slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

15 Tháng 09 Năm 2022 / 339 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Khoảng 18h45 ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời làng Vạn Phúc (Hà Đông) bắt đầu lên đường trở về chiến khu để lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến. Đến xã Xuyên Dương (Thanh Oai, Hà Tây - nay thuộc Hà Nội), Người trú tại nhà đồng chí Trúc, xã đội trưởng trong 25 ngày. Chiều tối ngày 13/1/1947, Người qua phà Ba Thá sang Chương Mỹ, ngụ tại nhà đồng chí Thủ Bạ, bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch xã Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Tây) qua dịp Tết âm lịch. Ngày 2/2/1947, lúc 19h, Người rời đến khu chùa Một Mái ở núi Thầy, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Tây). Mấy ngày sau, Người đi công tác Ninh Bình, Thanh Hóa cho đến ngày 21/2 mới quay lại núi Thầy. Do tình hình chiến sự căng thẳng và khẩn trương nên chiều tối ngày 3/3, Người đi đến động Hoàng Xá gần huyện lỵ Quốc Oai thì xe tăng địch đã chiếm bờ đê đối diện nên mờ sáng ngày 4/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sơn Tây, vòng qua ngã ba Xuân Mai qua phà Trung Hà và nghỉ chân mấy ngày tại nhà cụ Nguyễn Liên, thân sinh đồng chí chủ nhiệm Việt Minh huyện Tam Nông (Phú Thọ). Chiều tối ngày 18/3, Người qua bến Ghềnh, Ba Triệu sang xã Xứ Nhu, đến Chu Hóa (Lâm Thao, Phú Thọ) trú tạm tại nhà ông Nguyễn Ngọc Đa. Ngày 30/3, Người di chuyển theo quốc lộ 2 qua Tiên Kiên, Phú Lộc, Chân Mộng đến Đoan Hùng. Buổi trưa ngày 1/4 có máy bay địch đến ném bom nên ngay buổi tối, Người di chuyển đến làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), trú tại nhà ông Ma Văn Hiền ở thôn Làng Sào. Đến đầu tháng 5/1947, thấy địa điểm này không tiện giữ bí mật nên Người rời vào rừng Bình Phú, dựng lán dưới cây cổ thụ để làm việc. Ngày 12/5, Người đi gặp Paul Mus - đặc phái viên của Cao ủy Đông Dương tại thị xã Thái Nguyên. Các đồng chí bảo vệ tìm được một ngôi nhà không còn nguyên vẹn nhưng cũng có một gian phòng tương đối tốt, có bàn và ghế, có thể dùng làm nơi tiếp khách. Paul Mus chuyển thông điệp của phía Pháp tới Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung: Quân đội Việt Nam phải trao nộp tất cả vũ khí; quân đội Pháp được quyền di chuyển tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam; quân đội Việt Nam phải được tập trung vào một số địa điểm xác định; trao trả lại các con tin người Pháp và người Việt; giao lại cho phía Pháp vô điều kiện những người không phải là người Pháp đang ở cùng người Việt và phía Pháp không đưa ra chi tiết về những dự định đối với những người này. Sau khi nghe những điều kiện láo xược đó của Cao ủy Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm nét mặt, nhưng bình tĩnh và Người ôn tồn hỏi: “Ông Paul Mus, tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống Hitler, điều đó có đúng không?”. “Thưa Chủ tịch, đúng”. “Vậy thì ông hãy trả lời tôi: Nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ thế nào đối với bản thông điệp của ông Emile Bollaert? Ông có nhận những điều kiện đó không?”. Paul Mus lúng túng. Người nói tiếp: “Tôi nghe nói ông Emile Bollaert cũng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có nghĩa gì? Có nghĩa là ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng. Ông Paul Mus, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không? Lại còn điều kiện liên quan đến những người nước ngoài đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân Pháp. Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là kẻ ‘hèn mạt'. Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt”. Paul Mus im lặng, gật đầu, tỏ ý đồng tình. Rồi nói: “Tôi hiểu, thưa Chủ tịch, tôi hiểu ..Thế' rồi không nói đến bản thông điệp nữa, Người giải thích về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta: Yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình. Paul Mus thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, hứa sẽ báo cáo với Cao ủy Emile Bollaert những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một sự việc nhỏ có lẽ đã làm cho Paul Mus ngạc nhiên: khi cuộc tiếp kiến kết thúc, các đồng chí phục vụ đã bưng ra mấy cốc rượu sâm-banh để Người mời khách. Trước lúc ra về, Paul Mus nói: “Chúc Chủ tịch dũng cảm!”. Người đáp: “Luôn luôn! Tất nhiên!”.

