slider

BẠN BÈ QUỐC TẾ VÀ TÁC PHẨM “NGỤC TRUNG NHẬT KÝ”

24 Tháng 09 Năm 2013 / 4123 lượt xem
Nguyễn Văn Dương
Phòng ST - KK – TL
Ngục trung nhật ký(tức Nhật ký trong tù) là một tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán của của Hồ Chí Minh viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943. Tập thơ là một quyển sổ tay nhỏ, có kích thước 9,5cm x 12,5cm, gồm 79 trang, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ "Ngục trung nhật ký") kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong là những bài thơ chữ Hán và một số ghi chép. Từ thập niên 1960, tác phẩm này đã được dịchra nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... Cho đến nay, người ta vẫn tiếp tục tìm đọc và vẫn có nhiều người ngưỡng mộ tiếp tục dịch và xuất bản  tập thơ sang ngôn ngữ khác. Sở dĩ Nhật ký trong tù có sức lan tỏa như vậy, chính bởi tác phẩm này có nhiều giá trị và ý nghĩa. Và ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho Tác phẩm "Ngục trung Nhật ký"
Tháng 5-1960, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28-4-1960, Nhà xuất bản Văn nghệ thuộc Viện Văn học và Nhà xuất bản Phổ thông đã xuất bản tập thơ Nhật ký trong tù bằng tiếng Việt. Gần 70 vạn bản đã được đến tay bạn đọc và ngay trong tháng 6 năm đó, sách được tái bản. Sau đó, tác phẩm đã được nhiều nhà xuất bản trong nước xuất bản liên tục. Từ đó đến nay, Nhật ký trong tù đã được gần 30 nhà xuất bản trong nước và trên thế giới in và phát hành khoảng gần 40 lần, số lượng hàng vạn bản ở cả 5 châu lục với gần 20 ngôn ngữ khác nhau. Bạn đọc trên 30 quốc gia đã được đọc Nhật ký trong tù bằng các thứ tiếng: Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Quốc tế ngữ, Đức, Hungari, Ảrập, Hàn Quốc, Nhât... Trung Quốc là nước đầu tiên đã chọn in 100 bài trong nguyên tác, xuất bản để chào mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, Nhật ký trong tù đã lần lượt được dịch và xuất bản ở Nga (1960), Mông Cổ (1962), Ba Lan (1962), Pháp (1963), Hunggari (1969), Đan Mạch (1970), Mỹ (1971), Tiệp Khắc (1973), Nam Tư (1975), CHDC Đức (1976), Anh (1962 và 1972), Hàn Quốc (2007), Bangladesh (2012) và còn được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Ảrập, quốc tế ngữ...
Hiện trong Kho và Thư viện của Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ nhiều cuốn sách về Nhật ký trong tù, trong đó có những cuốn sách rất quý như cuốn Nhật ký trong tù xuất bản lần đầu tiên hay các cuốn sách Nhật ký trong tù được dịch ra nhiều thứ tiếng khác như tiếng Nga, tiếng Hunggari, tiếng Bồ Đào Nha… Không kể sách tiếng Việt, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm và bảo quản gần 50 cuốn sách Nhật ký trong tù tiếng nước ngoài, qua các bản dịch tiếng nêu trên là những cuốn sách rất quý, thể hiện tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Nhật ký trong tù của Nhà xuất bản Phổ thông: Dịch 114 bài thơ từ chữ Hán ra tiếng Việt.
Tiếng Nga: Nhà xuất bản Ngoại văn Mátxcơva, năm 1960, của dịch giả: nhà văn Nga Xôviết nổi tiếng Paven Antolkolxki (1896-1978).
Tiếng Bồ Đào Nha: Xuất bản tại Bồ Đào Nha, năm 1969. Mở đầu là tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và dịch 20 bài thơ, trên ảnh có in bài thơ: “Cảnh chiều hôm”.
Từ khi bản dịch thơ Nhật ký trong tù xuất bản lần đầu năm 1960, đã có rất nhiều người tìm đến với tập thơ này, như là một cách để học tập những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1962, Nhà xuất bản Ngoại văn ở Hà Nội đã xuất bản Nhật ký trong tù được dịch sang tiếng Anh “Prison Diary” của Aileen Palmer. Từ bản dịch của Aileen Palmer, thi sĩ Maung Sawa Yi- người Myanmar đã dịch sang tiếng Myanmar lấy tên là Tiếng sáo trong tù do Nhà xuất bản Cây Đèn xuất bản ở Rangun năm 1966.
