiện vật…
Về công tác sưu tầm, luôn được Khu Di tích đẩy mạnh và tính đến nay đã sưu tầm, phục chế và làm lại được 1350 hiện vật gốc, đồng thời và làm lại, để phục vụ công tác trưng bày phát huy tác dụng các Nhà di tích. Ngoài ra, Khu Di tích đã sưu tầm, bổ sung vào kho tư liệu được hàng nghìn tư liệu (gồm ảnh, các trang tài liệu) để phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là: Hoạt động bảo vệ, bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích
Khu Di tích Phủ Chủ tịch là di sản mà các di tích còn tương đối nguyên gốc. Tuy nhiên với các chất liệu khác nhau của các nhà di tích và hệ thống hiện vật, tài liệu rất dễ bị tác động của môi trường, khí hậu và sự xâm nhập của côn trùng, nấm mốc… Đặc thù đó đã làm cho nhiệm vụ bảo vệ, bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường của Khu Di tích là hết sức khó khăn.
Khu Di tích thực hiện công tác bảo quản thông thường, kết hợp với chế độ bảo quản định kỳ (ngắn hạn, dài hạn) và chống xuống cấp di tích. Đặc biệt, là áp dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ, bảo quản hệ thống tài liệu, hiện vật của di tích như: máy hút ẩm, điều hoà nhiệt độ, công nghệ khí khô... Kết hợp bảo quản thường xuyên định kỳ với tu bổ, chống xuống cấp di tích. Năm 2006 Khu Di tích đã triển khai thực hiện dự án Tổng thể “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch trong 3 giai đoan. Năm 2018, thực hiện bảo quản nhà sàn gỗ và cầu gỗ bắc qua ao, lưu kho K.80; làm lại 05 gậy ba toong song mây; tu sửa bộ bàn ghế song mây; bảo quản tu sửa Bản đồ Thế giới; hoàn thiện trang bị giá kệ kho K.80; sắp xếp hiện vật tầng 2 kho K.80 (phòng số 2 và số 3)[1].
Trong quá trình thực hiện tu bổ, bảo quản, Khu Di tích đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Công ty 195 – Binh đoàn 11, Viện hoá kỹ thuật quân sự, Bộ tư lệnh công binh (Bộ Quốc phòng); Sở Giao thông Công chính - Hà Nội; Trung tâm phòng trừ mối Thuỷ lợi, Viện điều tra quy hoạch Lâm nghiệp, Trường đại học nông nghiệp I - Hà Nội, Viện Cây lương thực & cây thực phẩm, Viên nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Tổng cục kỹ thuật- Bộ Công an....
Về công tác tu bổ, tôn tạo, Khu Di tích đã nghiên cứu thực hiện được nhiều hạng mục như: chống hiện tượng mao dẫn làm mục chân tường cho toàn bộ các ngôi nhà di tích; rải thảm toàn bộ bề mặt sân, đường đi trong toàn khu vực di tích; xử lý hệ thống thoát nước trong khu vực di tích để không gây ngập úng, tràn nước vào các nhà di tích khi trời mưa to; cải tạo nâng cấp lưới điện; lắp đặt hệ thống camera bảo vệ và hệ thống báo cháy và chống cháy tự động; tu bổ tôn tạo nâng cấp vườn cây; tu bổ, tôn tạo ao cá v.v...
Ba là: Hoạt động nghiên cứu khoa học về Di tích
Công tác nghiên cứu khoa học là khâu quan trọng góp phần to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Từ năm 1992 đến nay, Khu Di tích đã thực hiện 08 đề tài khoa học cấp Bộ và 26 đề tài khoa học cấp cơ sở, tổ chức và phối hợp tổ chức thành công hơn 80 cuộc Hội thảo, Tọa đàm khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Khu Di tích, trong đó có nhiều cuộc có quy mô và ý nghĩa lớn.
Bốn là: Hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục giá trị di tích
Truyền thông, tuyên truyền, giáo dục là hoạt động được chú trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu Di tích. Cụ thể:
Công tác xuất bản: Khu Di tích là một trong những đơn vị xuất bản được nhiều đầu sách chất lượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là địa chỉ tin cậy để các cơ quan truyền thông tìm đến đặt vấn đề khai thác thông tin tư liệu. Trong 55 năm qua, Khu Di tích đã xuất bản được 145 đầu sách, một số cuốn sách đã tái bản nhiều lần. Bên cạnh đó là các xuất bản phẩm như tờ gấp giới thiệu về Khu Di tích bằng 4 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Tây Ban Nha), 10 bộ bưu ảnh song ngữ Việt - Anh giới thiệu các hình ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh... và nhiều bộ sách bằng tiếng nước ngoài khác… Đặc biệt, từ năm 2007 Khu Di tích đã xuất bản Đặc san Thông tin tư liệu thường kỳ một năm hai số. Năm 2018 được cấp Mã số chuẩn quốc tế (ISSN). Đây là sự ghi nhận về nội dung hình thức và chất lượng khoa học của cuốn tạp chí (tính đến nay đã xuất bản được 35 số.
