slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội Hải Quân Việt Nam

08 Tháng 08 Năm 2020 / 3548 lượt xem

Trần Thu Hà

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam cũng như yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 800km bờ biển và hải đảo miền Bắc (từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17), mặc dù đất nước còn rất nhiều khó khăn nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt ra vấn đề phải xây dựng một lực lượng hải quân chính quy.

Cuối tháng 7/1954, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương tổ chức nghiên cứu đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển. Thực hiện Nghị quyết của Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) để chuẩn bị cho việc thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, ngày 26/04/1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh đã ra Quyết định số 1125/ QP-TTL thành lập Trường Huấn luyện bờ biển (C45) và Xưởng sửa chữa tàu thuyền (X46). Đây là hai cơ sở bảo đảm về kỹ thuật hải quân và đào tạo cán bộ của Cục Phòng thủ bờ biển ra đời sau đó. Tiếp đó, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển với nhiệm vụ là “Cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ biển, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”(2). Đây chính là tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam với quân số ban đầu gồm 141 cán bộ, chiến sĩ, cùng hai đơn vị trực thuộc: Trường Huấn luyện bờ biển (C45) và Xưởng sửa chữa tàu thuyền (X46). Ngày 7-5 đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam - Ngày đánh dấu Quân đội Việt Nam đã có một lực lượng hải quân chính thức bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam trên chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Để lực lượng Hải quân nhanh chóng phát triển theo hướng chính quy, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Cách mạng đề ra, ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân thay cho Cục Phòng thủ bờ biển với chức năng, nhiệm vụ “Là cơ quan giúp Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng và chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý các quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc trong thời bình, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang các địa phương chiến đấu trong thời chiến”(3).

Đến ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1/QP thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ đây, Hải quân chính thức trở thành một Quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt trong việc phòng thủ bảo vệ an ninh trên biển, đảo và thềm lục địa của đất nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng Hải quân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian đến thăm và chỉ đạo công tác xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam. Quân chủng Hải quân đã vinh dự ba lần được đón Bác về thăm.

Hai tháng sau khi Cục Phòng thủ bờ biển chuyển thành Cục Hải quân, ngày 31/3/1959, bộ đội Hải quân vinh dự đón Bác lần đầu về thăm. Người kiểm tra Trường Huấn luyện Hải quân và Xưởng 46, hai “viên gạch” đầu tiên của Hải quân ta. Người căn dặn, nhà trường phải thi đua dạy tốt, học tốt, tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền, thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Tàu 524 của trường đưa Bác đi thăm vịnh Hạ Long. Trên đường đi, Bác đã nói nhiều về việc xây dựng lực lượng hải quân, cũng như công tác giảng dạy của Trường Huấn luyện bờ biển. Người căn dặn: “Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”(4).

Ngày 16/3/1961, bộ đội Hải quân được đón Bác về thăm lần thứ hai. Gặp gỡ các cán bộ và chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”(5)... Khi đi kiểm tra vùng biển Đông Bắc, đến cửa hang Đầu Gỗ, Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”(6). Câu nói ấy đã trở thành phương châm hành động, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Bộ đội Hải quân. Đây không chỉ là tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hải quân nhân dân Việt Nam, khẳng định vị trí vai trò của lực lượng hải quân đối với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc sau này mà còn là định hướng chiến lược, sự khái quát về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.

Ngày 13/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh. Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”(7). Từ sự thấu hiểu những vất vả trong công việc và đời sống các chiến sĩ trên các hải đảo của Tổ quốc, Người đặc biệt quan tâm cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, tinh thần gìn giữ biển, đảo như gìn giữ chính nhà mình. Đồng thời Người vạch hướng xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh của Tổ quốc.