Cũng thời gian này, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Thoong Chăm  Onmanixơn, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân gian Lào, cũng căn cứ vào bản dịch tiếng Anh của Aileen Palmer, lần đầu tiên dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Lào. Ở Mỹ, năm 1971, bản dịch “Prison Diary” của Aileen Palmer được Nhà xuất bản  Bantam - Book xuất bản ở  New York, phát hành rộng rãi tại Mỹ và Canada.  Sau đó vào năm 1978, Trường đại học bang Ohio ở Mỹ lại ấn hành một bản dịch khác cũng sang tiếng Anh Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Prison Diary lần này do nhóm 3 dịch giả Jenkins Christopher, Trần Khanh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông thực hiện, in chung trong một cuốn sách với Prison notes của Phan Bội Châu. Cuốn sách này do ông David G. Marr in ấn trong tập 1 thuộc xêri sách “Dịch thuật Nam Á” (Volume 1 Southeast Asia Translation Series) đứng tên  Ohio Univer sity Press. Bản dịch Nhật ký trong tù - Prison Diary được in ở nửa sau của sách, gồm bản dịch 105 bài thơ, có lời giới thiệu và chú giải tỉ mỉ.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, tập thơ “Nhật ký trong tù” còn được một người Mỹ có tên tuổi khác nữa quan tâm và bắt tay vào dịch. Đó là nhà thơ, dịch giả, cây bút tiểu luận phê bình văn học nổi tiếng Kenesth Rexroth (1905-1982). Kenesth Rexroth đã dịch và để lại gần chục bài thơ trong Nhật ký trong tù. Thời gian qua, bạn đọc gần xa lại có thể tìm đọc một bản dịch mới nữa sang tiếng Anh Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấy là Prison Diary do Steve Bradbury dịch. Ông là GS. TS. Trường đại học  Hawait  ở  Manoa, dạy tại Trung tâm Đại học Tổng hợp dân tộc ở Đài Loan, là nhà dịch thuật và nhà văn hoạt động rất tích cực. Tập thơ  do  Karen White  trình bày, Tinfish Press ấn hành (20 tháng Giêng-2004). Steve Bradbury chỉ dịch nửa số bài trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ông đã thực hiện được một bản dịch đẹp, với sự giới thiệu hết sức lý thú và đầy đủ thông tin về tác phẩm này.
Với sự kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn người Mỹ Lady Borton - người đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam- đã dịch 5 bài thơ của Bác Hồ sang tiếng Anh để giới thiệu ở Mỹ. Bà Lady Borton cho biết: Trên thế giới ít có vị lãnh đạo nào vừa giỏi chính trị, quân sự và ngoại giao, đồng thời lại là một nhà thơ kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian nghiên cứu ở miền Nam, tôi đã được những người dân trước đây phải ở trong các ấp chiến lược của Mỹ- Ngụy kể cho nghe rằng: Tết nào họ cũng bí mật nghe thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua radio, học thuộc rồi truyền cho nhiều người khác.
Gần đây, dịch giả Ovinu Bibria Islam, một trí thức trẻ, sinh năm 1986, hiện là giảng viên trường Đại học Tổng hợp Bách khoa thành phố Jessore của Bangladesh, tuy chưa một lần sang thăm Việt Nam, nhưng với lòng kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh đã quyết định dịch tác phẩm Nhật ký trong tù ra tiếng Bangladesh và được nhà Xuất bản Jatio Sahitto Prokashoni phát hành nhân dịp kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu với thế hệ trẻ Bangladesh.
Tiếng vang của Nhật ký trong tù còn lan tới các cộng đồng ngôn ngữ nhỏ hơn, trong đó có Tiệp Khắc (cũ) với hai bản dịch in thành sách: Bản đầu tiên lấy tên là Đo nước (Nhà xuất bản miền Trung Tiệp Khắc, 1973) và Nhật ký trong tù (Nhà xuất bản ODEON, 1985) do dịch giả Dương Tất Từ với sự cộng tác của cố nhà thơ Jan Noha dịch. Nhưng phải đến tháng 11-2011, Nhật ký trong tù mới được Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc tài trợ kinh phí in ấn, nhà thơ Karel Sýs - Chủ tịch Liên minh các nhà văn Cộng hòa Séc đã đứng ra lo các thủ tục để tập thơ “Deník z vězení” (Nhật ký trong tù) được Nhà xuất bản Periskop (Kính tiềm vọng) xuất bản. Tập thơ có khổ 15×15cm, bìa cứng, giấy trắng ngà. Ngoài bản dịch của Dương Tất Từ và Jan Noha, còn được bổ sung một số bản dịch thơ của nhà thơ Karel Sýs. Tập thơ còn có 7 phụ bản minh họa của họa sĩ Barbora Vykysalová. Theo nhà thơ, dịch giả Hoàng Thúy Toàn - Chủ tịch Hội đồng văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), hiện nay, ông đã có danh sách hơn 50 dịch giả cả trong nước và nước ngoài dịch Nhật ký trong tù, nhưng mới có được tài liệu về 35 người. Vì nhiều người đã mất.
