CHIẾC XE PEUGEOT 404 VÀ TẤM LÒNG CỦA VIỆT KIỀU TÂN ĐẢO VỚI BÁC HỒ!
07 Tháng 06 Năm 2013 / 5278 lượt xem
Nguyễn Thành Quang
Khu Di tích Phủ Chủ tịch
Đến thăm khu trưng bày xe ô tô đã được sử dụng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chúng ta thấy 03 chiếc xe: Zit, Pobeda và Peugeot. Zit và Pobeda là dòng xe được sản xuất tại Nga còn Peugeot là dòng xe gia đình được sản xuất tại Pháp.
Dòng xe này do Pininfarina thiết kế và được sản xuất tại các nước Châu Âu từ năm 1960 đến năm 1975, các phiên phản khác được sản xuất tại Kenya đến năm 1991. Năm 1962, xe Peugeot 404 được bổ sung thêm loại mui có thể gỡ bỏ được và một năm sau phiên bản coupé ra đời. Xe được trang bị động cơ máy xăng 1,6 lít với kích thước chiều rộng 1.612mm, chiều cao 1.490mm. Cho đến năm 1975 khi nhà máy Peugeot tại Pháp dừng sản xuất thì đã có 1.847.568 chiếc xe của hãng ra đời. Tuy nhiên, là dòng xe được ưa chuộng nên sau đó Peugeot vẫn còn được sản xuất tại một số nước như Argentina (1962-1980) và tại Kenya cho đến tận năm 1991. Tính đến năm 1991 số lượng xe do các nhà máy của Peugeot trên toàn cầu sản xuất lên tới 2.885.374 chiếc. Trong những đời xe được sản xuất của Peugeot thì phiên bản 504 được sản xuất năm 1968 là phiên bản đem lại lợi nhuận lớn nhất cho hãng. Không đem lại lợi nhuận cao như Peugeot 504, nhưng Peugeot 404 cũng là một trong những phiên bản được ưa chuộng. Vào tháng 10/1961, dòng xe Peugeot 404 cabriolet chính thức trình làng tại triển lãm Paris Motor Show. Và trong vòng đời của dòng xe này (từ năm 1960 đến năm 1975) đã có gần 3 triệu chiếc các loại được xuất xưởng trên khắp thế giới.
Chiếc xe Peugeot 404, màu ghi có hai đèn pha tròn phía trước, mỗi bóng có đường kính 12cm. Bên cạnh là hai đèn hiệu xin đường có hình dáng gần giống hình chữ nhật dài 15cm, rộng 9cm. Ở chính giữa đầu xe có gắn biểu tượng sư tử của hãng Peugeot. Phía sau xe có bốn bóng đèn, hai đèn hiệu bọc kính màu đỏ dài 35cm, rộng 14cm.
Phiên bản 404 của hãng Peugeot có một kỷ niệm đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam, với Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Đó là món quà của Việt kiều Tân đảo và Tân Thế giới (tên gọi trước đây của các quần đảo New Cacedolia và Vanuatu, thuộc châu Đại Dương) kính tặng Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam. Họ vốn là những người Việt nghèo khó ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ghi danh đi mộ phu cho người Pháp ở Tân đảo với ước mơ đổi đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Phần lớn họ đã trở về Việt Nam sau kháng chiến chống Pháp. Nhưng dù trở về hay ở lại, họ đã luôn thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất vốn có, rất đáng tự hào của người Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp suốt 9 năm, chính phủ kháng chiến Việt Nam đã hơn một lần nhận được sự ủng hộ, đóng góp của người Việt ở Tân Đảo. Khi nhận được lời kêu gọi hồi hương từ Chính phủ Việt Nam, hơn một nửa kiều bào Tân đảo đã ngay lập tức quay trở về. Chuyến tàu đầu tiên của con tàu “Nữ hoàng phương Đông” đưa kiều bào Tân đảo về Việt Nam cập bến cảng Hải Phòng vào ngày 12/1/1961 đã được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón. Bác Hồ cũng đã tiếp đón trọng thể đoàn kiều bào Tân đảo đầu tiên hồi hương tại Phủ Chủ tịch. Từ đó đến năm 1964 đã có 11 chuyến tàu đưa hơn 6.000 Việt kiều Tân đảo trở về. Trong chuyến tàu cuối cùng năm 1964, họ còn mang theo 11 chiếc xe Peugeot 404 các màu được mua bằng số tiền mà toàn bộ Việt kiều sống ở Tân đảo đóng góp, để mang về tặng cho Chính phủ Việt Nam. Theo hồ sơ còn lưu trữ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có ghi: Lúc đó, Bộ Nội Vụ nhận xe về và giao cho Văn phòng Phủ Thủ tướng 01 chiếc xe. Xe được đồng chí Ngô Văn Hoàn, trưởng đoàn xe Văn phòng giao cho đồng chí Nguyễn Văn Nền và đồng chí Nguyễn Văn Mùi lái xe phục vụ Bác. Tại thời điểm này, hồ sơ giấy tờ về chiếc xe không có. Đến ngày 2 tháng 10 năm 1970, đồng chí Phùng Minh Vân được ủy nhiệm của cơ quan đến Cục cảnh sát nhân dân- Bộ Công An. Sau khi trao đổi đồng chí đã nhận 01 tập hồ sơ do đồng chí Ngô Thắng- thiếu úy đại diện trao lại gồm:
-01 hồ sơ xe có đề ngày xe bắt đầu chạy 5 tháng 6 năm 1964.
