slider

Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

20 Tháng 05 Năm 2021 / 637 lượt xem

ThS. Phan Thị Hoài

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Tư tưởng Hồ Chí Minh “dân là gốc của nước”, “nước lấy dân làm gốc” là nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức, xây dựng nhà nước. Do vậy, sau khi lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ “Nhà nước dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Quan trọng nhất là nhà nước đó phải do nhân dân bầu ra bằng cuộc bầu cử dân chủ. Có thể nói, chính quyền ở nước ta được xác lập ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, Nhà nước ta lúc đó mới chỉ có một bộ máy hành chính mang tính chất lâm thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một trong những cơ sở cần có đầu tiên của một Nhà nước là Hiến pháp, mà muốn có Hiến pháp phải có Quốc hội. Để bảo đảm tính pháp lý và uy tín của Nhà nước ta trước toàn thể nhân dân và cộng đồng thế giới Bác Hồ đã chỉ ra rằng: “Phải bầu ngay Quốc hội càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được”(2). Với quyết tâm đó, ngay trong những năm tháng đầu tiên chính quyền nhân dân đi vào hoạt động, dù biết bao công việc đặt ra đối với chính quyền non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định chủ trương Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu trong cả nước, để cho nhân dân được thực hiện quyền lợi thiêng liêng của mình. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong 6 vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Viết về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên. Tất cả gái trai 18 tuổi đều có quyền ứng cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.

Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục ban hành một loạt sắc lệnh: Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 02/12/1945 bổ khuyết Điều II chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử; Sắc lệnh số 72-SL ngày 02/12/1945 bổ khuyết một số đại biểu các tỉnh và thành phố theo Sắc lệnh số 51 về cuộc Tổng tuyển cử. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử đồng thời để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76-SL hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06/01/1946.

Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương. Các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Ủy ban Nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Trong không khí dân chủ mới, nhiều ngườicó tài, có đức đã mạnh dạn xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Hà Nội lúc đó có tới 74 ứng cử viên ra tranh cử để chọn ra 6 đại biểu. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Những cuộc tiếp xúc cử tri của người tự ứng cử cũng diễn ra rất sôi nổi ở khắp nơi. Quần chúng trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh quyền giành chức. Không chỉ thể hiện quan điểm, tư tưởng về một chế độ bầu cử tự do, dân chủ, ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội. Đó là “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể Quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Những người trúng cử phải ra sức để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào”.

Lo sợ cuộc Tổng tuyển cử sẽ hợp pháp hóa chính quyền cách mạng trên thế giới nên kẻ thù của cách mạng - các đảng phái phản động tìm mọi cách phá hoại, kể cả việc công khai tuyên truyền, nói xấu, vu cáo Việt Minh, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử. Do vậy, cuộc Tổng tuyển cử lần này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Một mặt, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết bác bỏ mọi luận điệu tuyên truyền, lừa bịp của kẻ thù, mặt khác thực hiện các sách lược nhân nhượng, hòa giải để Tổng tuyển cử được tiến hành có hiệu quả, đúng kế hoạch. Đặc biệt trong quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại diện của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc), Việt cách trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động và hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”. Bởi theo Người: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”.

Ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Chính phủ, kiểm tra lần cuối những công việc của cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 05/01/1946, trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu đăng trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 05/01/1946 với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai mùng 1 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, “Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”(3)... Bác Hồ đã khẳng định rõ ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử, đồng thời, kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu và thông qua lá phiếu của mình đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến ở Nam Bộ. Lúc đó Bác Hồ gọi mỗi lá phiếu như một viên đạn trong cuộc kháng chiến và mỗi lá phiếu như viên gạch xây đắp nền dân chủ và xây dựng kiến quốc đất nước. Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo. đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử.

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 06/01/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, bằng ý chí của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, bất chấp sự phá hoại của kẻ thù, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, từ miền Bắc đến miền Nam, không phân biệt gái trai, già trẻ đã nô nức thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình - tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên.

7 giờ sáng ngày 06/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với hàng vạn cử tri Thủ đô thực hiện nghĩa vụ công dân. Bác đã đi bầu ở phòng bỏ phiếu đặt tại số nhà 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, Bác đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác. Bác đặc biệt cảm động khi chứng kiến những cụ già 70, 80 tuổi vẫn được con cháu cõng đi bỏ phiếu hoặc nhiều người mù vẫn nhờ người nhà dẫn đến hòm phiếu để tự tay mình thực hiện nghĩa vụ công dân.

Trước ngày Tổng tuyển cử, tại Thủ đô Hà Nội, 118 Chủ tịch các Ủy ban Nhân dân và tất cả các đại biểu làng xã tại Hà Nội đã nhất trí công khai một bản kiến nghị. Nội dung bản kiến nghị là yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đáp lại nguyện vọng trên, Bác đã gửi thư trả lời: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định”(4).

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình không chỉ là tấm gương cho toàn thể nhân dân mà còn thể hiện sự công bằng, liêm chính của Chính phủ lâm thời mà Người là đại diện. Với đồng bào cả nước, hành động của Bác càng mang lại niềm tin vững chắc vào một tương lai mới cho dân tộc. Với các thế lực thù địch, Người không cho chúng có cơ hội xuyên tạc tính minh bạch của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi, chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 06/01/1946. Ở các địa phương trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình... Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu; kết quả 6 trong 74 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Quốc hội khóa I - Quốc hội ra đời từ lòng dân, bao gồm 333 đại biểu với đầy đủ các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam là kết quả sự hy sinh, phấn đấu và đoàn kết của toàn dân ta. Cùng với 70 đại biểu không thông qua bầu cử, Quốc hội khóa I gồm 403 đại biểu là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết; là minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết...”. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên là: “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”(5).

Với tầm nhìn chiến lược của một nhà lập hiến vừa kiên quyết vừa khôn khéo, mềm dẻo trong vấn đề nội trị và ngoại giao, đồng thời, thực hiện sự nhân nhượng có nguyên tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, đã làm cho cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày hội của nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ. Lần đầu tiên sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm dưới ách thống trị thực dân, người dân Việt Nam được tự do lựa chọn những người có đủ tài, đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong hoàn cảnh “thù trong, giặc ngoài” đe đọa nhưng nhân dân ta đã tiến hành Tổng tuyển cử thành công, bầu ra Quốc hội; Quốc hội đã cử ra Chính phủ - một Chính phủ thực sự của nhân dân.

75 năm đã trôi qua kể từ khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình là tự do bầu các đại biểu vào Quốc hội, đến nay đã 14 lần nhân dân ta vinh dự thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi thiêng liêng đó. Ngày 23/5/2021 tới đây, Quốc hội tiến hành cuộc bầu cử thứ 15 để bầu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kế thừa và phát huy giá trị lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, các cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo luôn thể hiện quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền dân tộc của Nhân dân ta. Những ngày bầu cử Quốc hội đã trở thành ngày hội của toàn dân, tạo nên một không khí phấn khởi, tin tưởng, một sức mạnh mới với quyết tâm mới trong công cuộc bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ vẫn từng mong muốn.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.232.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.166.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.136.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.216.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)