Trang tin điện tử: Năm 2008, Khu Di tích xây dựng Trang tin điện tử: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn với giao diện cập nhật hiện đại, khoa học. đến nay đã có gần 20.000.000 lượt người truy cập.
Khu di tích còn phối hợp với 26 cơ quan truyền thông để thực hiện nhiều phóng sự, xây dựng phim tư liệu về Khu di tích và những hoạt động của Người trong 15 năm sống và làm việc Khu Phủ Chủ tịch; Cung cấp tài liệu, hình ảnh, trao tặng sách, lập tủ sách Hồ Chí Minh cho nhiều địa phương trong cả nước...
Tổ chức Triển lãm: Khu Di tích đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 65 cuộc triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích và các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, Khu Di tích còn phối hợp với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức được 15 cuộc triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại: Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Chile, Ma –rốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương Quốc Bỉ,..
Khu Di tích còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, tổ chức hàng nghìn buổi Lễ báo công, Kết nạp đảng viên mới, sinh hoạt chính trị, nói chuyện chuyên đề, trại sáng tác và triển lãm tranh nghệ thuật về Bác Hồ, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các nghi thức lễ hội truyền thống cho đồng bào các dân tộc và kiều bào ta ở nước ngoài vào những dịp Tết cổ truyền dân tộc…
Năm là: Hoạt động đón khách tham quan - lan toả, phát huy giá trị di tích
Từ năm 1969 đến hết tháng 6/2024, Khu di tích đã đón tiếp, phục vụ gần 90 triệu lượt khách (trong đó có hơn 16 triệu khách quốc tế từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới) đến Khu Di tích để tham quan, học tập, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm 2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Khu Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “trường học” thực tiễn sinh động về giáo dục truyền thống cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người
Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích, việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, khoa học nghiệp vụ luôn được Khu Di tích chú trọng. Trước những năm 1992, Khu Di tích chỉ có 2 phòng công tác chuyên môn với hơn 20 cán bộ và chỉ có 50% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp; một chi bộ Đảng, một tổ Công đoàn và một phân đoàn thanh niên. Đến nay, Khu Di tích đã có hơn 90 cán bộ, công nhân viên và người lao động, trong đó có 23 cán bộ có trình độ trên đại học và 52 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng; có 5 phòng công tác, một Đảng bộ với 55 đảng viên. Có 5 đồng chí đã hoàn thiện lý luận chính trị cao cấp 25 đồng chí hoàn thiện trung cấp chính trị và 27 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, nhiều đồng chí học thêm ngoại ngữ và tin học...
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích
Hơn nữa thế kỷ thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích, chúng ta có thể tự hào rằng, đây là một trong số rất ít Di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam – Di tích lưu niệm Danh nhân còn giữ được gần như nguyên vẹn các bộ phận cấu thành dưới dạng nguyên gốc. Khu Di tích thực sự là “cầu nối” những giá trị di sản Hồ Chí Minh với dân tộc và thế giới.
Từ thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích và nhận thức, kinh nghiệm công tác, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích trong bối cảnh hiện nay. Đó là:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của Khu Di tích, trên cơ sở đó có kế hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích. Hoạt động bảo tồn và phát huy tác dụng ở Khu Di tích phải được xác định là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, nhằm góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới phát triển và hội nhập của đất nước.
Thứ hai: Tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị tốt nhất đối với các nhà di tích, tài liệu, hiện vật và cảnh quan môi trường di tích; nghiên cứu chỉnh lý, trưng bày bổ sung nội thất một số nhà di tích, như Nhà Sàn, Nhà 54, Nhà BK1, Bếp A, Bếp B, … để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Cùng với đó là tăng cường hoạt động sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật, lời kể nhân chứng đối với các Nhà di tích.
Thứ ba: Thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích. Tăng cường áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích. Đây là một trong những giải pháp cần lưu ý, bởi xuất phát từ tính đặc thù của Khu Di tích như đã phân tích ở trên. Bên cạnh việc đầu tư hợp lý, đúng hướng về trang thiết bị, phương tiện, là phải ưu tiên việc ứng dụng khoa học công nghệ số để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị.
