slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về tình yêu thương con người nhìn từ nơi ở và làm việc của người tại khu Phủ Chủ tịch

10 Tháng 09 Năm 2021 / 3816 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Lê Thị Bích Ngọc

Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam

 

Một trong những nét nổi bật nhất và xuyên suốt trong con người Hồ Chí Minh đó là tư tưởng, đạo đức lối sống, mà cốt lõi là tình thương yêu con người. Đây là yếu tố cơ bản nhất tạo nên giá trị văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn theo ý nghĩa đầy đủ. Đó là con người yêu thương, kính trọng, tin tưởng, biết đòi hỏi và nâng đỡ con người. Đối với từng người cũng như đối với đông đảo nhân dân lao động, quan tâm đến số phận của mọi người, dù cho đó hôm qua là kẻ thù hoặc người lầm đường lạc lối nay hối cải”(2). Tư tưởng trong suốt hành trình của cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngoài mục đích cao cả: “đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3).

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ của các dân tộc trên thế giới, kiếm sống bằng những nghề lao động rất bình thường như đầu bếp, chép tranh, cào tuyết... Vì vậy, Người hiểu được nỗi vất vả của những người dân lao động nghèo khổ và luôn dành cho họ tình yêu thương bao la. Năm 1913, với tên gọi Văn Ba, Người làm phụ bếp cho khách sạn Carlton (Luân Đôn, Anh), nơi đầu bếp nổi tiếng người Pháp Escoffier làm bếp trưởng. Bất kỳ khi nào nhìn thấy một khoanh bít tết lớn hay miếng thịt gà to còn chưa được đụng đến, Người lại chuyển chúng sang một chiếc đĩa sạch và gửi trở lại nhà bếp. Một lần, Escoffier hỏi Ba: “Tại sao anh không vứt những thức đó vào thùng rác như những người khác?, anh Ba trả lời “Những thứ này không nên vứt đi. Ông có thể mang chúng cho người nghèo”(4). Trên cương vị Chủ tịch nước, tình yêu thương bao la đối với người dân lao động càng được vun đắp, Người càng quan tâm, gần gũi không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô sau chín năm kháng chiến anh dũng và gian khổ. Với lòng kính yêu lãnh tụ, với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Người và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi Người đón tiếp khách trong nước, quốc tế, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền xưa, nhưng Người đã khước từ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Trước kia, đây là Phủ Toàn quyền, nhưng việc xây dựng nên công trình kiến trúc này là bàn tay của những người thợ Việt Nam. Bây giờ nhân dân được tự do, đất nước được độc lập, quyền làm chủ toà nhà phải thuộc về nhân dân. Người đề nghị sử dụng toà nhà làm nơi làm việc và tiếp khách của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam còn Người thì đến ở ngôi nhà nhỏ của người phục vụ Phủ Toàn quyền (sau này trở thành di tích Nhà 54 trong Khu Phủ Chủ tịch). Mùa hè, thấy ngôi nhà Bác ở nóng bức, để đảm bảo sức khoẻ cho Người, anh em xin phép lắp máy điều hoà nhiệt độ nhưng Người lại đề nghị dành máy đó cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Dù ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ mức sống không cao quá mức sống của nhân dân và Người vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho đồng bào.

Đến những tháng năm Người ở và làm việc tại ngôi nhà Sàn (1958 - 1969), tấm lòng nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được phản ánh sâu sắc ở sự quan tâm và sẻ chia đối với từng con người. Những tài liệu, hiện vật ở nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét cuộc sống, tư tưởng đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp hoà bình, hữu nghị và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.

