slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp

30 Tháng 09 Năm 2021 / 2225 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hằng

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Năm 1945, đất nước vừa giành được độc lập, kẻ thù đã lăm le gây hấn và phát động cuộc chiến tranh nhằm xóa sổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Mùa đông năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi kháng chiến. Hành trang mang theo giản dị, chỉ chiếc ba lô vài ba bộ quần áo, túi đựng tài liệu với cái máy chữ, đồng hồ quả quýt cùng gậy trúc và đôi dép cao su. Từ đây, với phương châm kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Người cùng Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Những hoạt động vô cùng phong phú từ khi rời Thủ đô, trải rộng khắp núi rừng Việt Bắc, kéo dài trong 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm sáng tỏ tư tưởng, đạo đức, phong cách và đời sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1.       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo xây dựng, củng cố Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, chủ động phá vỡ thế bao vây, cô lập, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến của đất nước, nhân dân ta.

Bước vào cuộc kháng chiến, trên cương vị người đứng mũi chịu sào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng, củng cố chính quyền, quân đội, tài chính, thương nghiệp, bưu điện, giao thông vận tải, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, thuế khóa... đặt cơ sở hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Nhà nước dân chủ mới. Vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian lao, thử thách của một thời kỳ đặc biệt quan trọng trong lịch sử của dân tộc, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã đứng vững, chính quyền được củng cố, lực lượng vũ trang thêm lớn mạnh, uy tín quốc tế được nâng cao, biên giới được khai thông. tạo ra những điều kiện cơ bản cho thắng lợi về sau.

Năm 1947, khi chiếm được Hải Phòng, Hà Nội và một số thành phố khác, quân Pháp sôi sục chuẩn bị những cuộc tấn công mới. Công việc kháng chiến bộn bề, khó khăn, phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ung dung chỉ đạo từ việc nhỏ như kêu gọi nhân dân tản cư ra khỏi vùng địch đến việc lớn như chuẩn bị kháng chiến toàn diện, lâu dài. Người chỉ thị cho Bộ Nội vụ những công việc cần làm ngay để ổn định lòng dân, chấm dứt tình trạng lộn xộn do Pháp mở rộng tiến công quân sự. Người nhắc Bộ Nội vụ quan tâm củng cố Ủy ban hành chính, làm tốt công tác tản cư, xây dựng hậu phương vững chắc, chú ý phòng gian bảo mật. Người viết thư gửi đồng bào tản cư, căn dặn “tản cư cũng là kháng chiến”, “tản cư cũng phải tăng gia sản xuất”, “các đồng bào mỗi người phải làm một việc, không nên một ai ăn rỗi ngồi không”, “mỗi người phải cho mình là một người chiến sĩ, mỗi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình”(2). Người nhắc trong điều kiện chiến tranh, bình dân học vụ phải tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, nội dung thiết thực, có ích cho người học. Người nhấn mạnh kinh tế là một ngành hoạt động tối quan trọng. Người gửi thư tới Hội nghị giáo dục toàn quốc yêu cầu xây dựng nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. Hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân, Người dặn ông Vũ Đình Huỳnh dàn xếp việc đoàn kết giữa đồng bào lương giáo, thực hiện đoàn kết kháng chiến. Trả lời báo Độc lập về việc mở rộng Chính phủ, Người nêu rõ: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết”(3). Tất cả những người có tài, có đức, dù là các vị quan lại cũ hay các giới đồng bào, đều được Chính phủ hoan nghênh ra gánh vác việc nước. Người phát động Thi đua ái quốc huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, nêu rõ mục đích, phương châm, khẩu hiệu, nội dung thi đua cụ thể cho từng giới. Hưởng ứng lời kêu gọi, phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng trong quần chúng.

Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chủ trì các phiên họp lưu động. Có những lần Hội đồng Chính phủ làm việc suốt đêm, vẫn chưa hết, phải kéo sang hôm sau. Có lần họp, trời mưa to, nước suối dâng cao, Người bơi qua suối trong khi phần lớn cán bộ không đến họp được. Những đêm khuya rét mướt, tan họp Hội đồng Chính phủ, Người lại trở về ngay. Nhiều lần Người phải đi họp đường xa, Thái Nguyên sang tận Tuyên Quang. Từ những phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh nhằm thực thi Hiến pháp, xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh, huy động tối đa trí tuệ, nhân tài, vật lực cho kháng chiến. Người chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; ban hành Luật Cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, tạo ra sức mạnh, khí thế mới của giai cấp nông dân - đội quân chủ lực của kháng chiến. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và các cuộc họp hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng hoạch định, hoàn thiện đường lối kháng chiến - đường lối chiến tranh nhân dân, đổi tên Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai, tăng cường hơn nữa vai trò của Đảng đối với cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện để mau đi đến thắng lợi. Tiếp đó là những hoạt động chỉ đạo của Người trong Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên - Việt, nhằm tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận thống nhất dân tộc, đồng thời tích cực xây dựng liên minh chiến đấu Việt - Miên - Lào.