Tăng cường truyền thông trong nước và quốc tế, cùng với đó, là tiếp tục phối hợp hiệu quả của các cơ quan chuyên môn có liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích. Chú trọng hơn nữa mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi và thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy tác dụng giáo dục từ giá trị Khu Di tích.
Thứ tư: Đẩy nhanh số hoá di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích bằng việc ứng dụng công nghệ, thiết bị điện tử thực hiện định dạng số về hình ảnh, âm thanh và câu chuyện của từng di tích, hiện vật vườn cây, ao cá. Việc thực hiện xây dựng dữ liệu số về di tích sẽ tạo nguyên liệu “đầu vào” một cách có hệ thống, chiều sâu về những giá trị Khu Di tích, đáp ứng mục đích, yêu cầu bảo vệ, khai thác giá trị di sản.
Số hoá di sản Hồ Chí Minh phải được xem là phương thức, giải pháp đột phá để thay đổi trải nghiệm văn hóa và làm cho di sản Hồ Chí Minh hấp dẫn, đến gần với công chúng hơn. Tại Hội thảo khoa học, quan điểm được khẳng định: Đẩy nhanh số hoá di sản tại Khu Di tích là đòi hỏi của thực tiễn, cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích hiện nay. Đặc biệt là Khu Di tích sẽ thực hiện xây dựng chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh[2].
Thứ năm: Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức và người lao động Khu Di tích phải hướng tới sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao. Trong đón tiếp khách tham quan, phải có thái độ lịch sự, nhã nhặn, ân cần khi khách cần giúp đỡ. Đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các địa phương, Nguyên thủ quốc gia, chính khách nước ngoài,…đến tham quan, dâng hương tưởng niệm, ngoài đón tiếp nhiệt tình, chu đáo, rất cần thái độ trọng thị. Đối với các đoàn khách tham quan nghiên cứu học tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải có nhiều hình thức cung cấp thông tin liên quan nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách.
Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, cần tăng cường hơn nữa trong việc tổ chức các sự kiện lồng ghép phát huy giá trị Khu Di tích. Đặc biệt Khu Di tích cần tạo ra môi trường để có sự liên kết giữa các hoạt động, cũng như góp phần quảng bá, lan toả các giá trị di tích.
Thứ sáu: Để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích, rất cần có một đội ngũ cán bộ, viên chức chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ khoa học có chuyên môn nghiệp vụ cao. Trước hết, cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về nghiệp vụ đối với các lĩnh vực, như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê; bảo quản, trưng bày; tu bổ, tôn tạo; truyền thông, tuyên truyền, đối ngoại; quản lý, bảo tồn; công tác an ninh… Cùng với đó là làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn để bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Phải có kế hoạch cụ thể, dài hạn, ngắn hạn và thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, rất cần chú trọng đội ngũ hướng dẫn thuyết minh của Khu Di tích. Một thống kê cho biết, hiện tổng số hướng dẫn viên thuyết minh của Khu di tích tại Phủ Chủ tịch chỉ có 12 người, trong đó có 01 tiếng Anh, 01 tiếng Trung. Việc thiết lập một đội ngũ tình nguyện viên biết ngoại ngữ, trẻ trung, năng động, nhiệt tình, thân thiện và hiểu biết về Hồ Chí Minh và về Khu Di tích…để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phát huy giá trị Khu Di tích là vô cùng cần thiết[3].
Hơn nửa thế kỷ qua, Khu Di tích đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích. Khu Di tích không chỉ mang giá trị Di tích lịch sử mà còn mang giá trị “cầu nối” với di sản văn hoá dân tộc và nhân loại. Khu Di tích là một địa chỉ đỏ về những giá trị lịch sử - văn hoá – du lịch của dân tộc và thế giới. Làm tốt công tác bảo tồn, phát huy là thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó đối với việc giữ gìn di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích trong quá trình phát triển, hội nhập/.
[1]Nguồn: https://toquoc.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-phu-chu-tich-20190201092143113.htm... Tháng 2/2019
[2] Theo Báo Văn hoá điện tử: https://baovanhoa.vn/van-hoa/giao-duc-di-san-ung-dung-cong-nghe-tai-khu-di-tich-phu-chu-tich-17212.html.... Ngày 7/7/2023
[3] Nguyễn Thị Lệ Thủy (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục của Khu Di tích): Nguồn: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/de-xuat-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ton-phat-huy-gia-tri-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-phu-chu-tich-gop-phan-vao-su-nghiep-xay-dung-va-phat-trien-dat-nuoc-3298…. Ngày 17/05/2022