slider

Bác Hồ với những cái tết theo đời sống văn hóa mới

07 Tháng 06 Năm 2023 / 104 lượt xem

ThS. Lê Thị Thanh Loan

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Đối với mỗi một ngườiViệt, Tết Nguyên Đán luôn mang một ý nghĩa rất thiêng liêng, là dịp để mỗi người hướng về tổ tiên, được đoàn tụ sum vầy bên gia đình, và là dịp để thăm hỏi anh em bạn bè gần xa.Bác Hồ đã từng viết với niềm tự hào: “Mùa xuân của nước chúng tôi bắt đầu từ ngày đầu tháng Giêng Âm lịch...Trong những ngày Tết này, mọi người đều mặc những quần áo đẹp nhất mà họ có. Gia đình nào cũng nấu nướng sửa soạn những thức ăn ngon nhất. Người ta làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Bạn hữu đi chúc mừng thăm hỏi lẫn nhau. Người lớn tặng quà cho trẻ con. Nhân dân gửi tặng phẩm ủng hộ bộ đội... Nói tóm lại, đây thật là ngày Tết của mùa Xuân”(1). Với Bác, mùa xuân là biểu tượng của hòa bình, sinh sôi nảy nở bao điều tốt đẹp và nó phải đến với tất cả mọi người thì điều đó mới thực sự hạnh phúc. Vì thế Người nói: “Xưa kia, người ta chỉ mừng xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay, chúng ta mừng xuân rộng rãi từ gia đình đến cả nước đến khắp thế giới”(2).

Theo lời kể của đồng chí Cù Văn Chước, cán bộ văn phòng Bác, sinh thời, vào mỗi dịp Tết, Bác thường dành một hôm để liên hoan cùng anh em trong cơ quan Phủ Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận, đại diện các đơn vị bảo vệ, công an vũ trang.... Những ngày sau đó, Bác quay về nếp làm việc và sinh hoạt bình thường. Trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, đoàn thể chú ý chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc: Tìm ý thơ cho bài thơ chúc mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Và cuối cùng là chương trình đi thăm và chúc Tết nhân dân không thể thiếu đối với Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình thương yêu, sự quan tâm đến tất thảy mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người khó khăn nhất, nghèo nàn nhất trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Người mong muốn được thấy mọi người dân không kể sang hèn đều được ấm no, hạnh phúc trong ngày tết cổ truyền dân tộc. Sáng mùng một Tết độc lập đầu tiên (1946), Người nói chuyện với đại biểu đồng bào ở Nhà hát lớn, đi động viên chúc Tết lực lượng công an, đi chia kẹo mừng tết với các cháu nhi đồng, thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức). Đi thăm nhưng Người vẫn canh cánh một điều và mang điều đó tâm sự với mọi cấp, mọi ngành, mọi người khi Người có dịp tiếp xúc: Mọi người cùng đồng tâm nhường cơm, sẻ áo, cùng nhau chăm sóc những người nghèo, những cảnh ngộ khó khăn để ai ai cũng đều có Tết. Cũng trong dịp Tết độc lập đầu tiên, Bác trực tiếp tới thăm từng gia đình người dân nghèo khổ tại Hà Nội. Bác lặng người khi chứng kiến cảnh gia đình của một người đạp xích lô “Tết mà không có tết”. Trong nhà chỉ có một nén hương đang cháy dở trên bàn, chủ nhà thì ốm phải nằm đắp chiếu mê mệt. Bác đã dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc, quà của Người đến thăm hỏi và nhắc đồng chí thư ký ghi lại để báo cho đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội biết.

Tối 30 Tết Canh Tý (1960), Bác đến thăm gia đình nhà chị Tín làm nghề gánh nước thuê. Đó là một ngôi nhà tăm tối, phên liếp tạm bợ, bên trong chỉ có một chiếc giường tre và vài ghế gỗ lăn lóc. Có bốn đứa trẻ đang nằm ngồi vật vạ chờ mẹ mang gạo về. Nói chuyện với nhân dân khu phố, Bác căn dặn mọi người phải quan tâm, đùm bọc gia đình khó khăn như gia đình chị Tín. Bác cũng nhắc nhở các lãnh đạo địa phương bố trí cho chị việc làm phù hợp để chị có thu nhập nuôi con. Là Chủ tịch nước, gánh vác sứ mệnh của cả dân tộc trên đôi vai, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua - xuân mới đã về. Đó chính là sự chăm lo ân cần của Bác đối với nhân dân, là tình yêu thương con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Chính vì vậy, đức độ của Bác càng được khắc ghi theo năm tháng.

Vì đất nước còn nghèo, công cuộc tái thiết còn cần rất nhiều sức người, sức của nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện căn dặn, hướng người dân thực hiện lối sống văn hóa mới trong các hoạt động vui xuân đón tết. Người hướng dẫn cho nhân dân ăn Tết thật vui nhưng phải hết sức tiết kiệm, bởi trên thực tế một số nơi có sự lạm dụng ngày Tết để tổ chức vui chơi, nhậu nhẹt linh đình, thậm chí trái với ý nghĩa tốt đẹp của ngày Tết truyền thống dân tộc ta. Trong tác phẩm “Mừng Tết Nguyên Đán”, Người căn dặn: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Tết Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân, việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”(3).

