slider

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI BẢN HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (HIẾN PHÁP - 1946)

02 Tháng 11 Năm 2011 / 4912 lượt xem
Th.s Đỗ Đức Huỳnh
          Trong chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương về kháng chiến và kiến quốc ngày 25/11/1946, sau khi phân tích tình hình quốc tế và Đông Dương chỉ thị đã khẳng định: “Nhiệm vụ riêng trong nước là phải củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân. Bởi vậy, về nội chính, một mặt xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức” ([1]) Vì vậy, ngay sau khi tổ chức lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mặc dù gặp trăm ngàn khó khăn khi vừa phải kiến thiết kinh tế, kiến thiết ngoại giao, vừa phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm vừa phải trừng trị, lôi kéo cảm hóa các tổ chức phản động lợi dụng cơ hội mọc lên như nấm. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, với kinh nghiệm của một nhà cách mạng lão luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chủ trương bằng mọi cách phải tổ chức được tổng tuyển cử bầu Quốc hội và ban hành được Hiến pháp.Thực tế lịch sử đòi hỏi rằng: muốn được quốc tế ủng hộ, muốn được phe dân chủ công nhận, muốn đánh bại mọi mưu đồ đen tối của thực dân Pháp nhất định phải dựa vào ý chí và lực lượng của nhân dân. Ý chí và lực lượng ấy đã có, nhưng phải được hợp thức hóa bằng một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ tự do và rộng rãi để bầu ra một Quốc hội đại diện cho quyền lợi và quyền lực của toàn thể nhân dân – Quốc hội ấy sẽ bầu ra Chính phủ hợp hiến và bằng Hiến pháp quy định quyền lực của Chính phủ đó. Đảm bảo cho Chính phủ ấy là Chính phủ duy nhất đại diện cho lợi ích của Tổ quốc và quyền lợi của nhân dân, của quốc gia dân tộc.
Chủ trương trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chính phủ lâm thời và toàn dân ủng hộ. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38 thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Và chỉ với 100 ngày chuẩn bị với sự chỉ đạo trực tiếp và tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự cố gắng của Chính phủ lâm thời và đặc biệt quan trọng là sự đồng thuận và ủng hộ rất quyết liệt của đồng bào cả nước cuộc tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đã được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 06/01/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là những công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà nhân dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”([2]) Với ý nghĩa như vậy, ngày 06/01/1946 đã trở thành ngày hội đoàn kết của toàn dân, mặc dù bị kẻ thù gây cản trở, đe dọa, mặc dù cuộc bầu cử ở miền Nam diễn ra trong tiếng bom đạn của thực dân Pháp. Người dân trong cả nước vô cùng phấn khởi đi bỏ phiếu thực hiện quyền dân chủ của công dân một nước độc lập tự do với tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao. Với hơn 300 đại biểu Quốc hội được bầu đại diện cho các giai cấp các tầng lớp các tôn giáo các đảng phái trong cả nước, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho quyền lợi và quyền lực của toàn thể quốc dân đồng bào”.
Ngày 02/3/1946 Quốc hội khóa I đã tiến hành kỳ họp thứ nhất với sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp này, Chính phủ liên hiệp lâm thời đã tuyên bố hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong tuyên bố có nêu rõ: “Nhờ sức đoàn kết mạnh mẽ của toàn dân, chúng ta đã giành được chính quyền. Nhưng mà vừa giành được chính quyền vừa lập lên Chính phủ thì chúng ta gặp nhiều khó khăn, miền Nam bị nạn xâm lăng, miền Bắc bị nạn đói khổ. Song nhờ sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ chúng ta đã làm được đôi việc:
-         Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến
-         Việc thứ hai là giảm bớt đói kém bằng thực hành tăng gia sản xuất
-         Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử
-         Việc thứ tư là do kết quả cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay” ([3])
Cũng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội hoàn toàn nhất trí giao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới – Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch tuy mới chỉ có 10 Bộ nhưng là Chính phủ đại diện cho sự thống nhất của các đảng phái, ý chí của toàn dân tộc và đảm đương việc lãnh đạo đất nước thực hiện sự nghiệp “kháng chiến và kiến quốc” vô cùng khó khăn đang đặt ra. Trong lời tuyên thệ của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công cuộc giải phóng nền độc lập chúng tôi quyết vượt qua mọi khó khăn đã phải hy sinh đến tính mạng cũng không từ” ([4]) Cũng tại kỳ họp này Quốc hội khóa I cũng đã bầu Ban Thường trực Quốc hội, Tiểu ban dự thảo Hiến pháp. Bầu kháng chiến Ủy viên hội và Đoàn cố vấn tối cao. Như vậy, cuộc Tổng tuyển cử thành công đã mở đường cho việc thành lập Chính phủ chính thức là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Việc ban hành bản Hiến pháp mới cũng đã được mở ra và Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội cũng đã được thành lập.
