slider
Phát triển kinh tế số

CHIẾC BÚT MÁY “CỬU LONG” CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ SỬ DỤNG

07 Tháng 09 Năm 2011 / 4823 lượt xem
Cù Thị Ban
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng nhưng ngôi Nhà sàn đơn sơ giản dị cùng với những hiện vật liên quan đến cuộc sống thường ngày của Người như chiếc bút máy “Cửu long” Người thường dùng để lại bút tích trên những tài liệu, hiện vật còn lưu lại nơi đây góp phần thể hiện tương đối đầy đủ, rõ nét cuộc sống, đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc bút máy “Cửu Long” được đặt trong hộp gỗ trên bàn ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn gỗ - nơi Người đã ở và làm việc từ năm 1958 đến 1969. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chiếc bút đã được ghi chép vào sổ kiểm kê bước đầu, đánh số kiểm kê là BTHCM 725/G.52 và được xây dựng hồ sơ khoa học vào tháng 5/2007.
          Chiếc bút máy “Cửu long” do nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà sản xuất. Bút có chiều dài 13cm, nắp xoáy, vỏ nắp có tai cài bằng kim loại mầu trắng nhạt, ngòi bút bằng kim loại mầu vàng nhạt, có chữ “Cửu long”, trong ngòi bút có lưỡi gà hình răng cưa để hút mực khi bơm, nắp bút dài 6 cm, thân và nắp bút làm bằng nhựa cứng mầu trắng. Chiếc bút này là một trong nhiều loại bút mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng khi sinh thời.
Trong quá trình nghiên cứu nguồn gốc của chiếc bút “Cửu long”, chúng tôi đã tìm đọc các nguồn tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh như bản ghi chép bước đầu của đồng chí Phạm Hồng Thăng - nguyên là cán bộ công an thuộc Trung đoàn 600 - Bộ Công an biệt phái sang giúp Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã ghi chép ngày 17/2/1970 lưu hồ sơ số 26; căn cứ vào ảnh chụp các hiện vật ngày 16.9.1969 do đồng chí Đinh Đăng Định chụp và lời kể nhân chứng của ông Lưu Quang Lập - nguyên là cán bộ văn phòng Phủ Chủ tịch, là một trong nhiều người vinh dự được phục vụ Bác Hồ từ năm 1960 đến 1969. Theo lời kể của ông Lập, chiếc bút máy “Cửu long” do ông Lê Văn Nhương (tức Cần) - nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch Hà Nội, là người phục vụ Bác từ năm 1950 đến năm 1969, mua ở cửa hàng cung cấp giao tế (thuộc Bộ Nội thương) - Phố Lê Thái Tổ. Ông Lưu Quang Lập cũng cho biết là Bác đã sử dụng chiếc bút máy “Cửu long” này từ khoảng sau năm 1960 (sau khi nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà được khánh thành) cho đến lúc Người đi xa.
Chúng tôi thấy ý kiến của ông Lập là có cơ sở vì loại bút máy “Cửu long” này bền, ngòi bút mòn có thể thay được. Đây là loạt sản phẩm đầu tiên do nhà máy sản xuất. Một căn cứ nữa chứng minh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng  chiếc bút này để viết là trong số những đồ vật sinh thời Người có một lọ mực mang số kiểm kê là: BTHCM 2030/S33.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chiếc bút này trong công việc hàng ngày. Qua nghiên cứu các loại sách, báo, bản thảo, tài liệu đánh máy, đối chiếu nét bút, nét mực các tài liệu sau đây ở kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy nhiều bản thảo, bài viết có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết bằng chiếc bút máy “Cửu long” mầu tím như:
          - Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo “Cờ đỏ” cơ quan Trung ương Đảng cộng sản Nhật Bản năm 1963. Có số ký hiệu kiểm kê: TP.117/1.
