slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với âm nhạc truyền thống của dân tộc

06 Tháng 06 Năm 2023 / 64 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hằng

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, Người luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa bản sắc văn hóa dân tộc với thực tiễn đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Mối liên hệ chặt chẽ này làm thế giới ngạc nhiên và khâm phục bởi các bình diện vừa rộng lớn vừa sâu sắc. Dù tự nhận chỉ là người yêu chuộng văn nghệ, không phải nhà văn nghệ nhưng sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều mặt, đến từng loại hình nghệ thuật cụ thể như: văn, thơ, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu - bao gồm từ dân ca, dân nhạc, tuồng, chèo, cải lương, đến một giọng ngâm thơ, một chi tiết kịch nói. Trong mối quan tâm chung của Bác, chúng ta thấy có sự tồn tại đặc biệt của âm nhạc truyền thống, vừa là bộ phận văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tình cảm, tinh thần dân tộc, vừa là phương tiện đấu tranh cách mạng.

1.            Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý trọng, yêu thích văn nghệ truyền thống của dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt yêu thích văn nghệ truyền thống. Người sinh ra ở quê hương của những làn điệu dân ca, ví giặm đằm thắm, da diết, cho nên âm nhạc dân tộc đã đi vào tâm hồn, tình cảm của Người từ thuở ấu thơ. Suốt những năm bôn ba “tìm hình của nước”, Người vẫn luôn nhớ làn điệu, câu hát quê hương. Người kể, khi còn nhỏ, Người thường được nghe các cụ ở quê nhà hát ví phường vải và các điệu dân ca Nghệ Tĩnh rất hay. Đối với Người, vốn cổ truyền vùng miền, địa phương nào cũng được trân trọng, cảm thụ với niềm xúc động. Bác thuộc Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và rất am hiểu nghệ thuật chèo. Bác còn thích nghe hát tuồng, nghe dân ca ví giặm, hát quan họ, bài chòi, hát ru con, nghe đàn bầu, nghe thổi sáo... Ở chiến khu, khi Bộ trưởng Lê Văn Hiến hát lời của “Công chúa Trại 3” tự đấu tranh với bản thân để theo chồng, Bác bảo tiếp thêm: “Hữu tình mà hóa vô tình/ Bơ vơ thê thiếp, lênh đênh nỗi chàng”. Bộ trưởng kể lại: “Sao Bác có thể nhớ lời của nhân vật rành đến thế? Bác động viên tôi hát tiếp, thấy hào hứng của Bác đối với nghệ thuật tuồng truyền sang mọi người”(1). Những lần đón tiếp khách quý, Bác thường cho mời các đoàn tuồng, chèo đến biểu diễn. Bác tìm hiểu cả cách thổi sáo. Gặp nghệ sĩ sáo Đinh Thìn, Bác cầm ống sáo hỏi cách thổi, bấm ngón, lấy hơi.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, văn hóa nghệ thuật phải có tính đại chúng, phải phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Người đề cập nhất quán, rõ ràng hầu hết các mặt quan trọng, từ cơ bản đến cụ thể như mục đích, nhiệm vụ của văn nghệ, quan hệ giữa văn nghệ và cuộc sống, văn nghệ và cách mạng, văn nghệ và nhân dân, nghệ sĩ và sáng tác, truyền thống và sáng tạo, nội dung và hình thức. Theo Người, văn hóa nghệ thuật không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Người coi văn nghệ là hoạt động thực tiễn có sức mạnh cải tạo cuộc sống, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng. Người dùng từ tham gia, hoạt động để nhấn mạnh tính chất nhập thế của văn nghệ nhằm tuyên truyền, tập hợp đông đảo quần chúng vào cuộc đấu tranh chung giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc. Người nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ - lẽ sống này của văn nghệ: “Phục vụ nhân dân... đó là mục đích của văn nghệ ta”, “Nghệ thuật chân chính cốt để phục vụ nhân dân”(2). Đây là quan điểm đặc biệt đề cao vai trò, ý nghĩa, đối tượng phục vụ của văn nghệ, gắn văn nghệ với nguồn cảm hứng lớn lao, thiêng liêng nhất là Tổ quốc và nhân dân. “Phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”(3) là điểm xuất phát mấu chốt, là cái gốc chi phối mọi vấn đề khác của văn nghệ. Có ý thức về đối tượng phục vụ, văn nghệ sĩ sẽ hình dung cụ thể hơn về công việc, cảm thấy sự thôi thúc của thực tiễn đấu tranh cách mạng trong ý thức trách nhiệm và vinh dự sáng tạo nghệ thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức sáng tạo to lớn của quần chúng. Quần chúng không chỉ làm ra của cải vật chất cho xã hội mà còn sáng tác những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay, lại ngắn, không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Người nêu ý kiến: “Vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông ta xưa phải phát triển nó lên”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở di sản văn hóa tinh thần dân tộc ngọn nguồn, nền tảng xây dựng nền văn hóa mới, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa nhân loại, vì thế trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc cần biết gạn đục khơi trong. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ văn hóa ngày 28/2/1957, nhờ Bộ trưởng Văn hóa chuyển, Người viết: “Phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc nhưng tránh phục cổ một cách máy móc”(5). Năm 1957, Bác đến Đại hội văn nghệ lần thứ hai, vừa vào phòng đón tiếp, Bác hỏi ngay: “Việc khai thác vốn cũ dân tộc, các cụ đã làm đến đâu rồi” và nhắc “Nên làm nhanh. Có trước mới có sau. Có cũ mới có mới nhưng chúng ta không nên nệ cổ”(6). Quan điểm của Bác là chúng ta bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền nhưng không được làm sai lạc, mất đi điều tinh túy, bản sắc. Xem biểu diễn tuồng, Bác bước lên sân khấu bắt tay anh chị em nghệ sĩ và dặn: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm! Cố mà giữ gìn nhưng chớ có gieo vừng ra ngô”(7).