Chúng ta đều biết Hiến pháp không chỉ là ý nguyện của toàn dân mà nó liên quan đến bản chất của nhà nước, đến chính thể mà quốc dân lựa chọn, đến việc tổ chức mô hình bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Hiến pháp còn quy định những vấn đề cơ bản về đối nội, đối ngoại, về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, về quân sự về an ninh, về nội vụ… Làm sao để đối nội là chỗ dựa để thực thi, để lãnh đạo, để đề ra đường lối chính sách, xây dựng được một hệ thống pháp luật của Nhà nước; Đối ngoại thì đạt thông lệ quốc tế trở thành cơ sở để đấu tranh bảo vệ tổ quốc bảo vệ Nhà nước và lợi ích của quốc dân. Hiến pháp phải đạt được vị trí nền tảng của hệ thống luật pháp về lâu dài, về lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia, về chính thể, về nhà nước đại diện cho quyền lợi và quyền lực của nhân dân và phải đảm bảo những quyền cơ bản của công dân theo luật định. Với yêu cầu đó Hiến pháp cần được nghiên cứu đầy đủ, chuẩn bị công phu, có học hỏi rút kinh nghiệm nhưng về cơ bản đây phải là một bản Hiến pháp mới – Hiến pháp dân chủ. Chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề xây dựng và ban hành Hiến pháp từ rất sớm. Ngày 20/9/1945 Người đã ký sắc lệnh số 34 về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời gồm 7 người là : Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thái Mai, Vũ Ngọc Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Ủy ban này do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.
Hiến pháp chỉ có giá trị pháp lý và chỉ trở thành công cụ quyền lực khi được Quốc hội thông qua và được ủy quyền cho Chủ tịch nước ký công bố. Đây chính là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Vì vậy, Người chủ trương và kiên trì thuyết phục vận động cho sự cần thiết phải tăng thêm 70 đại biểu Quốc hội (giành 50 ghế đại biểu cho Quốc dân Đảng và 20 ghế đại biểu cho Cách mạng đồng minh hội), có đủ thành phần các đảng phái và không đảng phái, có các nhân sỹ tri thức, các nhà doanh nghiệp, những nhà cách mạng có tên tuổi… để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của toàn thể dân tộc và Chính phủ là Chính phủ do dân bầu, là của toàn dân hoạt động vì lợi ích của quốc gia dân tộc. Hơn thế, để đảm bảo mở rộng dân chủ triệt để, tập hợp được trí tuệ của mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi giới, đồng thời tăng tính thuyết phục và xóa bỏ mọi nghi kị, mọi hiềm khích của những người “Việt quốc” và “Việt cách”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với đề nghị của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất là thành lập: Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội với 11 thành viên là: Tôn Quang Phiệt, Trần Duy Hưng, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tân Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thế, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Với cương vị là người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng trong việc lãnh đạo và chỉ đạo Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội. Tiểu ban đã tiếp thu những kết quả nghiên cứu và dự thảo của Ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban, tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể một số chương, điều và nội dung cụ thể của từng điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 thành viên (hầu hết là các tri thức, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân) làm đầu mối tập hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Mặt khác, thông qua Mặt trận Việt Minh, việc lấy ý kiến nhân dân cũng được tiến hành khẩn trương nghiêm túc và đúng trình tự. Đồng thời đảm bảo các hoạt động của đại biểu Quốc hội ởđịa phương theo hướng dẫn: “Không còn bao lâu nữa Quốc hội sẽ mở. Các vị đại biểu hãy gấp rút sửa soạn đi dự Quốc hội. Muốn thế, đại biểu tỉnh nào nên mở ngay những cuộc khai hội rộng rãi với đồng bào tỉnh ấy, đặng thảo luận về Hiến pháp và thu thập dân ý, dân nguyện về nhiều vấn đề về Hiến pháp nữa” ([5]) và “Việc sửa soạn Quốc hội không phải là những việc riêng của Quốc hội. Nó phải là việc chung của cả dân tộc. Vậy các đoàn thể các tầng lớp nhân dân hãy cùng các đại biểu mở những cuộc khai hội thảo luận lấy ý kiến chung trao cho các đại biểu mang lên Quốc hội. Các vị đại biểu thu nhận các bản dân nguyện hãy sếp dọn những ý kiến trong đó vào từng vấn đề để cho công việc thảo luận của Quốc hội được mau chóng và hợp lý” ([6]).
