slider

Căn cứ địa cách mạng Cao Bằng - nơi ghi dấu niềm tin, trí tuệ và tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

15 Tháng 05 Năm 2021 / 2841 lượt xem

Nguyễn Thị Lệ Thủy

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

1. Chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên

Giữa năm 1940, những chuyển biến dồn dập của cuộc chiến tranh ở châu Âu đã có tác động mạnh mẽ đến tình hình thế giới và tình hình Đông Dương. Ngày 22/6/1940, nước Pháp buộc phải ký Hiệp định đình chiến, đầu hàng phát xít Đức vô điều kiện. Tin đó đến với Nguyễn Ái Quốc khi đang hoạt động ở Côn Minh - Trung Quốc. Người họp Ban cán sự Đảng ở nước ngoài và nhận định: “Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Trong lúc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về nước, thì tình hình Đông Dương có chuyển biến lớn: thực dân Pháp từng bước đầu hàng phát xít Nhật, mở cửa cho quân Nhật vào chiếm đóng Đông Dương. Cuối năm 1940, sau khi nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng báo cáo tình hình trong nước, Người quyết định trở về Tổ quốc cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó thuộc bản Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) từ ngày 08/02/1941. Từ đây, Pác Bó trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc - nơi đầu nguồn của cách mạng Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn vùng đất Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng. Sự lựa chọn này hoàn toàn không phải là tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự cân nhắc tính toán kỹ lưỡng. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ điều kiện trọng yếu để xây dựng căn cứ địa cách mạng: Thứ nhất, nơi đây có địa thế tự nhiên hiểm trở, rừng núi chiếm trên 90% với nhiều núi non, rừng rậm sẽ che chở cho các cơ sở cách mạng hoạt động; Thứ hai là quần chúng tại đây nhiệt tình ủng hộ cách mạng. Con người Cao Bằng vốn giản dị, trung thực, chân thành và chất phác, đã tin ai thì ít thay lòng đổi dạ, nên khi tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng đã có một niềm tin son sắt vào ngày thắng lợi, vùng đất này có phong trào sớm và có quần chúng nhân dân sẵn sàng đứng lên xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ, bảo vệ, nuôi dưỡng cách mạng. Đó chính là chỗ dựa vững chắc để Đảng ta xây dựng căn cứ địa; Thứ ba, nơi đây có nhiều đường sang biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ, có thể đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ cách mạng. Giữa các ngọn núi và khe sâu, thung lũng lòng chảo rộng, hẹp khác nhau sẽ hết sức kín đáo, vừa thuận lợi cho chăn nuôi, tăng gia sản xuất, vừa có tác dụng cất giấu lương thực, thực phẩm, gia súc; Thứ tư, tại khu khu vực này chính quyền và lực lượng của địch rất mỏng, yếu, và lỏng lẻo, nên bất lợi cho hoạt động của địch.

Cuối năm 1940, trước khi trở về nước lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Đầu năm 1941, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Cao Bằng đã được chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng và tiếp tục tạo ra những nhân tố quan trọng, cần thiết để đưa cách mạng đi đến thành công. Vùng đất Cao Bằng đã thực sự gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Về xây dựng thực lực cách mạng

Ngay từ những ngày đầu tiên về nước, công tác xây dựng thực lực cách mạng đã được Nguyễn Ái Quốc chú trọng. Theo Người, công cuộc giải phóng dân tộc muốn thành công, trước hết phải trông cậy vào lực lượng của mình, thực hiện đúng tinh thần: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(1). Tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiến hành xây dựng căn cứ địa cách mạng,

mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn. Người cho rằng: nếu không có lực lượng cách mạng hùng hậu, thì không thể có khởi nghĩa thắng lợi. Từ những quan điểm cơ bản ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện và tổ chức xây dựng, phát triển thực lực cách mạng, trong đó việc đào tạo đội ngũ cán bộ được Người đặc biệt quan tâm. Người quan niệm: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2) và đạo đức luôn là “cái gốc” của người cách mạng, đạo đức tạo ra sức mạnh, là nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc.

