CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH THĂM VÙNG TÂY BẮC TRUNG QUỐC
07 Tháng 06 Năm 2013 / 2641 lượt xem
Đặng Quang Huy
Phòng ST-KK-TL
Ngày 1/8/1959, sau đợt đi tham quan, nghỉ hè ở Liên Xô, trên đường về nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại Trung Quốc, dành hơn 10 ngày đi thăm 3 tỉnh Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây của Trung Quốc.
Vào lúc 10 giờ 15 phút, sáng ngày 1/8, chiếc chuyên cơ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ cánh xuống sân bay Urumsi, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền, quân đội cùng đại biểu các dân tộc Khu tự trị Uây Uô ra sân bay nồng nhiệt đón chào Hồ Chủ tịch.
3 giờ chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng sản xuất máy kéo mang tên tháng Mười, Viện Nông học Bát Nhất và Cục địa chất. Buổi tối Người xem Đoàn ca múa nhạc các dân tộc biểu diễn.
Sáng ngày 2/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp chuyến xe đặc biệt rời Urumsi đi thăm Khu khai hoang Thạch Hà Tử. Giữa đường, Người nghỉ lại Công xã Nhân dân Dược Tiến tại huyện Hutupi. Vừa xuống xe Người đã đi thăm nhà trẻ thuộc Đại đội Hồng Quang. Các cháu bé hồn nhiên, sôi nổi múa hát chào mừng Bác Hồ, Người đã chia kẹo cho các cháu. Các cháu nhỏ đã cảm ơn Người bằng tiếng dân tộc “Gia ha ma ti! Bác Hồ!”
Ở rừng cây du của Đại đội Hồng Quang, các cán bộ và xã viên đón Hồ Chủ tịch và mời Người thưởng thức những quả dưa của hợp tác xã trồng. Hồ Chủ tịch rất thân mật mời cán bộ xã viên hút thuốc và tự tay châm lửa cho mọi người, rồi thăm hỏi tình hình sản xuất của hợp tác xã và đời sống của xã viên. Ở thành phố mới xây dựng Thạch Hà Tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các đồng chí phụ trách Ban Quản lý binh đoàn xây dựng Thạch Hà Tử và các cán bộ Sư đoàn Nông nghiệp số 6, số 7, số 8.
2 giờ chiều, Hồ Chủ tịch tới nông trường thuộc Trung đoàn 23, Sư đoàn nông nghiệp số 8 thăm ruộng thí nghiệm, vườn dưa Tân Cương, rừng cây và ruộng trồng bông.
Dưới bóng râm của rừng cây bát ngát và dầy đặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí tháp tùng ngồi bệt xuống đất. Hồ Chủ tịch cười nói rất tự nhiên, Người khen ngợi công tác trồng rừng làm rất tốt. Một đồng chí cán bộ phụ trách binh đoàn nói với mọi người: “Hồ Chủ tịch đã khen ngợi dải rừng của chúng ta và đây là lần thứ 10 Hồ Chủ tịch khen ngợi công tác trồng rừng của chúng ta”. Một đồng chí phụ trách Sư đoàn nông nghiệp số 8 báo cáo với Người: “Ở bên đường quốc lộ kia chưa có rừng cây. Đó là một thiếu sót do thiếu kinh nghiệm ngay từ lúc quy hoạch”. Hồ Chủ tịch nói: “Chúng ta còn có thể sửa chữa. Chúng ta sẽ trồng thêm cây ở bên đường quốc lộ ấy!”
Trong vườn cây ăn quả và dưa, những cây đào chi chít quả, một số đã có màu hồng, sắp chín. Hồ Chủ tịch lại cùng mọi người ngồi xuống vườn đào râm mát. Đúng là lúc “tức cảnh sinh tình”, Hồ Chủ tịch đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện “Yến vườn đào kết nghĩa anh em” trong Tam quốc diễn nghĩa. Một số đồng chí cùng đi cũng vui miệng kể lại câu chuyện “Hội phàn đào” (quả đào tiên) trong truyền thuyết về thắng cảnh Thiên Trì và Vương Mẫu nương nương. Cả vườn đào vui vẻ, vang lên tiếng cười sảng khoái.