Với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự cố gắng của Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội, sự nỗ lực của các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cùng quyết tâm của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước, đến tháng 10/1946 bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã hoàn thành. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn ở Thủ đô Hà Nội, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là thảo luận và thông qua bản Hiến pháp. Trong phiên họp ngày 29/10/1946 Quốc hội biểu quyết bổ sung thêm 10 đại biểu là đại diện cho các nhóm đại biểu trung lập, đại biểu Nam bộ, đại biểu dân tộc thiểu số bổ sung vào Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội. Cũng tại phiên họp này ông Đỗ Đức Dục đã thay mặt Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội thuyết trình toàn bộ “Bản dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Sau đó Quốc hội tiến hành phát biểu bổ sung tranh luận, giải thích, và đã có nhiều vấn đề được tranh luận sôi nổi. Theo hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe với cương vị là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời, đồng thời là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam (Nghị viện nhân dân) kiêm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trao đổi tất cả các nội dung, tranh luận và giải thích tất cả các vấn đề mà các đại biểu nên ra một cách thuyết phục. Cuối cùng tuy vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất nhưng Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới với sự nhất trí gần như tuyệt đối với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu có mặt tại phiên họp này. Đây là một kết quả vô cùng quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I rằng: “Hơn 10 ngày nay các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã hoàn thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp được coi là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản hiến pháp đó chưa phải hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó nói với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu lên một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”([7]).
Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn và súc tích, ngoài lời nói đầu, gồm 7 chương với 70 điều quy định về chính thể, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, cơ cấu của Quốc hội, của Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, Cơ quan tư pháp và việc sửa đổi Hiến pháp được quy định như thế nào? Hiến pháp năm 1946 là kết quả của một quá trình chuẩn bị thử nghiệm qua các hình thức ngay từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) tại Cao Bằng khi mà vấn đề giành chính quyền trở thành nhiệm vụ trực tiếp của cuộc cách mạng. Đặc biệt được thử nghiệm ở giai đoạn tiền khởi nghĩa ở Khu giải phóng, với “10 chính sách Việt Minh” được xem như là “Hiến pháp lâm thời”, “Quốc dân đại hội Tân trào” (16/8/1945) được xem như là “Quốc hội lâm thời” và Ủy ban dân tộc giải phóng được xem như là Chính phủ lâm thời. Sở dĩ Hiến pháp 1946 được ra đời sớm và nhận được sự nhất trí cao, được thông qua nhanh chóng tại Quốc hội chính là nhờ có sự chuẩn bị kỹ, tích lũy kinh nghiệm nhiều và như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nó được làm lên theo một hoàn cảnh thực tế”.
Đất nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, Hiến pháp cũng đã nhiều lần được thay đổi, bổ sung và sắp tới sẽ còn sửa đổi nữa. Nhưng những vấn đề cơ bản của Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, vẫn còn nguyên tính thời sự sâu sắc, ví dụ như: “Bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ” (Lời nói đầu của Hiến pháp 1946) hoặc như “Tất cả quyền bình đẳng trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp (Điều 1- Hiến pháp 1946) hoặc trong Hiến pháp 1946 vấn đề “dân chủ” luôn luôn được coi trọng đặc biệt là quyền lực đại diện thuộc về Quốc hội (Nghị viện nhân dân) và trách nhiệm trước nhân dân thuộc về cơ quan hành pháp (Chính phủ) với nguyên tắc rất sáng tạo đó là “Dân chủ tập trung và quyền lực thống nhất”.
          Đã 65 năm trôi qua, nhưng Hiến pháp 1946 vẫn và sẽ còn nguyên giá trị lịch sử và tính tiến bộ của nó, bởi nó thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền nhân dân, nó giữ vai trò chỉ dẫn các nguyên tắc cơ bản về xây dựng một nhà nước của dân do dân và vì dân. Đồng thời nó còn chứa đựng trong từng câu từng chữ “tư tưởng lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


[1] Văn kiện Đảng. Toàn tập. Tập 8. Nxb CTQG HN.2000. Trg 26 - 27
[2] Hồ Chí Minh toàn tập. T4. Nxb CTQG. HN 1995. Trg 133
[3] Hồ Chí Minh toàn tập. T4. Nxb CTQG. HN 1995. Trg 190 - 191
[4] Hồ Chí Minh toàn tập. T4. Nxb CTQG. HN 1995. Trg 195
[5] Văn kiện Đảng toàn tập. Sđd. Tập 8, Tr.409
[6] Văn kiện Đảng toàn tập. Sđd. Tập 8, Tr.412
[7] Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd.Tập 8. Tr440

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)