Đi đôi với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển Đảng ở các vùng căn cứ, những hội viên cứu quốc ưu tú được lựa chọn bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng. Do đó, trong khó khăn ác liệt, tổ chức Đảng ở Cao Bằng vẫn phát triển không ngừng, Người luôn căn dặn cán bộ: “phải làm cho dân tin, dân mến, dân phục”. Người đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ chuẩn bị cho phong trào Việt Minh.

Sau một thời chuẩn bị, tại Khuổi Nậm (Pác Bó - Cao Bằng), từ ngày 10 đến 19/5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, quyết định những vấn đề cốt tử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ ủy Trung Kỳ, Bắc Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị bàn việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, xu hướng chính trị, tất cả cùng nhau hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người chỉ đạo làm thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, nhằm kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Minh trước khi mở rộng ra cả nước.

Ngay sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm tập hợp xây dựng lực lượng cách mạng, ngày 06/6/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi cho nhân dân bức thư “Kính cáo đồng bào”. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng... giành tự do độc lập”(3). Bức thư như lời hiệu triệu, khơi dậy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, động viên nhân dân phát huy tinh thần tự lực tự cường, dùng sức mình để tự giải phóng cho mình, đoàn kết toàn dân đánh đuổi Pháp - Nhật.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định tiến hành xây dựng thí điểm hình thức mặt trậnViệt Minh tại các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Đồng thời, Người cử những cán bộ dạn dày kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng như Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh theo dõi công tác thí điểm Việt Minh để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng đến các huyện, tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Lạng Sơn. Người rất chú trọng đến việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc ít người vào hoạt động cách mạng. Ngoài những giờ làm việc, với bộ quần áo của người Nùng, chiếc mũ vải và đôi giày bằng lá mo, Người thường đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện với nhân dân làng Pác Bó, giải thích cho đồng bào hiểu nguyên nhân của sự khổ cực và động viên họ tham gia vào mặt trận. Chỉ sau ba tháng, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập bám rễ sâu rộng vào các thôn, xóm, bản làng của các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Cách thức tiến hành công tác thí điểm Việt Minh thể hiện rõ tính khoa học, tính thực tiễn của một chủ trương lớn. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ trung kiên, phát động phong trào quần chúng tham gia cách mạng rộng khắp là thắng lợi quan trọng của chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo thực tiễn tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Để thu hút hơn nữa cảm tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, tháng 8/1941 Người quyết định xuất bản Báo Việt Nam Độc lập - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Tờ báo đã trở thành ngọn đuốc soi đường, tuyên truyền cổ vũ, dẫn dắt và tổ chức quần chúng vào các Hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian viết một loạt tác phẩm như: Mười chính sách của Việt Minh(4), Mười điều nên(5), Lịch sử nước ta(6), và nhiều bài đăng trên báo Việt Nam độc lập, báo Cứu quốc với nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật cường của dân tộc, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các đoàn thể cứu quốc; tham gia các lớp tập huấn chính trị, quân sự, góp phần tạo ra cao trào cứu nước mạnh mẽ, chờ đón thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Để tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền chắc chắn không thể thiếu vũ khí, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hiểu rất rõ: “việc bổ sung cho kho dự trữ vũ khí và đạn dược của du kích sẽ là một nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài”(7). Vì vậy, cùng với việc chuẩn bị lực lượng, Người cũng đã giao nhiệm vụ cho một số cán bộ mở xưởng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và sửa chữa vũ khí tại Lủng Lỏng, xã Nà Sắc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (xưởng có 6 người do Đặng Văn Cáp phụ trách). Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, các cơ sở chế tạo sản xuất vũ khí ở Xứ ủy Bắc Kỳ (có Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định...), Xứ ủy Nam Kỳ (có Quảng Nam, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Gia Định.) cũng lần lượt được xây dựng và sản xuất ngày càng nhiều loại vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang.

