slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thủy lợi

21 Tháng 05 Năm 2021 / 1579 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển nông nghiệp luôn có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và đời sống, thu nhập của người nông dân. Người luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là công tác thủy lợi nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc ngày 14/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh:

"Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh..."

Ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc phục hồi và phát triển nền nông nghiệp nước nhà, trong đó có vấn đề quan trọng là công tác thủy lợi. Ngày 29/2/1948, Người chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn và ra nghị quyết một số việc, trong đó có việc thủy nông: sửa chữa và vét máng nước, làm thêm đê đập và máng nước cho tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, tiếp tục đặt bơm nước ở Đô Lương, nghiên cứu và đặt ống nước bằng nứa ở Việt Bắc để làm vụ chiêm 1948. Đến ngày 13/4/1948, Người chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng có bàn đến công tác thủy lợi và việc chi phí cho công tác này. Ngày 31/2/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thành lập Hội đồng thủy nông để giúp vào việc đê điều và các công tác thủy nông. Tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ. Về Bộ Giao thông công chính, sau khi nghe ông Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ báo cáo về mưu mô của địch phá hoại các công trình thủy lợi của ta, Hội đồng Chính phủ quyết định: 1) Bộ Giao thông công chính nghiên cứu và chuẩn bị sửa chữa ngay các công trình thủy lợi khi bị địch phá hoại. 2) Chính quyền địa phương phải bố trí canh gác trên các công trình thủy lợi. Ngày 17/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ. Ngoài các vấn đề lớn, Hội đồng còn nghe ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính báo cáo về tình hình thủy nông. Sau đó Chính phủ thông qua phương hướng canh tác và phát triển tiểu thủy nông để đảm bảo sản xuất ở những vùng bị địch phá hoại công trình thủy nông và có kế hoạch chống hạn hán nói chung. Cuối tháng 5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nghe báo cáo của Bộ Thủy lợi về tình hình mùa màng, đê điều. Người chỉ thị cho các địa phương phấn đấu hoàn thành nhanh gọn việc thu hoạch vụ chiêm, chú trọng bảo vệ các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão. Ngày 11/12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về công tác thủy lợi và ý kiến của đoàn chuyên gia Trung Quốc do bà Tiền Chính Anh (Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc) dẫn đầu. Theo ý kiến của đoàn chuyên gia Trung Quốc, trong điều kiện của Việt Nam nên phát triển thủy lợi theo phương châm ba chính: Giữ nước là chính, thủy lợi nhỏ là chính, dân làm là chính. Ngày 5/9/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác tổ chức của Đảng, Chính phủ và công tác thủy lợi. Về thủy lợi, Người lưu ý phải chuẩn bị tốt một kế hoạch lâu dài tu bổ đê điều tránh “nước đến chân mới nhảy”, không nên lý luận suông, phải chú trọng ý kiến của quần chúng và phải có kế hoạch cho từng năm. Tháng 12/1958, trong cuộc họp với Bộ Chính trị bàn về công tác thủy lợi và kế hoạch thủy lợi ba năm tới, Người đề nghị Ban Bí thư xem xét lại một lần nữa Nghị quyết trước khi Bộ Chính trị thông qua và nhắc nhở “chú ý kiện toàn tổ chức để làm tốt, khỏi lãng phí”...

Trong bộn bề công việc lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian thăm các địa phương làm tốt công tác thủy lợi, hoặc nơi đang xây dựng các công trình thủy lợi tiêu biểu, dự các hội nghị về công tác thủy lợi nhằm kịp thời chỉ đạo, động viên nhân dân ta trong công tác thủy lợi, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Ngày 14/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tổ chức tại Bắc Ninh. Nói chuyện với Hội nghị, Người phân tích về nhiệm vụ của công tác thủy lợi và nhấn mạnh: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”. Không những vậy Người còn thẳng thắn nhắc nhở, phê bình đối với những khuyết điểm của cán bộ trong công tác thủy lợi. Tới thăm Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi toàn miền Bắc ngày 10/1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ khuyết điểm lớn nhất của cán bộ thủy lợi trong mấy năm qua là “thiếu chí khí làm chủ nước nhà, thiếu tinh thần trách nhiệm”, do đó đã làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của nhân dân. Người yêu cầu: “Cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, tất cả mọi việc đều lấy chính trị làm đầu. Cần thực hiện đúng phương châm của Đảng và Chính phủ: giữ nước là chính, thủy lợi hạng nhỏ là chính và nhân dân tự làm là chính”. “Cán bộ hãy cùng nhân dân “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, quyết tâm đảm bảo có đủ nước cho vụ Đông - Xuân”(2). Vì vậy Người chỉ rõ muốn làm tốt công tác thủy lợi thì “... các cấp ủy, các cán bộ chuyên môn phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”(3). Người còn hứa sẽ tặng chiếc máy cày của Đoàn Thanh niên cộng sản Liên Xô biếu Người cho đơn vị nào làm tốt cả hai vụ chiêm và mùa. Ngày 5/11/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị phát động phong trào làm thủy lợi toàn quốc hai năm 1964¬1965. Người khen ngợi một số địa phương đã làm tốt công tác thủy lợi như Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Sơn Tây, và nhắc nhở vẫn còn nhiều tỉnh làm chưa tốt. Sau khi phân tích tầm quan trọng của công tác thủy lợi đối với nông nghiệp và những bài học kinh nghiệm, Người chỉ thị: “Cán bộ từ trên xuống dưới cần thấm nhuần ý nghĩa quan trọng của cuộc vận động này, thấy rõ quyết tâm của Trung ương, tổ chức cho tốt và giải thích cho nhân dân hiểu rõ về cuộc vận động, thì nhất định sẽ làm tốt, và sản xuất nông nghiệp nhất định sẽ được đẩy mạnh”(4).

