slider

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ SỰ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG ĐÚNG ĐẮN CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA HỒ CHÍ MINH

24 Tháng 09 Năm 2013 / 12115 lượt xem
Th.S. Nguyễn Anh Minh
                                            PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Trong lịch sử phát triển của các dân tộc trên thế giới, có những thời điểm xuất hiện của những con người làm nên lịch sử và có những quyết định lựa chọn của những con người mang lại sự thay đổi cho cả một dân tộc, Một trong những con người như vậy là Hồ Chí Minh, Người đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam một con đường đi đúng đắn, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam đó là con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo con đường Cách Mạng Tháng Mười Nga.
Vào đầu thế kỷ XX sự tác động của nhiều trào lưu tư tưởng nước ngoài, trong đó có trào lưu của các cuộc cách mạng tư sản phương tây, đặc biệt là cách mạng tư sản Pháp (1789) đã ảnh hưởng và thu hút sự chú ý của nhiều nhà yêu nước Việt Nam. Tuy vậy, việc lựa chon con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn chưa tìm được câu trả lời cho các nhà yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ. Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Tất Thành với tấm lòng yêu nước thương dân lại đang ấp ủ ý chí và hoài bảo lớn, không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của dân ta không thành công và câu hỏi “ làm thế nào để cứu nước ” sớm hình thành lớn dần trong tâm trí Anh. Những ngày được Cha xin cho học lớp dự bị ở Trường tiểu học Pháp bản xứ ở thành phố Vinh, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên được tiếp xúc với khẩu hiệu: Tự do, bình đẳng, bác ái. Từ đó Anh muốn tìm hiểu nền văn minh Pháp và những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy. Điều đó, hơn mười năm sau khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ tự do, bình đẳng và bác ái. …và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu những từ ấy” (1). Thời gian học tại trường Quốc học Huế Nguyễn Tất Thành đượcgiao lưu với những luồng tư tưởng yêu nước, tiếp xúc với nhiều sách báo Pháp, các thầy giáo của trường có những người yêu nước. Chính nhờ ảnh hưởng của các thầy giáo yêu nước và sách báo tiến bộ mà Anh được tiếp xúc, Nguyễn Tất Thành mang một bản lĩnh mới, một tầm nhìn sâu sắc về xã hội, con người,ý muốn sang phương tây tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi những thành tựu của văn minh nhân loại từng bước lớn dần cổ vũ cho ý chí ra đi tìm đường cứu nước. Những tháng ngày làm thầy giáo ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, ngoài giờ lên lớp, Anh thường tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần đầu tiên anh được tiếp cận với những tư tưởng khai sáng Pháp như: Rútxô, Vônte, Môngtétxkiơ. Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc ý chí và nghị lực anh phải đi ra nước ngoài. Một lần trả lời nhà văn Mỹ, Người nói: “ Nhân dân Việt Nam trong đó ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp, Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2).
Nhìn lại các phong trào yêu nước như Phong trào Cần Vương; Phong trào Đông Du; Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi nghĩa Yên Thế; cuộc vận động cải cách của cụ Phan Châu Trinh… Anh rất khâm phục và coi trọng các các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường đó. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến lựa chọn của Nguyễn Tất Thành, để rồi anh có một quyết định là xuất dương tìm đường cứu nước cho dân tộc.
 Sau nhiều năm suy ngẫm, trăn trở , ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba, rời bến cảng Nhà Rồng trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin bắt đầu cuộc hành trình mang theo hành trang là tấm lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm tìm con đường đi đúng đắn cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách xâm lược. Nguyễn Tất Thành đã đi đến nhiều nơi trên khắp các Châu lục: châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Người trải qua những tháng ngày lao động gian khổ với nhiều nghề vất vả, khó khăn hoà mình cùng với cuộc sống của những người lao động để xem xét và khảo nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống nhân dân các nước trên thế giới mà Người đã có dịp đặt chân đến.