Ngày 20/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển chỗ làm việc đến thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Lúc đầu, Người nghỉ tạm tại nhà ông Ma Đình Tương, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện, về sau Người chuyển lên ở một ngôi nhà tre nhỏ trên đồi Khau Tý. Từ nơi này có đường mòn đi sang huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), huyện Phú Lương, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Điềm Mặc lâu nhất trong những năm kháng chiến: 4 tháng 22 ngày. Nơi ở và làm việc của Người là căn nhà lợp lá, nép bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa thuộc thôn Nà Tra. Cách căn nhà khoảng 10m là một căn nhà nhỏ xinh xắn, một cái sân đất, có dựng chiếc xà đơn, xà kép và căn hầm tránh máy bay. Tất cả tiện nghi của một vị Chủ tịch nước là mấy vật dụng thường dùng: chiếc áo the, khăn xếp, chiếc ô đen để Người cải trang khi đi công tác, hai chiếc vali đựng tài liệu và quần áo. Trong thời gian ở Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đi công tác, đi họp và tham dự những hoạt động của Hội đồng Chính phủ (HĐCP) tại các địa điểm khác trong An toàn khu (ATK). Ngày 1/6, HĐCP họp tại một địa điểm bí mật cách châu Tự Do (Tuyên Quang) 10km, trong chiếc hang mà năm 1945 đã tổ chức Hội nghị đại biểu dân tộc và cử ra Chính phủ lâm thời. Nhưng vì đường trơn, trời mưa nên chỉ có Người và đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trước giờ họp. 23h mọi người mới đến đủ, ai nấy đều ướt hết nên vào ngồi quanh bếp lửa để sưởi, hong khô quần áo và ăn cháo cho đỡ mệt. 1h sáng ngày 2/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc phiên họp, đến 3h thì cuộc họp tạm nghỉ để mọi người ngủ vài tiếng rồi lại tiếp tục họp đến 12h trưa thì kết thúc. Ngày 17/6, tại vùng ATK Tân Trào, từ 14h đến 18h, Người dự họp Đảng đoàn Chính phủ. Từ 20h đến 1h sáng hôm sau, Người chủ tọa phiên họp HĐCP bàn về việc kỷ niệm sáu tháng kháng chiến và thảo luận tình hình quân sự. Ngày 5/7, cũng tại Tân Trào, các thành viên HĐCP chờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến họp tới 11h vì nước lũ lên to, nhưng Người điện báo không hoãn họp. 15h, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nơi, sau bữa cơm chiều, khoảng 20h, Người khai mạc và chủ tọa phiên họp của HĐCP để nghe báo cáo của các Bộ về hoạt động 6 tháng qua. Đến 5h sáng, mọi người nghỉ vài giờ để tỉnh táo. Đúng 8h, sau bữa cháo sáng điểm tâm, cuộc họp lại tiếp tục đến 11h. Ngày 25/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đội mưa đi bộ 20km đến địa điểm họp HĐCP ở Hồng Thái, Tân Trào nhưng trời mưa to, nước lũ dâng cao, các vị Bộ trưởng chưa đến đủ nên Người quyết định hoãn cuộc họp đến hôm sau và tranh thủ cùng 8 vị Bộ trưởng có mặt trao đổi trước mấy vấn đề khẩn cấp, quan trọng là việc cải tổ, mở rộng thành phần tham gia Chính phủ để tránh âm mưu chia rẽ của Pháp và tranh thủ ảnh hưởng với quốc tế. Ngày 26/7, buổi sáng, HĐCP thảo luận về các thay đổi nhân sự và mọi người đều tỏ ý hoan nghênh chính sách khôn khéo, hợp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi trưa, cuộc họp kết thúc, các đại biểu nghỉ vài phút rồi họp ngay Liên Việt. Buổi chiều, tiếp tục họp Đảng đoàn Chính phủ. Ngày 17/8, Người đến một địa điểm gần đèo Khế lúc 3h sáng để họp hội nghị Việt Minh đoàn, tuy các thành viên không đến đủ nhưng 