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp đi đến các địa phương thăm các công trình thủy lợi, động viên bà con nông dân có thành tích tốt trong công tác thủy lợi. Đầu năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Máng số 7, một công trình thủy lợi lớn của tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Người đã tới thăm và kiểm tra trực tiếp nhiều khâu công việc. Nói chuyện với gần 2.000 cán bộ và dân công trên công trường, Người nói: “Ta có ruộng, phải biến ruộng đó thành thóc gạo. Muốn có thóc gạo phải cấy lúa, muốn lúa tốt phải có đủ nước, nhiều phân, giống tốt. Vì vậy, ta phải làm thủy lợi, phải cố gắng để chủ động trong tưới tiêu”(5). Ngày 1/9/1958, trên đường đi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ghé thăm công trình thủy lợi Máng số 7. 9 giờ, Người đến xem đoạn mương cống Hàm Rồng bên tuyến đường quốc lộ số 6 thuộc thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ (nay thuộc Hà Nội). Nói chuyện với cán bộ, dân công trên công trường, Người khen công trường có nhiều cố gắng và căn dặn phải hoàn thành tốt công trình để sớm đưa nước về chống hạn. Tại công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, mặc dù trời mưa nặng hạt, đường lầy lội, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đến thăm anh chị em dân công đang đào kênh dẫn phía ngoài cống Xuân Quan. Nói chuyện với khoảng ba vạn dân công, công nhân, cán bộ trên công trường qua loa phóng thanh, Người nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến quyết thắng. Các đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công nhân, cán bộ phải làm gương mẫu. Phải cố gắng làm thế nào đảm bảo có đủ nước cho vụ chiêm sắp tới được thắng lợi, đem lại no ấm cho đồng bào”. Ngày 15/12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Thụy Phương ở ngoại thành Hà Nội. Người đi xem cống Liên Mạc và đến tận nơi thăm anh em bộ đội, dân công đang đào kênh dẫn nước vào sông Nhuệ. Người căn dặn mọi người phải thi đua với nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hợp tác xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang và xã Nam Chính, huyện Nam Sách, Hải Dương. Tại hợp tác xã Hồng Thái, lá cờ đầu trong phong trào thủy lợi toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với hơn 3.000 cán bộ, nhân dân và bộ đội tỉnh Hải Dương. Người nhắc nhở, Hải Dương là một trong những trọng điểm lúa ở miền Bắc, phải phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc để cải thiện đời sống nhân dân, cung cấp nhiều lương thực và thực phẩm cho Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Cũng trong chuyến thăm này, Người đã đạp guồng nước với một cán bộ địa phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có rất nhiều bài viết về công tác thủy lợi, đúc rút kinh nghiệm trong công tác thủy lợi để nhân dân ta có thêm những kiến thức, bài học bổ ích. Ngày 30/6/1958, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kinh nghiệm huyện Lai Pin”, ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân dân, số 1570, giới thiệu phong trào làm thủy lợi của huyện Lai Pin (tức Lai Tân, thuộc Quảng Tây, Trung Quốc) và rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân dân ta vận dụng. Ngày 3/7/1963, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm thật nhiều thủy nông nhỏ mới thật sự chống được hạn”, ký bút danh Trần Lực, đăng Báo Nhân dân, số 1573, dẫn lại những kinh nghiệm làm công tác thủy lợi có hiệu quả của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) và kết quả của công tác phát triển tiểu thủy nông và tăng gia sản xuất của một số tỉnh như Giang Tây, Thiên Tân, Quảng Đông. Ngày 13/01/1963, bài viết “Cần phải cải tiến mạnh công tác thủy lợi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân số 3215, nêu tầm quan trọng của công tác thủy lợi đối với việc phát triển nông nghiệp và khen ngợi những kinh nghiệm tốt của tỉnh Nghệ An khi thành lập các đội thủy lợi chuyên. Ngày 26/11/1963, bài viết “Cần phải tổ chức ngay đội thủy lợi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3529, yêu cầu các cấp ủy Đảng phải thành lập ngay ở các hợp tác xã các đội chuyên trách làm công tác thủy lợi, vì “có đội chuyên trách, thì thủy lợi làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Rõ ràng là vừa lợi cho Nhà nước, vừa lợi cho hợp tác xã, lợi cho các xã viên và lợi cho các đội viên”(6). Bài viết “Tổ chức tốt hơn nữa các đội thủy lợi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 3642. Bài báo biểu dương những địa phương đã làm tốt và phê phán một số địa phương còn thiếu sót trong việc xây dựng các đội thủy lợi chuyên trách và nêu rõ: “Đội chuyên làm thủy lợi có tác dụng quyết định đối với phong trào hai năm làm thủy lợi. Nó là đội quân chủ lực để thực hiện kế hoạch xây dựng thủy lợi vô cùng to lớn của chúng ta. Các cấp ủy Đảng và các hợp tác xã cần phải vượt mọi khó khăn và thành lập cho tốt và cho kịp thời. Muốn vậy, lãnh đạo phải đi sát quần chúng; cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải xung phong gương mẫu”(7).

