slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK về Hà Nội năm 1945

13 Tháng 08 Năm 2020 / 2281 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tháng 2/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đi Côn Minh (Trung Quốc) thì đồng chí Phùng Thế Tài được phân công làm phụ tá, giúp việc kiêm bảo vệ Người. Đến cuối tháng 4/1945, khi Hồ Chí Minh quay về nước thì đồng chí Hoàng Sâm được giao phụ trách tổ bảo vệ an toàn cho Người. Tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh bắt đầu từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chuẩn bị chỉ đạo khởi nghĩa toàn quốc thì Trung ương giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách công tác phục vụ và bảo vệ Người. Đúng 8 giờ sáng ngày 04/5/1945 tại Khuổi Nậm, Người tập hợp tiểu đội du kích và hai sỹ quan Đồng minh Mỹ sang giúp ta về kỹ thuật vô tuyến điện, nói rõ ý nghĩa quan trọng của chuyến đi rồi trực tiếp phân công từng người, dặn dò cách giữ bí mật và cố gắng tránh đụng độ với địch để bảo toàn lực lượng. Người quy ước hiệu lệnh trên đường đi: “Nghe ba tiếng còi ngắn là có địch, tất cả phân tán nằm xuống; hai tiếng còi dài là báo yên, tập hợp lại”. Người cũng dịch lại bằng tiếng Anh cho hai người Mỹ hiểu. Khoảng 9 giờ đoàn lên đường. Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng, tay chống gậy song, đội nón chóp quai thao, khăn che gần kín mặt và đeo chiếc túi dệt nhỏ có hai nút buộc dây.

Từ ngày 6 đến 08/5, Hồ Chí Minh làm việc ở Lam Sơn, Người họp với các cán bộ Trung ương như Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp cùng các cán bộ của Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng để bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Công tác bảo vệ, an ninh ở đây cũng khá tốt, ngoài việc bảo vệ địa điểm họp còn có cơ sở bí mật canh phòng từ xa và nắm bắt tình hình. Sáng 9/5, Người rời Lam Sơn, tiểu đội cận vệ đặc biệt do đồng chí Đặng Văn Cáp phụ trách đi theo bảo vệ Người. Ngày 10/5, Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ tới Ngân Sơn. Người yêu cầu đồng chí Đặng Văn Cáp quay lại Lam Sơn dựng một nhà chứa súng, tiếp tục công việc chế tạo và sửa chữa vũ khí để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Các đồng chí Gia Quốc Toàn và Đồng Quang Tuân được giao nhiệm vụ tiếp tục đưa đoàn đi. Ngày 16/5, đoàn đi qua khỏi Chợ Đồn thì nghe có tiếng súng của Nhật ở châu lỵ nên rẽ vào rừng Khuổi Luông để nghe ngóng. Sau đó, Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ đi vòng đường rừng ra khe Nậm Cảng. Ngày 17/5, buổi chiều Người về tới Nà Kiến, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn thì gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đón. Ngày 20/5, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đến địa phận tỉnh Tuyên Quang và nghỉ ăn trưa tại Pá Hóp, sau đó đi qua bản Pài, bản Pình rồi nghỉ tối ở bản Coóc. Các đồng chí được phân công đi đón và hộ tống đoàn đã đến đèo So để chờ nhưng biết tin Người đi đường khác đã phải cấp tốc quay về Tân Trào chờ đón Người tại đình Hồng Thái. Ngày 21/5, Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đi qua làng Chạp, làng Nha, làng Đồn rồi vượt qua đèo Chắn đến Hồng Thái, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Người nghỉ chân ở đình Hồng Thái, sau đó vượt qua sông Đáy đi Tân Trào vào buổi trưa. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Người đến nhà ông Nguyễn Tiến Sự thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Được mấy ngày, Người đề nghị chuyển cơ quan lên rừng để giữ bí mật. Anh em bảo vệ lên rừng tìm địa điểm trước. Ngày 25/5, Hồ Chí Minh mang theo la bàn và tổ vô tuyến điện đến lưng chừng đồi Nà Lừa, Người chọn nơi dựng chiếc lán nhỏ làm theo kiểu nửa nhà sàn. Dưới chân đồi là con đường mòn đi chợ Chu bên con suối quanh co uốn khúc. Chiếc lán nhỏ chia làm hai gian: một bên là buồng nằm của Người còn bên kia bày chiếc bàn nứa vừa để làm việc và tiếp khách. Hồ Chí Minh làm việc suốt ngày: đọc sách, soạn tài liệu, viết báo, dạy chính trị... ngoài ra Người còn hướng dẫn anh em tỷ mỷ về cuộc sống tập thể như cách sắp xếp đồ đạc, giữ gìn súng đạn, làm mẫu các động tác tập thể dục và cả cách vá quần áo và chọn rau rừng ngon. Toàn bộ công tác phục vụ, bảo vệ Người và các đồng chí Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Cao (Nguyễn Văn Lý) phụ trách. Ngày 04/6/1945, Tân Trào được chọn làm thủ đô của khu giải phóng. Lực lượng bảo vệ ATK (an toàn khu) do đồng chí Đàm Minh Viễn phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ ATK và trọng tâm là bảo vệ nơi ở, làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương khác. Đồng chí Viễn đã chọn các đồng chí: Ngọc Hà, Trần Đình, Vũ Lâm, Nam Long bổ sung vào tổ tiếp cận bảo vệ Hồ Chí Minh. Sau khi xảy ra sự kiện một toán thổ phỉ thân Nhật đã mò vào Tân Trào dò la phá hoại căn cứ của ta, Hồ Chí Minh nhận định có thể Tân Trào đã bị lộ nên đã nhắc anh em bảo vệ, phục vụ gói ghém tài liệu, chuẩn bị vũ khí, xóa mọi dấu vết, gấp rút hành quân đến Lũng Cò trú tạm. Khoảng 10 ngày sau, khi tình hình yên ắng, Người mới cùng anh em quay về Nà Lừa nhưng trên đường về Người bị ngã bệnh, anh em bảo vệ phải làm cáng dể đưa Người đi.