          - Thư Bác gửi các thầy cô giáo và học sinh nhân dịp năm học mới 1963-1964
- Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hội nghị công nghiệp nhẹ (tháng 1-1965) có ký hiệu kiểm kê: TP.136/1-5.
          - Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Hải Dương (tháng 2-1965) có ký hiệu kiểm kê: TP.137.
          - Bài “ Mỹ thất bại” của tác giả: Chiến sĩ có ký hiệu kiểm kê: TP. 153/1.
          - Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thái tử Nôrôđôm Sihanuck - Quốc trưởng Vương quốc Campuchia (tháng 11-1964) có số kiểm kê: TP.263.
          - Thư Bác Hồ gửi cháu Thu Oanh ngày 15-2-1964 có số kiểm kê : TP.440.
          - Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Kwanue Nkruman nước cộng hòa Gana, có số kiểm kê: TP 265/2, v.vv..
          - Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Thanh Hóa (ngày 6-3-1967) có số kiểm kê: TP.172.
          - Thư chữ Hán Bác gửi bà Đặng Dĩnh Siêu, tháng 5-1968
          - Trên báo Nhân dân số 4034, số ra thứ hai ngày 19-4-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích chữ Hán ở lề trên trang 1.
Bằng chiếc bút máy này Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký nhiều sắc lệnh tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại cho các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích như dũng cảm trong chiến đấu, phục vụ nhân dân, trong sản xuất, học tập v.vv.., ví dụ:
- Sắc lệnh số 2 ngày 31-1-1961 thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, hạng ba cho các gia đình có đông con tòng quân.
- Sắc lệnh số 51 ngày 10-11-1962 công bố luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Hành chính các cấp.
- Sắc lệnh số 40 ngày 31-8-1963 quyết định đặc xá cho những phạm nhân ở tù một thời gian và cải tạo tốt.
          Bác còn dùng chiếc bút này để ghi những điều quan trọng, những điều cần nhớ trong cuốn sổ tay nhỏ mà Người dùng để theo dõi tin tức trong nước, quốc tế và những việc cần làm. Qua những bút tích của Bác để lại bằng bút mực xanh đen chúng tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến nhiều vấn đề của đất nước như đối nội, đối ngoại, kinh tế, chính trị, xã hội v.vv…
Thông qua các tài liệu, hiện vật nêu trên chúng ta thấy được chiếc bút máy “Cửu long” là một hiện vật gốc có ý nghĩa lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng trong một thời gian dài từ sau năm 1960 đến 1969. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời văn phòng Phủ Chủ tịch đã gửi chiếc bút máy cùng nhiều tài liệu, hiện vật quan trọng liên quan đến Người sang Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng đưa sơ tán bảo quản và lưu giữ hộ. Thời gian này cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc diễn ra rất ác liệt. Ngày 15.8.1973 cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng giao lại cho Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (sau này là Bảo tàng Hồ Chí Minh), từ đó chiếc bút được bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
          Chiếc bút máy “Cửu long” là hiện vật gốc có ý nghĩa lịch sử nên đã được xây dựng hồ sơ khoa học và được bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thay vào vị trí vốn có của nó như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiếc bút cùng thời hiện đang trưng bày trên bàn làm việc tầng 2 Nhà sàn gỗ. Theo các đồng chí lãnh đạo Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng hội đồng khoa học họp ngày 25.11.1972 cho biết: chiếc bút máy trưng bày ở Nhà sàn cùng các hiện vật khác đã được đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua trước khi mở cửa ngôi nhà sàn của Bác đón khách quốc tế và đồng bào cả nước đến viếng thăm năm 1975 và được sắp xếp như lúc sinh thời khi Người còn sống.
          Qua nghiên cứu nguồn gốc lịch sử, thời gian, nội dung ý nghĩa của chiếc bút, qua lời kể của các nhân chứng cùng nhiều tài liệu, hiện vật trưng bày tại các nhà di tích nhằm tuyên truyền giáo dục cho khách thăm quan Khu Di tích hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc tại Phủ chủ tịch.
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)