Ngoài việc tổ chức xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí trên địa bàn cả nước, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn kêu gọi quân và dân ta phát huy cao độ tinh thần dũng cảm trong việc thực hiện chủ trương “vừa đánh vừa võ trang”, “lấy súng giặc đánh giặc” đồng thời phát động phong trào Đồng tiền cứu nước, nhằm quyên góp tiền của từ các tầng lớp nhân dân để Sắm vũ khí, diệt thù chung. Ngay từ đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động mở thông đường dây liên lạc từ Cao Bằng sang Côn Minh (Trung Quốc) để giữ mối liên hệ với các đồng chí hoạt động ở nước ngoài và mua vũ khí từ nước ngoài về nước khi cần. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhân dân đã hăng hái góp nguyên liệu sản xuất vũ khí, góp tiền mua súng chuyển cho cơ sở của bộ đội, du kích, phục vụ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Với chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng, làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Với mong muốn phong trào cách mạng ngày càng phát triển toàn diện và rộng khắp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Trung ương Đảng rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc, tổ chức nhân dân thành lực lượng chính trị hùng hậu trên nền tảng liên minh công - nông. Tính từ tháng 6/1941 đến tháng 4/1942 đã đào tạo được trên 300 cán bộ Việt Minh.

3. Về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Bên cạnh việc chú trọng hình thành lực lượng chính trị, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang đặc biệt được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quan tâm. Trên cơ sở lực lượng quần chúng hùng hậu, Người đã tiến hành xây dựng những vấn đề lý luận trọng tâm về lực lượng vũ trang để từng bước xây dựng lực lượng vũ trang với quy mô và hình thức thích hợp. Đồng thời, Người còn viết tác phẩm Cách đánh du kích(8) để phổ biến trong các Hội cứu quốc và dùng làm tài liệu ở các lớp huấn luyện quân sự. Những cơ sở lý luận đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quân sự vận dụng vào thực tiễn. Vì vậy, lực lượng vũ trang cơ sở (lực lượng tự vệ, đội du kích) được xây dựng ngày càng nhiều ở khắp nơi. Từ các đội tự vệ cứu quốc, tổ du kích ở địa phương, Người đã thành lập Đội vũ trang Cao Bằng, tự tay soạn thảo “Mười điều kỷ luật” và những nguyên tắc cơ bản xây dựng quân đội.

Đến năm 1944, nhận thấy đã đến lúc phải có vai trò chiến lược của lực lượng chủ lực, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập đội quân chủ lực đầu tiên. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng). Đội gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Nhằm giúp cho bộ đội, du kích có thêm kinh nghiệm trong chiến đấu, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết các sách: “Chiến thuật du kích”(9), “Phép dùng binh của ông Tôn Tử”(10) gửi tới các đội du kích, cho mọi người tham khảo kinh nghiệm trong chiến đấu. Thời gian này các văn kiện mà lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo đều tập trung vào việc chỉ đạo phát triển lực lượng, đón thời cơ và góp phần thúc đẩy thời cơ mau chín muồi, chuẩn bị thực hiện Tổng khởi nghĩa.