Sức khoẻ của Người vốn đã bị giảm sút từ lúc bị giam trong các nhà tù ở Quảng Tây, nay do điều kiện làm việc gian khổ, thiếu thốn, căng thẳng, ăn uống đạm bạc với măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh và nên Người sốt cao, tuy đã uống thuốc ký ninh và thuốc cảm nhưng vẫn lúc tỉnh, lúc mê sảng. Lúc này, trong Trung ương chỉ có đồng chí Võ Nguyên Giáp đang làm việc tại làng Tân Lập gần đó nên hàng ngày vẫn lên lán báo cáo tình hình và thăm hỏi sức khoẻ nhưng Người chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng một hôm thấy Người sốt cao quá, đồng chí xin ở lại chăm sóc Người. Khi tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(1). Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hoả tốc báo cho Trung ương biết tình hình sức khoẻ của Người và đi tìm thầy thuốc chữa bệnh cho Người. Nhờ đồng bào chỉ dẫn, đồng chí mời được một cụ lang người Tày tên là Ma Văn Đàm đến bắt mạch cho Người. Sau khi uống vài lần thuốc Nam hoà với cháo loãng, cơn sốt lui dần. Buổi tối ngày 12/8/1945, dù đang mệt nhưng Người vẫn nghe tin tức thế giới qua chiếc radio cũ chạy bằng pin và biết tin Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và Đồng minh đề nghị đàm phán và chấp nhận ngừng bắn. Lúc 23h, Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ thị viết thư hoả tốc truyền đi các địa phương mệnh lệnh khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, hơn 60 đại biểu toàn quốc, các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo và kiều bào ta ở Thái Lan và Lào đã về tham dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào. Mặc dù vẫn còn yếu mệt nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn đến dự và góp ý kiến cho hội nghị. Lúc này, công tác bảo vệ sự kiện đặc biệt tổ chức lần đầu tiên này được giao cho các đơn vị vũ trang đảm nhiệm, chia thành hai vòng ngoài và trong cùng các đội bảo vệ tiếp cận yếu nhân. Các trạm an ninh được thiết lập trên trên các tuyến đường vào Tân Trào và quanh lán Nà Lừa. Mọi cửa ngõ vào ATK, nơi tập trung đông dân như thị trấn, huyện lị đều có lực lượng trinh sát và cơ sở bí mật xen kẽ, ngụy trang thành những người làm các nghề phổ thông để phát hiện địch từ xa. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Việt Minh và bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức là Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Buổi chiều hôm đó, Người lại tiếp tục sốt nên không thể đến dự lễ xuất phát của Quân giải phóng tiến về xuôi.