Là nhà chiến sự quân sự thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp duyệt kế hoạch và tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn. Người động viên thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trước và sau trận đánh lớn, gặp gỡ, tham dự tổng kết, rút ra những kinh nghiệm, bài học; nghiêm khắc chỉ ra khuyết điểm, sai lầm cần phải tránh trong chiến đấu. Đi đôi với thắng lợi về quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Người gửi thư, điện; tiếp xúc với các nhà lãnh đạo, đại diện của nhiều nước, tổ chức quốc tế, trả lời các nhà báo nhằm giới thiệu, tuyên truyền thành tựu của công cuộc kháng chiến kiến quốc, thành tích, kinh nghiệm của phong trào thi đua yêu nước, các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua, giới thiệu đời sống của nhân dân các nước XHCN. Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc, Liên Xô, hội đàm với các nhà lãnh đạo của hai nước, dẫn tới sự kiện Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước XHCN ngay sau đó lần lượt công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời kỳ mới cho cuộc kháng chiến của ta.

Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến, trên những chặng đường gian khổ vượt bao núi cao, rừng rậm, đèo sâu, hang lạnh của núi rừng Việt Băc, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng ngời lý tưởng vì nước, vì dân, không một chút nào mệt mỏi, lơi lỏng, lùi bước, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh là con người của lý tưởng và lý tưởng thể hiện trong một con người. Lý tưởng đó là suốt đời hy sinh phấn đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người ở Việt Nam và khăp nơi trên thế giới”(4).

2.       Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng vững mạnh, công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong kháng chiến.

Vấn đề xây dựng Đảng luôn là mối quan tâm sâu săc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “là một đảng lãnh đạo, Đảng ta phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”(5). Lo lăng, dự báo nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng khi trở thành Đảng cầm quyền nên suốt hành trình kháng chiến, Người thường xuyên nhăc nhở giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên.

Tại các hội nghị Trung ương, các lớp huấn luyện, huấn thị, chỉnh quân cũng như trong các bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến công tác tư tưởng chính trị; làm rõ tôn chỉ, mục đích của Đảng, nhấn mạnh vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, chỉ rõ tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Người quan niệm, trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân, không có việc sang hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ lòe loẹt mà không làm tròn là công việc xấu(6). Người có niềm tin săt đá vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân nhưng cán bộ phải biết giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Cán bộ muốn làm được việc, muốn được dân tin, dân phục, dân yêu phải tự mình làm đúng đời sống mới, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng.

Ngày 01/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các đồng chí Băc Bộ, căn dặn đoàn thể cũng như mỗi đảng viên phải đem hết tinh thần và lực lượng nhằm vào mục đích đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước nhà thống nhất, độc lập. Người nêu những khuyết điểm phải sửa chữa ngay như: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa và nhấn mạnh phải “kiên quyết khắc phục những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi”(7). Bức thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi cho các đồng chí ở Trung Bộ sau khi sửa lại đôi chỗ câu chữ và bớt một phần nội dung.

Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm Đời sống mới, làm tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền cuộc vận động xây dựng nếp sống mới. “Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”(8). Đời sống mới không phải cái gì cao xa, khó khăn gì, chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông trong đời sống của mọi người tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Tháng 10/1947, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Trong bối cảnh quân viễn chinh Pháp đang ồ ạt tiến công lên Việt Bắc, với tham vọng của kẻ xâm lược bủa lưới cất vó toàn bộ cơ quan đầu não kháng chiến, có lúc mũi thọc sâu nhất của địch chỉ cách chỗ ở và làm việc của Người chưa đầy cây số. Thế nhưng vẫn đúng giờ quy định, ngày ngày Người bình tĩnh ngồi đánh máy trong lán làm việc giữa rừng, hoàn thành cuốn sách, theo lời Người nói là để kịp tài liệu cho cán bộ, đảng viên học. “Đầu năm 1948, cuốn sách được in lần đầu và lập tức trở thành cuốn sách gối đầu giường của cán bộ, đảng viên. Bằng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào thực chất vấn đề, nội dung cuốn sách có sức cuốn hút sự chú ý của nhiều người, từ đồng chí lãnh đạo cấp cao đến đồng chí cán bộ, đảng viên bình thường. Ai cũng cảm thấy như chính Bác đang nói chuyện với mình, đang nghiêm khắc phê bình những thiếu sót của mình, trong hành động và ngay cả trong suy nghĩ”(9). Để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp cho quân đội, Người biên soạn tài liệu Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh gồm 36 vấn đề về phẩm chất, bản lĩnh, cách thức chỉ huy của người tướng.