14h, Người vẫn tuyên bố khai mạc hội nghị để bàn về dư luận quốc tế, nhất là dư luận Pháp đối với chúng ta; công tác tuyên truyền, việc kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, vấn đề giúp đỡ đồng bào Việt Bắc; lương của cán bộ và một số vấn đề về tài chính, tư pháp. Lúc 18h cuộc họp kết thúc, Người khai mạc phiên họp HĐCP lúc 19h30. Lần họp này vắng mặt một số vị vì bận công tác hoặc ốm và có thêm 3 vị mới nhưng các thủ tục vẫn tuần tự tiến hành: mặc niệm các liệt sỹ; các Bộ, Thứ trưởng mới tuyên thệ trước Quốc hội và Chính phủ rồi bàn các chương trình nghị sự đến 2h sáng hôm sau. Ngày 31/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc và huấn thị cho lớp bổ túc 83 cán bộ trung cấp toàn quân do Bộ Tổng chỉ huy tổ chức tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ngày 12/9, tại một địa điểm cách Đại Từ 13km, 19h, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp HĐCP bàn về tuyên bố mới nhất của Cao ủy Bollaert và kế hoạch đề phòng cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp, vấn đề tuyên dương công trạng quân nhân, việc hưởng ứng cuộc vận động Mùa đông binh sĩ, một số vấn đề liên quan đến Bộ Thương binh, Bộ Canh nông và vấn đề ân xá trong dịp Quốc khánh. Cuộc họp kết thúc lúc 3h sáng hôm sau. Ngày 13/9, sau khi ăn sáng xong, Người tiếp tục cuộc họp liên Bộ kháng chiến đến 12h trưa để giải quyết những vấn đề còn chưa kịp bàn trong cuộc họp HĐCP, đặc biệt là chế độ doanh nghiệp quốc gia và chính sách tài chính. Ngày 23/9, 20h, Người đến châu Tự Do để chủ tọa phiên họp bất thường của HĐCP tới 3h sáng để bàn về chương trình hành động kỷ niệm ngày 23/9, dư luận thế giới ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến của ta và trao đổi ý kiến về thái độ đối với tuyên bố của cựu hoàng Vĩnh Thuỵ. Sau khi nghe ý kiến của nhiều đại biểu, Người kết luận: “Đối với thực dân Pháp xâm lược, chúng ta phải đánh. Đối với nhân dân các giới, ta phải tìm cách giải thích cho họ rõ. Với Vĩnh Thụy, ta vừa giải thích, đồng thời cần có những lời khuyên bảo ông ta”. Ngày 30/9, tại một địa điểm cách Chợ Chu 15km, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các ông Nguyễn Lương Bằng và Lê Văn Hiến, sau đó mời cơm hai người. Ông Hiến kể lại: “Chúng mình cùng với anh Cả đi gặp Cụ Chủ tịch. Đường quanh co hình rắn, qua suối, qua khe, qua các cánh đồng trong thung lũng, ngồi trên lưng ngựa gần 5km mới đến nơi Cụ ở. Trên một cái đồi lẻ loi, cây cối cao và sum xuê có một cái nhà lá nhỏ nhưng sắp đặt rất ngăn nắp và giản dị. Hồ Chủ tịch đang cùng vài nhân viên ngồi làm việc. Chúng mình vào bắt tay Cụ vui vẻ quá. Nước da hồng và mướt, đôi mắt sáng như sao, Cụ tỏ ra khoẻ mạnh và tươi vui lắm, Ông Thánh của dân tộc Việt Nam. 11h trưa, Cụ thết một bữa cơm với các món cây nhà lá vườn theo lời Cụ là tự nuôi vịt và trồng được rau. Bát canh mướp do chính tay Cụ vun xới. Gặp lúc Trung thu, dân chúng miền này đem biếu Cụ một ít quà bánh tét và cơm nếp, Cụ thết lại chúng mình. Bữa cơm vui và ngon. 12h trưa sắm sửa ra đi, trời chuyển mưa to, Cụ bảo nán lại cho qua mưa rồi hãy đi, nhưng mình trả lời: Gió mưa là bạn thân của chúng tôi lâu nay, ngày nọ với ngày kia liên tiếp trên đường rừng, không gặp mưa buổi sáng cũng gặp mưa buổi chiều, không bị ướt chỗ này cũng bị ướt chỗ khác. Cụ cười rồi bắt tay tạm biệt. Chúng mình xuống đồi, không quên ngắm lại một lần nữa cái cảnh nhà lá vách tre của Cụ Chủ tịch”. Đến cuối mùa hè, cuộc sống kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tương đối ổn, quanh nhà đã có vườn rau, giàn mướp, đàn gà, sân bóng chuyền, xà đơn, xà kép. Ngoài việc tăng gia, Người cũng đề nghị anh em đi quanh các xóm gần đó làm việc giúp dân như: bày cách làm ăn cho có lợi, trồng trọt theo khoa học, hướng dẫn nhân dân chữa bệnh, tham gia các buổi họp của dân để nắm tình hình...

