slider

Bức tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” năm 1946 được công nhận là bảo vật quốc gia

07 Tháng 06 Năm 2023 / 120 lượt xem

Cao Thanh Huyền

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Người ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tác phẩm đã đạt Giải thưởng trong Triển lãm mỹ thuật tháng Tám khai mạc ngày 18/8/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội và được công nhận bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022 theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tác phẩm “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” do nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Tác phẩm khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ dân tộc bằng ngôn ngữ điêu khắc nhưng vẫn làm nổi bật thần thái của một vị lãnh tụ đang gánh vác sứ mệnh lãnh đạo toàn dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn “thù trong giặc ngoài” để bảo vệ

chủ quyền dân tộc. Tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” là tượng bán thân, được đúc liền khối, rỗng, kích thước: cao 46cm, rộng vai: 45cm, dày thân tượng: 20cm; Nặng 17 kg. Tác giả đã thực hiện quan sát mẫu và nặn trực tiếp để tạo ra tác phẩm, sau đó tác phẩm được đúc đồng (duy nhất một bản) bằng hình thức khuôn phá. Tác phẩm khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với chòm râu dài đang ngồi làm việc, dáng tĩnh lặng, đầu hơi cúi về phía trước thể hiện sự tập trung cao độ vào công việc, nét mặt đăm chiêu, vầng trán rộng hơi nhíu lại.

Tháng 5 năm 1946, để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm mỹ thuật tháng Tám ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một tuổi, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc đã cử các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Thị Kim đến Bắc Bộ Phủ để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Kim là nữ điêu khắc gia đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất theo học ngành điêu khắc trong suốt 20 năm tồn tại của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945). Bà cũng là nhà điêu khắc đầu tiên được vinh dự gặp và quan sát trực tiếp để tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Thị Kim là người góp viên gạch đầu tiên xây dựng nền điêu khắc hiện đại Việt Nam.

Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim (10/12/1917 - 01/12/2011) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tuổi thơ của bà gắn bó với phố Hàng Gai. Bà thích vẽ từ nhỏ. Cha bà là Nguyễn Văn Khải, cũng là một họa sĩ, chính là người thầy đầu tiên nhen nhóm trong tâm hồn bà đam mê nghệ thuật. Bà trúng tuyển vào Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939 - 1944) cùng với các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đinh Thọ... Trong thời gian học tại trường, bà đã tham gia hoạt động trong ban tuyên truyền, khánh tiết của Hội truyền bá quốc ngữ, hoạt động văn hóa cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, bà là thành viên của Hội Văn hóa cứu quốc, trong Ban biên tập Tạp chí Tiền Phong, đồng thời vẽ tranh cổ động phục vụ kịp thời những yêu cầu của cách mạng. Bà từng nói: “Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một chân trời xán lạn cho các nghệ sĩ, trong đó có tôi. Con đường nghệ thuật chói chang ánh sáng cách mạng khiến tôi không khỏi choáng ngợp vì xúc động. Tôi tắm mình trong nguồn ánh sáng trong trẻo ấy và thấy nghề điêu khắc của mình đã đến lúc được cần đến như một thứ vũ khí”.

Kỷ niệm không bao giờ quên và tạo niềm cảm hứng sáng tác trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Kim là tháng 5 năm 1946 được đến Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà đã lặng đi trong niềm vui, niềm vinh dự được gặp Bác Hồ và nỗi lo về nhiệm vụ mới. Ngày ngày, bà Kim và họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung được phép vào nơi Bác làm việc, ghi chép ký họa từ sáu đến tám giờ. Về sự kiện lịch sử thiêng liêng này, bà Kim còn nhớ rất nhiều kỷ niệm. Sinh thời, bà kể: vừa mới bước vào phòng Bác làm việc, trong tâm trạng hết sức ngỡ ngàng, khi trên tay còn đang lủng củng đồ nghề, nào giá nặn, nào thùng đất, tôi chưa biết đặt vào đâu thì Bác đã gọi người mang ra chiếc chiếu để “cô Kim để giá và hòm đất”. Đó là cử chỉ đầu tiên thể hiện sự săn sóc chu đáo của Bác khiến tôi rất bất ngờ và xúc động. Đứng trước Bác, tôi cảm thấy tài năng nghệ thuật của mình bé nhỏ quá. Tôi nghĩ: Liệu rồi mình có đủ sức miêu tả một phần nào cái vĩ đại của Bác qua bức tượng bán thân mà mình sắp sửa làm bằng cả tâm huyết và lòng kính yêu lãnh tụ hay không? Tôi vừa mừng vừa sợ cứ loay hoay đứng ở xa, đo miệng Bác, tai Bác, râu Bác. Bác rất tinh ý và tế nhị, khoát tay cho phép tôi cứ tự nhiên, đừng quá dè dặt. Tôi sử dụng chiếc com-pa mượn của anh Lương Xuân Nhị để đo tỉ mỉ, thận trọng, tự nhủ đây là một công trình nghiêm túc, phải làm hết sức mình. Mỗi ngày hai tiếng, được làm việc cạnh Bác, tôi thấy thì giờ trôi đi rất nhanh, thời gian lại rất gấp.