Bước sang giai đoạn 1951 - 1954, ngay sau khi chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp bị phá sản, đế quốc Mỹ vừa tìm cách “hà hơi tiếp sức” cho đồng minh, vừa lộ rõ mưu đồ can thiệp ngày càng trắng trợn vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Nhân dân ta vừa phải chống Pháp vừa phải chống những âm mưu, hành động quân sự can thiệp của Mỹ. Vào thời điểm này, trong một bộ phận cán bộ, nhân dân xuất hiện tư tưởng sợ Mỹ. Sớm nhận ra tác hại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng trăm bài viết đăng báo Nhân dân đánh tan tư tưởng phục Mỹ, sợ Mỹ, ảnh hưởng xấu đến tiến trình kháng chiến. Nội dung bao trùm là vạch trần bản chất tàn ác, vô nhân đạo của nền dân chủ, nền văn minh kiểu Mỹ; vạch rõ những thất bại liên tiếp về quân sự, chính trị của Mỹ trên thế giới. Bằng dẫn chứng sinh động, Người dẫn đến kết luận cuối cùng là đế quốc Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Việt Nam. Song song với vạch trần bản chất của Mỹ, Người yêu cầu “nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”(10). Ngày 03/5/1952, nói chuyện với đại biểu là chiến sĩ nông nghiệp, bộ đội dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, Người khẳng định: “So sánh với địch về vật chất và trang bị, cái gì ta cũng kém. Thế mà chúng ta dám quyết kháng chiến và nhất định thắng lợi”(11).

Bằng việc nâng cao đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “đưa chính trị vào giữa dân gian”, không thể việc gì cũng từ “trên dội xuống” như trước kia mà nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”, để chính sách, cán bộ, nhân dân sẽ nhất trí và Đảng ta sẽ phát triển mau chóng, vững vàng(12). Lời nói đi đôi với việc làm, bản thân Người cũng chính là tấm gương mẫu mực về đạo đức sáng ngời để toàn Đảng, toàn dân noi theo.

3.       Trong đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nghệ sĩ chiến sĩ lạc quan cách mạng, yêu thương, gần gũi đồng bào, đồng chí, yêu lao động, gắn bó với thiên nhiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thích nghi với điều kiện kháng chiến bằng sức làm việc bền bỉ, dẻo dai và tinh thần luôn lạc quan, tin tưởng. Tại khu chùa Một Mái (Sơn Tây), Người bảo đồng chí Vũ Kỳ, Võ Nguyên Giáp giúp tập lại xe đạp để khi cần di chuyển cho nhanh. Ở xã Yên Kiện (Phú Thọ), máy bay địch hoạt động dữ dội. Ban ngày, Người mang tài liệu ra rừng làm việc, tối mới về ngủ. Nhà cửa chật chội, mấy Bác cháu phải kê cánh cửa làm giường nằm. Yêu lao động, cải thiện đời sống, đến đâu, Người cũng nhắc tăng gia sản xuất và tự mình làm trước. Chuyển đến làng Xảo, thuộc châu Tự do, Tuyên Quang, có mảnh đất khá rộng, Người bảo kiếm hạt bí đỏ trồng, đỡ lãng phí đất vừa đẹp cảnh nhà. Sau giờ làm việc căng thẳng, Người ra vườn chăm mấy hốc bí. Nhờ đó bữa cơm của Bác cháu có thêm rau bí xanh do tay Người chăm sóc. Thăm Văn phòng Phủ Chủ tịch lúc anh em bàn tổ chức Tết Kỷ Sửu, Người chỉ tay ra rừng nứa, gợi ý dùng làm pháo. Tết đó, anh em chặt nứa, bó thành những ống ngắn, chuẩn bị lửa trại liên hoan. Là Chủ tịch nước nhưng Người luôn chủ động tự làm mọi việc. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Đoàn kể một lần qua suối trời rét, thương Bác gầy yếu vẫn xắn quần tự đi. Đến trưa trời nắng, lại gặp suối, tắm xong, Bác tự giặt quần áo, xỏ vào chiếc que gỗ phơi trên đường về nhà, “tôi quay được đoạn phim này thật tuyệt, đồng bào nhiều người xem đều rơi nước mắt vì thương Bác”(13).

