slider

BẢN “DỰ THẢO ĐIỀU LỆ ĐẢNG (SỬA ĐỔI)” CỦA ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ III ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM, MỘT VĂN BẢN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ ĐỌC VÀ ĐỂ LẠI BÚT TÍCH

26 Tháng 08 Năm 2011 / 2971 lượt xem
Vũ Thu Hằng
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
 
Sau 9 năm chấp hành đường lối của Đại hội II- Đại hội kháng chiến (tháng 2- 1951), Đảng Lao động Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến cực kỳ gian khổ và anh dũng, giành những thắng lợi to lớn ở mặt trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở các nước công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Miền Bắc Việt Nam được giải phóng nhưng nước nhà vẫn chưa được thống nhất, Mỹ-Diệm cố tình chia cắt Việt Nam, vi phạm hiệp định, miền Nam còn sống đau khổ dưới ách thống trị tàn bạo của chúng.
Từ ngày hoà bình được lập lại, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, miền Bắc đã chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu một chuyển biến có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Năm 1960, Đảng Lao động Việt Nam tiến hành đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III trong bối cảnh toàn dân vui mừng đón chào 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chuẩn bị cho Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy thảo: “Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam” (Người đã đọc tại Đại hội ngày 5-9-1960); “Lời căn dặn thiếu nhi đến chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam” (nói ngày 5-9-1960); và “Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam” (đọc ngày 10-9-1960 trong lễ bế mạc Đại hội).
Về phía Ban Chấp hành Trung ương, để chuẩn bị cho Đại hội, Ban đề án của Đại hội đã thảo “Dự thảo điều lệ Đảng (sửa đổi)”, cho in và gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc kỹ bản dự thảo này và để lại nhiều bút tích ở các trang 1,3,4,5,6. Các bút tích của Người đều được viết bằng bút bi mực màu đỏ, (nghiên cứu các loại bút bi Người đã dùng thì có thể trong bản Dự thảo này là bút bi packe). Để khẳng định bút tích của Người, ngày 20-7-2001, chúng tôi đã xin gặp đồng chí Nguyễn Huy Hoan, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người rất giỏi tiếng Trung và được tiếp cận nhiều dạng bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã khẳng định đó là các bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dịch giúp cho chúng tôi những bút tích bằng tiếng Trung trong bản thảo này.
Với tư cách là người sáng lập và lãnh đạo đảng của giai cấp vô sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đọc rất kỹ các văn bản, văn kiện của đại hội. Xem xét, nghiên cứu những hoạt động của Người tại khu Phủ Chủ tịch trong thời gian trước và sau đại hội thì từ tháng 10- 1959 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 17 khoá II, Người đã tham dự để bàn về việc chuẩn bị tổ chức đại hội và đến ngày 3-3-1960, Người họp với Bộ Chính trị để thảo luận và thông qua việc sửa đổi điều lệ Đảng.
Nghiên cứu cuốn sách “Dự thảo điều lệ Đảng (sửa đổi)”, trong phần Cương lĩnh chung, trang 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh gạch chân dưới dòng chữ “Giác ngộ tiên tiến, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất”. Ý Người muốn nhắc nhở đảng viên: Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân gồm những người giác ngộ, tiên tiến, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất, thì phải liên hệ mình đã thật đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân chưa? Mình đã thật gương mẫu trong mọi việc chưa?.. Người còn gạch một gạch / bên lề phải của cuốn điều lệ. Còn bên lề trái của cuốn điều lệ Người viết 4 chữ Hán, theo đồng chí Hoan có nghĩa là “giải phóng giai cấp”. Sau câu “ Mục đích của Đảng là giải phóng dân tộc”, Người đánh một dấu V. Chúng ta hiểu là cụm từ “giải phóng giai cấp” phải thêm vào chỗ thiếu được Người gạch dấu V này. Bởi mục đích của Đảng chỉ giải phóng dân tộc là chưa đủ mà phải giải phóng giai cấp.
Ở trang 2, Người cũng gạch chân dưới dòng chữ “cuộc cải tạo xã hội” và “cảnh giác cách mạng” còn bên lề trái của hai chỗ gạch chân này cũng có dấu /. Cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành thắng lợi đưa người cày có ruộng. Công cuộc khôi phục kinh tế đã thành công, kế hoạch ba năm phát triển kinh tế- văn hoá hoàn toàn thắng lợi, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa về nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh cũng đạt được những thắng lợi quyết định, đời sống của nhân dân một bước được nâng cao. Tuy nhiên chúng ta không được để mất cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn của bọn Mỹ-Diệm âm mưu xâm chiếm cả nước ta để làm thuộc địa và căn cứ quân sự nhằm phá hoại phong trào độc lập và hoà bình dân chủ ở Đông Dương. Đó là vấn đề Người quan tâm nên đã đánh dấu lưu ý ở đoạn này.
Ở trang 4, dưới dòng chữ “liên hệ chặt chẽ với quần chúng, hoà mình với quần chúng”… “sự thống nhất ý chí và hành động và giữ gìn kỷ luật”… “tự phê bình và phê bình” cũng có gạch dưới và bên lề những chỗ gạch này đếu có dấu /. Riêng cụm từ “đấu tranh không đều hoà chống” được khoanh tròn. Những dấu bút của Người ở đoạn này cũng là sự nhắc nhở đối với mỗi đảng viên về tư cách của người cộng sản, về đạo đức và kỷ luật cách mạng mà mỗi đảng viên phải thấm nhuần.