Chủ trương tổ chức quần chúng vào các Hội Cứu quốc, tiến hành tổ chức và phát triển lực lượng cách mạng, chuyển hình thức đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước là một quyết sách đúng đắn, một sự chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời trong tư tưởng chính trị của Đảng ta mà đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong suốt quá trình hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm sức hướng dẫn chỉ đạo, lãnh đạo gây dựng phong trào, tổ chức đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ cốt cán; xây dựng Cao Bằng thành đại bản doanh, căn cứ địa cội nguồn vững chắc. Từ Pác Bó, Người đã đi nhiều nơi ở Cao Bằng và các vùng lân cận để chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhằm thúc đẩy phong trào phát triển nhanh, Người chỉ thị phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng về xuôi, để tranh thủ lực lượng đông đảo nhân dân và chờ đợi thời cơ. Cán bộ chính trị, quân sự của Đảng thực hiện nhiệm vụ đi vận động, giác ngộ và huấn luyện cho quần chúng đấu tranh. Cán bộ đi đến đâu, các tầng lớp nhân dân được giác ngộ cách mạng đến đó và một lòng đi theo Mặt trận Việt Minh. Sau một thời gian, từ Cao Bằng, các con đường Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến từng bước được khai thông, xây dựng được lực lượng cách mạng trong nhân dân trên địa bàn Việt Bắc, xuống Thái Nguyên về xuôi. Chính nhờ thực hiện giải pháp đó, nên lực lượng chính trị quần chúng đã phát triển nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương xuống địa phương.

Trên cơ sở phong trào cách mạng phát triển lên cao, ngay trong đêm phát xít Nhật nổ súng đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng, quyết định phát động cao trào “Kháng Nhật, cứu nước”. Ngày 12/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, Mặt trận Việt Minh vẫn tiếp tục mở rộng, đội quân chính trị ở thành thị và nông thôn phát triển nhanh chóng, lực lượng vũ trang cách mạng được tăng cường phát triển mạnh mẽ, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền.

Trên cơ sở vùng giải phóng đã được mở rộng và liên hoàn, để thuận tiện lãnh đạo phong trào cách mạng chung cả nước, tháng 5/1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh của Trung ương Đảng từ Cao Bằng về Tân Trào, đón thời cơ thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân từ bọn phát xít, thực dân. Ngày 16/8/1945 Quốc dân Đại hội bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, quân đội và chính quyền tay sai rơi vào trạng thái hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng kịp thời hạ quyết tâm phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước theo tinh thần: dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ”(11), nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 14-28/8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thực sự thuộc về tay nhân dân.

Với những quyết tâm kịp thời, những nhận định đúng đắn và táo bạo về thời cơ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công triệt để, phát huy được cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan mọi xích xiềng nô lệ của chủ nghĩa thực dân và phát xít, rửa sạch nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỉ. Đồng thời, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại cả ngàn năm, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành công dân của nước tự do, độc lập. Đồng thời, cuộc cách mạng đã chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ suy sụp, tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là sự kết hợp của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng trí tuệ sắc bén và nghị lực phi thường, Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đúng như dự cảm và quyết tâm cao độ của Người về sự thắng lợi của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước. Ngay mùa xuân đầu tiên trở về Tổ quốc (1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài thơ xuân tuyệt tác ngay tại nơi đầu nguồn cách mạng thiêng liêng với tựa đề Pác Bó hùng vỹ:

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là,

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”(12).

Như vậy có thể thấy, với trí tuệ, tầm nhìn và niềm tin mãnh liệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có sự nhìn nhận và lựa chọn vô cùng chính xác, kết hợp phương pháp làm việc khoa học và sáng suốt trong việc chỉ đạo thực tiễn xây dựng căn cứ địa Cao Bằng vững chắc, xây dựng thực lực cách mạng hùng hậu chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa thành công. Đã tròn 80 năm kể từ ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc đặt chân lên vùng đất Cao Bằng, nhưng sự kiện ấy vẫn còn in đậm trong tiềm thức các thế hệ người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn một nửa thế kỷ, nhưng tài năng và nhân cách, lòng yêu nước, thương dân và đạo đức cách mạng trong sáng của Người vẫn in dấu khắp muôn nơi. Hang Cốc Bó, lán Khuổi Nậm, núi Lam Sơn cùng những bản làng hẻo lánh ít người biết đến đã trở thành những địa danh nổi tiếng gắn liền với hoạt động vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.596.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.280.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.230.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.242.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.555.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.257.

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.582.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.499.

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.497.

10.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.557.

11.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr 596.

12.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.227.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)