Đó chỉ là một căn nhà nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Phía cuối phòng tầng dưới có ba chiếc máy điện thoại. Chiếc máy màu xanh Bác Hồ làm việc với Bộ Chính trị, hai máy màu đen Người làm việc với Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Mỗi lần nhận được tin quân và dân ta bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến của đế quốc Mỹ, Người đều kịp thời động viên, khen thưởng. Chiếc mũ sắt để bên cạnh được anh em bảo vệ mang theo trong những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bà con địa phương, các đơn vị bộ đội... để phòng tránh mảnh bom, mảnh đạn. Gần đó là chiếc ghế xích đu bằng mây Bác Hồ thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau những giờ làm việc. Xung quanh tầng dưới nhà là bệ xi măng bên trên lát ván gỗ được làm theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Người có đủ chỗ ngồi. Người còn nhắc anh em phục vụ nuôi thêm bể cá vàng để các cháu vui hơn. Bác luôn lo toan trước hết cho những con người ở vị trí chiến đấu gian khổ nhất, chia sẻ đau buồn, cảm thông với những người mất mát, hy sinh; khoan dung độ lượng với những người lầm lỗi, khuyết điểm, nay thành thật hối cải; thuyết phục những người do dự, phân vân; trân trọng các cháu thiếu nhi; sống chan hoà, gần gũi với những người giúp việc quanh mình. Tình thương yêu con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là lòng thương hại, cũng không phải là lòng trắc ẩn mà là sự đồng cảm sâu sắc của những người cùng cảnh ngộ, những đau khổ, hy sinh của đồng bào. Trong một lần chuẩn bị đi công tác nước ngoài, thấy chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng đã lâu, cổ áo phải thay đến hai lần, các đồng chí phục vụ rất áy náy xin may áo mới nhưng Bác không đồng ý. Người giải thích: Hoàn cảnh nước ta còn nghèo thi sang trọng với nước bạn thì thế nào cũng thua, nhưng thi tiết kiệm mới là điều đáng quý.

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà Sàn là những tháng năm đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, đồng bào miền Nam chịu nhiều mất mát, hy sinh dưới ách xâm lược Mỹ. Người luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ miền Nam với tình thương yêu sâu nặng: “Một ngày miền Nam chưa được giải phóng là ngày đó tôi ăn không ngon ngủ không yên” ; “ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi đau khổ riêng và gộp lại tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi ”. Tình thương yêu con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự chăm sóc, lo lắng đối với đồng bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ ngoài mặt trận. Người dành trọn số tiền tiết kiệm của mình mua nước giải khát cho bộ đội phòng không uống. Người chia quà cho các cháu thiếu nhi mỗi tết Trung thu, Ngày quốc tế thiếu nhi. Mỗi khi có gió mùa Đông Bắc về, Người nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, cụ già. Người quan tâm đến những ngày giáp hạt của nông dân, thấu hiểu nỗi vất và khó nhọc của những người lao động và tìm mọi cách để góp phần cho cuộc sống người dân bớt đi phần vất vả: Một đêm đông giá rét nghe thấy tiếng chổi tre quét rác, thương sự vất vả của những người lao công quét đường, Người đề nghị các cấp, các ngành phải quan tâm và có chế độ bảo hộ lao động cho những người làm công việc vất vả này. Nhân một chuyến thăm Trung Quốc, Người đã xin một loại cây mùa đông ít rụng lá về trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, với mong muốn nhân giống trồng trên các đô thị để bớt đi nỗi khó nhọc cho những người lao công quét đường. Một lần khác, khi thăm nước bạn, thấy một loại cây có quả ép dầu để ăn, nghĩ đến đồng bào ta còn thiếu thốn khó khăn Bác đã xin cây đó về trồng với điều mong muốn giản dị để cho nhân dân bớt khó khăn phần nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng của dân. Khi có điều kiện và thời gian, Người thường đi thực tế xuống các cơ sở thăm hỏi động viên nhân dân. Bác muốn hiểu tâm tư tình cảm của đồng bào, đồng chí và muốn biết cuộc sống thực tiễn của người dân. Trong những chuyến đi thăm cơ sở, Người luôn lắng nghe những kiến nghị của quần chúng và đề ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, những gợi ý thiết thực, đòi hỏi mọi người có liên quan suy ngẫm và tìm mọi cách thực hiện để cải thiện cuộc sống của nhân dân. Sự gần gũi, chu đáo, ân cần đối với từng con người xuất phát từ cái tâm chân thành, trong sáng, một tấm lòng nhân ái bao la của Người. Trước khi đi xa về với thế giới người hiền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những việc cần làm sau khi chiến tranh kết thúc. Việc đầu tiên mà Người quan tâm đó là công việc đối với con người: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (Cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần“tự lực cánh sinh”. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp quyết không họ để bị đói rét.”(5).