Ngày 19/8/1945, cách mạng thành công ở Hà Nội. Ngày 20/8/1945, để chuẩn bị cho việc rời về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với các đồng chí phân công một số đồng chí ở lại, Người nói: “Các cô, các chú người nào cũng muốn về Hà Nội vì đã bao nhiêu năm nay, thời cơ cách mạng cướp chính quyền đến, ai cũng muốn đi lắm chứ. Nhưng đợt này Bác về mà các cô, các chú không được về là vì các cô, các chú nên nhớ rằng cách mạng phải có đường tiến. đường lui. Đừng tưởng rằng kỳ này chúng ta về là sẽ không quay trở lại rừng núi, trở lại căn cứ nữa đâu..”(2). Sáng ngày 22/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu lên đường về Thái Nguyên. Người đi theo đường đèo Khế, Cù Vân. Vì chưa khỏi hẳn ốm, vẫn còn mệt nên có lúc phải nằm cáng. Tuyến đường này có nhiều núi đất và rừng già nên việc bảo vệ Người từ người dẫn đường, phương tiện di chuyển, địa điểm dừng nghỉ, nơi qua sông đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi này chính là 4 đồng chí tiếp cận đã được chọn và liên lạc dẫn đường là đồng chí Đàm Trung Y. Tới một xã ở cách Đại Từ chừng 3 km thì cả đoàn nghỉ lại nấu cơm ăn. Người dặn anh em trong đoàn phải thanh toán tiền ăn đầy đủ cho nhân dân. Khoảng 20h Người tới Đại Từ và 21h đồng chí Trần Đăng Ninh đưa ô tô lên đón Người đi Thái Nguyên.

Buổi sáng ngày 23/8/1945, Hồ Chí Minh rời Thái Nguyên về Hà Nội, đi qua Đa Phúc tỉnh Phúc Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Người vẫn yếu mệt, tóc đốm bạc, mặc quần áo nâu, có chiếc túi vải chàm đặt trên lòng. Đồng chí Thái Bảo, chủ tịch huyện (lúc đó lấy bí danh là Thuận) và hai đồng chí bảo vệ đi cùng xe với Người qua địa phận Đa Phúc, sau đó đồng chí Trần Độ đón Người qua sông Hồng ở bến đò thôn Phú Xá. Công tác bảo vệ, làm sạch toàn tuyến đường đều được các trinh sát nội thành và lực lượng phối thuộc chuẩn bị chu toàn. Trong lúc tạm nghỉ ở ngôi đình của thôn, Người tranh thủ nghe đồng chí phụ trách công tác đội Trung ương từ nội thành ra báo cáo. Buổi tối, để đảm bảo an toàn cho Người, đồng chí Hoàng Tùng, phụ trách an toàn khu phía nam sông Hồng (lúc đó lấy bí danh là Khánh), đã đưa Người cùng đoàn công tác đến nghỉ tại nhà ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) ở thôn Phú Gia (còn gọi là làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Lúc này ngoài dội bảo vệ tiếp cận, còn có du kích xã Phú Thượng, điệp báo Hà Nội hóa trang bảo vệ vòng ngoài và lực lượng trinh sát nội thành tuần tra canh gác cả ngày đêm. Trung ương giao đồng chí Hoàng Tùng chỉ đạo công tác giúp việc và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng (lúc đó bí danh là anh Cả). Ngày 25/8/1945, tại làng Gạ, lãnh tụ Hồ Chí Minh nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Trường Chinh ra báo cáo tình hình. Buổi chiều, ô tô đón Người vào Hà Nội theo đường Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường và dừng ở số nhà 35 Hàng Cân. Theo chủ trương của Trung ương, lực lượng điệp báo nội thành đã bố trí tuyến đường đi này để toàn tuyến đều có lực lượng bí mật giám sát. Hồ Chí Minh cùng hai đồng chí bảo vệ, liên lạc theo thang gác lên tầng hai nhà 48 Hàng Ngang. Ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ là chủ nhân ngôi nhà đều là cơ sở của Việt Minh nội thành và là nơi quen biết của anh Cả. Ngôi nhà này sau khi được chọn đã được bí mật bảo vệ bởi lực lượng trinh sát của Sở liêm phóng Bắc Bộ do đồng chí Giám đốc Chu Đình Xương phụ trách. Toàn bộ tầng 2 ngôi nhà được gọi là “cơ quan thượng cấp”. Thời gian chờ đón Người về đây, các đồng chí vẫn gọi bí danh thượng cấp là “Mẹ” trong khi nói chuyện, ví dụ như: “Hôm nào thì Mẹ về đến đây, anh Cả?”. Nhưng lúc chính thức chuẩn bị đón Người về thì các đồng chí lại gọi luôn Mẹ là “Ông Cụ”. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận và thông qua chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, về danh sách thành viên Chính phủ lâm thời, việc chuẩn bị Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mittinh để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho buổi lễ tổ chức tại quảng trường Ba Đình, công tác an ninh, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo đã nhanh chóng được triển khai với các lực lượng phối hợp. Sở liêm phóng Bắc Bộ tung trinh sát theo dõi hoạt động của các tổ chức phản động và nắm tình hình trên các tuyến đường dẫn đến Ba Đình; lực lượng tự vệ thành Hoàng Diệu được điều đến giám sát các trụ sở Quốc dân đảng có người nước ngoài hay lui tới; đồng chí Chu Đình Xương được giao trọng trách trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đứng trên lễ đài trong buổi mittinh; đội quân danh dự của Quân Giải phóng trên quảng trường sẽ đảm bảo không ai trong số khán thính giả có thể tới gần khán đài trong phạm vi 20 mét, những công nhân và sinh viên có vũ trang cũng được xếp đặt tại mọi góc của mấy khu vườn, và một đơn vị tự vệ cảnh giác trước bất kì sự quấy rối nào từ hướng thành Hà Nội, nơi quân Pháp vẫn còn bị Nhật giam giữ. Trước cuộc mít-tinh, lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền đã để mấy khẩu súng máy chĩa về quảng trường, làm bộ phận an ninh phải xếp một bức tường chắn là khối dân quân, tự vệ với chỉ thị thà chết không rút lui.

