slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách Trung Quốc

27 Tháng 05 Năm 2015 / 22244 lượt xem
Th.s Lường Thị Lan
Phòng STKKTL
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối tình cảm hết sức đặc biệt đối với cách mạng Trung Quốc, Người tham gia sôi nổi vào phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc và tạo dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè, đồng chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Những đồng chí đó có người từng là bạn chiến đấu với Người từ lúc còn rất trẻ, cùng hoạt động trong cách mạng quốc tế đến khi trở thành những nguyên thủ quốc gia, tình bạn ấy càng được gắn bó mật thiết, cùng trợ giúp nhau trên con đường đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của mỗi dân tộc.
Ngày 18/1/1950, Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu thời kỳ chính thức đặt mối quan hệ ngoại giao cấp nhà nước. Cũng chính sự kiện này đã góp phần thúc đẩy hàng loạt các nước tiến bộ khác trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà quan trọng nhất là anh cả Liên Xô trong phe các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trao đổi thư, điện với các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc. Từ năm 1954 đến năm 1969, Người đã nhiều lần sang thăm Trung Quốc không chỉ theo nghi lễ ngoại giao mà còn dưới danh nghĩa là “đi nghỉ” để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong những chuyến thăm đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Hai người thường trao đổi với nhau về tình hình cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc cũng như phong trào cộng sản quốc tế. Trao đổi với Mao Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ, viện trợ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Mao Trạch Đông coi đó là “một chút ít nghĩa vụ của hậu phương”(3).
 Nhằm có được sự ủng hộ cao nhất về mặt vật chất lẫn tinh thần của cả Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bằng tài ngoại giao khôn khéo, linh hoạt và tình cảm chân thành trong mối quan hệ ngoại giao với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất khéo léo trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô khi hai nước này đang mâu thuẫn gay gắt với nhau. Bên cạnh đó Hồ Chí Minh cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm riêng của mình khi năm 1960, ở Trung Quốc diễn Cách mạng văn hóa, Người đã thực hiện chủ trương “cách mạng văn hóa là vấn đề nội bộ Trung Quốc”. Không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối, nhưng khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông gợi ý thực hiện cách mạng văn hóa ở Việt Nam, Người đã tế nhị, khéo léo từ chối: “Việt Nam trước mắt không thể làm đại cách mạng văn hoá, chúng tôi còn làm đại cách mạng võ hoá đã”. Mao Chủ tịch tán thành: “Đúng vậy, Việt Nam không thể làm đại cách mạng văn hoá được”(4). Trên cương vị Chủ tịch hai đảng, hai nước xã hội chủ nghĩa anh em Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ mối quan hệ mật thiết, tôn trọng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn thăm hỏi, gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc như: Lưu Thiếu Kỳ, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Phó Thủ tướng Trần Nghị, đồng chí Lý Phú Xuân… Thậm chí giữa Người và những người bạn chính khách còn thường xuyên viết những bài thơ thể hiện tình cảm chân thành, nồng hậu tặng nhau.
Một người phụ nữ, một chiến sĩ quốc tế cộng sản, người có nhiều hoạt động, cống hiến quan trọng cho cách mạng Trung Quốc, từng giữ chức Phó chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng là người bạn, người đồng chí thân thiết với Hồ Chí Minh, đó là Tống Khánh Linh. Người và Tống Khánh Linh đã quen biết nhau tại Pháp từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX. Tháng 6/1931, khi Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động bí mật tại Hồng Kông thì bị mật thám Anh bắt. Sau gần 20 tháng bị gian cầm, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trong Đảng, sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ và sự giúp đỡ nhiệt tình của luật sư Loseby, Người được thả tự do và bí mật rời Hồng Kông sang Thượng Hải. Lúc này Người muốn bắt liên lạc lại với các tổ chức Đảng, các đồng chí trong Quốc tế cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã viết một bức thư gửi cho Pôn Vayăng Cutuyriê. Nhưng tình hình cách mạng ở Trung Quốc lúc này đang rất phức tạp Nguyễn Ái Quốc phải nhờ bà Tống Khánh Linh chuyển lá thư cho đồng chí Pôn. Nhờ vậy Người đã bắt liên lạc được với Quốc tế cộng sản và các tổ chức Đảng, ít lâu sau đó Người đã bí mật rời khỏi Thượng Hải trở lại Liên Xô. Như vậy nhờ có sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh mà Nguyễn Ái Quốc mới chắp nối lại được với tổ chức và vượt qua được một giai đoạn vô cùng hiểm nghèo trong cuộc đời hoạt động của mình. Sau này trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gặp lại bà Tống Khánh Linh, giữa hai người đã có một tình cảm bằng hữu rất thân thiết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có quan hệ mật thiết với nhiều nhà cách mạng Trung Quốc trong đó phải kể đến bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Quảng Đông, Người đã có thời gian hoạt động cùng với bà. Sau này, bà từng là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc, tình bạn giữa bà Đặng Dĩnh Siêu và Hồ Chí Minh ngày càng thân thiết. Chính bà Đặng Dĩnh Siêu đã tự tay dệt cho Người một chiếc áo len mà Người đã mặc cho tới khi bạc cũ. Trong những dịp sống gần Hồ Chí Minh, vợ chồng đồng bà thường mang những món ăn Trung Quốc mà Người ưa thích tới biếu.