Trong thời gian làm việc tại đồi Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều thư điện, lời kêu gọi động viên nhân dân ta đang sản xuất, kháng chiến và vạch trần âm mưu dùng vũ lực cướp nước ta cho nhân dân tiến bộ Pháp biết. Người gửi lời kêu gọi tới nhân dân thế giới để ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt không quên những liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, những người đã cống hiến một phần xương máu vì nhân dân nên Người đã đề nghị chọn một ngày trong năm làm ngày: Toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sỹ. Và ngày thương binh, liệt sỹ 27/7/1947 đã ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo 5 điều: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm và nếu là cán bộ lãnh đạo cần phải làm tròn năm chữ: Trí - Nhân - Dũng - Nghĩa - Liêm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rằng vấn đề cán bộ của Đảng giữ vai trò quyết định đến sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng. Người rất quan tâm, chú trọng sâu sắc đến công tác lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ bởi: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đảng ta phải chăm sóc vun trồng những cán bộ tốt và kiên quyết loại bỏ những phần tử xấu, mà muốn thực hiện được việc này thì trước hết cần sửa đổi lối làm việc của Đảng. Cuối tháng 9/1947, từ 6h sáng đến 1-2h khuya, Chủ tịch Hồ Chí Minh miệt mài viết, sửa, lách cách đánh máy rồi gạch chân, đánh dấu vào một tập tài liệu trên chiếc bàn ghép bằng cây vầu đặt phía sau nhà. Người liên tục làm việc, tập trung tinh thần cao độ, nhiều khi quên cả bữa ăn, đó chính là thời gian Người đang gấp rút viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Sau khi hoàn thành bản sơ thảo, buổi tối trước khi đi ngủ, Người mời 8 anh em trong đội cận vệ là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi cùng đồng chí cấp dưỡng tổ chức đọc sách tập thể để cùng thảo luận, học tập. Vì bản thảo tài liệu của Người sửa chữa bằng bút chì xanh, đỏ, tẩy xóa nhiều nên Người tự đọc to, rõ ràng và sau mỗi phần lại giục anh chị em phát biểu ý kiến xem nghe có hiểu không, có cần thay đổi câu chữ nào không và nội dung có thiết thực không. Cuốn Sửa đổi lối làm việc nêu lên 6 vấn đề chính xác, thực tế, vừa mang tính lý luận, vừa đúc kết từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng của tác giả và bài học sinh động của cuộc sống, đó là: Tư cách đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Phê bình và sửa chữa; Chống thói ba hoa và Mấy điều kinh nghiệm. Bằng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào bản chất vấn đề, nội dung cuốn Sửa đổi lối làm việc đã thu hút sự chú ý của tất cả người đọc, từ cán bộ cấp cao đến người đảng viên bình thường, ai cũng thấy như Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trực tiếp nói chuyện, phê bình, khuyên bảo chân tình để giúp đỡ tất cả cùng tiến bộ.

