slider

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG HÀNH TRÌNH CÁCH MẠNG HỒ CHÍ MINH

02 Tháng 11 Năm 2011 / 10505 lượt xem
Th.s Cao Hải Yến
Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ: “Sự đóng góp về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau([1]).
Bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc được kết tinh từ truyền thống lịch sử của chính dân tộc đó. Trải qua hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, cùng với kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới, nền văn hoá Việt Nam đã hình thành và phát triển. Bằng lao động cần cù, thông minh và ý chí đấu tranh kiên cường, bền bỉ, nhân dân ta đã hun đúc nên một nền văn hoá kết tinh sức mạnh và in đậm dấu ấn bản sắc của dân tộc với những giá trị bền vững. “… Đó là lòng yêu nước nồng nàn; ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”([2]).
Hồ Chí Minh được thế giới suy tôn cùng một lúc với hai danh hiệu cao quý vừa là Anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là Nhà văn hoá lớn. Sự ghi nhận này đã làm sáng tỏ ý nghĩa của những danh hiệu cao quý mà nhân loại trao tặng cho người con vĩ đại đã làm rạng danh đất nước Việt Nam. Đồng thời, cũng là sự đánh giá hết sức khách quan những cống hiến của Hồ Chí Minh trong việc đưa những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần đã làm nên sắc thái riêng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử và trong phát triển hoà nhập cùng những giá trị của nền văn hoá của nhân loại và sự tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh trong hành trình hoạt động cách mạng của chính Người.
Chịu sự tác động của phương thức sản xuất kinh tế thuộc về văn minh lúa nước nên xã hội Việt Nam được tạo ra chủ yếu bởi ba yếu tố có quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhau: nhà, làng, nước. Đây là một cấu trúc độc đáo của tổ chức xã hội Việt Nam phản ánh sắc thái văn hoá riêng có ở Việt Nam được lưu truyền từ ngàn xưa cho tới ngày nay. Bản chất của kết cấu xã hội này là sự hình thành tư tưởng cộng đồng, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, hoà hợp với nhau; là sự gắn kết giữa cá nhân và tập thể, giữa cái riêng và cái chung để chống chọi với thiên tai và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Hồ Chí Minh là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết”([3]). Vì vậy, nét tinh tuý làm nên bản sắc riêng trong kết cấu Nhà - Làng - Nước này đã thâm nhập vào tiềm thức của Người, trở thành một trong những hành trang Người mang theo mình lúc ra đi tìm chân lý cách mạng và theo sát toàn bộ sự nghiệp hoạt động của Người khi ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
 Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, trong một gia đình nhà Nho nghèo giàu lòng yêu nước, mọi người trong gia đình sống hoà thuận, êm ấm, trên kính, dưới nhường, luôn quan tâm và thương yêu lẫn nhau. Thân mẫu của Người, bà Hoàng Thị Loan là biểu tượng điển hình của những người phụ nữ Việt Nam truyền thống: cần cù, chịu khó, đảm đang, tháo vát, thương yêu chồng con vô hạn, sống nhân hậu với bà con làng xóm… Những đức tính quý báu hết lòng vì chồng, vì con của Bà đã có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ, đến tâm hồn, tình cảm của người con Nguyễn Sinh Cung. Với vai trò của người mẹ, Bà đã giáo dục và hướng thiện trực tiếp tới người con của mình bằng câu hát ru:
Làm người đói dạy, rách thơm.
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền.
Và lời hát ru mang đậm âm hưởng giá trị truyền thống văn hoá đó giống như những sợi tơ dệt nên nhân cách của Hồ Chí Minh ngay từ thời thơ ấu. Thân phụ của Người, cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhà Nho yêu nước thương dân. Cụ học rộng, đã đỗ Phó bảng nhưng từ chối không ra làm quan vì Triều đình phong kiến làm tay sai cho giặc, “quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (làm quan ở chốn nô lệ, đã nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Khi bị thúc ép nhiều lần, Cụ bắt buộc phải ra làm quan với quan điểm riêng tiến bộ của Cụ “trung quân, ái quốc” là phải yêu nước, thương dân. Cho nên, dù ở cương vị nào Cụ cũng đều thông cảm với người nghèo, luôn dành những tình cảm ưu ái cho trẻ mồ côi, những gia đình bị bọn địa chủ, phong kiến và thực dân đẩy vào hoàn cảnh điêu đứng, khổ ải, lầm than.
