slider

Ai đưa Bác đi đón giao thừa năm 1946?

31 Tháng 08 Năm 2011 / 3912 lượt xem
Trịnh Tố Long
          Nội san Thông tin Tư liệu của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ngày càng được đông đảo bạn đọc, các nhà nghiên cứu và người viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh biết đến, rất quan tâm, coi như một kênh thông tin chính nguồn. Chúng tôi càng quý, rất hoan nghênh Nội san không chỉ chọn lọc, thận trọng đăng tải thông tin mà còn công bố trao đổi những vấn đề, sự kiện cần tìm ra sự thật, số đặc biệt tháng 9/2010 là một ví dụ. Trong số này, trang 147, tác giả P.H.Đ mong nhận được hồi âm: ai, ông Vũ Đình Huỳnh hay ông Vũ Kỳ được đưa Bác đi đón giao thừa năm 1946?
          May mắn được biết ít nhiều về sự việc qua người trong cuộc, xin góp thêm đôi dẫn chứng để hưởng ứng mong muốn của Nội san.
          Người viết với người trong cuộc
          Bác Hồ và Trung ương chủ trương sớm kết thúc chiến tranh, sang năm 1953 chỉ thị thành lập Đoàn thanh niên xung phong Trung ương. Bác “xuất hai tướng” trong số tám cận vệ do Người đổi tên từ ngày rút lên ATK 6/3/1947: ông Vũ Kỳ (1921 - 2005) làm Đoàn trưởng và Tạ Quang Chiến Đội trưởng Đội 36 phụ trách an toàn ATK. Chúng tôi (hiện còn như Nguyễn Duy Niên bên Ngoại giao) là “quân” của hai ông. Từ năm 2000 tôi hàng tuần 3 giờ chiều được sang nhà riêng ông Vũ Kỳ bên khu Hoàng Cầu giúp ông tập luyện chữa nhiều bệnh. Được nghe ông kể khá nhiều chuyện về Bác Hồ. Trong đó có câu chuyện ông đưa Bác đi đón giao thừa tại đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm tết Bính Tuất.
          Chuyện này liên quan từ khi ông được ông Trần Đăng Ninh - anh Đáng bạn tù vượt ngục Hỏa Lò, tiến cử là một trong ba “ứng viên” (Hoàng Tùng, Trần Quang Huy) làm thư ký cho Bác ngay sau hôm Người từ Tân Trào về 48 Hàng Ngang Hà Nội (26/8/1945). Trong các hồi ký ông đã viết rõ. Riêng “tiêu chuẩn” Bác chọn ông, tôi hỏi, ông cười: - Mình cũng chẳng phải có tài cán gì đâu, mà chắc là vì yêu cầu của công tác: như ông Hoàng Tùng để giữ chức Bí thư Hà Nội, Quang Huy dành cho bên văn hóa văn nghệ. Mình nếu có “ưu tiên” Bác chọn thì một là thông thạo đường phố Hà Nội, hai là tiếng Pháp…..
          Ông kể chi tiết về hai cuộc khảo thí của Bác với ông. Tối 27 ông đến nhận việc, sáng hôm sau, Bác hỏi:
          - Chú có biết tiếng Pháp không?
          - Thưa Cụ, biết ạ.
          - Thế chú ngồi đây, mình đọc cho chú viết cái này.
          Cuộc thi đơn giản, trót lọt. Chiều 31/8 Bác đã thảo xong bản Tuyên ngôn Độc lập và Trưởng ban Tổ chức lễ Độc lập, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Nguyễn Hữu Đang báo cáo việc dựng lễ đài sẽ hoàn tất vào tối 1/9 (Chúng tôi gặp, bút đàm nhiều lần với ông Đang đã điếc đặc, ở khu chung cư Nghĩa Tân mùa hè 2002. Ông sinh năm 1912, mất 2007). Bác hỏi ông Vũ Kỳ có thông thuộc khu vườn hoa Ba Đình và phác vẽ xem đường đi lối lại, những chỗ có thể đặt hố vệ sinh cho hôm tổ chức mít tinh, nếu hôm đó trời mưa hoặc xẩy sự cố gì thì đồng bào tản ra bằng những đường nào….
          Rồi sau đó, những tháng ngày thù trong giặc ngoài, đủ lại tay sai mật thám giăng ra khắp Hà Nội để mưu sát, lật đổ chính quyền nhân dân, việc Bác Hồ chọn ông Vũ Kỳ, người Hà Nội, nhất là từ sau ngày 26/11/1946 đưa Bác ra ngoại thành, quả là Người đã lường trước mọi việc. Bác và Trung ương an toàn rút lên chiến khu lãnh đạo kháng chiến thành công.
Ông Vũ Đình Huỳnh không có trong số anh em cùng Bác rút lên chiến khu, mà đi theo gia đình. Ông là Bí thư trưởng phòng văn thư Chủ tịch phủ, về “Dinh Đại sứ” - nơi định đón hai Đại sứ Liên Xô và Trung Quốc tại Vai Cày Đại Từ Thái Nguyên và rồi về Hà Nội, ông chuyển sang Ngoại giao làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân ở 12 Ngô Quyền. Tôi từng là nhân viên. Ông thuộc hàng….”sếp lớn” khó gần. Có lần tôi hỏi ông Vũ Kỳ, và cả ông Tạ Quang Chiến, ông Cù Văn Chước cùng cán bộ TNXP chúng tôi. Các ông đều nói: Bác không muốn trong anh em có “tư tưởng địa vị”, mà phân công mỗi người mỗi việc thôi, trừ khi cần phải có chức vụ. Chẳng hạn, ông Huỳnh làm tùy tùng của Chủ tịch nước là Thiếu tá gặp Đại tá Pháp phải chào trước thì “thăng cấp” Đại tá Vũ Đình Huỳnh. Và, quan trọng, Bác giao việc trực tiếp, việc của ai chỉ người ấy biết, không bao giờ qua “cấp trung gian”. Nhưng, giao việc cho ai đều hợp tình, hợp lý, đúng chức trách, không thể tùy tiện…., ông Huỳnh không thể đảm nhận việc đưa Bác đi đêm giao thừa năm 1946….
Khi kể lại chuyện được Bác giao dẫn Người đi chúc Tết một số gia đình và đi đón giao thừa tại Đền Ngọc Sơn Tết Bính Tuất - 1946, ông Vũ Kỳ vui vẻ thoải mái cười đôn hậu và lặp lại thói quen “hả, hả”….để nhấn mạnh ý định chủ đạo muốn thể hiện: - Có thể coi đây là lần thứ hai Bác thử xem mình thông thuộc đường Hà Nội đến mức nào. Nhưng thật hú vía….Cuộc đi đón giao thừa duy nhất, nhớ đời, hạnh phúc lớn lao với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc…hả, hả….

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)