Từ tháng 9/1947, Tướng Valluy, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương và tướng Salan, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương gấp rút chuẩn bị một cuộc hành quân đại quy mô vào vùng Việt Bắc nhằm mục đích phá vỡ các tổ chức quân sự dân sự của Việt Minh, lùng bắt chính phủ Hồ Chí Minh và đặt các căn cứ kiểm soát vùng biên giới Hoa - Việt. Kế hoạch tấn công dự kiến chia làm hai bước: Bước 1: Mang mật danh Léa, mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Bước 2: Mang mật danh Ceinture, quân Pháp sẽ tập trung lực lượng càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm. Đầu tháng 10/1947, Pháp tập trung hai vạn quân tinh nhuệ bao gồm hải, lục, không quân mở chiến dịch tổng lực tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ngày 7/10, lính dù Pháp bất ngờ đổ bộ xuống thị xã Bắc Kạn, nơi tập trung một số cơ quan nòng cốt của ta như: ty ngân khố, cơ sở in tiền, trường võ bị Trần Quốc Tuấn, một bộ phận Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nhà máy, kho tàng quốc phòng. Đêm 7/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ TƯ Đảng hội ý, nhận định tình hình và đề ra chủ trương đối phó với địch. Người khẳng định: Dù địch có huy động hai vạn quân vào cuộc tiến công này thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, với tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa cũng không có gì đáng ngại. Ngày 8/10, địch bắt đầu lùng sục vào những nơi mà chúng đoán rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở đó. Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt và khẩn cấp, có lúc mũi thọc sâu của quân dù Pháp đã mò đến cách chỗ làm việc của Người chưa đầy một cây số. Thế nhưng đầu giờ sáng, theo đúng thông lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh ngồi đánh máy bản thảo, hoàn thiện cuốn sách Sửa đổi lối làm việc để kịp thời có tài liệu cho cán bộ, đảng viên học tập. Ngày 10/10, tới dự lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp của quân đội, Người căn dặn: Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Ngoài ra, phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật. Ngày 11/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp HĐCP ở xã Đình Cả, trong châu Vũ Nhai, thuộc Bắc Sơn giữa tiếng máy bay địch gầm rú, bắn phá. Cuộc họp bàn một vấn đề duy nhất là chia Chính phủ thành năm đoàn, một đoàn ở lại giữ căn cứ, còn bốn đoàn kia gọi là Phái đoàn kinh lý toả đi về các tỉnh vừa tuyên truyền cho cuộc kháng chiến, vừa tránh những gọng kìm càn quét của địch. Người lấy trong ống nứa đeo bên mình ra những tờ quyết định do tự tay Người đánh máy, ký và đóng dấu son trao cho từng thành viên Chính phủ. 12h trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời mọi người ăn cơm xong mới chia tay. Toàn thể các thành viên HĐCP biểu thị quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi...

Năm 1948, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của tác giả X.Y.Z (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được nhà xuất bản Sự Thật ấn bản lần đầu tiên tại nhà in Tiến Bộ của Trung ương Đảng, lúc đó được mang mật danh Lê Hồng Phong tức ấn I đặt cạnh tòa soạn báo Sự Thật ở Khuôn Câm. Cuốn sách được in bằng giấy bản do nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ cung cấp và ngay lập tức được chuyển tới từng chi bộ Đảng để nghiên cứu, học tập. Sửa đổi lối làm việc được hoàn thành trong khói lửa, bom đạn của chiến dịch Việt Bắc đã cho thấy tầm quan trọng, cấp thiết của những vấn đề mà tác phẩm đề cập đến và đặt ra nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài mang tính định hướng nguyên tắc cho Đảng cầm quyền giáo dục, rèn luyện, lựa chọn và sử dụng cán bộ đủ Đức và Tài để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó chính là tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn xa và cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với các thế hệ Đảng viên từ trước cho đến thời đại ngày nay./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)