CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO NGOẠI GIAO NHÂN DÂN VIỆT NAM
17 Tháng 08 Năm 2011 / 6019 lượt xem
Ngoại giao nhân dân là một kênh ngoại giao quan trọng của ngoại giao Việt Nam. Hiểu đơn giản đó là những cuộc đối thoại giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Ngoại giao nhân dân có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều tổ chức xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tại Hội nghị ngoại giao ngày 14/1/1964: “Đây không phải là các đại sứ quán, tổng lãnh sứ quán, là những cơ quan chuyên môn phụ trách mà còn có các tổ chức khác như ngoại thương, văn hoá, thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng đều làm ngoại giao cả”(1).
Khái niệm về ngoại giao nhân dân lần đầu tiên được nêu ra vào năm 1951 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, nhưng hoạt động ngoại giao nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện từ rất sớm. Năm 1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ra đời, Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập các Hội hữu nghị Việt-Hoa, Việt - Mỹ, đến năm 1950 thành lập Hội hữu nghị Việt- Xô, ngoài ra còn có Ban quốc tế nhân dân, các Uỷ ban đoàn kết, Hội hữu nghị v.v.Ngày 3/10/1945, ta đã triển khai hoạt động ngoại giao nhân dân đầu tiên bằng việc huy động 30 vạn người diễu hành qua Phủ Toàn quyền Đông Dương với danh nghĩa chào mừng phái bộ Đồng Minh nhưng thực tế là một cuộc biểu dương sức mạnh của khối toàn dân tin tưởng và ủng hộ Chính quyền cách mạng khiến các lực lượng phản động phải e ngại. Mưu đồ lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh của Hà ứng Khâm thất bại, vị thế của Chính phủ VNDCCH trước Đồng Minh được nâng cao. Để có thể kiềm chế và hòa hoãn với quân Tưởng, ta dùng nhiều biện pháp trên nhiều bình diện. Chính phủ ta triển khai nhiều hoạt động tăng cường hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện đúng “Hoa- Việt thân thiện”, bảo vệ Hoa kiều, ngăn ngừa âm mưu ly gián người Việt và người Hoa.
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bọn thực dân ra sức bưng bít diễn biến chiến tranh, xuyên tạc tình hình ở Đông Dương, đưa ra các luận điệu “Việt Minh phản bội”, trì hoãn việc chuyển các thư, điện của Chính phủ Việt Nam gửi sang cho Chính phủ Pháp. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động liên hệ với nhân dân Pháp, triển khai các hoạt động để tranh thủ và vận động dư luận Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp. Bằng ngoại giao nhân dân ta mở rộng tuyên truyền ra nước ngoài để hướng dư luận nhận thức đúng hơn về cuộc chiến tranh, tạo lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân thế giớicho cuộc kháng chiến của ta. Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục gửi các thông điệp tới nhân dân Pháp tỏ rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến xung đột Việt-Pháp, kêu gọi nhân dân Pháp hãy yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Trong thư Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước đồng minh, ngày 21/12/1946, Người tố cáo dã tâm cướp nước Việt Nam của thực dân Pháp đồng thời bày tỏ thiện chí đối với nhân dân và binh lính Pháp. Từ ngày 1đến ngày 10/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục gửi ba bức thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp để tỏ rõ mong muốn hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì lợi ích chung và tình hữu ái giữa hai hai dân tộc.
Tháng 2/1948, Nhà nước ta tổ chức một đoàn cán bộ gồm 10 người ra nước ngoài để tuyên truyền về cuộc kháng chiến, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Đây là đoàn công tác ngoại giao nhân dân đầu tiên của nước ta cử ra nước ngoài. Trước khi đoàn đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các thành viên trong đoàn: “Từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí phải luôn nhớ rằng: mình là đại diện cho thanh niên yêu nước, ra nước ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam”(2).Đoàn đã tham gia thành lập các cơ quan đại diện, các phòng thông tin Việt Nam ở châu á, châu âu, tham gia các hoạt động của các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, công đoàn tại các nước, đồng thời tích cực tham gia vào các diễn đàn và hội nghị quốc tế như Hội nghị Thanh niên dân chủ thế giới tại Praha (2/1948), Hội nghị nhân dân thế giới đấu tranh cho hoà bình tại Paris (4/2949), Hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới (6/1949) tại Milan, để tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta, kêu gọi sự ủng hộ của các dân tộc và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Những hoạt động ngoại giao nhân dân đó đã góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại Paris, khắp nước Pháp nổi lên phong trào đòi hòa bình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.Những hoạt đông ngoại giao nhân dân đó đó góp phần đáng kể trong việc đưa Việt Nam ra khỏi thế bị bao vây cô lập.