Trong những lần đến thăm, trong những bài phát biểu và những lá thư chứa chan tình cảm gửi tới lực lượng Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải ra sức học tập, tăng cường rèn luyện, nắm vững chiến thuật, kỹ thuật và có phương án chiến đấu để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; chỉ rõ con đường xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam phải là con đường nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Người động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân cố gắng phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, chịu khó tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, giữ vững danh hiệu hàng đầu toàn quân trong phong trào thi đua.

Đặc biệt, ngày 11/8/1965, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ Hải quân chúc mừng và biểu dương thành tích trong xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc”(8). Đồng thời, Người không quên nhắc nhở: “Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”(9).

Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của cán bộ chiến sĩ, sau 9 năm xây dựng trong hòa bình, lực lượng Hải quân Việt nam đã nhanh chóng trưởng thành, lớn mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Điều đó được thể hiện trong trận đầu ra quân ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng với quân và dân miền Bắc chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc ra khỏi vùng biển nước ta, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. Qua đó thể hiện bản lĩnh chiến đấu anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường “Dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự và vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại hơn ta gấp nhiều lần. Chiến công này cũng khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của bộ đội Hải quân, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần không sợ Mỹ, quyết tâm chiến đấu và quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược của quân, dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cổ vũ sức mạnh của toàn Quân chủng tiếp tục đi lên xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành từng bước vững chắc.

Phát huy chiến thắng trận đầu, đối đầu với Hải quân và Không quân Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ các lực lượng của Quân chủng Hải quân Việt Nam đã hiệp đồng chiến đấu trên 700 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn chìm và bị thương hàng chục tàu thuyền của địch, góp phần bảo vệ các khu công nghiệp, các đầu mối giao thông quan trọng, các thành phố của hậu phương lớn miền Bắc. Thực hiện “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, những con tàu “Không số” của Hải quân nhân dân Việt Nam đã xuyên qua bão dông, vượt qua bao cuộc vây ráp của kẻ thù, chuyên chở hàng vạn tấn vũ khí trang bị và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam tạo nên huyền thoại “đường mòn Hồ Chí Minh” trên Biển Đông.

Truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam còn gắn với những trận đánh độc đáo, táo bạo, mưu trí và dũng cảm phi thường của lực lượng đặc công Hải quân ở Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị), cũng như trên khắp chiến trường sông biển miền Nam. Những chiến sĩ đặc công nước đã vùi mình trong cát bỏng, bơi lặn hàng chục ki lô mét như những con cá kình, vượt qua mọi sự canh phòng cẩn mật của địch, bất chấp hiểm nguy để mang những trái mìn nặng hàng trăm ki lô gam, tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng nặng 336 tàu thuyền (trong đó có những con tàu trọng tải năm ngàn tấn) của Mỹ - Ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm suy yếu một phần lực lượng của chúng.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 “Thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ” tiến công giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Sau năm 1975, cùng với việc quản lý, bảo vệ vùng biển rộng lớn của nước Việt Nam thống nhất, theo lời kêu gọi của “Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia”, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng với các đơn vị bạn tiến công giải phóng các căn cứ quan trọng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. 10 năm đứng chân trên đất bạn, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc “hồi sinh” của nhân dân Campuchia.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển. Trước những thử thách của tình hình quốc tế và trong nước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ biển, đảo, cùng toàn quân, toàn dân làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần tăng cường quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Trong 65 năm xây dựng, chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công oanh liệt, có những chiến công như huyền thoại, được coi như những kỳ công chiến lược của Hải quân ta, của quân đội ta, của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Quân chủng đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập, 3 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và 1 Huân chương Lao động; 79 lượt đơn vị và 47 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động, trong đó có một tập thể được phong tặng 3 lần, 7 tập thể được phong tặng 2 lần; hàng trăm lượt tập thể và hàng nghìn lượt cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng. 65 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân bằng máu xương, trí tuệ, mồ hôi, công sức của mình đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 6, tr.214

2.       Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.20

3.       Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.21

4.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 7, tr.202

5.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.36

6.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.36

7.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.241

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.597

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.597

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)