Ngày Chủ nhật, 02/9/1945, đúng 14h, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng công bố sự khai sinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước sự chứng kiến của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô và các phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế. Bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình hôm đó đã trở thành ngọn cờ chiến đấu chung cho chính nghĩa, văn minh, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho toàn thể nhân loại.

Sau ngày độc lập, các tổ chức phản động tăng cường hoạt động ráo riết, táo tợn gây ra những vụ ám sát, bắt cóc cán bộ lãnh đạo của Việt Minh nên thời gian làm vịêc tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên thay đổi chỗ, lúc ở Bắc Bộ Phủ, lúc ở số 8 Vua Lê, khi ở một cơ sở cách mạng hay ra ngoại thành để tránh sự theo dõi của địch. Ngày 21/12/1946, Nha công an Việt Nam được thành lập (đồng chí Trần Đăng Ninh đựơc giao công tác phụ trách Công an) nhưng thiếu cán bộ nên phải bổ sung một số thanh niên cứu quốc vào lực lượng bảo vệ chính trị an ninh. Công tác bảo vệ lãnh tụ do Trung ương trực tiếp chỉ đạo, trong đó một bộ phận chuyên trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương giao trách nhiệm bảo vệ và trong nom việc ăn ở của Người, đồng chí đã tự học lái xe nhiều lần đưa Người về nghỉ ở những địa điểm bí mật. Các đồng chí bảo vệ trực tiếp thì ban ngày ngồi bên cạnh phòng Người làm việc, tối ngủ ở phòng liền ngay lối vào buồng ngủ của Người. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm sâu sát, động viên góp ý vào kế hoạch của anh chị em bảo vệ. Buổi tối, Người cùng tập võ với anh em. Các đồng chí kể lại: Người luôn chỉ bảo giúp đỡ cho anh em mau tiến bộ. Mỗi khi anh em mắc khuyết điểm hay lỗi nghiệp vụ Người đều ôn tồn giảng giải chứ không bao giờ nóng giận. Có câu chuyện xảy ra ở Bắc Bộ Phủ như sau: Lúc đó trời mùa thu oi bức, thấy anh em cảnh vệ phải ngủ ở căn phòng tầng 1 nhỏ, chật chội mà trên tầng 2 có một phòng khách rộng rãi, thoáng mát khóa cửa để không, Bác nói với đồng chí quản trị mở cửa phòng cho anh em lên ngủ buổi tối. Mấy hôm sau đi qua phòng tầng 1 lại thấy anh em cảnh vệ vẫn ngủ ở đây, Bác ngạc nhiên gọi đồng chí quản trị đến hỏi? Thì ra được ngủ chỗ thoải mải quá, mấy chiến sĩ nghịch ngợm trèo lên cái bàn ở giữa phòng vật nhau làm vỡ cái mặt bàn rất to bằng đá. Vì thế đồng chí quản trị bực mình phê bình các chiến sĩ gay gắt rồi khóa cửa phòng lại, không cho anh em lên ngủ nữa. Bác nghe xong ôn tồn bảo: Các chú ấy còn trẻ, nếu có lỗi thì nhắc nhở để rút kinh nghiệm, còn thì cứ mở cửa cho các chú ấy ngủ! Khi các địa phương gửi quà biếu, bao giờ Người cũng chia đều cho anh em bảo vệ. Đợt góp gạo cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan nhịn ăn một bữa vào ngày thứ 7 hàng tuần nhưng riêng anh em lái xe, bảo vệ thì không phải nhịn, Người giải thích: “Các chú phải ăn để bảo vệ sinh mệnh các cán bộ của đoàn thể, trong lúc cán bộ vô cùng quý giá”. Chỉ trong 15 tháng độc lập, cơ quan an ninh của ta đã phá vỡ nhiều kế hoạch của kẻ thù âm mưu ám sát Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng. Nhiều đồng chí tuy nhiệm vụ chuyên trách khác nhau, nhưng đó là những người trung thành, dũng cảm, khôn khéo, cương quyết, linh hoạt, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao./.

 

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 2, tr.267

2. Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch Tuyên Quang, 2010, tr.57

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)