slider

Bác Hồ với người cao tuổi

10 Tháng 09 Năm 2021 / 2579 lượt xem

Nguyễn Minh Đức

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, ngày 06/6/1941, Người ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào”, câu đầu tiên Người viết: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ! Hỡi các bạn, sĩ, nông, công, thương, binh!”(1). Điều đó đã khẳng định tầm ảnh hưởng to lớn của người cao tuổi trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian để giành tự do, độc lập cho Tổ quốc. Thực tiễn đã chứng minh vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng và trong xã hội. Trong kháng chiến, họ chính là những chiến sĩ du kích già với “tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước” luôn đi đầu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do. Trong kiến quốc, người cao tuổi là những chiến sĩ trên mặt trận “diệt giặc dốt, giặc đói”, động viên con cháu hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, tích cực động viên con cháu lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Cùng ngày 06/6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Người viết: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp, phụ lão phù trì”(2). Từng câu từng chữ của Người đều thể hiện tình cảm yêu mến, quan tâm sâu sắc cũng như sự tin tưởng mà Bác Hồ dành cho người cao tuổi. Lời hiệu triệu đó đã đem đến cho người cao tuổi nguồn động viên mạnh mẽ. Lớp lớp người cao tuổi đã phát huy truyền thống vẻ vang, hăng hái tham gia kháng chiến kiến quốc, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 21/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các cụ phụ lão. Trong thư, Người phản bác một quan niệm cũ rất sai lầm cho rằng “Lão lai tài tận, lão giả an chi” tức “Tuổi già thì tài hết, người già nên ở yên”(3). Bác nhắc lại truyền thống yêu nước của người Việt Nam ngày xưa với tấm gương Lý Thường Kiệt là tiêu biểu, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng. Bác còn chỉ rõ: “Người già không làm được công việc nặng nề thì khua gậy đi trước, động viên khuyến khích thanh niên và san sẻ kinh nghiệm của chúng ta cho họ”(4). Người chỉ rõ: Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao. Cuối thư, Người kêu gọi: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”(5). Bức thư này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm động viên rất lớn đối với các bậc cao niên lúc bấy giờ. Trên cả nước, có biết bao các cụ đã đứng ra gánh vác việc nước, đảm đương nhiều trọng trách từ những ngày đầu, năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Có thể nói vấn đề cốt lõi trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi đó là sự kính trọng, tôn vinh và đặt niềm tin sâu sắc của Người đối với người cao tuổi. Người nói: “Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, Nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, Nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm”(6). Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mọi người, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải cung kính với các cụ già. Bác Hồ không những kính trọng người già mà còn đặc biệt quan tâm, trọng dụng những người cao tuổi tham gia góp công cho đất nước. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác đã mời những bậc cao niên, tài trí, đức độ tham gia chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như cụ Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1876), cụ Tôn Đức Thắng (sinh năm 1888), cụ Võ Liêm Sơn (sinh năm 1889), cụ Vũ Đình Tụng (sinh năm 1895)...

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi những hoạt động và thành tích của phụ lão khắp mọi nơi. Mỗi chiến công hay những việc làm có ý nghĩa của người cao tuổi đều được Người biểu dương, khen ngợi một cách kịp thời và trân trọng. Ngày 21/10/1947, Bác viết thư khen hai cụ già du kích Kiến An có thành tích giết giặc:“Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta, các cụ phụ lão đời Trần đời Lê, chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hăng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước”(7). Tháng 3/1948, Bác viết thư cho lão du kích Đỗ Như Thìn, làng Tuấn Kiệt, tỉnh Hải Dương, vừa khen ngợi cụ Thìn vừa động viên toàn thể anh chị em du kích để họ học tập những sáng kiến và theo gương dũng cảm của cụ Thìn, giết được nhiều giặc. Trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, khi được tin chiến thắng từ mặt trận, Người đã viết một bài thơ tặng cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn, một nhân sĩ trí thức yêu nước, lúc ấy là Trưởng ban Thường trực Quốc hội những vần thơ bằng chữ Hán rất trang trọng mà vẫn đầm ấm tình nghĩa:

“Xem sách, chim rừng vào cửa đậu, Phê văn, hoa núi chiếu nghiên soi Tin vui thắng trận dồn chân ngựa, Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài”.