Ngày 2/3/1961, với tư cách là Chủ tịch hội phụ nữ Trung Quốc, bà Đặng Dĩnh Siêu dẫn đầu Đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm Việt Nam và dự Đại hội lần thứ 3 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Nhân dịp này, bà đã đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 11/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời bà Đặng Dĩnh Siêu đến thăm nhà sàn, ao cá của Người trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch sau đó thăm Khu căn cứ của Trung ương ở Đá Chông, Ba Vì, Sơn Tây. Tại Đá Chông Người đã đưa Đoàn đi thăm rừng thông và toàn cảnh khu vực này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng bà Đặng Dĩnh Siêu trồng cây lưu niệm trong khu vườn trước nhà nghỉ. Ngày 14/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bà Đặng Dĩnh Siêu tới thăm trường Trung học Trung Hoa và bà con Hoa kiều đang làm ăn sinh sống tại Hà Nội. Nói chuyện với giáo viên, học sinh của trường, Người đã kể lại cho thầy trò nhà trường nghe về tình bạn giữa Người với Thủ tướng Chu Ân Lai và bà Đặng Dĩnh Siêu hơn 30 năm về trước, nhắc lại những kỷ niệm hồi Người ở Quảng Đông, thời kỳ Đại cách mạng vẫn thường lui tới thăm gia đình hai người. Nhân dịp này, bà Đặng Dĩnh Siêu đã tặng trường bức tranh dệt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Cũng tại Thủ đô Hà Nội, bà Đặng Dĩnh Siêu đã đến thăm Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thăm và nói chuyện với giáo viên và học sinh Trường Phổ thông cấp II, III Trưng Vương; thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Làng Đồng Nhân, Hà Nội… Sau đó Người cùng bà Đặng Dĩnh Siêu đi thăm nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng - lá cờ đầu trong phong trào thi đua ngành công nghiệp toàn miền Bắc; thăm Vịnh Hạ Long và một đơn vị Hải quân Việt Nam đóng tại Quảng Ninh…
Đến mùa thu năm 1968, Hồ Chủ tịch xem điện báo nước ngoài có đăng tin Đặng Dĩnh Siêu đã từ trần, nhưng lại chưa thấy báo chí hay đài phát thanh của Trung Quốc đưa tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm thấy rất buồn và khó xử. Nếu như Đặng Dĩnh Siêu đã từ trần, Người nhất định sẽ gửi điện chia buồn, song nếu chưa từ trần, mà gửi điện chia buồn thì sẽ tạo thành hiểu lầm rất lớn. Nên Người nhờ Đại sứ quán Trung Quốc giúp đỡ tìm hiểu tình hình sự việc. Mấy ngày sau, Đại sứ quán nhận được điện trả lời của bà Đặng Dĩnh Siêu. Bà Đặng Dĩnh Siêu đã rất xúc động khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc của nước nhà mà vẫn dành thời gian quan tâm đến mình, trong bức điện bà viết: “Bác Hồ kính yêu, tôi còn sống. Hơn nữa, thân thể còn khoẻ hơn thời kỳ trước, vẫn còn có thể làm được những công tác mà sức khoẻ cho phép”(5). Khi biết được tình hình sức khỏe của bà Đặng Dĩnh Siêu Người mới thấy yên tâm.