Sáng ngày 3/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên xe đi đến Bạch Dương Câu dưới chân núi Thiên Sơn thăm Đội chăn nuôi gia súc thuộc Công xã Nhân dân Đông Phong. Đúng lúc đó trời mưa lất phất. Trong lều vải của Nunkhaxư, đội phó đội sản xuất, Hồ Chủ tịch được chủ nhân mời uống sữa ngựa tươi pha nho ép. Hồ Chủ tịch ngồi xếp bằng hai chân, thân mật trò chuyện với các xã viên. Ra khỏi lều vải, tuy trời còn mưa nhỏ, Hồ Chủ tịch vẫn gặp gỡ quần chúng xã viên của đội sản xuất. Một cô gái trẻ đã cất tiếng hát bày tỏ tấm lòng cảm kích của mình được đón Hồ Chủ tịch tới thăm. Trước lúc chia tay, Hồ Chủ tịch tặng những xã viên chăn nuôi một ít trà, đường và nho khô.
12 giờ 30 phút trưa ngày 4/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Urumsi đáp chuyên cơ đi Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc. Tại phòng nghỉ của sân bay, Hồ Chủ tịch tươi cười hỏi mấy đồng chí Trung Quốc cùng đi: “Tại sao nơi này gọilà Tửu Tuyền? Phải chăng là sản xuất nhiều rượu?” Một đồng chí trả lời Người: “Nghe nói có một vị đại tướng đời nhà Hán tên là Hoắc Khứ Bệnh do có công trong chinh chiến nên Hán Vũ Đế đã ban rượu thưởng công. Hoắc Khứ Bệnh đã rót chai rượu xuống suối để tất cả quan quân đều thưởng thức nước suối có vị rượu, vì vậy có tên gọi Tửu Tuyền (suối rượu). Hồ Chủ tịch chăm chú nghe một cách say sưa, tiếp đó Người hỏi tình hình mọi mặt của Tửu Tuyền.
Đến công viên Tửu Tuyền, Hồ Chủ tịch chỉ vào những chùm nho xen lẫn với hoa và hỏi: “Nơi này trồng nhiều nho phải không?” Một đồng chí Trung Quốc cùng đi đã trả lời Người: “Nho ở đây không nhiều bằng Tân Cương nhưng có một thứ nổi tiếng để uống rượu nho, đó là chén dạ quang. Hồ Chủ tịch “ồ” lên một tiếng, Người bỗng nhớ lại bài thơ “Lương châu khúc” của Vương Hàn, một nhà thơ đời Đường, rồi Người ngâm:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Dịch thơ là:
Rượu nho ngon cùng chén dạ quang,
Muốn uống nhưng tiếng đàn tì bà giục dã lên ngựa.
Nếu ta say có ngã nơi chiến địa thì xin anh chớ cười,
Xưa nay các cuộc chinh chiến được mấy người trở về.
Hồ Chủ tịch lại hỏi ở Tửu Tuyền có tì bà không, chén dạ quang (dạ quang bôi) của Tửu Tuyền có đặc điểm gì? Lúc rời Tửu Tuyền, ngồi trên xe lửa Hồ Chủ tịch đã dùng chén dạ quang thưởng thức một ly rượu nho.
Đoàn xe lửa chạy dọc hành lang phía Tây sông Hoàng Hà đi về hướng thành phố Lan Châu. Ngồi trong toa, thỉnh thoảng Người lại nhìn qua cửa sổ ngắm phong cảnh tráng lệ của những cánh đồng phì nhiêu trải dài ngìn dặm. Sáng ngày 5.8, Người hỏi một cán bộ cùng đi:“Chúng ta đã vượt qua HoàngHà chưa?” Một đồng chí thưa: “Chúng ta đã vượt qua Hoàng Hà”. Hồ Chủ tịch lại ứng khẩu ngâm câu thơ trong bài “Tương tiến tửu” của nhà thơ Lý Bạch đời nhà Đường:
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi…
Có nghĩa là:
Chàng không thấy nước sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống
Tuôn chảy về biển không trở về…
10 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Lan Châu.