Vì tình thương yêu con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cuộc sống riêng của mình cho Tổ quốc, nhân dân, Người chọn cho mình một cuộc sống giản dị, thanh đạm cùng chia sẻ những khó khăn với đất nước và nhân dân. Có lần ngành văn hóa thông tin đến xin phép dựng nhà lưu niệm về Bác ở Nam Liên (Nghệ An), ở Pác Bó (Cao Bằng), nhưng Người đã từ chối. Bác nói: “Các chú thương Bác thì nên lo lấy cái ở, cái ăn, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm tốt làm gì, nếu bà con ta ở vùng này ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà trẻ cho tốt, phải xây dựng trường học, bệnh xá cho tốt. Phải chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con xã viên. Đó là cách lưu niệm tốt nhất”(6).

Tinh thần gắn bó với nhân dân, sự chăm lo thiết thực đến đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng đã làm cho sự liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ngày càng thêm mật thiết. “Người là bạn chí thân của cụ Huỳnh, là Bác Hồ của các cháu thiếu nhi. Đồng bào Nam Bộ, bộ phận giàu tình cảm nhất của dân tộc gọi Chủ tịch là Cha già, đó là lời tận trong đáy lòng kính mến thốt ra. Anh em thượng du miền Nam Trung Bộ đối với Hồ Chủ tịch cảm thấy quen lắm, gần lắm, dường như Hồ Chủ tịch ở đâu bên cạnh, đêm ngày phù hộ”(7). Vào những năm 1965, khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với Việt Nam diễn ra ác liệt, nhân dân miền Bắc “thắt lưng buộc bụng”, gom góp lương thực để gửi ra tiền tuyến, nhà nhà đều ăn độn ngô, khoai, sắn. Bác dặn các đồng chí phục vụ: dân, cán bộ phải ăn cơm độn với ngô, khoai, sắn bao nhiêu phần trăm thì cũng độn cho Bác bấy nhiêu phần trăm giống như cán bộ, như dân. Nhìn Bác ăn độn mà anh em xót quá, mới thưa với Bác là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không cần phải ăn cơm độn, nhưng Bác bảo: Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khỏe. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy, cứ thổi tiếp cho Bác ăn. Ý Bác không thể không làm. Các đồng chí phục vụ đã nghĩ ra cách tìm ngô non, xay nhỏ, nấu cho Bác ăn, vừa dễ ăn lại dễ tiêu hóa và cũng làm Bác yên lòng.

Những năm ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tấm lòng khoan dung độ lượng với cán bộ, đồng chí, anh em và những người giúp việc quanh mình. Khi ai đó có khuyết điểm sai sót, Người nhẹ nhàng, ân cần nhắc nhở, bảo ban có lý, có tình. Người thường phê bình cán bộ tật nóng nảy, cáu gắt với cấp dưới, hách dịch với nhân dân và Người cho rằng nguồn gốc của những tật xấu ấy chính là không tôn trọng con người. Đồng chí Phạm Văn Đồng, người có vinh dự sống gần Bác trong suốt những năm tháng Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch nhớ lại: “Một lỗi lầm của tôi, có ảnh hưởng đến một việc Bác dự định làm, mặc dù vậy, Bác chỉ nói với tôi vẻn vẹn một câu “chú làm hỏng việc”. Phải là một con người giàu lòng khoan dung, độ lượng mới có thể xử sự một cách nhân ái như vậy, chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi”(8). Một lần khác, đồng chí phục vụ đã nhỡ tay làm vỡ món quà mà Bác chuẩn bị tặng một người bạn quốc tế. Nhưng Bác chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “lần sau chú nên cẩn thận hơn” và sau đó Bác lấy món quà khác thay thế.