-01 tờ khai đăng ký xe chạy bằng động cơ loại xe du lịch 404,…, xe mới chạy trên 3000km, chủ xe là Phùng Toàn.
-01 biên bản kiểm tra xe hơi số 3393 P57GC, do anh Phan Trường cán bộ kiểm tra xe Đội giao cảnh Hà Nội và lái xe của văn phòng Phủ Thủ tướng ngày 5 tháng 6 năm 1964.
- 01 biên bản bàn giao chiếc xe và một hộp đựng đồ dùng bằng bạc, bên giao là anh Lê Tuấn Tự đại diện Bộ Nội Vụ, bên nhận là anh Ngô Văn Hoàn đại diện Văn phòng Phủ Thủ tướng đề ngày 15 tháng 6 năm 1964.
- 01 giấy phép lưu hành xe ô tô HNC 232 của Sở Công An Hà Nội cấp, ký tên trung tá Xuân Diệm, Hà Nội, ngày 19/3/1964 đến ngày 15/3/1969.
-01 giấy chứng nhận quyền sử dụng xe hơi của Sở Công An Hà Nội cấp cho Văn phòng Phủ Thủ Tướng ngày 6 tháng 6 năm 1964.
-01 quyển sách hướng dẫn sử dụng xe và phụ tùng. Sách màu hồng, hình chữ nhật, in bằng tiếng Pháp.
Hiện tại, chiếc xe Peugeot 404 mang biển số HNC 232 đang được trưng bày tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Với hành trình từ Tân Đảo về Việt Nam qua đường cảng Hải Phòng, chiếc xe được mệnh danh là chiếc xe vạn dặm. Khác với biệt danh của mình, trong thời kì phục vụ tại Phủ Chủ tịch chiếc xe chỉ chạy được 16.575km (trong đó có trên 3.000km đã chạy tại thời điểm nhận xe).
Xe có số máy: 444.6195. Động cơ 4 máy, công suất 9 mã lực. Trọng lượng xe không là 1950 kg, trọng tải 250kg (hành khách) + 100kg (hàng hóa), tổng cộng 2300kg. Trần xe bọc vải hóa học cứng có kẻ những ô vuông nhỏ, chính giữa có 01 bóng đèn, mặt đèn bọc nhựa màu trắng hình chữ nhật dài 9cm, rộng 7cm. Ghế ngồi bọc đệm da màu vàng. Xe có 4 cửa, phía sau có mặt kính, hai bên thành xe phía trong treo riđô bằng vải voan màu trắng. Ở buồng lái có một đồng hồ báo giờ hình chữ nhật, một đài bán dẫn lắp luôn vào xe, một đồng hồ đo tốc độ chạy tối đa là 170km/h và tối thiểu là 10km/h.
Hình 2- Xe Peugeot 404 được trưng bày tại Khu di tích Phủ Chủ tịch
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về chiếc Peugeot, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần được làm rõ như sau:
Mạng thông tin trực tuyến Ôtô - Xe máy của Tạp chí Autonet viết: “Khi đi công tác xa, Bác thường đi xe Pobeda vì xe cao, mã lực khoẻ và tiết kiệm xăng. Còn đi lại trong thành phố và đặc biệt những năm cuối đời, Bác thường đi chiếc Peugeot 404. Vì năm 1967, Bác bị tai biến não nhẹ, nên chân bị yếu, chiếc xe Peugeot 404 có ưu điểm gầm xe thấp, Người lên xuống xe thuận tiện hơn.” Vậy Bác sử dụng 02 chiếc xe cùng một lúc trong khoảng thời gian từ 5/6/1964 đến những năm cuối của cuộc đời Người hay từ khi nhận xe Peugeot thì Người không sử dụng xe Pobeda nữa?
Theo thông tin trong hồ sơ lưu trữ của Khu Di tích, trong hai người lái xe đi nhận xe là Nguyễn Văn Nền và Nguyễn Hữu Mùi, thì ai là người được phân công lái chiếc Peugeot 404 do kiều bào Tân Đảo gửi tặng Bác?
Nội san Thông tin tư liệu số IX, tháng 5 năm 2011 do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch xuất bản, đồng chí Trần Hữu Diệt có phải là người đã từng lái chiếc xe chống đạn phục vụ Bác Hồ không hay đó là một biệt danh khác của một trong những đồng chí lái xe phục vụ Bác .
Còn có thông tin đăng tải trên báo Điện tử Sài Gòn tiếp thị Media, ngày 15/7/2007: “Thông tin về chiếc xe, ngay cả ban quản lý bảo tàng Hồ Chí Minh trước đây cũng chỉ nắm hồ sơ chiếc xe, số đăng ký, biển số, đời xe… và biết rằng chiếc xe đó do kiều bào Tân Đảo đóng góp, còn các chi tiết cụ thể hơn thì bảo tàng chưa nắm hết được. Mãi đến năm 2005, một lần vào thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, bác Nguyễn Văn Ngân, một sĩ quan quân đội – bỗng bàng hoàng khi thấy một trong hai chiếc xe trưng bày chính là chiếc Peugeot 404 mà trước kia ông đã sát cánh cùng nó trên đường trở về quê hương trên.”. Nếu thông tin này chính xác thì cần phải bổ sung vào hồ sơ lưu trữ chiếc xe Peugeot 404 của Bác.
Chúng tôi mong được các nhà nghiên cứu, bạn đọc đóng góp ý kiến, cung cấp thêm thông tin để hiểu đúng những vấn đề nêu trên.