slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô

14 Tháng 09 Năm 2022 / 272 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Sau chuyến đi ngoại giao thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950, tiếp sau Trung Quốc, Liên Xô, có thêm 9 nước dân chủ Đông Âu và Bắc Á đã lần lượt công nhận Nhà nước Việt Nam DCCH. Kể từ đó, hoạt động ngoại giao của nước ta với các nước anh em trở nên khăng khít hơn, sự hợp tác giúp đỡ thiết thực, hiệu quả hơn. Năm 1952, Liên Xô đã phủ quyết đề nghị của chính quyền bù nhìn Bảo Đại xin gia nhập Liên hợp quốc và khẳng định chỉ có nước Việt Nam DCCH là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam. Liên Xô cũng cử nhiều đoàn nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh vào Việt Nam tác nghiệp để tăng cường công tác tuyên truyền tới dư luận quốc tế về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

Tháng 8/1952, BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô gửi thông báo về Đại hội Đảng CS Liên Xô lần thứ XIX cho 35 Đảng ở 35 nước, trong đó có Đảng Lao động Việt Nam, và dự kiến mời đoàn đại biểu các đảng anh em mỗi đảng cử 3 đến 5 người tới dự Đại hội. Trong danh sách thành viên các đảng CS và công nhân nước ngoài đến dự với tư cách là khách mời của Đảng CS Liên Xô có tên Hồ Chí Minh - Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước Việt Nam DCCH và tiểu sử tóm tắt của Người. Trong hồ sơ của Lưu trữ lịch sử, chính trị, xã hội Nga ký hiệu: 495-201-1, 52¬541 có hồ sơ cá nhân của Hồ Chí Minh và ghi chép: Tháng 10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đại hội lần thứ XIX Đảng CS Bônsevich Nga, nhưng báo Sự thật số 282 ra ngày 8/10/1952 đưa tin chỉ có 44 đoàn đại biểu các nước anh em tới dự Đại hội lần thứ XIX mà không có tên đoàn Việt Nam. Nhưng trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời tham dự Đại hội XIX của Đảng CS Liên Xô cho nên từ cuối tháng 9/1952, Người đã sang Trung Quốc để chuẩn bị sang Liên Xô. Trong thời gian ở Bắc Kinh, Người đã gặp gỡ, trao đổi ý kiến về chiến lược tổng thể cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp với các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài. Các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đề xuất ý kiến trước hết phải giải phóng vùng Tây Bắc, tiếp đó mở rộng sang Thượng Lào nhằm hình thành vùng hậu phương chiến lược rộng lớn, từ đó phát triển xuống Trung - Hạ Lào, Campuchia và một số khu vực mà lực lượng của địch ở Nam Bộ còn mỏng... Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đồng chí Vi Quốc Thanh sang giúp Việt Nam mở chiến dịch Tây Bắc. Ngày 30/9/1952 từ Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức điện khẩn số 1671 cho Stalin với nội dung sau: 1, Hiện nay tôi đã đến Bắc Kinh. Tôi rất muốn đến Moscow tham dự Đại hội lần thứ XIX Đảng CS toàn Nga (B). Tuy nhiên, tôi suy tính rằng nếu tôi đi công khai thì thứ nhất, điều này sẽ tạo cho kẻ thù có cớ hùa vào tấn công chính trị chống Việt Nam; thứ hai, chuyến đi công khai sẽ nảy sinh nhiều điều bất tiện liên quan đến việc đón tiếp tôi. Vì những lẽ trên, tôi dự định đến Moscow ẩn danh dưới một tên khác. Nếu bản thân tôi không thể đến dự Đại hội được thì Đảng Lao động (Việt Nam) sẽ cử đại diện là Đại sứ của chúng tôi là Nguyễn Lương Bằng đang ở Moscow tham dự. 2, Nếu tôi không đến dự Đại hội được, thì tôi vẫn hy vọng đến được Moscow để thông báo và thảo luận với các đồng chí một số vấn đề của cuộc đấu tranh của Việt Nam và công việc của Đảng Lao động (Việt Nam). Đề nghị các đồng chí cho ý kiến. Xin gửi lời chào nồng nhiệt. 