slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh trong mối quan hệ với các Đảng phái chính trị trước Cách mạng tháng Tám 1945

11 Tháng 08 Năm 2020 / 4059 lượt xem

ThS. Vũ Thị Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) ra đời bên bờ Khuổi Nặm, Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng sau khi thông qua thảo luận và quyết định của Hội nghị Trung ương VIII của Đảng. Kể từ thời khắc lịch sử đó, “hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước, hai chữ Việt Minh còn mãi mãi trong lịch sử, chói lọi nét vàng”(1) bởi lần đầu tiên một mặt trận thống nhất dân tộc mang tên Việt Nam được thành lập, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có sức mạnh hiệu triệu, đánh thức tinh thần dân tộc của toàn dân nhằm đánh Pháp, đuổi Nhật. Đạt được thành công đó, một phần do Đảng có những nhận định đúng đắn về thái độ và khả năng chính trị của các đảng phái, lôi kéo họ tham gia mặt trận dân chủ rộng rãi, đồng thời đấu tranh kiên quyết với những tổ chức phản động. Mặt trận Việt Minh đã góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng tháng Tám và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn, được ví như người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập tự do. 

Ngày 28/01/1941, sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, Người cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ, thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc... Việc thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh theo quyết định của Hội nghị một mặt là kết quả của quá trình lãnh đạo, đúc rút kinh nghiệm cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi thành lập (1930) đến tháng 5/1941. Mặt khác, đó cũng là kết quả trực tiếp của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng cho phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới, từ sau khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Với sự ra đời của Việt Minh, tư duy về vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng đạt tới một đỉnh cao mới, mở đường dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Trong bản Tuyên ngôn, Mặt trận Việt Minh khẳng định: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”(2). Đi vào cụ thể, Chương trình cứu nước của Việt Minh có 10 điểm, gồm những điểm chung cho toàn thể dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng tựu chung lại, 10 điểm ấy cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào Việt Nam đang mong muốn: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng sung sướng tự do, như lời bài ca tuyên truyền của Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết đã chỉ rõ: “Có mười chính sách bày ra/ Một là ích quốc hai là lợi dân”(3).

Với chủ trương đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân với các tầng lớp khác nhau. Đến năm 1942, các tổ chức cứu quốc của Việt Minh như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc đã được thành lập ở nhiều tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân của Đảng và Mặt trận ViệtMinh ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh trên cơ sở thực tiễn tình hình và yêu cầu của cách mạng. Từ cuối năm 1942, phe đồng minh đã giành những thắng lợi quyết định trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Trước sự chuyển biến của thời cuộc, từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Từ những đánh giá đúng đắn về thái độ chính trị của các đảng phái trong nước bấy giờ, Hội nghị cũng đã ra các “nghị quyết đặc biệt” như sau:

1. Đối với Đại Việt và các đoàn thể Việt gian khác: “Đảng phải ra sức vạch rõ tội ác của các hạng Việt gian thân Nhật, thân Pháp, đặc biệt phải ra tài liệu kịch liệt đả phá chương trình bán nước của bọn Đại Việt và những khẩu hiệu “Pháp - Việt hợp tác”, “Pháp - Việt phục hưng” của bọn Việt gian thân Pháp”.

2. Đối với “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội”: “Đảng ta phải hết sức vận động cho “V.N.C.M.Đ.M.H.” và “Việt Nam độc lập đồng minh” hợp lại làm một, đặng mau tập trung lực lượng cách mạng Việt Nam đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp”(4).

Thời điểm này, tức là hơn một năm sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh tuy đã có cơ sở ở nhiều vùng trong nước, nhưng vẫn chưa có quan hệ chính thức với một nước nào trong phe Đồng minh chống phát xít. Việc hợp tác với Trung Quốc, một nước lớn trong phe Đồng minh, ở ngay cạnh nước ta, cùng chống Nhật cũng chưa được chính thức cam kết. Từ đầu năm 1942, quan hệ giữa nhà đương cục Trung Quốc với bộ phận Việt Minh hải ngoại ở Hoa Nam trở nên căng thẳng do bọn Việt Quốc phá hoại. Vì thế, việc tranh thủ Quốc dân Đảng Trung Hoa cho cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc và Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Ngày 13/8/1942, lấy tên mới Hồ Chí Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc với tư cách là đại biểu của phong trào Việt Minh và đại diện của Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược để liên hệ với các lực lượng đồng minh quốc tế chống phát xít và vận động những người yêu nước ở nước ngoài tham gia cách mạng. Nhưng ngày 27/8/1942, khi đến phố Túc Vinh (Thiên Bảo, Quảng Tây), Người bị bắt với lý do những giấy tờ tuỳ thân của Người đã quá hạn sử dụng. Tháng 9/1943, sau khi ra khỏi nhà tù, Người bắt liên lạc với “hội Giải phóng”, một bộ phận của Mặt trận Việt Minh ở Vân Nam. Đồng thời cuối tháng 10/1943, Hồ Chí Minh tham gia một số hoạt động của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội - tổ chức của người Việt Nam tại Trung Quốc, gồm nhiều đảng phái, được sự hỗ trợ của Đệ tứ chiến khu, do tướng Trương Phát Khuê trực tiếp chỉ đạo. Để tranh thủ uy tín, đức độ và tài năng của Hồ Chí Minh, thực hiện kế hoạch hợp tác với Việt Minh, triển khai “Hoa quân nhập Việt”, Trương Phát Khuê đề nghị Hồ Chí Minh hợp tác với Nguyễn Hải Thần - lãnh tụ của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, để cải tổ lại Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội.