So với nhiều nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc, tình bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Chu Ân Lai càng sâu đậm và rất đặc biệt. Chu Ân Lai kém Hồ Chí Minh 8 tuổi, được gặp Người lần đầu tiên ở ga xe điện ngầm Paris vào đầu năm 1922 và sau đó tại ngõ hẻm Côngpoanh. Sau này khi nhắc những kỷ niệm của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này, ông nói: “Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt tôi trong những bước đầu tiên tham gia công tác cách mạng. Người đã giới thiệt một số đồng chí chúng tôi vào Đảng Cộng sản Pháp. Lúc đó Người sống rất thanh đạm, giản dị, nhưng sự hiểu biết của Người rộng lớn, sự hoạt động của Người thật phong phú. Người biết nhiều tiếng nước ngoài. Đạo đức, trí tuệ của Người như thanh nam châm, cuốn hút, hấp dẫn chúng tôi, những thanh niên mới bước vào con đường cách mạng”(6). Đến giai đoạn 1924-1927, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai lại có dịp hoạt động bên nhau tại Quảng Châu, trong thời kỳ cao trào cách mạng Trung Quốc. Lúc này Chu Ân Lai được cử làm Chủ nhiệm Ban Chính trị Trường Quân sự Hoàng Phố, Chủ nhiệm Ban Chính trị Quân đoàn 1 Quân cách mạng quốc dân. Người và Chu Ân Lai thường gặp nhau trao đổi về những vấn đề chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc, về phong trào nông dân, về việc đào tạo cán bộ,... Người thường tới thăm và nói chuyện với Trường quân sự Hoàng Phố theo lời mời của Chu Ân Lai. Và ngược lại, Chu Ân Lai cũng thường cử giáo quan của Trường tới số nhà 131 phố Văn Minh, Quảng Châu để giúp Người giảng bài cho cán bộ cách mạng Việt Nam.
Ngày 29/9/1938, Nguyễn Ái Quốc rời Matxcơva trở lại Trung Quốc để tìm đường trở về Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng và Người lại được gặp Chu Ân Lai lúc này đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc phân công là Bí thư Cục miền Nam và làm công tác Mặt trận thống nhất trong vùng Quốc dân Đảng nắm quyền.
Tháng 8/1942, với tên mới là Hồ Chí Minh, Người đã rời chiến khi Cao Bằng, sang Trung Quốc bắt liên lạc với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhưng bị Quốc dân Đảng bắt giữ. Khi được biết tin này Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã điện báo cho Chu Ân Lai đang ở Trùng Khánh tìm cách cứu Hồ Chí Minh. Vì vậy khi nhận được điện từ Diên An, Chu Ân Lai lúc này dù đang bệnh nặng, nhưng vẫn cố gắng liên hệ với một số tướng lĩnh Quốc dân đảng yêu nước, tìm cách cứu Hồ Chí Minh. Cuối cùng sau nhiều nỗ lực của các đồng chí, bạn bè Trung Quốc thân thiết của Người, ngày 10/9/1943 Hồ Chí Minh được thả tự do.
Sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Chu Ân Lai được cử làm Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông đã sang thăm Việt Nam nhiều lần và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp hết sức trọng thể và thân tình, tình cảm giữa hai nhà lãnh đạo vẫn thắm thiết như thủa ban đầu.
Đến năm 1954, tại Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề kết thúc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam, trước sự bế tắc khi các bên không tìm được tiếng nói chung ngày 3/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Liễu Châu gặp Chu Ân Lai bàn về các vấn đề: phân vùng, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề Lào và Campuchia... Cuối cùng các vấn đề bế tắc cũng được khơi thông, Hội nghị đã đi đến thống nhất chung giữa các bên và buộc Chính phủ Pháp phải công nhận nền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời giải quyết các vấn đề chung của ba nước Đông Dương.
Ngày 8/11/1956, Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm chính thức hữu nghị Việt Nam. 3 giờ chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai và đoàn. Tối ngày 21/11/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc thiết đãi Chu Ân Lai. Giữa bữa tiệc, Người phát biểu diễn văn dạt dào tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Người nói rằng: “Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam lần này, mang theo tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân Trung Quốc, tôi cảm thấy hết sức phấn khởi”. “Ba mươi mấy năm qua, do có Đảng cộng sản Trung Quốc, nên mối quan hệ láng giếng thân thiện có sẵn từ xưa đến nay giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc càng thêm thân mật. Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết, chân tình với đồng Chu Ân Lai “Với tôi, đồng chí Chu Ân Lai là người anh em của tôi. Chúng tôi đã từng cùng nhau đồng cam cộng khổ, cùng nhau làm công tác cách mạng. Anh ấy là người bạn chiến đấu thân mật của tôi trên ba mươi năm qua!”. Trước những tình cảm chân thành Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho mình, Thủ tướng Chu Ân Lai đã rất xúc động rằng: “…Ba mươi tư năm trước…khi ấy, anh đã là một người Mác-xít thành thục, mà tôi khi ấy mới vừa tham gia Đảng Cộng sản. Anh ấy là lão đại ca của tôi!”. Và “Hơn ba mươi năm qua, qua sự từng trải của Hồ Chủ tịch, tôi đã nhận thấy con đường mà nhân dân Việt Nam đi qua, thấy tõ tinh thần phấn đấu trường kỳ của nhân dân Việt Nam. Từ khi tôi được quen biết với Hồ Chủ tịch cho đến nay đã ba mươi mấy năm rồi, nếp sống của Hồ Chủ tịch vẫn luôn giản dị, hình dáng, tinh thần và nếp sống của Hồ Chủ tịch cũng không bao giờ thay đổi”(7).