Bữa ăn hàng ngày của Bác thường có canh cua, tương cà, dưa muối, cá bống kho với lá gừng... Đó là những món ăn quen thuộc, dân giã, mang hương vị của mỗi làng quê Việt Nam mà Người ưa thích. Quý trọng công sức, tài sản và cả thời gian của nhân dân, trong mỗi bữa ăn, Người không bao giờ để thừa, tránh lãng phí. Nếu biết không thể ăn hết, Người thường san ra trước khi ăn để phần người khác dùng hoặc để lại cho bữa sau. Đặc biệt, sau các bữa ăn, Người thường tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa trên bàn để các đồng chí phục vụ khi thu dọn đỡ vất vả. Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không hề quan tâm tới bản thân. Người cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật không cách biệt với quần chúng.

Rất chú ý rèn luyện sức khoẻ được dẻo dai, hàng ngày Người giữ nếp tập thể dục hay quyền thuật buổi sáng và đi bách bộ buổi chiều đều dặn. Những năm tháng sống ở trong Khu Phủ Chủ tịch, Người thường luyện gân tay bằng cách nắm hai hòn cuội, luyện đôi chân bằng cách đi bách bộ, tập võ hay đánh bóng chuyền để nâng cao thể lực và sức khoẻ, phòng tránh bệnh tật, ốm đau. Cho đến những năm cuối đời, Người vẫn gắng đi bộ, và mỗi ngày đi thêm mấy chục mét với hy vọng vẫn có sức khoẻ để mong thực hiện khát vọng được vào thăm đồng bào miền Nam.

Người luôn giữ thói quen đọc báo chí, bản tin trước giờ làm việc hàng ngày, đánh dấu các bài cần chú ý để tiện việc theo dõi, trao đổi ý kiến và sử dụng khi cần thiết. Người đã đọc, đối chiếu, cắt dán và sưu tầm được 19 quyển báo cắt dán về tấm gương Người tốt, việc tốt. Qua những bản báo cáo, những bản tin và có theo dõi, đối chiếu, Người đã tặng gần 4000 huy hiệu cho những tấm gương người tốt, việc tốt với hy vọng nhân rộng những bông hoa đẹp đó để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Với những công việc trong ngày, trong tuần, trong tháng - từ việc họp hành, làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, phụ trách các bộ, ban, ngành, tiếp khách trong nước và quốc tế, đến việc viết báo, đọc và trả lời thư từ, đi thăm cán bộ, nhân dân các địa phương, hay xem phim, xem văn nghệ, v.v. đều được Người bố trí một cách hết sức hợp lý. Người luôn cố gắng để mỗi công việc sao cho tốn ít thời gian, ít làm phiền cơ sở, mà lại thu được kết quả cao nhất. Năm 1945, nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V, trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8h bắt đầu, bây giờ 8h10 phút rồi mà nhiều người chưa đến... Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”(1). Trong kháng chiến chống Pháp, một cán bộ cấp tướng đến làm việc với Bác muộn với lý do mưa to, lũ lớn, Bác bảo: “Chú làm tướng mà chậm 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động”. Lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu mít tinh, đồng chí thanh minh chậm 10 phút nhưng Bác nói: “Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”. Vào dịp Tết năm 1956, hàng trăm đại biểu nhân dân Thủ đô tập trung ở ủy ban hành chính để đi chúc tết Bác thì bỗng trời đổ mưa rất to. Giữa lúc mọi người đang lúng túng tìm phương tiện, một chiếc xe đỗ ngay trước cửa, Bác bước xuống, tay cầm ô đi vào lần lượt bắt tay chúc tết các đại biểu. Thì ra thấy trời mưa to, không muốn nhân dân phải vì mình mà vất vả nên Bác đã tranh thủ thời gian đến tận nơi chúc Tết trước.