Nắm vững chủ trương “Hết sức vận động cho Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và Việt Nam độc lập Đồng minh” hợp lại làm một, đặng mau tập trung lực lượng cách mạng Việt Nam đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp”(5) theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (họp từ ngày 25 đến 28/02/1943), Hồ Chí Minh nhận lời tham gia tổ chức, để vừa tranh thủ, lôi kéo, vừa phân hoá những phần tử yêu nước và tiến bộ về phía cách mạng. Tại một cuộc họp trù bị của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, theo ý kiến của Hồ Chí Minh, để đi đến thống nhất, Đại hội của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội sẽ được gọi là Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Tham gia Đại hội có đại biểu của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Phục quốc quân, Đảng Đại Việt,... đại biểu của Quốc dân Đảng Trung Hoa và chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tại Đại hội, ngày 16/3/1944, Hồ Chí Minh đọc báo cáo: “Về tình hình các đảng phái trong nước” và chỉ rõ dù có nhiều đảng phái, nhưng đảng có ảnh hưởng nhất, tổ chức chặt chẽ nhất và nổi tiếng nhất là Đảng Cộng sản. Người cũng báo cáo “Về tổ chức và hoạt động của phân hội Việt Nam” tại đại hội. Sau đó, Đại hội đã bầu lại Ban Chấp hành và Ban kiểm tra. Hồ Chí Minh được bầu làm Uỷ viên của Ban chấp hành. Lợi dụng cương vị này, Người thảo kế hoạch đưa lực lượng thanh niên trong lớp huấn luyện đặc biệt ở Liễu Châu về nước phát triển lực lượng. Như vậy, kết quả lớn qua hội nghị này là Tưởng Giới Thạch đã phải chấp nhận để Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh vào trong Mặt trận liên minh Trung - Việt chống kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít.

Để phát triển và tăng cường lực lượng cách mạng trong mọi lĩnh vực, trên các địa bàn như chủ trương của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Đông Dương (tháng 2/1943), Mặt trận Việt Minh liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước chưa gia nhập Việt Minh nhằm mục tiêu giải phóng, độc lập dân tộc. Trong bối cảnh và điều kiện lịch sử xã hội

Việt Nam những năm 1939-1945, các tầng lớp trí thức, sinh viên, viên chức và một số người thuộc các tầng lớp trung gian khác ở thành thị đã có những chuyển biến về tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và khả năng tham gia đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Nổi lên trong đó là nhóm của ông Dương Đức Hiền được hình thành từ đầu năm 1941 gồm những trí thức đã tốt nghiệp các trường Đại học Luật, Y, Dược, Khoa học, Nông Lâm và những sinh viên người Bắc, Trung, Nam bộ hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Hoạt động của các nhóm này tuy mang tính chất tự phát, chưa có nội dung cách mạng sâu sắc, nhưng đã góp phần khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức chống xâm lược, chống chế độ cường quyền bất công, yêu thương đồng bào trong giới trí thức, sinh viên, học sinh, viên chức, tư sản dân tộc và đã gây được tiếng vang trong một số thành phố. Đảng đã chú ý đến hoạt động của nhóm trí thức Dương Đức Hiền và cử cán bộ đến gặp gỡ, đưa chương trình hoạt động, điều lệ tổ chức của Mặt trận Việt Minh cho nhóm nghiên cứu. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 30/6/1944, hội nghị thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam đã được tổ chức tại làng Thanh Xuân (trên đường Hà Nội - Sơn Tây). Dự Hội nghị có tám đại biểu, trong đó có Dương Đức Hiền (luật sư), Cù Huy Cận (kỹ sư canh nông), Huỳnh Bá Nhung (bác sĩ). Hội nghị thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh, Chương trình hành động đầu tiên của Đảng. Đặt cơ sở trên tư tưởng liên minh với các lực lượng cách mạng để tranh đấu cho độc lập dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ mới, tuy còn sơ lược nhưng Cương lĩnh, Chương trình hành động đầu tiên của Đảng Dân chủ Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu đấu tranh cơ bản là: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”, phù hợp nguyện vọng của mọi tầng lớp yêu nước, tiến bộ lúc bấy giờ. Đảng lại xây dựng tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, do đó tổ chức hoạt động của Đảng đã nhanh chóng gây được ảnh hưởng, nhất là các tầng lớp trung gian ở thành phố và thị xã. Đầu tháng 7/1944, lấy danh nghĩa một chính đảng cách mạng, Đảng Dân chủ Việt Nam đã tự nguyện gia nhập Mặt trận Việt Minh, làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít thêm sâu rộng, tạo điều kiện để Đảng tranh thủ tầng lớp trung gian, làm thất bại âm mưu của phát xít và tay sai định lôi kéo tư sản dân tộc và tầng lớp trí thức Việt Nam.