Quan tâm đến cán bộ, Người viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam, gợi ý chế độ phụ cấp cho cán bộ tận tụy gặp đời sống khó khăn. Ngày 25/9/1947, Người viết thư gửi cụ Võ Liêm Sơn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ bày tỏ: “Tôi không biết may, không có vải mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1.000 đồng, nhờ Cụ mua giúp vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi tỏ chút lòng thành”(14). Giữa rừng sâu Việt Bắc, bận nhiều công việc, Người vẫn luôn dành cho các cháu thiếu nhi tình cảm yêu quý nhất, nhớ gửi thư cho thiếu niên nhi đồng cả nước mỗi dịp Tết Trung thu. Ngày 28/2/1951, tại Tuyên Quang, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 304, Người nói: “Hôm nay là cha đến thăm con, Bác tới thăm cháu, không riêng gì là Chủ tịch nước tới thăm bộ đội”. Gần Tết, nhắc nhở các ngành, các cấp chuẩn bị Tết cho bộ đội, đồng bào, riêng Người cũng chuẩn bị quà là Thơ xuân chúc mừng năm mới. Thơ không chỉ là lời chúc tụng giản dị, mộc mạc mà còn chứa đựng ý nghĩa lớn, tình cảm lớn. Yêu thiên nhiên, yêu thơ ca nên cảnh trí Việt Bắc nhiều lần tạo cảm hứng để người nghệ sĩ chiến sĩ Hồ Chí Minh sáng tác thơ hay. Rằm tháng giêng, dự xong hội nghị chốn “yên ba thâm xứ”, xuôi thuyền về căn cứ, trăng sáng cảnh đẹp, Người viết bài thơ Nguyên tiêu. Kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, Người cho tổ chức lửa trại liên hoan văn nghệ và tham gia tiết mục đọc thơ. Khi cuộc sống tươm tất hơn, Người bảo mua đàn về cho các đồng chí trẻ học đàn, học hát cho vui. Người luôn tìm được điều tích cực trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ kháng chiến và truyền tình cảm tươi vui ấy đến những người sống quanh mình.

Cuối tháng 7/1954, nói chuyện với nhà báo, đạo diễn điện ảnh Liên Xô Rôman Cácmen, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao” nhưng trong thời gian được làm việc gần Chủ tịch, Rôman Cácmen thấy không hoàn toàn như vậy. Nhiều đêm, Chủ tịch chống gậy, quần và tay áo xắn cao, đi theo ánh đuốc của đồng chí cận vệ trên con đường hẻm trong rừng. Chủ tịch đến một bản xa nào đó trong núi hoặc đi họp Hội đồng Chính phủ về muộn(15). Cứ như thế, suốt 8 năm trường kỳ kháng chiến kiến quốc, ánh sáng Bác Hồ luôn soi tỏ lòng đồng bào, đồng chí để kháng chiến đến ngày “nhất định thắng lợi”. Hồ Chí Minh luôn nhìn thấy ánh sáng cách mạng ngay trong lúc tăm tối nhất. Đó là vì Người nắm vững lý luận Mác - Lênin, vì Người hiểu và tin tưởng sức mạnh vô song của nhân dân, những con người cần lao đã đoàn kết lại hiên ngang dưới bóng cờ cách mạng. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi đã “chứng minh thiên tài lãnh đạo của Hồ Chủ tịch là linh hồn của cuộc kháng chiến, là biểu tượng sáng ngời nhất của tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta. Người đã quy tụ được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại để chĩa thẳng vào kẻ thù, khiến chúng luôn luôn bị động, bất ngờ và thất bại. Còn sức chiến đấu của nhân dân ta thì được nhân lên gấp bội, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng”.

Chú thích:

1.       Đỗ Hoàng Linh: Hồ Chí Minh Hành trình 79 mùa xuân (1890-1969), Nxb. Hồng Bàng, tr.263.

2.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 4, 1946¬1950, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.34.

3.       Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 4, 1946¬1950, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr87.

4.       Đỗ Hoàng Linh: Chủ tịch Hồ Chí Minh Hành trình kháng chiến, Nxb. Công an nhân dân, tr.207- 208.

5.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, 1951¬1954, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr163.

6.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, 1951¬1954, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.171.

7.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 4, 1946¬1950, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.43.

8.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 4, 1946¬1950, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.53.

9.       Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.58.

10.     Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, 1951-1954, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.163.

11.     Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, 1951-1954, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.161-162.

12.     Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.65.

13.     Đỗ Hoàng Linh: Hồ Chí Minh Hành trình 79 mùa xuân (1890-1969), Nxb. Hồng Bàng, tr.254- 255.

14.     Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 4, 1946-1950, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.95.

15.     Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, 1951-1954, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.393.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)