Nghệ An - quê hương nơi Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, mang đậm chất văn hoá truyền thống chung của dân tộc và những nét đặc trưng riêng của dải đất miền Trung. Đất nghèo và phải luôn vật lộn mưu sinh trước sự hà khắc của thiên nhiên, địch hoạ nên người dân Xứ Nghệ sớm biết thương yêu, đùm bọc, đoàn kết với nhau để vượt qua mọi thử thách. Đặc biệt, môi trường này đã hun đúc để hình thành tính cách của người dân Xứ Nghệ với các đặc điểm: lý tưởng trong tâm hồn, trung kiên trong bản chất, cần cù trong lao động, khắc khổ trong sinh hoạt, cứng cỏi trong thử thách, linh hoạt trong quan hệ, tinh tế trong ứng xử… và nổi bật hơn cả là truyền thống giàu lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng.
          Như vậy, trước khi ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911), ở Hồ Chí Minh đã hình thành các giá trị và chuẩn mực văn hoá định hướng cho con đường cách mạng của Người với tâm điểm là lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Chính từ trong lòng mái ấm gia đình thanh cao cùng với một vùng quê đậm đà câu hát dân ca – nơi ươm trồng nhiều yếu tố văn hoá con người ấy đã nuôi dưỡng trong tâm hồn Hồ Chí Minh một khởi điểm nhân cách trọng nhân nghĩa theo triết lý của Nho gia là “gốc” trong đạo làm người, để rồi sau này, trong chiều sâu tâm linh của Người những đức tính khiêm nhường, ôn hoà, trọng nghĩa, trọng tình, không ham phú quý, không màng danh lợi, ham học hỏi, ham hiểu biết… và đặc biệt là đạo đức “lấy mình làm gương” đều do ảnh hưởng của nếp nhà chân nho ấy.
          Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược, dân tộc ta đã sinh ra những người con đất Việt giàu lòng yêu quê hương, đất nước, căm thù quân xâm lược, có khí phách quật cường, có lòng dũng cảm, anh hùng bất khuất trước mọi kẻ thù. Tinh thần ấy, khí phách ấy đã hun đúc và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý chí và nghị lực của người thanh niên Nguyễn Tất Thành và bồi dưỡng cho Nguyễn Tất Thành những tư tưởng, tình cảm lớn của dân tộc mà cốt lõi vẫn là tinh thần yêu nước, thương dân. Không chỉ biết đấu tranh bất khuất trước mọi kẻ thù, con người Việt Nam có truyền thống trọng nhân nghĩa, có nếp sống giản dị, chân thành, nhân ái, chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo, càng trong khó khăn, hoạn nạn lại càng thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Chính nét đẹp truyền thống của con người và đất nước Việt Nam đã tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và tâm hồn của Nguyễn Tất Thành và gieo mầm cho những tư tưởng nhân văn và tinh thần quốc tế vô sản của Hồ Chí Minh về sau này.
Nét vượt trội độc đáo ở Hồ Chí Minh là Người vừa bảo tồn và vừa phát triển những giá trị của nền văn hoá dân tộc hoà quyện hài hoà và nhuần nhuyễn với việc tiếp thu và xử lý giá trị văn hoá của nhân loại phù hợp với đặc tính truyền thống của văn hoá Việt Nam. Vì vậy, trong hành trình cách mạng, Hồ Chí Minh luôn kế thừa những giá trị tinh hoa thuộc về nền văn hoá thế giới để làm phong phú, làm giàu cho bản sắc văn hoá dân tộc mình. Điển hình là học thuyết về “Nhân” - học thuyết nhằm giải quyết đạo làm người và xây dựng xã hội có kỷ cương, trật tự… của Nho giáo; lòng nhân ái của Đạo Phật - tinh hoa văn hoá của Ấn Độ; lòng từ bi, bác ái, tính nhân từ và đức hy sinh… của Tôn giáo; tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng tư sản Pháp… nhưng đặc biệt hơn cả là khi Người đến và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại. Trên tinh thần hiểu biết và nhận thức khoa học, Hồ Chí Minh đã thực hiện và lãnh đạo thành công quá trình tiếp biến và thu nhận các giá trị văn hoá của Chủ nghĩa Mác-Lênin như một nhân tố bảo đảm sự cân bằng và tính ổn định để từng bước nâng nền văn hoá của dân tộc ngang tầm thời đại. Nhờ đó, đã kết tinh trong Người những giá trị văn hoá vừa dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Mà cốt lõi nhất là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người đã trở thành nguồn lực để Hồ Chí Minh trọn đời chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình của nhân loại.