Những ngày đầu tiên đặt chân lên nước Pháp (7/1911) tại thành phố cảng Mác- xây tiếp xúc với cuộc sống văn minh, Nguyễn Tất Thành đã trăn trở đi tìm những giá trị thực tiễn của cái khẩu hiệu mà giai cấp tư sản thường rêu rao: “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Anh không khỏi ngạc nhiên khi nước Pháp nổi tiếng là văn minh mà ngập tràn các tệ nạn xã hội: gái điếm, ăn xin, các khu nhà ổ chuột bẩn thỉu tối tăm và hôi hám ở một thành phố cảng lớn nhất nước Pháp. Anh đã nhân thấy, ở Pháp cũng có những người dân nghèo khổ và đáng thương như ở Việt Nam. Từ đó Nguyễn Tất Thành thay đổi cách nhìn về nước pháp và người Pháp và hoài nghi về cái goi là: “tự do, bình đẳng, bác ái” mà giai cấp tư sản Pháp tự vẽ ra để che đậy bản chất Thực dân của mình. Ở lại nước Pháp một thời gian ngắn, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình vòng quanh châu Phi, đó là quãng thời gian mà anh đã chứng kiến sự bất công, bóc lột, tra tấn dã man của của bon Thực dân đối với những người dân thuộc địa da đen. Từ thực tiễn trải nghiệm đã giúp Nguyễn Tất Thành rút ra nhân thức quan trọng: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người : giống người bóc lột và giống người bị bót lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(3).Đây là nhận thức ban đầu có ý nghĩa quan trọng trong thế giới quan, nhân sinh quan của Người, đặt nền móng cho tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản trên hành trình tìm đường cứu nước.
Cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành đặt chân đến nước Mỹ. Anh lao động để kiếm sống và tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là những ngày ở khu Háclem đã để lại trong anh nhiều ấn tượng về cuộc sông nghèo khổ của người Mỹ da đen bên cạnh những khu phố sang trọng và những toà nhà cao chọc trời. Những ngày trên đất Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã có dịp tìm hiểu về cuộc cách mạng tư sản Mỹ và biết đến bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử . Tuy nhiên, càng tìm hiểu cụ thể hơn thì Nguyễn Tất Thành lại càng nhận thấy trong thực tế sự bất bình đẳng, nạn phân biệt chủng tộc và đời sống đói nghèo, đau khổ của hàng triệu người lao động và phụ nữ, đặc biệt là người da đen. Khi đến thăm Nữ thần tự do ở thành phố NewYork, Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy sự cách biệt giữa thực tiễn và những điều mà giai cấp tư sản thường ca ngợi về quyền con người ở Mỹ:“Anh sáng trên đầu thần tự do toả rộng khắp trời xanh, còn dưới chân thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”(4).
Năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ để đến nước Anh, một đất nước có nhiều thuộc địa nhất thế giới và được mệnh danh là: “mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”. Mặc dù không có những cuộc chiến tranh xung đột, nhưng nước Anh cũng tiềm ẩn những mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, đặc biệt là cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa Anh ở khắp các Châu lục. Những ngày trên đất nước Anh, Nguyễn Tất Thành cũng trải qua những tháng ngày lao động với nhiều nghề vất vả hoà mình cùng với cuộc sống của những người lao động và tìm hiểu bản chất thực sự của xã hội tư bản. Từ thực tiễn sinh động trên đất nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn cảm nhận được sự bất ổn trong xã hội tư bản Anh lúc bấy giờ. Không những vậy, Người còn tích luỹ được thêm nhiều hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư bản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa.
Trong những năm đầu hành trình tìm đường cứu nước cho dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã đặt chân đến các nước tư bản đế quốc, Người đã dành nhiêu thời gian, tâm sức dể nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình kinh tế- xã hội ba nước tư bản là Pháp, Mỹ, Anh, Người đã nhận thấy rõ sự trái ngược giữa thực tiễn đời sống khổ cực của nhân dân lao động với lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái được nêu trong các cuộc cách mạng tư sản. Từ đó, Người đã rút ra những nhận xét sát thực hơn, sâu sắc hơn về tính chất không triệt để của các cuộc cách mạng tư sản, Người cho rằng: “ Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai. ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh”(5) Còn :“Cách mệnh Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy” (6).