Lòng kính trọng của Bác Hồ đối với người cao tuổi không chỉ thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói, mà đã lan tỏa trong mọi việc làm, mọi cử chỉ của Bác. Năm 1948, được biết cụ Phùng Lục - Phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) thọ 80 tuổi, không tổ chức tế lễ linh đình, đã mang 500 đồng tiền mừng thọ giúp vào quỹ kháng chiến, Bác Hồ đã viết thư chúc mừng và cảm ơn. Trong thư, Bác kính trọng, khiêm tốn xưng cháu với cụ Lục: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ”. Đây chỉ là một trong rất nhiều sự việc thể hiện sự kính trọng của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đối với người cao tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi rất nhiều lời chúc mừng, tặng huy hiệu, tặng lụa tới người cao tuổi có thành tích kháng chiến và sản xuất. Người thường xuyên khuyến khích, động viên người cao tuổi phải tự mình học tập, nâng cao dân trí, tích cực tham gia vào đời sống xã hội, vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, để“chẳng những làm kiểu mẫu, siêng năng cho con cháu mà còn tỏ ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam”.

Ngày 27 và 28/3/1964, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị chính trị đặc biệt, theo quyết định triệu tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp lúc đó là tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trước âm mưu giặc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, ồ ạt đưa quân đội các nước đồng minh vào miền Nam Việt Nam. Trong 300 đại biểu của Hội nghị đặc biệt thì có gần một nửa là đại biểu người cao tuổi, đa phần là nhân sĩ, trí thức, Công giáo yêu nước tham dự. Trong báo cáo chính trị đọc tại Hội nghị, Bác Hồ nhấn mạnh, tôn vinh những người cao tuổi: “Chúng ta tự hào có nhiều cụ ông, cụ bà ngoài 70, 80 tuổi vẫn hăng hái học tập và lao động, lập ra những đội “Bạch đầu quân” trồng cây gây rừng, đôn đốc phong trào bình dân học vụ và vận động vệ sinh phòng bệnh”(8).

Bên cạnh việc khen ngợi, động viên những việc làm tốt của người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán thái độ tự ti của những cán bộ lớn tuổi, cho rằng mình không còn khả năng tiến bộ nữa, không thể học hành và cống hiến nữa. Đến với lớp huấn luyện đảng viên mới vào ngày 14/5/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng. 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về “tuổi cao chí khí càng cao”, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng quên cả tuổi già, quên cả bản thân. Năm 1964, khi đã ở tuổi 74 “xưa nay hiếm”, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Người vẫn lạc quan nói rằng: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi: Bảy mươi tư tuổi vẫn không già. Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta”. Ngày 20/5/1968, khi 78 tuổi, trong không khí tổng tiến công như vũ bão của Tết Mậu Thân, Bác cảm hứng viết bài thơ về tuổi tác của mình với một tinh thần lạc quan, hứng khởi: “Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm, vẫn giữ hai vai việc nước nhà Kháng chiến dân ta đang thắng lớn, Tiến bước! Ta cùng con em ta”(10).

Đã hơn 50 năm từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những hình ảnh của Người luôn khắc sâu trong tâm trí, trái tim của dân tộc và những người cao tuổi. Thời gian không ngừng trôi, người cao tuổi Việt Nam vẫn luôn nhớ về những lời dạy của Bác để không ngừng cố gắng, nỗ lực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ngày nay Đảng, Nhà nước luôn quan tâm nhiều đến người cao tuổi. Bên cạnh Luật Người cao tuổi, các chế độ ưu tiên dành cho người cao tuổi ngày càng được xây dựng và chú ý thực hiện trong thực tế. Càng ngày người cao tuổi càng có nhiều cơ hội hoạt động, tích cực xung kích, đi đầu, nêu gương để tạo sức lôi cuốn cho các tầng lớp khác trong xã hội.

Thực tế, người cao tuổi ở nước ta nói chung đều trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ là những người lao động, quân nhân, cán bộ, những trí thức, văn nghệ sĩ... đã từng cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời của họ gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trải qua thời gian, họ vẫn luôn giữ được sự trung thành với cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống giản dị, tiếp tục cống hiến, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Trong số những người cao tuổi có nhiều người có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, có những văn nghệ sĩ, những nhà cách mạng, nhà quân sự có năng lực giỏi và nhiều kinh nghiệm, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hơn nữa, về mặt số lượng, người cao tuổi ở nước ta ngày càng đông, chiếm phần không nhỏ trong cơ cấu dân số. Vì vậy, vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ chính là lá cờ đầu dẫn dắt các thế hệ đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, thực hiện theo đúng mong mỏi lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.229.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.232.

3.       4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.23, 24.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.233.

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.266.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.276.

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.113.

10.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.458.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)