Trong một cuộc gặp mặt với các đồng chí lãnh đạo nước ta, Chu Ân Lai đã kể lại một tình tiết khá thú vị đó là sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người đứng đầu Chính phủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng Hồ Chí Minh là ai? Chính Chu Ân Lai cũng chưa biết đích xác. Phải tới tháng 10 năm 1945 sau khi Hà Ứng Khâm, Tổng Tư lệnh lục quân Trung Quốc đi giải giáp quân đội Nhật tại Hà Nội trở về Trùng Khánh nói với Chu Ân Lai rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, năm 1924 từng làm trong văn phòng Bôrôđin, khi đó là cố vấn cho Tôn Trung Sơn. Ít lâu sau, mấy đồng chí đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc từ Hà Nội trở về Trùng Khánh có mang theo một số tư liệu về cách mạng tháng Tám. Khi Chu Ân Lai nhìn thấy tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông vô cùng ngạc nhiên, bất giác kêu lên: “Đây chính là Nguyễn Ái Quốc!”(8).
Từ năm 1965 về sau, tình hình sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tốt. Thủ tướng Chu Ân Lai rất lo lắng và quan tâm đến bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã trực tiếp lựa chọn những chuyên gia có trình độ cao nhất Trung Quốc thành lập Tổ điều trị, đến Hà Nội chữa bệnh cho Người.
Ngày 2/9/1969 ngay khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Thủ tướng Chu Ân Lai vô cùng đau thương, ngày 4/9, ông và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh cùng đến Hà Nội, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng chuyến đi viếng trước này của Thủ tướng Chu Ân Lai và đoàn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, v.v… đã trực tiếp ra tận sân bay đón. Khi ấy, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được giao cho chuyên gia Liên Xô để tiến hành xử lý y học, rất khó để trực tiếp viếng Người. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta xét thấy tình bạn sâu đậm của Thủ tướng Chu Ân Lai với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã cố gắng sắp xếp, bố trí cho Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí trong Đoàn đến chào từ biệt Người.
 Trước linh cữu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chu Ân Lai đã xúc động nói: “…Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những hình ảnh phi thường, hình ảnh toát lên một niềm cổ vũ, tập hợp được một đội ngũ chọn lọc, hình ảnh một con người vĩ đại, nhưng sống rất giản dị, hình ảnh một nhà lãnh đạo với phong thái đàng hoàng trong bất cứ tình huống nào, dù ở trong rừng rậm hay trong các dinh thự Nhà nước, trong đàm phán hay trong chiến tranh, hình ảnh của một lãnh tụ trước hết là đầy tớ của nhân dân. Cuộc đời ấy, tấm lòng ấy khác nào biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay…”
Và khẳng định: “Công ơn của Người đối với Tổ quốc chúng tôi cũng to lớn và vô cùng hiển hách…”(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và cũng là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, Người đã dày công xây dựng và vun đắp mối tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em giữa nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ mối quan hệ thân thiết, chân tình với các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc. Truyền thống đáng quý này đang được đảng và nhân dân hai nước tiếp tục giữ gìn, kế thừa, phát huy theo phương châm: Láng giềng hữu nghị- hợp tác toàn diện- ổn định lâu dài- hướng tới tương lai và hai nước luôn luôn là: Láng giềng tốt- bạn bè tốt- đồng chí tốt- hợp tác tốt, cùng nhau mang lại hoà bình, hạnh phúc, thịnh vượng cho nhân dân hai nước Việt - Trung.
 
Chú thích:
(1). Võ Nguyên Giáp – Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, H.2011, tr.1114.
(2). Theo Văn Trang trong "Nhớ Hồ Chí Minh" - Nhà xuất bản Hồng Kông 2009, tr144
(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2012, tr85
(5). Theo “Đại Công báo”, Trung Quốc, ngày 6/4/2011
(4) (6) (8) (9). Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, năm 2008, tr204, tr214, tr220.
 (7). Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb Thông Tấn 2007.  

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)