Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ATK kháng chiến
Nguyễn Thị Kim Liên
Phòng TTGD
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), cùng với Bắc Cạn và Tuyên Quang, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng an toàn khu (ATK). Trong đó, huyện Định Hóa được đóng vai trò là “thủ đô kháng chiến”. Vị thế của vùng ATK Định Hóa, rộng ra là của cả tỉnh Thái Nguyên đã được xác lập dựa trên những yếu tố thuận lợi về địa lý, kinh tế, về con người và truyền thống đấu tranh bất khuất của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Huyện Định Hoá là huyện miền núi ở phía tây bắc tỉnh Thái Nguyên. Về mặt quân sự, Định Hoá có địa hình lý tưởng “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là nơi mà những đội du kích, cứu quốc quân có thể dựa vào núi rừng hiểm trở để đảm bảo bí mật, che giấu lực lượng, tổ chức hoạt động huấn luyện hoặc phục kích, ngăn chặn các cuộc càn quét của kẻ địch mạnh hơn, đông hơn. Đặc biệt, Định Hoá có nguồn tài nguyên rừng, nước, lương thực, thực phẩm của nền kinh tế tự nhiên có thể tự cung, tự cấp làm hậu phương căn cứ địa... Từ núi rừng Định Hoá, có thể xuất phát tấn công địch ở các địa phương, khi thắng lợi có thể tiến về châu thổ sông Hồng, nếu khó khăn hoặc bị bao vây tấn công có thể lùi về để bảo toàn, xây dựng lực lượng.
Địa thế hiểm trở, núi rừng bạt ngàn là một trong những yếu tố đảm bảo cho huyện Định Hoá nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trở thành địa điểm xây dựng ATK Trung ương, chủ yếu thuộc địa phận bốn xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên của huyện Định Hóa. Kề sát với khu vực bốn xã này, về phía tây, vượt qua dãy núi Hồng là huyện Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và về phía bắc, vượt qua đỉnh đèo Xo là huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn). Khu vực 4 huyện: Định Hoá, Chợ Đồn, Sơn Dương, Yên Sơn có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu vật chất cho kháng chiến, đảm bảo cho lực lượng kháng chiến có thể tồn tại và phát triển. Đặc biệt đối với nước ta, trong điều kiện chưa có kinh tế hàng hoá, giao thông khó khăn, lại bị đế quốc bao vây, phong tỏa, sự tồn tại nền kinh tế tự nhiên như ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn trong chừng mực nhất định, có tác dụng tích cực đối với cuộc kháng chiến.
Không chỉ có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi mà các địa phương này còn có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Người dân nơi đây sớm có truyền thống yêu nước và cách mạng, một lòng trung kiên, quyết tâm xả thân với nước khi có giặc ngoại xâm. Định Hoá (Thái Nguyên) và Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) là những địa phương sớm có đảng viên Cộng sản đến hoạt động. Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945), đây cũng là nơi xuất hiện những khu căn cứ địa đầu tiên, tạo thế đứng cho phong trào cả nước. Như căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai ra đời cuối năm 1940 và nhanh chóng mở rộng ra các vùng xung quanh, thuộc địa phận các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang.
Vì thế, sau một thời gian dài hoạt động ở nhiều nước, cuối năm 1938, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1940 Người đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân
Chính từ tầm nhìn chiến lược trên, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phái hai cán bộ (Nông Văn Quang và Trương Văn Thiết) về Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tìm bắt liên lạc và chuyển thư của Người đến đồng chí Vũ Hưng. Nhưng vào lúc này thực dân Pháp đang ráo riết lùng bắt đồng chí Vũ Hưng, nên việc chắp nối liên lạc không thành.
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp càng lúc càng lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, cần phải củng cố ngay cái nôi của cách mạng là căn cứ địa Việt Bắc. Vì thế, Người đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, sau khi từ Pháp trở về, Người lại phái Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây đựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Cạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.
Đầu tháng 11/1946, theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đăng Ninh tổ chức Đội công tác đặc biệt lấy bí danh là Trung đội 13 (thành phần gồm đại biểu của các ngành: quân sự, công an, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ…) đi nghiên cứu kế hoạch hành quân cho các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên Việt Bắc đảm bảo tuyệt đối bí mật an toàn. Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Cạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc), huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên và ở đó cho đến ngày 11/10/1947. Thời gian đầu, các đồng chí phục vụ mới dựng được hai căn nhà để Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Vũ Kỳ, Hoàng Hữu Kháng và nữ đồng chí Thường (cấp dưỡng phục vụ Người) ở và làm việc. Còn các đồng chí khác ở tạm trong nhà đồng chí Ma Đình Tương (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Định Hóa). Từ nơi Người ở có con đường mòn đi sang huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), xuống huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), lên huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn), ra huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện.
Như vậy, từ mùa xuân năm 1947, trên vùng miền núi Việt Bắc đã hình thành ATK Trung ương, chủ yếu nằm trên địa bàn 4 huyện: Định Hoá - Thái Nguyên, Chợ Đồn - Bắc Cạn, Sơn Dương và Yên Sơn - Tuyên Quang. Nơi đây đã trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, quân đội và mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng… ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ và hào hùng. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi ở và làm việc của các tổ chức Đảng, nhà nước, quân đội và các tổ chức đoàn thể, văn phòng Trung ương Đảng, Cục Chính trị, Cục Quân khí, Cục Quân pháp, Cục Thông tin – Bộ Quốc phòng, Cục Điện ảnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông vận Trung ương, Ủy ban hữu nghị hòa bình thế giới, Cục Bưu chính thông tin, nơi sản xuất vũ khí, đạn dược để phục vụ cho cuộc kháng chiến.
Từ ATK Trung ương, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, quyết định vận mệnh của dân tộc đã được ban hành dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng như: Ngày 15/10/1947, tại Khau Tý, Điềm Mặc, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc pháp. Năm 1948, tại Nà Lọm, xã Phú Đình công bố Sắc lệnh số 110/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm đợt đầu cho các tướng lĩnh. Trong đợt phong quân hàm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng. Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 206/SL thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao. Ngày 25/7/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng giữ chức Phó Thủ tướng và bổ sung làm Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng tối cao. Ngày 25/7/1950 thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới. Mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… cũng được phát đi từ trung tâm đầu não kháng chiến ATK Định Hóa. Đặc biệt là, ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo, dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xã Phú Đình - Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi chứng kiến Lễ công nhận Quốc thư đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình và cũng là nơi tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô Hà Nội sau hơn 7 năm ở và làm việc tại ATK Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước.