slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài học phòng chống tham ô, lãng phí

14 Tháng 09 Năm 2022 / 1849 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Bởi Người coi tham ô, lãng phí là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người chỉ rõ: “Tham ô là trộm cướp”(1). Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi của Việt gian, mật thám. Chống tham ô, lãng phí và quan liêu như chống một “thứ giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”, nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ ta, nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là “cần, kiệm, liêm, chính” và “nó phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao tiền của của Chính phủ và nhân dân”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam, Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Tháng 3/1952, trong bài phát biểu về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Người nhấn mạnh: “Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta”. Người chỉ rõ: tham ô, lãng phí đã kìm hãm sản xuất, phá hoại sản xuất, làm chán nản và giảm sút ý chí phấn đấu của nhân dân, làm suy yếu tinh thần của cán bộ, sức mạnh của tổ chức... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kẻ tham ô là những kẻ “ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ, làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”(2). Người phê phán những người, những cơ quan “không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”(3). Hay nói cách khác, đó là những cán bộ, những tổ chức mắc bệnh quan liêu, vốn là “mảnh đất tốt cho tham ô, lãng phí sinh sôi nảy nở và phát triển”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí theo quy định của pháp luật, không được nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô. Người chỉ thị “nếu tìm ra, điều tra ra những vụ tham ô, Đảng sẽ thẳng tay kỷ luật và Chính phủ sẽ thẳng tay trừng trị”(4). Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, bị kết án tử hình. Trước ngày thi hành án, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Bác xin được khoan hồng. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây sắp chết.

Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”.

Bác hỏi: “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”.

Ông Ninh trả lời: “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”.

Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”(5).

Sau một đêm trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành. Vụ án đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kỳ liền, từ ngày 20/9/1950, trên báo Cứu quốc. Số báo này còn được chuyển vào vùng địch tạm chiếm và tới kiều bào ta ở nước ngoài. Câu chuyện “Diệt sâu mới cứu được cây” cho thấy sự nhất quán giữa lời nói và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc kiên quyết xử lý hành vi tham ô, lãng phí của cán bộ; thấy rõ thái độ thẳng thắn của Bác Hồ đối với sai lầm, khuyết điểm. Khi có cá nhân vi phạm pháp luật thì Người kiên quyết phải xử lý nghiêm minh. Sự việc thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Người đứng đầu luôn nêu cao quyết tâm phòng, chống tham nhũng, không nể nang, không bao che. Người cũng nhận một phần trách nhiệm khi để tình trạng cán bộ tham ô. Vì thế, ngày 15/11/1950, dự phiên họp của Chính phủ, nhân nói đến vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá Giám đốc Nha Quân nhu bị tử hình vì tội tham ô... Bác phát biểu: “Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người... Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm... Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc... Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm “thanh cao tự thủ” là không đủ... Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình”(6). Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng mới đạt được hiệu quả. Nếu còn có nể nang, còn có bao che, còn có vùng cấm thì công tác phòng, chống tham nhũng không đạt hiệu quả. Bởi kỷ luật Đảng là rất nghiêm minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chữa căn bệnh tham ô, lãng phí phải đề cao đạo đức và luật pháp, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu. Một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương họp Chính phủ mở rộng, có mời thêm cả các vị chủ tịch tỉnh, các lãnh đạo đầu ngành. Người bảo đồng chí Vũ Kỳ (thư kí riêng của Người) hỏi bên Văn phòng cho kĩ, bao nhiêu người dự họp thì mua đủ bấy nhiêu bút, bằng tiền của Người. Số bút này mở sẵn nắp, đặt lên bàn hội nghị. Bác đến trước, ngồi đợi, khi cán bộ bắt đầu vào họp, thấy Bác có nhiều bút ai cũng hỏi “Thưa Bác, ai biếu Bác mà Bác lắm bút thế?”. Bác trả lời “Làm gì có ai biếu, Bác phải mua bằng tiền lương của Bác đấy. Tí nữa đông đủ, Bác tặng cho mỗi cô, mỗi chú 1 cây bút để làm việc”. Bác ân cần phát quà cho từng người, ai cũng nâng niu quà của Bác trên tay, ngắm nghía một hồi lâu và tự nhiên như một phản xạ, các vị mới lật thân bút lên để xem. Đập ngay vào mắt dòng chữ mà Bác đã kín đáo dặn ông Vũ Kỳ khắc vào đó, dòng chữ “Bút chống quan liêu, tham nhũng”. Bác không nói một câu nào, Bác im lặng, vui vẻ, bình thường. Cán bộ dự hội nghị đọc xong câu đó cũng im lặng, không ai nói với nhau câu nào. Hai sự im lặng đó là hoàn toàn khác nhau. Im lặng của Bác như lời cảnh báo phải tỉnh táo, cẩn thận và biết dừng lại trước khi quá muộn. Còn im lặng của mỗi cán bộ hôm đó là sự dằn vặt bên trong, tự vấn lương tâm(7).

Sau hội nghị kiểm thảo, một số vị nam giới rủ nhau xuống suối tắm để hạ hỏa. Chưa kịp tắm thì Bác đã xuất hiện và cười nói: Bác xuống tắm cùng các chú cho vui rồi tiện thể tiễn các chú về lại chiến khu. Khi tắm suối chung, một vị tướng trẻ đến kì lưng cho Bác, nói một câu rất cảm động “Bác ơi, sao Bác gầy quá!”. Bác không trả lời gầy hay béo. Bác hỏi thẳng vị tướng trẻ: Chú tham ô mấy vạn? Vị tướng nói nhỏ vào tai Bác “Thưa Bác, tất cả là 4 vạn đồng ạ” rồi lại thanh minh: Thưa Bác, Bác bảo cháu khai thì cháu khai thôi, tính ra tiền là 4 vạn chứ thực lòng cháu không lấy một xu nào cả, lỗi lầm, trách nhiệm thì cháu xin nhận. Bác rất ngạc nhiên hỏi: Đầu đuôi câu chuyện thế nào chú kể Bác nghe. “Thưa Bác, quân nhu họ đã phát cho cháu rồi nhưng chắc họ quên, họ phát nữa thì cháu cũng cầm, nhưng cháu không lấy, cháu cho chiến sĩ của cháu”. Bác cười, Bác rất tin, người thành thật nhìn vào mắt là biết. Bác rất tin vị tướng trẻ thành thật. Bác bảo: “Bác rất tin chú, có thể là như vậy, nhưng nếu chú cho chiến sĩ của chú mà lòng dạ chú ngay thẳng, hồn nhiên không nghĩ ngợi gì thì Bác khen chú là có lòng nhân ái. Còn chú đã nghĩ bụng cho nó cái này, ngày mai, ngày kia nó cho mình, biếu mình cái khác to hơn thì không tốt đâu”. Rồi Bác chỉ: “chú này 4 vạn, chú kia 4 vạn thì Bác béo làm sao được!”(8). Câu chuyện cho thấy sự giáo dục khéo léo, tế nhị nhưng không kém phần nghiêm khắc, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ trong công tác phòng chống tham ô.

Cùng với tệ tham ô, vấn đề lãng phí cũng rất được Chủ tịch Hồ Chí Minh để tâm. Trong bài đăng báo Nhân dân ngày 20/6/1959 phê phán một số địa phương mổ bò bừa bãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hội nghị xóm mổ bò. Hội nghị xã mổ bò. Hội nghị huyện cũng mổ bò! Ngược đời hơn nữa là: Hội nghị phụ lão bàn về sản xuất và tiết kiệm, hội nghị liên hoan tổ đổi công và khai mạc HTX nông nghiệp cũng đều mổ bò! Có HTX mổ đến 2 con! Đó là lãng phí rất nghiêm trọng và khá phổ biến”(9).

Trong bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hà Bắc (cũ) tại cuộc mít tinh ở sân vận động thị xã Bắc Giang ngày 17/10/1963, Người kêu gọi: “Phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, buôn gian bán lậu, tiêu sài xa xỉ, gả bán, cưỡng ép v.v... Để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm đồng bào các dân tộc phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà. Cán bộ phụ trách các ngành từ tỉnh đến xã phải đi sâu, đi sát cơ sở, phải thực sự quan tâm đời sống nhân dân. Phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân''. Người đánh giá rất cao vai trò của cán bộ lãnh đạo và đòi hỏi nghiêm khắc phẩm chất, năng lực của họ; phải thực hiện những biện pháp, cách thức để tăng cường kỷ luật của Đảng, tăng cường sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngày 1 Tết Đinh Mùi (1967), khi về thăm Hà Bắc lần cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hà Bắc có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có nhiều khuyết điểm. Có những khuyết điểm đó là do đâu?... Bác nghe nói thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, mất dân chủ ở đây vẫn còn nhiều. Việc này Bác hỏi đồng bào có thể trả lời, bởi vì hỏi các cô, các chú cán bộ thì khó trả lời. Quan liêu là nói cán bộ, chứ còn đồng bào xã viên mệnh lệnh gì ai. Còn tham ô thì cũng thường do mấy chú có chức có quyền lợi dụng mà tham ô, tình hình mất dân chủ cũng thế”. Người còn yêu cầu: “Cán bộ phải tôn trọng dân chủ, nhưng đồng bào phải đòi quyền dân chủ nhân dân của mình. Mình làm cách mạng để thực hiện dân chủ, không phải làm cách mạng để thành “Cán chủ”. Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí'', nâng cao được đạo đức cách mạng”(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời trong mỗi việc làm, hành động phòng chống tham ô, lãng phí. Mùa thu năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp bồi dưỡng chính trị cho hàng trăm cán bộ quân - dân - chính - đảng ở Việt Bắc. Trong sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ hồi đó, có một số người không giữ được phẩm chất đạo đức, mắc khuyết điểm tham ô, cửa quyền, hách dịch, mất dân chủ. Biết được tình hình ấy, khi nói chuyện với lớp bồi dưỡng chính trị này, Người mở cuốn sổ tay đọc cho cả lớp nghe mấy con số về lãng phí, tham ô tài sản của Nhà nước, của nhân dân ở một số đơn vị, ngành, địa phương. Đọc xong, Người nhẹ nhàng nêu câu hỏi: “Trong lớp học này ai đã có vợ?”. Một nửa số người dự lớp học giơ tay lên. Bác hỏi tiếp: “Trong số có vợ rồi, ai đã có con?”. Hơn một phần ba số người đã có vợ giơ tay lên. Bác im lặng, nhẩm nhẩm tính con số. Cả lớp học hồi hộp theo dõi, chưa hiểu tại sao Bác lại hỏi như vậy. Bỗng giọng Bác chậm rãi hơn: “Các cô, các chú thử nghĩ xem, mới có chưa nhiều cán bộ mà đã tham ô, lãng phí với những con số như vậy, nếu cộng tất cả các ngành lại thì lớn biết bao”.

Không khí lớp học im ắng hẳn, mọi người như nghe rõ hơi thở của nhau, như đang tự soi lại mình. Trong không khí đó, Người lại nói rất nhẹ nhàng, thấm thía: “Bác hỏi thật các cô, các chú có bao giờ ăn bớt cơm của vợ con mình không?”. “Thưa Bác, không ạ!”. “Thế thì tại sao của cải của Nhà nước, của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ, công nhân, nhân viên, người lao động, hễ sểnh ra, lơ là kiểm tra là có một số cán bộ vơ vào, đút túi”. Người phân tích tiếp: “Các cô, các chú là cán bộ cấp này, cấp nọ, cũng phần lớn chỉ là người đặt kế hoạch, điều hành công việc, chứ trực tiếp đánh giặc, làm ra của cải là chiến sĩ, công nhân, nông dân, người lao động... Tham ô là thói rất xấu, rất có hại, không những phí phạm của cải xã hội, mà còn làm vẩn đục chế độ, mất cán bộ”. Nói đến đây, Người tự phê bình: “Trong cuộc đời hoạt động của Bác, Bác cũng có khuyết điểm. Nhưng có một việc Bác rất tự hào là chưa bao giờ Bác tham ô, dù chỉ một đồng xu của dân, của Đảng”(11).

Đặc biệt điều này được thể hiện rõ nhất trong cuộc sống đời thường của Người. Bữa ăn của Người như bữa ăn của mọi nhà: bát canh, quả cà, con cá kho, hoặc lát thịt kho. Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”(12).

Trong sinh hoạt đời thường, Bác Hồ còn chỉ thị cho những người phục vụ: Vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Có lần, khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng. Bác cầm đôi tất xoay chỗ rách vào bên trong người Bác, rồi cười: Đấy có trông thấy rách nữa đâu... Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm, được coi là cá tiến vua, thường chỉ có ở khúc sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”(13). Đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá anh vũ. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay ý rằng anh em thấy Bác khen cá ngon nên mới đưa cá lên tiếp. Bác tỏ ý không hài lòng và nói: “Bác có phải là vua đâu mà ăn loại cá dùng để tiến vua”. Rồi Người kiên quyết bảo mang đi. Mùa đông, Người có một cái áo bông của đồng bào biếu, đã dùng nhiều năm, bông xẹp xuống không ấm nữa. Nhưng không ai dám nghĩ đến việc xin Người bỏ đi, chỉ nghĩ đến việc thay vỏ ngoài. Vì dùng mãi vỏ áo đã đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ, Bác bảo mạng lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai, đến khi nó rách lần 2, đồng chí phục vụ xin cho thay vỏ ngoài, Bác bảo: Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc đó đi. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, các đồng chí phục vụ xin được thay bộ khác, Bác bảo: “Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng”. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, của dân không phải thay. Xưởng may X biếu Bác bộ quần áo ka ki mới, Bác nhận, nhưng rồi Bác lại gửi lại xưởng may để làm phần thưởng thi đua.

Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đổi bằng sự mệt nhọc, khổ ải của người khác thì Bác đâu có chấp nhận. Đến bản Di chúc để lại cho muôn đời, Người cũng căn dặn rằng: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác; đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương. Song, nghiêm túc đánh giá thì hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và lòng mong muốn của các tầng lớp nhân dân như Đại hội X, XI và XIII của Đảng đã nhận định.

Điều đáng làm cho chúng ta phải lo lắng, suy nghĩ là tham nhũng len lỏi ở khắp mọi nơi; không chỉ ở cán bộ, đảng viên cấp thấp, mà nó đã “bập” cả vào một số cán bộ cấp cao, vào những ngành, nghề mà xưa nay nhân dân ta rất kính trọng như giáo dục, y tế. Vì vậy, muốn cuộc đấu tranh này có hiệu quả, phải kiên trì và triệt để, phải phát động cho được đông đảo đảng viên và nhân dân tham gia, thực hiện phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị cho cán bộ, đảng viên về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương của Đảng, Nhà nước; quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị... Trong đó, tập trung gắn chặt chẽ giữa công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tập trung lên án mạnh mẽ những hành vi tham nhũng, lãng phí; tích cực biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, dũng cảm trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có những định hướng dư luận tích cực để tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Hai là, nêu cao tự phê bình và phê bình đối với mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Việc nêu cao tự phê bình và phê bình được coi là vũ khí sắc bén; là vấn đề cấp bách, nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, trực tiếp ngăn chặn nguyên căn của hành vi tham nhũng, lãng phí. Khi tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên phải dựa trên tinh thần xây dựng, thực lòng yêu thương giúp đỡ cho đồng chí mình tiến bộ. Bên cạnh đó, thực hiện tự phê bình và phê bình cần tập trung gắn với kiểm điểm trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; kiểm điểm các mặt nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng... để thấy rõ ưu điểm mà phát huy, nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa; coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau. Đối với những trường hợp sai phạm mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Ba là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phòng ngừa, răn đe, trừng trị tham nhũng, lãng phí. Để thực hiện tốt yêu cầu này, trước hết cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí cao như: quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thu, chi ngân sách, mua sắm tài sản công, tài chính, ngân hàng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giáo dục và đào tạo, y tế...

Cần xây dựng được cơ chế ngăn chặn “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính tạo điều kiện cho sách nhiễu, tham nhũng, lãng phí; kiện toàn bộ máy chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trừng trị nghiêm những phần tử tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Phải nghiêm khắc xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; phải công khai, minh bạch, không giấu giếm, bao che, né tránh trong xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí. Người đứng đầu phải công tâm, kiên quyết và đặt lợi ích, lòng tin của nhân dân lên trên hết trong xử lý tham nhũng, lãng phí. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, thể chế, luật pháp và giám sát cán bộ, công chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong đấu tranh và định hướng dư luận về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khen thưởng, tôn vinh những người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí đồng thời kiên quyết xử lý kỷ luật những tổ chức, cá nhân cố tình bao che, tiếp tay, dung túng, ngăn cản việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Những năm vừa qua, nhân dân và cán bộ, đảng viên ta rất vui mừng, phấn khởi và cũng tăng thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước khi chứng kiến những chủ trương, biện pháp xử lý rất kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví: “Lò đã nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy”. Tổng Bí thư đã nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước không khoan nhượng đối với tham ô, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Điều này thể hiện rõ khi trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, kể cả những người ở cương vị cao, thậm chí trong Bộ Chính trị nếu vi phạm thì cũng sẽ bị kỷ luật một cách nghiêm minh. Đây chính là sự thống nhất, tiếp thu, vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt và có hiệu quả của Đảng ta.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 7, tr.357.

2.            Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.355-356.

3.            Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.357.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.439.

5.            https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-15-11-1950-bac-ho-noi-gi-ve-tham-nhung-va-cong-tac-can-bo-677248.

6.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2008, tập 4, tr.464.

7,            8. https://www.xaydungdang.org.vn.

9.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2008, tập 7, tr.274.

10.          Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2008, tập 10, tr.32.

11.          Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, H.2007.

12.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.33.

13.          117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG-ST, H.2007.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)