slider

Ba lần đối mặt với Anbe Xaro

07 Tháng 04 Năm 2014 / 4458 lượt xem
Nguyễn Huy Hoan
Trong các viên Toàn quyền Đông Dương đã từng ngự trị ở Phủ Toàn quyền ở Hà Nội để cai trị nhân dân Đông Dương, Anbe Xarô là viên Toàn quyền "hành" Nguyễn Ái Quốc nhiều nhất. Anbe Xarô đã từng làm Toàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ thứ nhất từ tháng 11/1911 đến tháng 1/1914. Nhiệm kỳ thứ hai từ tháng 1/1917 đến tháng 5/1919. Sau nhiệm kỳ này ông trở về Pháp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa.
Chỉ ba tháng sau khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, ngày 6/9/1919, Anbe Xarô đã mời Nguyễn Ái Quốc đến trụ sở Bộ Thuộc địa, đích thân kiểm tra lai lịch của Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đối mặt đầu tiên giữa Nguyễn Ái Quốc và Anbe Xarô theo hồ sơ SPCE /346 lưu ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại tại Aixen Provênc, Pháp. Ngày hôm sau Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Anbe Xarô, toàn văn như sau:
“Pari, ngày 7 tháng 9 năm 1919
Kính gửi Ngài Anbe Xarô, Toàn quyền Đông Dương (1).
Thưa Ngài Toàn quyền.
Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết thỏa đáng.
Xin Ngài vui lòng tiếp nhận.
Nguyễn Ái Quốc
6 Vila de Gobơlanh, Pari (1).
Cuộc đối mặt thứ hai xảy ra vào tháng 3 năm 1921. Trong cuộc gặp này Anbe Xarô cho Nguyễn Ái Quốc biết rằng chưa thể để Đông Dương độc lập được vì Đông Dương chưa có quyền lực vũ trang và Nguyễn Ái Quốc đã nói:
Thưa ông Bộ trưởng, xin ông hãy xem nước Xiêm và nước Nhật. Hai nước này không có nền văn minh lâu đời hơn chúng tôi mà họ đã được đứng trong các quốc gia trên thế giới. Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy!”(2). Đến năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã chứng minh hùng hồn cho ý kiến trên đây của Nguyễn Ái Quốc.
Cuộc đối mặt thứ ba xảy ra vào hạ tuần tháng 6 năm 1922. Cuộc gặp này đã được thuật lại trong tác phẩm của T.Lan: Vừa đi đường, vừa kể chuyện và trong hồi ký của Bùi Lâm: Gặp Bác ở Pari.
“Trong phòng khách của Bộ Thuộc địa, một bầy người Pháp “tai to mặt lớn” đang nhô nhô chờ đến phiên mình được “quan thượng” gọi vào. Nhưng Bác không phải chờ, vừa đến thì liền có ông già mang xiềng bằng bạc mời vào ngay.
Một gian phòng rộng rãi và lộng lẫy, trưng bày đầy những đồ xưa vật quý mang từ các thuộc địa về. Quan thượng thư, đầu sói như quả bưởi, một mắt mang kính trắng “uy phong lầm lẫm” ngồi chẫm chọc bên một cái bàn rất rộng và chất đầy giấy tờ. Thấy Bác vào ông ta đứng dậy bắt tay và mời ngồi một cách lễ độ giả dối. Hai người ngồi đối mặt với nhau. Một người thì đại biểu của chế độ đế quốc thực dân Pháp đang áp bức bóc lột Việt Nam. Một người là tượng trưng của nhân dân Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tàn nhẫn. Y thì nắm trong tay cả quyền binh kinh tế, chính trị, quân sự, cảnh sát, tòa án, trại giam… ở các thuộc địa Pháp. Bác là một trong 50 triệu người thuộc địa đang bị bọn thực dân Pháp bắt làm nô lệ... Hai giai cấp, hai chế độ ngồi đối mặt nhau. Thế nhưng Bác cảm thấy ông ta sợ Bác vì sợ cách mạng; và đoán biết rằng ông ta cũng cảm thấy Bác không sợ ông ta, vì cách mạng không sợ cái chế độ do ông ta đại biểu.
Thượng thư thuộc địa mở đầu giở giọng đe dọa Bác nhưng trước thái độ ung dung mỉm cười của Bác, y lại đổi giọng vuốt ve, ôn tồn, nào là ”thích những thanh niên có chí khí như ông” nào là “khi nào ông có cần gì tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ông”… Bác bình tĩnh nói:
“Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính Ngài ở lại, tôi xin phép về.”
Trên đường về, ngồi trong tàu điện ngầm, Bác cười thầm nghĩ rằng “Con cáo già thuộc địa đã đoán trúng ý định của mình!”. Sau buổi gặp cuối cùng đó, ngày 25/ 7/ 1922, Nguyễn Ái Quốc đã viết Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đăng báo L’ humanité và Tournal du peuple, bức thư có đoạn: “Dưới quyền cai trị của Ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu, ty thuốc phiện, những thứ đó, song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời”(3).
Có thể thấy ba lần đối mặt với Anbe Xarô là ba lần Hồ Chí Minh thể hiện khí phách bất khuất trước kẻ thù, lý tưởng kiên định quyết giành độc lập tự do cho dân tộc và thái độ ung dung, bình tĩnh trước tay cáo già thực dân. Có lẽ Anbe Xarô cũng kính trọng điều đó, nên năm 1946, trong chuyến đi thăm nước Pháp, khi Anbe Xarô gặp Hồ Chí Minh, ông phải thốt lên: “C’est vous!” (Lại là ông à!). Tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo ông”, rồi sau khi ôm người quen cũ, gọi là bạn quý, ông ta chỉ đề nghị một điều: Xin vẫn để tên một trường học ở Hà Nội mang tên Anbe Xarô”(4).
Chú thích
1.Lúc này Anbe Xarô là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ghi là Toàn quyền Đông Dương. Theo Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917-1920). Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.420.
2. Tài liệu Sở Mật thám Pari theo dõi Nguyễn Ái Quốc. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
3. HCM Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, T1, tr. 91.
4. Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ. Nxb CAND, 2005 , H, tr.77.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)