Ra đời từ trong phong trào cách mạng của nhân dân, của Mặt trận Việt Minh, đấu tranh cho quyền lợi cách mạng chung của dân tộc theo đường lối lãnh đạo của Đảng tiền phong Mác-xít Lêninit, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Dân chủ Việt Nam đã mang trong mình ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một đảng phái dân chủ được thành lập trong thời kỳ bí mật, tự nguyện đấu tranh theo đường lối và sự lãnh đạo của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân, góp phần tăng cường lực lượng cách mạng, vận động tầng lớp trí thức và công chức, các tầng lớp trung gian khác ở đô thị ngả theo cách mạng. Trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử nước ta những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, việc phân hoá, tranh thủ được các tầng lớp trung gian ở thành thị, giác ngộ, giúp họ nhận rõ bộ mặt xâm lược tàn bạo, xảo quyệt, thâm độc của kẻ thù, ngả hẳn về hàng ngũ đấu tranh của nhân dân là một yêu cầu quan trọng và rất cấp bách của cuộc vận động cách mạng. Phân hoá, tranh thủ được các tầng lớp ấy sẽ tạo thêm được lực lượng làm thất bại chính sách nguy hiểm của phát xít Nhật với chủ thuyết “Đại Đông Á” bịp bợm và luận điệu tuyên truyền xảo quyệt cho Việt Nam độc lập giả hiệu của chúng, đánh bại âm mưu của thực dân Pháp hòng lợi dụng ảnh hưởng cũ, mua chuộc, lôi kéo những tầng lớp có quan hệ với chúng để làm cơ sở xã hội hòng tiếp tục duy trì ách thống trị trên đất nước ta. Đồng thời vạch rõ bộ mặt đê hèn, bán nước hại dân của các đảng phái phản động như “Đại Việt” tay sai của Nhật, “Quốc dân Đảng” tay sai của Tưởng Giới Thạch, tay sai của Pháp, cô lập cao độ kẻ thù Nhật, Pháp và những bọn phản động ngoan cố nhất, tạo thêm những điều kiện thuận lợi tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Song song với việc lôi kéo, kêu gọi hợp tác với các đảng phái khác, cuộc đấu tranh chống lại các tổ chức phản động cũng là một nhiệm vụ chính trị cấp bách đặt ra. Tại Việt Nam, trong thời kỳ 1941¬1945, ngoài các đảng phái, tổ chức thân chính quyền thực dân, thân Nhật, còn có khá nhiều tổ chức có khuynh hướng chống Pháp. Chính sách đại đoàn kết dân tộc “kháng Nhật cứu nước” của Mặt trận Việt Minh không chỉ thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia mà còn tác động mạnh mẽ dẫn tới sự phân hoá trong các tổ chức chính trị, đảng phái ở nước ta lúc bấy giờ. Nội các Trần Trọng Kim, sau khi công khai đứng về phe Trục trong Chiến tranh thế giới thứ II đã hoàn toàn tước bỏ tính chính đáng chính trị của nó khi phe Trục bị bại trận. Không những thế, chính phủ bù nhìn này còn thất bại trong việc thực thi một loạt các chính sách do nó tự đề ra, đặc biệt là đã bất lực trong việc giải quyết nạn đói

ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ nên dần dần mất hết uy tín chính trị trong dân chúng Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nó tự tan rã và sụp đổ vào tuần cuối tháng Tám năm 1945, mở đường thuận lợi cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi nhanh chóng(6). Một số thành viên của nội các Trần Trọng Kim đã ngả theo cách mạng như Phan Kế Toại, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Bùi Kỷ, Phan Anh... Ngay “Hội Tân Việt Nam” của giới trí thức cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Các trí thức có tên tuổi đã ngả theo cách mạng, một số đã trở thành thành viên của Mặt trận Việt Minh như Hoàng Đạo Thúy, Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục...

Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi oanh liệt và nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo, đúng như Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3/1951 khẳng định: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chống quân cướp nước”. Trên nền tảng tư tưởng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, lấy mục tiêu “độc lập dân tộc là trên hết”, hoạt động theo đúng tôn chỉ “liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp, đoàn kết các giai cấp, đảng phái chính trị và cá nhân yêu nước trong toàn quốc làm nên cuộc cách mạng long trời, lở đất, lật nhào chế độ phong kiến hàng nghìn năm, bẻ gẫy xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực.

 

Chú thích:

1.       Hoàng Quốc Việt: Ánh sáng mới từ Pác Bó, Đầu nguồn (tập hồi ký), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1975, tr.17

2.       Văn kiện Đảng 1930-1945, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr.271-272

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.158

4.       Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tập 2, tr.808-810

5.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.312

6.       Phạm Hồng Tung: Nội các Trần Trọng Kim: bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2018

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)