Buổi chiều, Hồ Chủ tịch thăm thành phố, thăm nhà máy lọc dầu Lan Châu, nhà máy hoá chất Lan Châu. Tại nhà máy lọc dầu, Hồ Chủ tịch hăng hái leo lên tháp dung môi cao tới 73 mét để nhìn toàn cảnh khu công nghiệp Tây Cố của Lan Châu. Sau đó, Người đi dạo và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt mỹ của công viên Ngọc Tuyền. Tại công viên này, Người đã vui liên hoan với các cháu học sinh trường nữ trung học Lan Châu và các cháu học sinh trường con em cán bộ, Người đã chụp ảnh với các cháu.
Sáng ngày 6/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phân viện Khoa học Lan Châu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Cán bộ nhân viên phân viện đã nồng nhiệt đón Hồ Chủ tịch và tặng Hồ Chủ tịch bản báo cáo khoa học về khảo sát lớp băng ở dãy Kỳ Liên Sơn và một số tặng phẩm. Tiếp đó, Hồ Chủ tịch đã đến thăm công xã nhân dân Nhạn Than ở ngoại thành Lan Châu. Người rất vui được tham quan vườn quả của công xã và những ruộng rau trên đất cát là một nét độc đáo của vùng này, thưởng thức những quả dưa tươi mát của địa phương. Cùng lúc đó một đoàn thanh niên, học sinh các dân tộc đang tham quan Nhạn Than đã đánh tì bà và tam huyền cầm, nhảy các điệu múa dân tộc, tưng bừng chào đón Hồ Chủ tịch. Người vui vẻ chia kẹo cho các cháu học sinh và các cháu đội viên thiếu niên tiền phong đã quàng khăn đỏ cho Người.
Sáng ngày 7/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Lan Châu đi Tây An. Đến Tây An, Người thăm lầu chuông Tây An và bảo tàng tỉnh Thiểm Tây. Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Tây Bắc sản xuất dụng cụ quang học và bảo tàng Bán Pha. Kết thúc buổi tham quan, Người nói một cách dí dỏm: “Thế là Bác đã được xem từ ngày nay đến 5000 năm trước!”
Buổi chiều, Hồ Chủ tịch đến thăm tháp Đại Nhạn ở Tây An. Người leo lên đỉnh tháp, vừa leo vừa ngâm câu thơ cổ của Trung Quốc: “Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tầng lâu!” (Muốn phóng tầm mắt xa nghìn dặm, Phải lên một tầng nữa!). Người vui vẻ nói: “Thế là hôm nay, Hồ Chí Minh đã lên được tháp Đại Nhạn đời nhà Đường!”
6 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến một nơi phong cảnh tuyệt vời: Công viên Trượng Bát Câu, cùng dự buổi liên hoan với học sinh trường Tiểu học thực nghiệm Tây An, đoàn ca múa nhân dân Tây An và Học viện hý kịch Thiểm Tây. Sau mỗi tiết mục, Người lại đứng lên chia kẹo cho các diễn viên.
Sáng ngày 8/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy nhân dân làm đồ sắt tráng men ở Tây An. Công nhân nhà máy đã tặng Người đĩa sắt tráng men rất tinh xảo có in bài thơ “Tấm viên xuân” của Mao Chủ tịch và hộp sắt tráng men có in chân dung Hồ Chủ tịch đi dạo Lâm Đồng Hoa Thanh Trì và lên mộ Tần Thuỷ Hoàng có độ cao khoảng 170 mét.
Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chùa Hộ Khẩu Hưng và đền thờ Đỗ Công ở huyện Tường An. Buổi tối, Người xem biểu diễn của đoàn ca múa Tây An.
Chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vùng Tây Bắc mênh mông của Trung Quốc đã thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Trung - Việt nói chung và để lại cho nhân dân vùng Tây Bắc nói riêng những kỷ niệm và tình cảm thật tốt đẹp.