          Lòng yêu nước - hạt nhân kết tinh truyền thống văn hoá hàng ngàn năm, là giá trị vĩnh hằng khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Và đó cũng là tài sản có giá trị nhất trong hành trang cứu nước của Hồ Chí Minh. Người cho rằng: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Chỉ có tinh thần yêu nước thì dân tộc ta dù phải trải qua nghìn năm Bắc thuộc và 80 năm dưới chế độ đô hộ của thực dân Pháp nhưng vẫn khẳng định được bản lĩnh anh hùng, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Tinh thần yêu nước đó cũng là cơ sở, động lực, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình cách mạng của Hồ Chí Minh và trở thành nền tảng vững chắc để Người gửi gắm lại niềm lạc quan và tin tưởng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta dù có “phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”([4]).     
Yêu nước là phải thương dân, đó là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Trong con người Hồ Chí Minh, tình yêu nước thương dân, đạo đức thuỷ chung và sâu sắc của lớp lớp cha ông trước kia luôn hiện hữu nhưng đã được Người vận dụng sáng tạo cho phù hợp với thời đại. Với người cách mạng thì sức thuyết phục và cảm hoá hiệu quả nhất là phải làm gương qua hành động, “lời nói đi đôi với việc làm”chứ không bằng lý thuyết suông. Hồ Chí Minh khẳng định sự ham muốn tột bậc của mình là làm sao cho “nước ta được độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”([5]), “mọi người được ăn no, mặc ấm, được sung sướng, tự do” thì trong suốt cuộc đời, từ lúc cất bước ra đi tìm đường cứu nước - ngày 5/6/1911 cho đến khi về với thế giới Người hiền gặp cụ Lênin và Các-Mác, Người đã cống hiến không ngừng nghỉ, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí là cả tính mạng của mình để kiên quyết thực hiện cho bằng được ham muốn đã trở thành mục tiêu, lý tưởng và khát vọng của Người: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”([6]). Khi đất nước mới giành được độc lập, tự do, trước nạn “giặc đói” đang đe doạ trầm trọng đến tính mạng của người dân nghèo, Hồ Chí Minh đã phát huy giá trị truyền thống “cộng đồng dân tộc Việt”, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Ngưòi trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… thành phương châm hành động cụ thể, kêu gọi mọi người cùng nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn và chính Người cũng đã gương mẫu thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa. Khi đất nước còn chiến tranh, miền Nam chưa được giải phóng và còn phải đổ máu ngày nào thì ngày đó Người ăn không ngon, ngủ không yên. Và cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời Người vẫn trọn vẹn “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”([7]).
          Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý là nền tảng của giá trị văn hoá Việt Nam: “dân vi bang bản, bản cố bang ninh” (dân là gốc của nước, nước có vững dân mới yên ổn), “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ)... Nền tảng giá trị này đã được Hồ Chí Minh sử dụng xuyên suốt trong hành trình hoạt động cách mạng của Người mà trước hết được biểu hiện ở lòng tôn quý của Hồ Chí Minh về vai trò của con người và được Người khái quát qua triết lý của cuộc sống: nghĩ cho cùng, mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức. Người khẳng định: “Lòng thương yêu nhân dân và nhân loại của tôi không bao giờ thay đổi”([8]). Như vậy, từ “thương người như thể thương thân” vốn là một khía cạnh đặc sắc trong bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam đã được Hồ Chí Minh tiếp nối và phát huy ở một tầm cao mới, mang một nội dung mới, sâu sắc và toàn diện. Tình thương đó, trước hết dành cho nhân dân lao động, cho những người cùng khổ bị áp bức, đoạ đầy. Từ tình thương yêu đồng bào mình, dân tộc mình, Người mở rộng lòng yêu thương đó đến tất cả nhân loại khổ đau bởi áp bức, bóc lột, bất công.Đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, tình yêu thương con người đã được Hồ Chí Minh nâng lên thành chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Người quan niệm: trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân và:
“Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”([9]).
Do đó, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian gặp gỡ các tầng lớp nhân dân, chân thành lắng nghe ý kiến, cũng như quan tâm đến đời sống của người dân. Không những thế Người còn hoà đồng, đi sâu, đi sát với nhân dân trong cuộc sống, trong công việc, để từ đó, ân cần chỉ rõ, động viên, khuyến khích họ tự vươn lên, phấn đấu làm cho cái tốt nảy nở lấn át cái xấu và làm cho cái xấu từng bước bị mất đi. Với quan điểm, người cách mạng phải biết hy sinh cái “tôi” của chính mình và “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”([10]), Người luôn căn dặn, giáo dục Đảng ta “một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”([11]), đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và “phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”([12]).
     Chiều sâu của mọi giá trị văn hoá quy tụ lại ở giá trị con người. Vì vậy, đào tạo nguồn lực con người “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, chăm lo đến thế hệ trẻ được coi là nét nổi bật trong truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Thẩm thấu quan điểm đúng đắn của cha ông nên trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, bên cạnh việc luôn quan tâm đến vấn đề con người thì Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến sự nghiệp trồng người “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” với niềm tin vào vai trò làm chủ đất nước của thế hệ tương lai “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không? Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”([13]).
Nhân và nghĩa luôn gắn với nhau trong nền văn hoá dân tộc, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” hay “phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu” (Nguyễn Trãi), “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ” (Trần Quốc Tuấn)… cùng với lòng khoan dung, độ lượng, vị tha… là những đức tính thể hiện sự tinh tế trong văn hoá ứng xử, là cái gốc để “đối xử với người” và “tự xử với mình”. Nếu trước đây, trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, ông cha ta không chỉ tha cho kẻ thù bại trận mà còn cấp cho chúng hàng trăm chiếc thuyền, hàng nghìn cỗ ngựa để cho chúng trở về nước thì ở Hồ Chí Minh sự khoan dung, độ lượng và vị tha của Người đã làm cảm hoá khối óc và trái tim của không ít những người đứng bên kia trận tuyến. Những người ngày hôm qua vẫn còn là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc, đến ngày hôm nay đã trở thành những kẻ chiến binh thất bại thì Người cũng đã lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo, Ngườicăn dặn: “…Phải chăm sóc hết sức chu đáo, đối xử thật nhã nhặn để tỏ rõ sự ân cần của ta đối với người Pháp, để cho họ thấy rõ: ta chiến đấu vì tiền đồ của quốc gia và dân tộc Việt Nam, chứ không có ý ghét bỏ người Pháp. Khẩu phần ăn của họ phải hơn người Việt Nam. Tổ chức việc nấu ăn và chăm nom họ cho kỹ lưỡng”([14]). Đến thăm trại tù binh trong chiến dịch Biên giới, thấy một sĩ quan Pháp đang run lên vì lạnh, Hồ Chí Minh đã cởi chiếc áo ấm Người đang mặc đưa cho anh ta. Viên sĩ quan Pháp giơ tay nhận chiếc áo mà cảm động rơi nước mắt. Giăng Xanhtơny, người đại diện cho Chính phủ Pháp đảm nhiệm việc đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh thời kỳ 1945-1946, đã viết về Hồ Chí Minh bằng những lời rất trân trọng trong tập hồi ký Một nền hoà bình bị bỏ lỡ: “Hồ Chí Minh - đó là một nhân vật đang phải đối đầu và tôi là người đối thoại trong suốt 16 tháng. Do hiểu biết rộng, thông minh, hoạt động rất tích cực, tuyệt đối không nghĩ tới chuyện riêng tư, ông đã được nhân dân kính yêu, tin tưởng không ai sánh kịp. Rất tiếc là hồi đó Chính phủ Pháp đã đánh giá thấp nhân vật này và đã không hiểu được giá trị cũng như uy lực của ông”([15]). Đến cuối đời, Giăng Xanhtơny đã phải thú nhận: Hồ Chí Minh là người đã đánh đắm cả chế độ thực dân Pháp nhưng vẫn là bạn của nước Pháp. 
Bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam còn đậm nét trong các hình thức biểu hiện độc đáo của văn hoá đạo đức thông qua cách ứng xử, nếp sống, lối sinh hoạt mang tính cộng đồng “mình vì mọi người”, theo khuôn mẫu giá trị xã hội. Ở Hồ Chí Minh thì ngay từ năm 1923, khi tiếp xúc với Người, nhà thơ Xô viết Mandenstam đã cảm nhận thấy qua Nguyễn Ái Quốc, mọi người có thể hiểu dân tộc Việt Nam là “một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái qua. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc cũng đang toát ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị”. “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”([16]). Như vậy, Hồ Chí Minh đã thực sự là một hiện tượng văn hoá độc đáo của dân tộc và thế giới trong thời đại ngày nay. Hiện tượng văn hoá độc đáo ấy thể hiện chân thực và cảm động trong toàn bộ con người, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh thông qua cuộc sống đời thường bình dị nhưng vĩ đại của Người. Đúng như nhà báo Mỹ Đavít Hanbớtstem đã viết: “Đó là sức mạnh của ông Hồ, vì Ông là người Việt Nam của quần chúng và bởi thế cho nên Ông không thích dinh thự và đồng phục của thống chế, của các vị tướng. Ông thường mặc bộ quần áo đơn giản chỉ khác người nông dân nghèo nhất, phong cách mà người phương Tây đã chế diễu nhiều năm. Cho đến một ngày nọ, họ mới hiểu mà nhận ra rằng, chính cái giản dị ấy là cơ sở cho sự thành công của Ông. Địa vị càng cao, Ông càng giản dị, trong sạch hơn. Hình như Ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam”([17]).
Một dân tộc đánh mất bản sắc văn hoá là dân tộc đó đã tự đánh mất chính mình. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, ông cha ta đã kiên cường, thông minh và sáng tạo để bảo vệ và chuyển giao cho thế hệ mai sau những di sản văn hoá vô giá mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong thời đại Hồ Chí Minh, bản sắc văn hoá của dân tộc tiếp tục in đậm trong Nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh và Người là hiện thân của tất cả những gì là tinh hoa nhất trong truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Không những thế, Hồ Chí Minh còn khẳng định được những giá trị cao quý của nền văn hoá dân tộc trong sự phát triển chung của nền văn hoá nhân loại và trên nền tảng đó Người đã tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại để làm phong phú và phát triển hơn nữa nền văn hoá Việt Nam.
Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Vì vậy, trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới hiện nay để tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hoá và phát triển sự nghiệp văn hoá của nước nhà. “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi, sống có văn hoá, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”([18]).
“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân và đất nước ta. Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”([19]). Tiếp bước con đường vinh quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ người Việt Nam nhất định sẽ bảo vệ, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới những giá trị văn hoá truyền thống mà cha ông ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại, tạo nền tảng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện của dân tộc ta phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.


 
[1] . Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXBKHXH, Hà Nội-1990, Tr.9-10
[2] . Đảng CSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm BCHTW khoá VIII, NXBCTQG, Hà Nội-1998, Tr.56
[3] .   Phạm Văn Đồng, “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam”, Học tập đạo đác cách mạng Hồ Chí Minh,     NXB Thông tấn, Hà Nội-2007, Tr.315.
[4] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1996, T.12, Tr.509.
[5] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1995, T.4, Tr.161.
[6] . Hồ Chí Minh, Về văn hoá, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội-1997
[7] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1996, T.12, Tr.512..
[8]. Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và nội dung cơ bản, Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội-1993, T.1, Tr.47
[9] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1995, T.5, Tr.79
[10] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1996, T.7, Tr.544.
[11] .Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1996, T.6, Tr.416.
[12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, Hà Nội-1996, T.12, Tr.510.
[13] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội-1995, T.4, Tr.33
[14] . Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng-1995, Tr.6.
[15] . Lê Kim, Bác Hồ tiếp xúc với tình báo đối phương, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng-1990, Tr.81
[16] . Nhiều tác giả (biên soạn), Danh nhân Hồ Chí Minh, NXB Lao động, Hà Nội-2000, Tr.143.
[17] . Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, NXB Văn hoá, Hà Nội-1998, Tr.19.
[18] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG, Hà Nội-2011, Tr.40
[19] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, “Điếu văn của BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam”, Sdd, Hà Nội-1996, T.12, Tr.510.
 
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)