Người cũng có thói quen tự mình đánh máy lấy những bài báo, bài viết, những thư từ gửi đi các nơi. Những việc cá nhân trong sinh hoạt thường ngày như chuẩn bị chăn màn đi ngủ, sắp xếp gọn gàng sau khi thức dậy Người đều tự mình làm lấy. Thương những đồng chí phục vụ vất vả, những hôm trời mưa to Người vẫn xắn quần đi đến nhà ăn. Các đồng chí phục vụ nhìn Bác xắn quần lội qua quãng đường nước đổ xuống hồ chảy xiết mà thương Bác vô cùng. Một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi sáng, trời đã đổ mưa to. Thấy cơ hội thuận tiện, đồng chí giúp việc xin phép Bác được mang cơm sang nhà sàn để Bác khỏi đi lại vất vả. Bác dừng tay làm việc, trầm ngâm nhìn trời mưa, hỏi đồng chí phục vụ: “Thế mang cơm sang cho Bác cần mấy chú?”, “Dạ, thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?”. Lời Bác nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Đồng chí giúp việc không dám nói gì thêm. Hết giờ làm việc, mưa vẫn tầm tã, Bác sắp xếp tài liệu gọn gàng rồi xắn cao quần, tay cầm ô, tay chống gậy, lần từng bước qua con đường vòng ao cá nước chảy xiết sang nhà ăn dùng bữa trưa như thường lệ.

Dù là lãnh tụ tối cao nhưng khi tiếp xúc với nhân dân, cử chỉ, lời nói của Người vẫn hết sức mộc mạc, dân dã. Ngay cả khi đứng trên lễ đài đọc Bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Người cũng dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hiếm có vị lãnh tụ nào lại có nếp nghĩ, cách nói giản dị như thế!

Không chỉ nói, Bác còn hành động cụ thể. Bác đến với các chiến sỹ trên mặt trận, cùng hành quân; Bác đi thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; Bác trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; Bác đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; Bác viết thư thăm hỏi người già, trẻ em. Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo. Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: - Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết. Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm. Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng: - Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu! Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu rồi Bác bảo: - Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo, nếu không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo.

Có thể thấy tấm lòng yêu thương con người là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó được thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của Người. Vì thế mà trước lúc đi xa Bác “không có điều gì phải hối hận” chỉ tiếc duy nhất một điều - một điều cao cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(9) cho dân, cho nước.

Rõ ràng là không một bài giảng về đạo đức nào có tác dụng giáo dục sâu sắc bằng tận mắt chứng kiến cuộc sống đời thường của Người tại Khu Phủ Chủ tịch. Mỗi hiện vật đơn sơ ở đây đều ẩn chứa trong mình những câu chuyện kể với những giá trị tinh thần, những triết lý nhân văn, những bài học rất thiết thực để hướng tới chân - thiện - mỹ. Học tập và làm theo tấm gương về tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với truyền thống dân tộc tương thân tương ái, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong Đại dịch Covid-19 hơn 1 năm qua với những diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta, Chính phủ giải quyết những vấn đề khẩn cấp đang đặt ra trong thực tiễn phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, theo tinh thần không một ai bị bỏ lại phía sau, tính mạng của mỗi người dân là đáng quý nhất, là trên hết, trước hết. Chính phủ cùng với nhân dân một ý chí, đồng lòng cùng nhau qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cũng như tình yêu thương con người, cả nước đã có nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện tự bỏ tiền túi, vận động các cá nhân dành những suất cơm, lương thực, thực phẩm miễn phí trao tặng cho người nghèo trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cây “ATM gạo” dành cho người nghèo; hay hình ảnh người phụ nữ ở Nghệ An đứng trên đường phát tiền cho người lao động đi xe máy từ các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch. Chính tình yêu thương con người cùng với sự đoàn kết, đồng lòng tạo nên sức mạnh để cùng nhau quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Chú thích:

1.       Melba Harnandez (Cu Ba), Lời tựa cuốn sách: Chúng bắt đầu bằng sự chém giết của M.A.D. Estifano vàJose M.Galego, Bản dịch Nxb. TTLL, Hà Nội, 1990.

2.       Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1990.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.187.

4.       Kỷ niệm về Bác, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2005.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 401.

6.       Hà Huy Giáp: Suy nghĩ về đạo lý làm người của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.40.

7.       Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974.

8.       Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.67.

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.670.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)