Bác đã thẳng thắn chỉ ra những việc đáng chê trách khi phát hiện có những nơi làm không đúng. Trong tác phẩm: “Mừng Tết Nguyên Đán như thế nào”, Bác đã viết: “Vừa rồi vì được mùa to, 20 xã ở huyện Yên Thành đã liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê, đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu chè, cũng chưa kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi! Lãng phí tiền của và công sức như vậy, là lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại Đảng viên và chi bộ”(4).

Trong bài viết “Tết” đăng trên báo Cứu Quốc số 147, ngày 21/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân”(5) và kêu gọi toàn thể đồng bào cùng “chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn để sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập” (Thư gửi Phụ nữ Việt Nam nhân dịp Xuân Bính Tuất - 1946). Người còn làm thơ gửi phụ nữ Việt Nam nhân ngày Tết, nhắc nhở họ phải siêng năng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để thực sự trở thành những người “Đời sống mới”. Trên báo Nhân Dân đầu xuân năm 1960 còn đăng những vần thơ vừa giản dị, vừa sâu sắc của Bác nhắc nhở đồng bào cố gắng tiết kiệm, đừng lãng phí trong ngày Tết:

“Trăm năm trong cõi người ta

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan

Mừng xuân mừng cả thế gian

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân"(6)

Bác cũng không quên lưu ý rằng, đón Tết vui xuân trong những ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm, vui xuân không quên nhiệm vụ. Trong bài “Mùa xuân quyết thắng”, Bác viết rằng: “Tục ngữ có câu “Suốt năm kế hoạch định từ mùa xuân". Thật đúng như vậy. Mùa xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa xuân mọi công việc làm được tốt thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt. Từ ngày Tết đầu năm, phải suy nghĩ để hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước, để xuân sau thắng lợi hơn xuân trước".

Tháng 1 năm 1965, trên báo Tiền Phong, Bác cũng có bài “Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi”. Bác lấy câu chuyện điển hình của xã Đằng Hải, huyện Hải An, Hải Phòng để chứng minh: “Năm 1963 trở về trước - Hễ đến ngày Tết thì Đằng Hải ít ra cũng giết hơn 200 con lợn. Cộng vào đó, hơn 250 lợn bị giết để cúng tế và cưới xin trong cả năm. Cũng trong cả năm, họ chỉ bán cho Nhà nước 2 tấn thịt lợn! Do lãng phí như thế mà nhiều gia đình lâm vào cảnh túng thiếu”(7). Sau khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng và được Đảng ủy xã đồng ý, họ phát động một phong trào tiết kiệm. Từ đó trở đi, ngoài việc tổ chức mừng Xuân một cách vui nhộn và lành mạnh, đoàn viên và thanh niên phụ trách vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm. Họ chỉ nghỉ việc để vui Tết đúng ngày mùng 1, sang mồng 2 Tết, họ sẽ tổ chức ngày lao động mới để giành thắng lợi mới.

Bên cạnh việc nhắc nhở và hướng dẫn nhân dân thực hiện vui xuân theo đời sống văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh cần phải thực hiện Tết trồng cây trong dịp tết cổ truyền của dân tộc để giáo dục cho nhân dân ý thức bảo vệ môi sinh, môi trường. Mùa xuân năm 1960, Người phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Từ mùa xuân đó, hàng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện tết trồng cây và vừa tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây, gây rừng. Lời kêu gọi về “Tết trồng cây” của Bác đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam vào dịp năm mới.

Cho dù Bác đã đi xa nhưng tình cảm và sự quan tâm đặc biệt Bác dành cho nhân dân, những lời dạy của Người về việc đón Tết vui Xuân theo đời sống mới vẫn còn trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Làm theo lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách để hướng người dân đón Tết vui tươi, tiết kiệm, hạn chế việc đón Tết một cách xa hoa lãng phí, nghiêm cấm tình trạng biếu xén, phong bì, vui Tết không quên nhiệm vụ... và dành sự quan tâm chăm lo cái Tết cho người nghèo, hướng tới những hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn và tiến bộ. Đã có nhiều hoạt động rất ý nghĩa của nhiều tổ chức, đơn vị và các cá nhân dành cho người dân nghèo trong dịp Tết, để mùa xuân của chia sẻ, của yêu thương được lan tỏa, mùa xuân ấm áp được đến với tất cả mọi người như các chương trình: Tết vì người nghèo; Tết nhân ái; Tết ấm nghĩa đồng bào, tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ... Đó là những việc làm thiết thực, tiêu biểu cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới và gìn giữ những nét đẹp, những thuần phong mĩ tục của cái Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 7, tr. 298.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 12, tr.453.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 10, tr.600-601.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 12, tr.440.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 4, tr.186.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 12, tr.441.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, tập 14, tr.464.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)