Từ năm 1950, sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) được thiết lập, mối liên hệ với các tổ chức quốc tế được mở rộng. Phong trào nhân dân Pháp chống chiến tranh ngày càng phát triển mạnh. Có những tấm gương anh dũng như chị Raymondien và anh Henri Martin đã nằm trên đường ray xe lửa để ngăn cản việc vận chuyển vũ khí sang cho quân Pháp ở Đông Dương. Ngày 11/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho “Các bạn nam nữ Pháp đấu tranh cho hòa bình” để cảm ơn và khen ngợi những thanh niên đã dũng cảm đấu tranh đòi chấm dứt ngay cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lónh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao nhân dân đã phát triển vượt bậc với nhiều hình thức sáng tạo và độc đáo, kết hợp chặt chẽ ngoại giao miền Bắc và ngoại giao miền Nam. Sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, với ngọn cờ hoà bình trung lập, đoàn kết rộng rãi trong nước và quốc tế, đặc biệt với phong trào dân tộc, hòa bình và dân chủ đã thu hút được sự đồng tình của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do công lý trên thế giới, kể cả ở Mỹ. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) cử nhiều đoàn đại biểu thăm các nước anh em bè bạn, dự nhiều hội nghị quốc tế, đưa tiếng nói của nhân dân miền Nam đang chiến đấu tới các diễn đàn, các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế. Mặt trận lần lượt lập cơ quan đại diện tại Tiệp Khắc, Trung Quốc, Cu Ba, Liên Xô và Ai cập. Ngày 20/10/1963, kỷ niệm ba năm thành lập mặt trận, có 321 tổ chức quốc tế ở 42 nước tham gia. Các tổ chức quốc tế công nhận Mặt trận là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Tháng 11/1964, Hội nghị “Đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hoà bình” được tổ chức tại Hà Nội. Từ đó phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ nhất là khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam và dùng không quân đánh phá miền Bắc. Phong trào tập hợp các lực lượng rất rộng rãi từ giới công đoàn, thanh niên, phụ nữ, tri thức cho đến các tổ chức tôn giáo, từ thiện, môi trường. Phong tràp lan khắp từ các nước XHCN, các nước dân tộc độc lập tới các nước tư bản phát triển. Ngoại giao nhân dân của VNDCCH và MTDTGPMN mở rộng tiếp xúc, tham gia rộng rãi các diễn đàn quốc tế, cung cấp nhân chứng tư liệu về tội ác của Mỹ, hướng phong trào vào các hoạt động sát với yêu cầu đấu tranh ngoại giao của Việt Nam
Tại nhiều nước, các phong trào và tổ chức ủng hộ Việt Nam lần lượt ra đời: Tổ chức đoàn kết Á- Phi- Mỹ latinh , Hội nghị “Stokholm về Việt Nam” tháng 7/1967, quy tụ hàng trăm nhà khoa học có tên tuổi đại diện cho hơn 300 tổ chức tổ chức đoàn kết ủng hộ Việt Nam tại khắp các châu lục.Cũng trong năm 1967, toà án quốc tế Bertrand Russel được thành lập để xử tội ác chiến tranh của Mỹ. Điều này đã tạo thêm sức mạnh và chỗ dựa chính trị và tinh thần cho phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đồng thời cũng là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam.
Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ cũng phát triển mạnh mẽ trên quy mô rộng lớn. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh “ngưng hoạt động” tháng 10/1969, làm tê liệt nước Mỹ. Đợt đấu tranh mùa thu năm 1967 lôi cuốn 3,7 triệu người tham gia. Đầu năm 1970, khi Nixon mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, lại thổi bùng lên một đợt đấu tranh dữ dội trên quy mô toàn nước Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ tầm quan trọng của phong trào này, Người nhận định: Mặt trận số một chống đế quốc Mỹ là Việt Nam, mặt trận số hai ở ngay tại nước Mỹ
Phong trào nhân dân thế giới liên kết phong trào nhân dân mỹ chống chiến tranh, tác động mạnh tới chính sách, thái độ nhiều nước trên thế giới đối với chiến tranh Việt Nam. Nhiều nước phương tây xa dần lập trường hiếu chiến của Mỹ. Phong trào nhân dân thế giới là hậu thuẫn và là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta, Phong trào đó còn góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, là cơ sở để xây dựng quan hệ hợp tác trong hoà bình.
Có thể thấy, dưới sự lónh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao nhân dân đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến. Các đoàn thể và những người dân với tư cách là nhân chứng tội ác chiến tranh, đóng vai trò tích cực vào phong trào, tác động mạnh mẽ tới dư luận thế giới, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam và nhận ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của kẻ thù, để từ đó họ hết lòng ủng hộ ta về mọi mặt. Nhờ những hoạt động ngoại giao nhân dân mà nhân dân thế giới thấy được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đó là động lực chính thức tỉnh lương tri cả nhân loại ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.
Ngày nay xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế tạo ra những cơ hội và cả những thách thức cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển và chậm phát triển. Quan hệ quốc tế cũng thay đổi, phát triển theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, ngoại giao nhân dân mang nội dung và hình thức mới. Với phương châm chủ động hội nhập, tranh thủ mọi điều kiện, mọi đối tác để hợp tác, đa dạng hóa các quan hệ với các nước, ngoại giao nhân dân được triển khai dưới nhiều hình thức, thực hiện quan hệ với các đối tượng là các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, từ thiện.
Việt Nam tích cực tham gia nhiều hội nghị quốc tế về phát triển, môi trường, nhân quyền, dân số, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, Cộng đồng các quốc gia và lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp... Nhiều cán bộ khoa học, đoàn nghệ thuật, thể thao, nghệ nhân của Việt Nam được ra nước ngoài nghiên cứu học tập, biểu diễn, thi đấu, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo của Việt Nam. Đồng thời ta còn tham gia các cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế như cuộc thi Toán, Lý, Rô-bốt quốc tế và các cuộc thi hoa hậu thế giới. Những hoạt động đó nhằm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay Đảng và Nhà nước và nhân dân ta vẫn tiếp tục vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân để làm cho thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới.Đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân để làm tăng thêm sự hiểu biết và lòng tin của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam- một dân tộc thân thiện, có tinh thần tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chung thủy trong quan hệ quốc tế, luôn có thiện chí hòa bình hợp tác với tất cả các dân tộc trên thế giới./.
Chú thích:
1.Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị ngoại giao ngày 14/1/1964. Tài liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao Việt Nam
2.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5,tr.384
Phạm Hoàng Điệp
Phòng Tuyên truyền – Giáo dục