Không chỉ viết báo nêu gương điển hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cờ, huy chương, huy hiệu Bác Hồ... để kịp thời động viên, biểu dương những thành tích của nhân dân ta trong công tác thủy lợi. Ngày 22/4/1955, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam vinh dự được nhận “Cờ Luân chuyển” của Bác Hồ về thành tích dẫn đầu các địa phương trong phong trào thi đua làm thủy lợi, đắp đê, phòng chống lụt bão. Tiếp đó, ngày 14/1/1958, lần thứ hai Bác về thăm Đảng bộ, nhân dân Hà Nam và dự hội nghị sơ kết công tác chống hạn, Người dành thời gian trực tiếp xuống động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân đang lao động tại công trường đắp đập Cát Tường, An Mỹ, Bình Lục, Hà Nam. Nhân dịp này, Bác đã trực tiếp trao cờ thi đua “Đơn vị chống hạn khá nhất” cho huyện Bình Lục và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân xuất sắc trong phong trào chống hạn tỉnh Hà Nam. Ngày 19/11/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 102 - LCT, thưởng bốn Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân, cán bộ và các lực lượng vũ trang các tỉnh Nghệ An, Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), Hà Tây và Thái Bình đã có nhiều thành tích phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi năm 1966. Tháng 2/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua luân lưu làm thủy lợi khá nhất cho tỉnh Nam Hà và Lạng Sơn. Ngày 05/4/1967, Người đã ký Lệnh số 30-LCT thưởng bốn Huân chương Lao động hạng Ba cho: Nhân dân và cán bộ huyện Tràng Định; Nhân dân và cán bộ xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn; Nhân dân và cán bộ xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng; Xã viên và cán bộ Hợp tác xã Chè Lân, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào làm thủy lợi năm 1966. Tháng 7/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng luân lưu cho tỉnh Tuyên Quang, đơn vị làm công tác thủy lợi khá nhất trong sáu tháng đầu năm 1967 của Bộ Thủy lợi....

Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng rất nhiều Huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi của cả nước, điển hình như: năm 1961, Phạm Thị Vách, Hưng Yên có thành tích dẫn đầu phong trào làm thủy lợi của tỉnh Hưng Yên và toàn miền Bắc, có 10 lượt đi dân công làm thủy lợi với 110 công đào đắp được 466m2 và 400m2 đất thủy lợi; Nguyễn Văn Sôi, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, tuổi già nhưng chí không già, vẫn hăng hái trong công việc đạt danh hiệu kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi và kiện tướng trồng cây; Voòng Tắc Chăn, xã Cô Tô, đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh), vừa là xã đội trưởng, dân quân tiên tiến vừa là chiến sĩ thi đua trong phong trào làm thủy lợi, nông nghiệp; Voòng Tắc Chăn, xã Cô Tô, đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) đã có thành tích vừa là xã đội trưởng, dân quân tiên tiến vừa là chiến sĩ thi đua trong phong trào làm thủy lợi, nông nghiệp; Trần Văn Ban, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, 27 tuổi, thương binh, vẫn tích cực lao động, cải tiến công cụ, làm được 159 m3 đất đạt kiện tướng thủy lợi...