2.            Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên bảo, động viên nghệ sĩ không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, rèn luyện tài năng nghệ thuật phục vụ cách mạng và nhân dân

Sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc đối với âm nhạc truyền thống cùng quan điểm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc không tách rời sự chăm lo, thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nghệ sĩ. Bác giản dị đến trong bộ quần áo kaki bạc màu và đôi dép cao su cũ, ân cần hỏi thăm tên tuổi, sức khỏe, thành tích kháng chiến của từng anh chị em trong đoàn văn công. Bác chia kẹo cho các đồng chí nữ, thuốc lá cho các đồng chí nam. Thấu hiểu những nỗi vất vả, thiếu thốn của nghệ sĩ khi tham gia cách mạng, tại Đại hội liên hoan văn công toàn quốc, Bác nhắc lại thời gian ở chiến khu: “Chúng ta không quên những ngày khắc khổ trong mấy năm qua, đêm sương gió lạnh, áo vá quần manh”(8). Khi đoàn văn công đi biểu diễn ở Pháp, Bác hỏi anh chị em đã chuẩn bị quần áo ấm ra sao bởi mùa đông ở Pháp rất lạnh, tuyết rất dày. Nghệ sĩ cải lương Tuyết Nhung kể lại kỷ niệm lần đầu chính thức bước lên sân khấu là được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, đóng vai Trần Quốc Toản trong màn “Trần Quốc Toản ra quân”. Không hiểu vì quá hồi hộp hay vì hấp tấp vụng về mà khi ra roi lên ngựa tiến lên đầu hàng quân thì chị bỗng trượt chân ngã ra giữa sàn. “Đang loay hoay không biết phải làm thế nào trở dậy, sẽ nói năng thế nào đây chứ chưa dám nghĩ là sẽ tiếp tục biểu diễn nữa thì bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng nói đầm ấm của Bác giản dị, yêu thương trìu mến: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy”(9). Bác lo nhiều việc lớn của nước nhà, mỗi ngày Bác gặp gỡ, trò chuyện với biết bao người nhưng Bác vẫn nhớ từng nghệ sĩ đã xem biểu diễn. Nghe đàn bầu tại Nam Định, Bác ra tận mép sân khấu chia kẹo cho nghệ sĩ Nguyễn Tiến, khi đó còn là cậu bé. Lần sau gặp lại, Bác vẫn nhớ và nói: “Năm kia Bác gặp cháu ở Nam Định, cháu còn bé hơn bây giờ một cái đầu, năm nay đã lớn như thế này rồi, cháu đánh đàn có hay hơn không?”