30/9/1952. Hồ Chí Minh. Sử dụng mật danh là Phillipop, Stalin đã gửi điện số 1653 tới Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung trả lời như sau: Gửi đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã nhận được điện của đồng chí. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí để đồng chí đến Moscow với tính chất không chính thức. Đại hội sẽ khai mạc vào ngày 5/10. Hãy thông báo ngày đồng chí lên đường. Gửi lời chào. 1/10/1952. Phillipop. Ngay sau khi nhận được bức điện này của Stalin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khẩn số 1669 trả lời: Kính gửi đồng chí Phillipop. Rất mừng khi nhận được điện của đồng chí. Tôi sẵn sàng bay đến Đại hội vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chuyến máy bay rời Moscow đến Bắc Kinh đón đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc đã trở về Liên Xô ngày 2/10. Nếu có thể, đề nghị các đồng chí điều một máy bay từ Iêchcut hay từ một địa điểm bất kỳ gần đó đến Bắc Kinh trước ngày 5/10 để tôi có thể bay đến Moscow. Xin cho biết ý kiến của các đồng chí. Xin chào. Hồ Chí Minh. Cuối bức điện mật còn có thêm dòng chữ của đồng chí Chu Ân Lai thông báo rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể đề nghị một trong số các cán bộ của Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh hộ tống Người. Nếu yêu cầu đó được chấp thuận thì phía bạn sẽ cử Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán. Khi nhận được bức điện này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3/10, Bộ Ngoại giao Liên Xô đã gửi điện số 1662 thông báo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh biết là ngày 5/10 sẽ gửi một chuyên cơ đến Bắc Kinh để ngày 6/10, Hồ Chí Minh có thể sang Moscow và trong trường hợp cần thiết, có đồng chí Salumop đi hộ tống. Sau đó theo điện mật số 1720 ngày 6/10 từ Đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh gửi các nhà lãnh đạo Liên Xô: Stalin, Môlôtôp, Malenkop, Beria, Mikoian, Khorutxop thì lúc 7h sáng ngày 6/10/1952 theo giờ Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên chiếc chuyên cơ bay đến Moscow cùng với một Ủy viên BCHTƯ Đảng CS Trung Quốc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không xuất hiện công khai tại Đại hội nên tại phiên họp thứ 10, buổi chiều ngày 9/10, sau Lời chào mừng của Đảng CS Ấn Độ, Lời chào mừng của Đảng Lao động Việt Nam gửi đến Đại hội XIX Đảng CS Liên Xô được giao cho Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Azerbaijan M.E.Bagirov đọc thay và được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh. Đại hội XIX diễn ra trong 9 ngày (từ 5/10 đến 14/10/1952). Sau Đại hội, ngày 17/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi I.V. Stalin. Nội dung bức thư cho thấy Người muốn có cuộc gặp riêng với I.V. Stalin: “Tôi vẫn đợi ý kiến của đồng chí để có thể đến gặp, ôm hôn và chuyển tới đồng chí bản báo cáo về tình hình Việt Nam”.