Lúc này là đầu tháng 5/1946, Bác chuẩn bị lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Nhưng dù bận chuẩn bị cho chuyến công tác ngoại giao quan trọng, Bác Hồ vẫn tranh thủ vừa làm việc vừa ngồi mẫu cho họa sĩ vẽ và bà Kim nặn tượng. Lúc bà lúng túng vì sợ các dụng cụ điêu khắc đụng vào Bác, Bác bảo: “Cô cần đo cứ đo, đừng ngại. Không đo, làm không được thì hỏng việc”. Thì ra Bác không chỉ hiểu yêu cầu của việc nặn tượng đối với đối tượng nguyên mẫu là Bác, mà Bác còn hiểu sâu đến cả nội dung các thao tác trong nghề nặn tượng. Rất thông cảm với nỗi vất vả của nghề nghiệp sáng tác, Bác còn luôn hỏi han và động viên các nghệ sĩ: “Lúc nào làm việc cũng phải mang đủ thứ thế này à? Thế ra làm công tác văn nghệ cũng nặng nhọc và vất vả nhỉ?” Có những lúc Bác hỏi đùa rất thân mật: “Mẫu phải ngồi thế nào đây?”, “Hôm nay mẫu ngồi thêm giờ phải có bồi dưỡng đấy nhé”... Ngày ngày, trước khi các nghệ sĩ làm việc xong, chuẩn bị ra về, Bác đều xem lại tượng, tranh. Người góp ý: “Này, hai tai Bác không đều nhau đâu, bộ râu thế mà khó đấy nhỉ, hãy xem người Ai Cập xưa họ thể hiện râu ra sao?”. Những nhận xét cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm mà còn hiểu sâu sắc đặc trưng mỗi nghề nghiệp, tạo điều kiện để các nghệ sĩ hoàn thành công việc của mình. Người luôn lắng nghe để hiểu biết thêm và ân cần động viên, giúp đỡ bà Kim và các nghệ sĩ hoàn thành công việc.

Hơn 20 ngày, mỗi ngày 2 tiếng từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, được ngồi gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phòng làm việc của Người ở Bắc Bộ Phủ, Nguyễn Thị Kim đã nặn xong tượng Bác bằng đất sét. Sau đó, tượng được làm khuôn thạch cao và khuôn âm bản, đổ đồng nóng chảy vào khuôn, tạo nên tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” hoàn chỉnh. Dưới vai phải tượng khắc chữ Hán “