(10). Nghệ sĩ Vĩnh An, phụ trách Đoàn Văn công quân đội Liên khu V kể: có lần đoàn được biểu diễn tại Phủ Chủ tịch, Bác nhìn một lượt gương mặt của các nghệ sĩ và hỏi: “Còn thiếu hai cháu, hai cháu hát bài chòi cho Bác nghe dạo ở Nghệ An, sao không có ở đây? Tôi giật nẩy mình vì Bác nhớ lâu quá”(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ dạy các nghệ sĩ cả trong sáng tạo nghệ thuật lẫn cuộc sống đời thường. Sự chăm sóc của Bác không chỉ là mối quan tâm giữa lãnh tụ với nghệ sĩ mà trước hết là tình thương của người cha, người bác đối với con cháu. Bác nhắc nhở: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp”(12). Văn nghệ sĩ vừa tập trung học tập vừa biểu diễn phục vụ nhân dân, phải hát bài mới cho nhân dân nghe, chú ý lắng nghe cả ý kiến phê bình của đông đảo quần chúng. Bác khuyên anh chị em trau dồi vốn âm nhạc dân tộc, không chỉ làn điệu, hình thức, phong cách mà phải học hỏi cả các nghệ nhân đi trước. Nghệ sĩ trước hết phải tìm tòi, khai thác, học tập và hát thật hay, cảm xúc dân ca địa phương mình; phải kế thừa, phát triển vốn dân ca để miêu tả con người và cuộc sống sản xuất, chiến đấu của nhân dân, sao cho xứng đáng với nhân dân đang phát huy sức mạnh tuyệt vời để giành lấy độc lập, thống nhất và xây dựng nước nhà. Gặp gỡ nghệ sĩ Liên khu V, Bác động viên: “Các cháu hát dân ca như thế là khá nhưng các cháu phải biết nhiều dân ca của các miền vì mỗi miền đều có dân ca hay, chẳng những người địa phương đó thích mà người địa phương khác cũng thích”(13). Bác hỏi anh chị em có hát bài chòi nhiều không và dặn riêng nghệ sĩ quê ở Nghệ An lần sau phải hát Bác nghe ví phường vải. Gặp nghệ sĩ Thương Huyền tại Phủ Chủ tịch, Bác khuyến khích: “Cô Huyền hát đi, hát ru con Nam bộ, hát quan họ Bắc Ninh tùy ý nhưng nhớ là hát phải thong thả và rõ lời”(14). Với nghệ thuật chèo, Bác góp ý từ kịch bản, biểu diễn đến vốn sống của người làm công tác sân khấu. Bác nhắc học hỏi nhiều tích chèo, cố gắng khai thác vốn cũ của dân tộc để sáng tác, biểu diễn thêm nhiều vở mới, làn điệu mới. Một lần xem biểu biễn, chưa hài lòng về cách cải biên câu chuyện Tấm Cám trong vở chèo, Bác thân mật khuyên anh chị em trong đoàn cần nắm vững lập trường và quan điểm cách mạng trong việc khai thác vốn cũ của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm “vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt”(15) cho tất cả, từ những nghệ sĩ mà cuộc đời nghệ thuật trải qua hai chế độ đến lớp trẻ mới bước vào làm người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Đáp lại sự quan tâm của Người, các nghệ sĩ thêm vững tin, trưởng thành để cống hiến tài năng nghệ thuật trong cuộc chiến đấu lớn lao của nhân dân.