Người còn đề nghị: “Trong cuộc gặp, khi tôi báo cáo tốt hơn cả nếu có mặt của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ (lúc này là Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc)”. Có lẽ đề nghị này của Người xuất phát từ việc từ năm 1950, sau khi Việt Nam - Liên Xô chủ trương thiết lập quan hệ ngoại giao về mặt Nhà nước, Liên Xô đã đồng ý để Trung Quốc đại diện liên lạc với phía Việt Nam, còn Trung Quốc cử Lưu Thiếu Kỳ phụ trách liên lạc và phối kết hợp hoạt động với Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô cùng các đồng chí Nguyễn Đức Quý, Bí thư thứ nhất sứ quán và đồng chí Nguyễn Văn Thương, Bí thư thứ hai sứ quán. Người đã nhắc các đồng chí về nhiệm vụ của cán bộ ngoại giao lúc này là làm thế nào để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Ngày 30/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tiếp một lá thư tới I.V. Stalin, lược dịch nội dung như sau: Đồng chí I.V. Stalin kính mến. Tôi đã bắt đầu soạn bản dự thảo chương trình ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam, bản dự thảo này sẽ được trình đồng chí muộn một chút. Tôi xin gửi đồng chí các yêu cầu dưới đây, hy vọng nhận được chỉ thị của đồng chí về các yêu cầu đó: 1, Biệt phái một hoặc hai đồng chí Liên Xô đến Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu tình hình nơi ấy. Nếu các đồng chí đó biết tiếng Pháp thì họ có thể giao tiếp với nhiều người. Từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi chỉ cần 10 ngày đi đường. 2, Liệu chúng tôi có thể gửi 50-100 học sinh đã có trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam tới Liên Xô để học tập, trong số họ có người là đảng viên và không đảng viên, độ tuổi của họ từ 17 đến 22. Đồng chí đồng ý vấn đề này chứ?. 3, Chúng tôi muốn nhận từ các đồng chí 10 tấn thuốc ký ninh trong một năm để dùng cho quân đội và nhân dân, có nghĩa là 5 tấn trong nửa năm. 4, Chúng tôi cần những loại vũ khí sau: a, pháo phòng không 37mm cho 4 trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo; b, Pháo dã chiến 76,2mm cho hai trung đoàn, tất cả là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu; c, Súng máy phòng không 12,7mm- 200 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu. Sau khi nhận được ý kiến của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định sẽ rời khỏi Moskva vào ngày 5 hoặc 9/11. Gửi đồng chí lời chào cộng sản và lời chúc tốt đẹp nhất. Hồ Chí Minh. Ngày 30/10/1952. Ký tên bằng tiếng Nga và chữ Hán. Ngày 15/11/1952, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô V. Grigoryan chuyển đến I.V. Stalin yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đồng chí Hồ Chí Minh dự định trở về Việt Nam trong thời gian gần đây và trước khi trở về mong muốn được gặp đồng chí I.V. Stalin một vài phút. Đồng chí Hồ Chí Minh nói thêm rằng, nếu đồng chí I.V. Stalin không có thời gian cho cuộc gặp, đồng chí Hồ Chí Minh hoàn toàn hiểu và thông cảm với sự bận bịu của đồng chí I.V. Stalin, sẽ không làm tốn thời gian của đồng chí, ra về và sẽ gửi lại thư cho đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ về nước trên chuyến bay đặc biệt sau hai ngày nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không đi chuyến bay ngày 17/11 như V. Grigoryan đã báo với I.V. Stalin mà đi vào ngày 19/11/1952. Cùng hôm đó, trước khi lên chuyến bay đến Bắc Kinh để trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi bức thư ngắn thông báo tới I.V. Stalin: Hôm nay tôi về nước. Nhiệt thành cám ơn về tất cả những gì đồng chí đã làm cho tôi. Xin hứa với đồng chí sẽ thực hiện tốt chương trình nông nghiệp và tiến hành tốt cuộc chiến tranh yêu nước. Hy vọng rằng, sau hai hoặc ba năm nữa tôi có thể trở lại và báo cáo về kết quả công việc. Ngày 25/1/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo tại Hội nghị lần thứ IV BCHTƯ Đảng khoá II về ý nghĩa lịch sử của Đại hội XIX Đảng CS Liên Xô, Đại hội mà Người có tham dự bí mật, không công khai. Người nhấn mạnh: “Đại hội thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô (10¬1952) chẳng những là một thắng lợi lớn của nhân dân Liên Xô mà cũng là thắng lợi chung của cả giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc nhược tiểu toàn thế giới... Trong Đại hội thứ XIX, đồng chí Xtalin đọc một bài diễn văn lịch sử, chỉ thị cho những người cộng sản và dân chủ chúng ta phải kiên quyết nâng cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ để chiến thắng bọn đế quốc xâm lược và làm chúng ta thêm tin tưởng vào tiền đồ vẻ vang của chúng ta.”(1). Đáng tiếc là Người đã không còn dịp nào để gặp lại Stalin nữa vì Nguyên soái Stalin đã mất ngày 5/3/1953. Trong bức điện chia buồn với Đảng và Chính phủ Liên Xô ngày 6/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với nhân dân lao động toàn thế giới, đối với nhân dân Việt Nam, công đức của đồng chí Xtalin vô cùng to lớn. Đồng chí Xtalin mất là một sự thiệt thòi không bờ bến cho toàn thể loài người”. Ngày 10/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Đảng, Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí I.V. Stalin.

Chú thích:

 Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb. CTQG, 2011, tập 8, tr.24-26.S. đ. d nt, tr.81.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)