Nhật ký trong tù là một tác phẩm văn học vô giá của Hồ Chí Minh, khi công bố đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn quốc tế, đã chinh phục người đọc bởi những cảm xúc chân thật, chất phác, điềm đạm của một người chiến sĩ cộng sản, một nhà văn hoá lớn. Dịch giả Jean Lacouture nhận định: “Nhân cách, học vấn và số phận kỳ lạ của Cụ Hồ được thể hiện một cách khác thường trong các bài thơ ấy”1 và Echae Secnơ (Cộng hòa Dân chủ Đức) trong bài viết cho bản dịch thơ Nhật ký trong tù bằng tiếng Đức cũng nhấn mạnh: “Nhật ký trong tù là sự bộc lộ bằng văn học của một nhân vật cách mạng sống, có vốn học thức phi thường”: Lelio Basso, Giáo sư xã hội học trường Đại học Rôma - Italia viết rằng: Viết trong lúc chờ đợi tự do, “những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù do Người viết bằng chữ Hán trong thời kỳ này và cũng là một trong các hoạt động cách mạng hàng ngày”, và nhà thơ, nhà phê bình Văn học Trung Quốc Quách Mạt Nhược khẳng định: “Một trăm bài thơ hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh. Thật là, “thi ư kỳ nhân” - thơ như người vậy... Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập thơ của các thi nhân Đường - Tống thì cũng khó phân biệt”: Viên Ưng - một nhà thơ Trung Quốc đã được đọc tập thơ này. Trong bài viết nhan đề “Bác Hồ, một nhà thơ lớn” đăng trong cuốn sách Nam Bắc sông Hồng xuất bản ở Trung Quốc, đã viết: “Nói là nhật ký thực ra là thơ... Chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”; Ahn Kyong Hwan - người giảng dạy và truyền bá văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Hồn Việt gần đây (ngày 27 tháng Bảy năm 2012) đã tâm sự: Cho đến khi tác phẩm Nhật ký trong tù được dịch ra tiếng Hàn thì người Hàn Quốc hoàn toàn không hiểu biết gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2003, tác phẩm Nhật ký trong tù được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc. Năm 2005, tại những thành phố lớn của Hàn Quốc như: Seoul, Busan, Gwangju, Mokpo và tại Việt Nam như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vinh. Tại 7 thành phố lớn của 2 nước đã mở ra đại hội thư pháp, nhờ đó, người Hàn Quốc đã hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngưỡng mộ Người hơn rất nhiều. Ông cho biết: Mỗi học kỳ, tôi đều có bài giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh, số lượng học sinh tham gia học tập mỗi học kỳ là khoảng 500-600 em nên có thể nói, tôi là người giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc một cách chính thức, chính quy; nhà thơ Karel Sýs - Chủ tịch Liên minh các nhà văn Cộng hòa Séc đã viết: “Tinh thần khinh thường xiềng xích và kẻ cầm tù. Tinh thần có mục tiêu của nó và có điều gì đáng nói. Thơ ra đời trong khổ đau, cuộc sống êm đềm chỉ còn là sự trống rỗng. Nó giống như cái kim nam châm, dù bão táp cũng không mệt mỏi và nó cứ chỉ về phương Bắc, không thể đem sự oan trái để lừa gạt tinh thần, nó luôn trung thành về cực mà số phận đã định sẵn”.
Sau 70 năm tác phẩm Nhật ký trong ra đời, thông qua những nhìn nhận, đánh giá của các nhà khoa học, những nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong nước và quốc tế về tác phẩm Nhật ký trong tù...Ánh sáng trí tuệ và những phẩm cách cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa sáng từ Nhật ký trong tù càng làm cho các thế hệ người Việt Nam xúc động và tự hào về người Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam như UNESCO đã vinh danh.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)