Trang 5, dưới dòng chữ “lập trường giai cấp, đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân”…“Đoàn kết nhất trí trong nội bộ đảng”…”trau dồi đạo đức cách mạng và tích cực bồi dưỡng mình về chính trị, văn hoá, nghiệp vụ” Người cũng gạch chân và bên ngoài cũng gạch dấu /. Người cho rằng: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí càng nhất trí hơn nữa. Cho nên toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm Đại hội thành công thật tốt đẹp”.
Ở trang 6, Người gạch đậm dưới hai chữ “nhiệm vụ”. Ở chương viết về nhiệm vụ của chi bộ, của đảng viên cũng vậy. Cuối cùng, Người mong muốn Dự thảo điều lệ của Đảng phải được thảo luận sâu rộng trong các chi bộ và mọi cuộc thảo luận phải nhằm được ba điều: Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên- Đoàn kết và củng cố tốt chi bộ- Đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của Đảng.
 Cách gạch chân và đánh dấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy theo sự nghiên cứu của chúng tôi và qua ý kiến của các đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh), của đồng chí Hoan có nghĩa là Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý và nhấn mạnh các vấn đề đó. Đây là thói quen của Người khi đọc chỗ nào có vấn đề cần lưu ý thì ghi chép, đánh dấu để dễ nhận biết những số liệu và những thông tin cần xử lý. Người cũng hay sử dụng các tiếng Hán, Nga, Anh, Pháp làm ký hiệu bên lề trang sách, báo. Với cuốn Dự thảo này cũng vậy. Người đã sử dụng chữ Hán làm ký hiệu. Đối chiếu, so sánh những chỗ Người gạch chân với những gợi ý của Người trong bài báo chúng tôi thấy rất rõ mối liên quan mật thiết này.
Trong cuốn Dự thảo còn có một số dòng có gạch dưới bằng bút mực màu xanh, có một từ được chỉnh hoặc bổ sung. Như ở trang 7 có gạch chân, trang 8 bổ sung hai chữ “giới thiệu”, trang 22 thay chữ “từ” cho chữ “trên”, thay chữ “thư” cho chữ “đơn” ở trang 30, hay ở trang bìa có chữ “Bác”, “Ban Chấp hành Trung ương”, “Đề án Đại hội toàn quốc lần thứ III”. Các bút tích này không phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà của người trong Ban đề án Đại hội gạch và sửa chữ. Và để hướng cho các chi bộ, các đảng viên thảo luận sâu sắc bản Dự thảo điều lệ Đảng (sửa đổi) này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết bài “Một cách thảo luận dự thảo điều lệ Đảng” (bài in báo Nhân dân số ra 2207 ngày 3-4-1960).
Bản dự thảo này được đồng chí Vũ Kỳ lưu giữ từ ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đến tháng 5-2000, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890- 19-5-2000), đồng chí Vũ Kỳ đã tặng lại cho cơ quan Khu di tích Phủ Chủ tịch tiếp tục bảo quản. Bản dự thảo được đóng thành sách dày 32 trang, khổ 13x19 cm, bìa màu trắng ngà.
Về thời gian lịch sử của cuốn sách: Bản dự thảo có thể được ra đời sau Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành trung ương khoá II khi Hội nghị bàn về việc tổ chức Đại hội III tức sau tháng 10-1959 và phải có trước ngày 3-3-1960 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị thảo luận và thông qua sửa đổi điều lệ Đảng, tức bản thảo đã phải hoàn chỉnh. Như vậy thời gian lịch sử ra đời Bản dự thảo điều lệ Đảng và được gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ sau tháng 10-1959 đến trước 3-3-1960, bởi sau khi có chủ trương của BCHTU thì Bản dự thảo điều lệ Đảng mới được xây dựng và nó còn phải trải qua thời gian soạn thảo, đánh máy, in ấn…
Về không gian lịch sử: Thời gian từ tháng 10-1959 đến 3-3-1960 và trước thời gian diễn ra Đại hội gần như toàn bộ thời gian này Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch Hà Nội (trừ 4 ngày từ 17 đến 21-5-1960 như thường lệ vào dịp sinh nhật Người đi xa để tránh những nghi lễ chúc tụng linh đình, phiền đến mọi người, Người đã đi Nam Ninh, Trung Quốc). Phần lớn những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho việc chuẩn bị Đại hội qua danh mục những hoạt động của Người thời gian trước và sau Đại hội ta có thể thấy rõ trong cuốn sách “Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch”, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1996.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiều vấn đề trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải được sửa đổi để cho phù hợp với tình hình lịch sử mới, nhiệm vụ mới của Đảng nói chung và của mỗi đảng viên nói riêng. Vì vậy điều lệ của Đảng cũng phải được sửa đổi cho phù hợp. Những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong bản Dự thảo điều lệ Đảng cũng chứng minh một mặt hoạt động của Người trong thời gian này. Nó liên quan trực tiếp đến các hoạt động của Người cả về không gian và thời gian lịch sử. Vì vậy bản dự thảo là tài liệu gốc quý giá góp phần vào việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nơi Người đã ở và làm việc. Bản dự thảo là hiện vật gốc có ý nghĩa lịch sử nên đã được xây dựng hồ sơ khoa học và được bảo quản tại kho hiện vật ở Khu di tích Phủ Chủ tịch. Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và để phát huy tác dụng tuyên truyền, theo chúng tôi nên trưng bày hiện vật ở phòng trưng bày theo chuyên đề nhân dịp kỷ niệm Đại hội Đảng toàn quốc hay trưng bày theo chuyên đề các hiện vật sưu tầm để hành trình của khách tham quan thêm đầy đủ và phong phú hơn. 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)