 Có thể nói rằng, lá cờ dân chủ tư sản của các nước phương Tây đầu thế kỷ XX với sự hấp dẫn của khẩu hiệu: “tự do, bình đẳng, bác ái” đã góp phần thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Những cũng chính quá trình hoạt động thực tiễn ở các nước tư bản đã giúp Người nhìn nhận ra những mặt trái của xã hôi tư bản và bản chất của những lời lẽ hoa mỹ mà giai cấp tư sản thường ra sức tô vẻ lừa bịp nhân dân lao động với thực tế phũ phàng của xã hội phương Tây lúc đó.Vì nền độc lập dân tộc giành được từ các cuộc cách mạng tư sản chỉ mở đường cho sự phát triển và lợi ích của giai cấp tư sản, chứ không giải phóng con người và xã hội loài người ra khỏi sự áp bức bóc lột. Do đó chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản và cách mạng tư sản chỉ thực hiện dân tộc một cách có giới hạn. Độc lập dân tộc của chủ nghĩa tư bản không những không thủ tiêu áp bức bót lột mà con duy trì và phát triển ở trình độ cao hơn, tinh vi hơn.Mặc dù không tán thành với Cách mạng tư sản Pháp và Cách mạng tư sản Mỹ Nguyễn Tất Thành vẫn chưa tìm ra con đường đi đúng đắn cho dân tộc mình.
Cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp giữa những ngày ác liệt của chiến tranh thế giói lần thứ nhất để tiếp tục tìm con đường cứu nước cho dân tộc, Anh đã lao vào cuộc đấu tranh của công nhân Pháp. Giữa những ngày đang hoạt động sôi nổi thì một sự kiện quan trọng trong lịch sử nhân loại đã nổ ra: Cách mạng Tháng Mười Nga thành công làm chấn động địa cầu. Như tiếng sấm mùa xuân, cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh giai cấp công nhân và nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vừng dậy đấu tranh cách mạng. Cách mạng tháng mười là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do đảng của Lênin lãnh đạo, nhằm mục đích là đánh đổ tư bản chủ nghĩa, giải phóng nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười thực hiện quyền tự quyết của dân tộc. Chính quyền được thành lập từ các quốc gia dân tộc trước kia bị Nga Hoàng sáp nhập, nay đã có thể tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Chính quyền Xô Viết tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản và ủng hộ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa:“Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nới, nghĩa là dân chúng được hưởng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật.. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(7). Từ thành công của cách mạng Tháng Mười Nga đã có một ảnh hướng quyết định trong đời hoạt động hoạt động cách mạng của Người. Phấn khởi và tin tưởng, Người quyết tâm lựa chon đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Sau Cách mang Tháng Mười, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1919 quốc tế thứ ba được thành lập, đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với đường lối cơ hội hưu khuynh và chủ nghĩa sô - vanh của quốc tế thứ hai. Tiếp đó tháng 7 năm 1920 Người đã đọc được sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nưóc thuộc địa và phụ thuộc, đã giải đáp cho Người con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào mà người đã trải qua bao nhiêu gian truân để tìm kiếm. Luận cương Lênin đã đến với Người như một luồng ánh sáng mới đầy hy vọng và tin tưởng, Người nhớ lại:“Luận cương của Lênin là cho tôi rât cảm động phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biêt bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:“Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! đây là cái cần thiết của chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(8). Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, đứng hẳn về Quốc tế thứ ba. Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp tại Tua (12-1920). Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nó đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người. Từ đó, Người đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, người tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho nhân dân Việt Nam, con đường kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, kết hợp tinh thần yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
 Như vậy, có thể nói rằng từ chủ nghĩa yêu nước chân chính và khát vọng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách xâm lược của thực dân, Hồ Chí Minh đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.Trải qua hành trình bôn ba khắp các châu lục vừa tìm hiểu vừa khảo nghiệm từ thực tiễn của các cuộc cách mạng tư sản phương tây, đặc biệt là sự tìm hiều về tình hình kinh tế- xã hội ba nước tư bản là Pháp, Mỹ, Anh. Hồ Chí Minh đã nhận thấy sự bất ổn trong lòng xã hội tư bản và tính chất không triệt để của các cuọc cách mạng tư sản. Giữa lúc đang trăn trở để tìm một con đường đi mới, thì cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sau đó Luận cương của Lênin về dân tộc và vấn đề thuộc địa đến với Người. Từ những trải nghiệm thực tiễn và nhạy cảm chính trị cùng với những nhận định và cách nhìn biện chứng trên cơ sở phân tích đánh giá khoa học, Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lê nin, con đường cách mạng vô sản. Đây là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người, mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ , công bằng, văn minh./.
 
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t1, tr.477.
(2) Báo Nhân dân, ngày 18-5-1965.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t1, tr.266.
(4 )Mai Văn Bộ: Con đường vạn dặm của HCM, Nxb. Trẻ, H.1999, tr62.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.270.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.274.
 (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.280.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t10, tr.127.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)