(Kim) và chữ Việt: “Ng.T. Kim - 1946” (tên tác giả và năm sáng tác). Tại Phòng Triển lãm mỹ thuật Tháng Tám khai mạc ngày 18/8/1946 ở Thủ đô Hà Nội, bức tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” của bà được đặt tại vị trí trang trọng. Nhà điêu khắc thể hiện Bác Hồ trong tư thế đang đọc sách, đầu hơi cúi xuống, vầng trán rộng, nét mặt đăm chiêu. Bà đã thể hiện hình tượng vĩ đại của lãnh tụ dân tộc bằng ngôn ngữ điêu khắc giản dị cùng thần thái ung dung ẩn chứa nội tâm sâu thẳm của vị Chủ tịch nước lo toan trăm mối cho đất nước mới giành được độc lập lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sau triển lãm, tượng Bác được đặt ở Tòa báo Sự thật, số 114 phố Bạch Mai, Hà Nội. Nơi đây vốn là nhà thờ Tổ của gia đình chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim (họa sĩ Phạm Văn Đôn). Nhưng không lâu sau đó, tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tòa báo Sự thật đã nhận chỉ thị phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Kim đã đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ họ của gia đình để chôn giấu bức tượng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội, hòa bình lập lại. Ngày giải phóng thủ đô, gia đình họa sĩ theo vị trí cất giấu để đào bức tượng Bác lên. Bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn nguyên vẹn màu đồng như thuở ban đầu. Sau khi lau chùi bức tượng sạch sẽ, gia đình họa sĩ trang trọng đặt bức tượng Bác Hồ trên bàn thờ phủ nhiễu đỏ. Năm 1959 khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được thành lập, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim quyết định trao tặng cho Bảo tàng bức tượng quý giá mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử của đất nước.

Vinh dự được trực tiếp gặp và tạc tượng Bác Hồ đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên đối với nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim. Thần thái vĩ đại, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in sâu vào tâm khảm của bà, để rồi đề tài Bác Hồ chiếm phần lớn trong sự nghiệp sáng tác của bà. Bà kể: năm 1952, tại Thái Nguyên, tôi làm bức đắp nổi về Bác Hồ. Ở rừng thiếu đất nặn, anh em đã đi vào tận suối sâu tìm đất mang về cho bà hoàn thành tác phẩm. Năm 1960, tôi sáng tác tác phẩm “Bác Hồ ngồi làm việc” cỡ lớn trên cơ sở bức chân dung sáng tác năm 1946. Đến năm 1970 và 1971, tôi tiếp tục sáng tác hai bức tượng bán thân Bác, trong đó có một bức “Bác Hồ năm 1930”. Trong năm 1972, tôi phác thảo lần thứ hai bức tượng Bác để thực hiện trong năm sau. Đây là bức tượng toàn thân, cao hai mét. Tôi đã suy nghĩ nhiều về phong thái ung dung tự tại của Bác, và cái áo bông khoác ngoài vừa tăng thêm đường nét uyển chuyển, vừa gần gũi thân thuộc, phần nào nói được tính giản dị của Bác. Mỗi lần đứng trước bức phác thảo, tôi lại bồi hồi nhớ lại những lần được gặp Bác: Bác hồi đầu cách mạng, râu tóc còn đen, đôi mắt sáng như hai ngôi sao. Bác sau hoà bình 1954, mái tóc đã bạc, mắt vẫn sáng như xưa. Tôi quên sao được thái độ ân cần của Bác khi gặp Bác trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1957, vừa trông thấy tôi, Bác đã hỏi ngay: “Cô Kim đấy à? Dạo này cô có còn phải đo đo (Bác giơ tay phác một cử chỉ) như trước nữa không?” Sau bao nhiêu năm trời, những chi tiết như vậy Bác vẫn nhớ. Sự quan tâm của Bác đối với văn nghệ sĩ thật là sâu sắc chu đáo. Muốn đền đáp công ơn ấy, tôi nghĩ rằng không còn cách nào khác là để tâm trí vào nghệ thuật, dùng nghệ thuật của mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim miệt mài sáng tạo với nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “Tượng Bác Hồ” (1946 - đồng), “Bác viết Tuyên ngôn Độc lập” (1945 - thạch cao), “Tiếp quản Thủ đô” (1958 - đất nung), “Chân dung cháu gái” (1958 - đồng), “Công nhân hầm lò”, “Công nhân mỏ” (1960 - thạch cao)... Bà đã trở thành “cánh chim đầu đàn” của điêu khắc nữ Việt Nam, đóng góp nhiều tác phẩm vào kho tàng nghệ thuật nước nhà. Với những cống hiến của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, năm 2000, bà đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - giải thưởng cao quý nhất dành tặng người nghệ sĩ. Với những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật, tác phẩm “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” do nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 được công nhận bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022.

Tài liệu tham khảo: http://tapchimythuat.vn/su-kien/nguoi-nan- tuong-bac-ho/

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)