3.            Các thế hệ nghệ sĩ theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực đem tài năng nghệ thuật góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng

Những nghệ sĩ được gần Bác, lắng nghe lời chỉ bảo, động viên ở chiến khu, trên đường hành quân ra mặt trận hay giữa thủ đô)... dù chỉ một lần đều thấy tâm hồn, trí tuệ được nâng cao. Lời Người giản dị, “thấm vào lòng mong ước” vì đó là kết tinh của bao nghĩ suy, trăn trở, của phẩm chất đạo đức sáng ngời, cao cả và cuộc sống đời thường không gợn riêng tư. Các nghệ sĩ trân trọng từng buổi gặp gỡ, từng lời nói, cử chỉ khi vinh dự được ở bên Bác Hồ. Mỗi câu chuyện ghi lại đều là cảm xúc chân thành, mong muốn biểu lộ lòng biết ơn sâu xa, thắm thiết nhất đối với Người. Từ những lời khuyên của Bác, các nghệ sĩ đã cố gắng rèn luyện đạo đức, trau dồi nghệ thuật, xứng đáng đứng trong hàng ngũ những người nghệ sĩ cách mạng dưới ngọn cờ của Bác đã giương cao. Đối với nghệ sĩ Tuyết Nhung, buổi đầu chập chững trên bước đường nghệ thuật đã qua nhưng phút đầm ấm bên Bác vẫn còn đọng mãi. Bàn tay trìu mến của Bác nâng dậy, câu nói giản dị chứa chan tình yêu thương của Bác mãi mãi là nguồn động viên thôi thúc tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Sau những lần được gặp và thổi sáo cho Bác nghe, nghệ sĩ Đinh Thìn càng tích cực học tập, khổ luyện, biểu diễn phục vụ đồng bào: “Tôi thấy mình cố gắng làm việc bao nhiêu cũng không xứng đáng với công ơn của Bác. Tôi càng yêu chiếc sáo - chiếc sáo may mắn đã được Bác thổi. Tôi càng say mê âm nhạc dân tộc”(16).

Sưu tầm, nghiên cứu di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hiểu sâu hơn tư tưởng và tình cảm của Người dành cho nghệ thuật truyền thống. Những ý kiến của Người vừa kiên định nhất quán nguyên tắc, vừa linh hoạt, thiết thực, gắn với hoạt động, nhiệm vụ cụ thể trong đó nhấn mạnh và phát huy tính chủ động, sáng tạo của người nghệ sĩ chiến sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy quý trọng vốn nghệ thuật dân tộc vì đó là kết quả sáng tạo lâu đời của nhân dân. Người cũng dạy phải chống lại sự đơn điệu, nhàm chán đồng thời đòi hỏi xây dựng văn nghệ của ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật.

Tư tưởng về văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được Đảng ta vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2011) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa đã phát biểu chỉ đạo: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, 

các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại... Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy”(17). Đối với các nghệ sĩ trên con đường sáng tạo hôm nay, bảo tồn, tìm tòi, thể nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống mang được hơi thở, sức sống, trào lưu hiện đại luôn là hướng đi đầy thử thách và vinh quang để góp phần xây dựng nền văn nghệ nước nhà “ngày càng thêm trẻ thêm xuân”(18) như mong muốn sinh thời của Hồ Chủ tịch.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, tập 4, tr.303.

2.            Nguyễn Văn Hạnh, Suy nghĩ về văn học, Nxb. Văn học, tr.24.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, tập 7, tr.246.

4.            Lữ Huy Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.206.

5.            Báo Nhân dân số 1091, ngày 3/3/1957.

6.            Lữ Huy Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.209.

7.            Lữ Huy Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.141.

8.            Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, tập 4, tr.213.

9.            Lữ Huy Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.163-164.

10.          Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, tập 4, tr.315.

11.          Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, tập 4, tr.310.

12.          Báo Nhân dân, số 3173 ngày 2/12/1962.

13.          Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, tập 4, tr.309.

14.          Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, tập 4, tr.305.

15.          Phạm Văn Đồng, “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr.314.

16.          Lữ Huy Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980, tr.157.

17.          Website Báo Hà Nội mới: https://hanoimoi. com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1018243/toan- van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu- trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.

18.          Báo Nhân dân, số 3173 ngày 2/12/1962.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)