Năm 1962, Nguyễn Thị Khoan, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nêu cao tinh thần thanh niên xung phong gương mẫu trong mọi việc của hợp tác xã, đạt danh hiệu kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi, đào đắp 180 thước khối đất, làm được 7 tấn phân đạt danh hiệu kiện tướng làm phân; Phạm Thị Diễn, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, một cô gái đảm đang nhất làng, đạt danh hiệu chiến sĩ dân quân tiên tiến hai năm liền, làm được 280 ngày công, 110m khối thủy lợi, khai hoang được 3 sào 5 thước, đạt danh hiệu gái “đại phong” được cấp trên tặng bằng khen; Tuyết Minh, Hợp tác xã Phù Dực, Hà Nội, luôn xung phong gương mẫu trong mọi việc của hợp tác xã và của đoàn, đã làm được 92 thước khối thủy lợi, giành kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi; Phạm Ngọc Nga, Hợp tác xã Bình Hoà, xã Yên Lạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một cán bộ thanh niên xuất sắc, kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi, cải tiến đào đắp để nâng cao năng suất, năm 1962 một mình đào đắp được 615 thước khối, hai năm liền là chiến sĩ thi của hợp tác xã; Thào A Lình, thôn Lù Láo Chải, xã Lao Chải, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, 26 tuổi, Bí thư Đoàn thanh niên, kiện tướng làm phân và lãnh đạo thanh niên sản xuất làm thủy lợi giỏi; Phạm Văn Thi, xã Chiến Thắng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, 12 tuổi, một mình đắp bờ cứu được 30 mẫu ruộng khỏi bị ngập úng; Anh Khê, Hợp tác xã thôn Cự Xá, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, có 5 con nhỏ nhưng vẫn tích cực sản xuất, ba năm liền được bầu là kiện tướng làm được 7000 cân phân, nuôi trâu bò giỏi, thủy lợi khá, lại quý trọng tài sản của hợp tác xã, được bầu là chiến sĩ thi đua năm 1962; Nguyễn Thị Chăm, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, học hết lớp 7 trường cấp II Hòa Bình, nhưng tự nguyện xin trở về sản xuất, lao động giỏi, làm 120m thủy lợi, là 1 trong 10 bông hoa của phong trào thanh niên Ân Thi; Phan Thị Vóc, xã Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Trung đội trưởng dân quân, có nhiều cải tiến trong lao động, tăng năng suất, được tặng danh hiệu kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi, làm phân, gặt cấy, nhổ mạ...Nguyễn Văn Liệu, Hợp tác xã nông nghiệp Trại Sen, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, lập kỷ lục kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi toàn miền Bắc, với 447 ngày công, đạt mức 711 m3 đất, lãnh đạo đội đạt nhiều thành tích, nâng cao thu nhập đội viên.

Năm 1963 Lê Đình Thịnh, xã Đông Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã tích cực làm thủy lợi, cải tiến công cụ lao động, đã làm được 374 m3 đất thủy lợi, 370 công sản xuất và cùng 4 bạn thanh niên ươm được 14 tấn bèo hoa dâu.

Năm 1964, Tống Thị Phượng, Hợp tác xã Vệ Tinh, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, 20 tuổi, là kiều bào Thái Lan về nước có nhiều thành tích trong công tác thủy lợi. Trong năm đã làm được 600 thước khối đất, đạt 2500 điểm, cao nhất của đội thủy lợi Vệ Tinh.

Năm 1966, Nguyễn Thị Đáng, Đội thủy lợi Thôn An Bảo, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng, lãnh đạo tốt đội thủy lợi hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Năm 1967, Vàng Già Lẻng, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, 46 tuổi, luôn tận tụy với công việc và được đồng bào dân tộc yêu mến, vận động bà con làm thủy lợi, làm phân bón khiến năng suất lao động tăng cao. Lầu Thị Súa, xã Pú Đao, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu, 54 tuổi, tận tụy trong công tác, gương mẫu trong sản xuất, tích cực vận động chị em trong xã tham gia đào mương, làm thủy lợi cho Hợp tác xã. Nguyễn Triễn (cụ Sen), Hợp tác xã Quang Sơn, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tuy 67 tuổi nhưng đã lập thành tích đào đắp 333m3 đất làm thủy lợi, tăng gấp đôi so với mức bình quân mỗi lao động trong IITX...

Phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác thủy lợi nhiều năm qua, góp phần quan trọng vào thành công của sản xuất nông nghiệp nước nhà, ngành Thủy lợi luôn nỗ lực phấn đấu hết sức mình để làm tốt vai trò của mình theo lời dạy của Chủ tịch Iồ Chí Minh. Với bộ áo nâu sẫm màu, mái tóc bạc phơ, chân đi đôi dép cao su, giản dị và gần gũi, Người đã đi đến nhiều địa phương thăm, kiểm tra các công trình thủy lợi. Người xắn quần lội ruộng cùng tát nước, cùng đạp guồng nước chống hạn, chống úng, xuống sát chân đê ân cần thăm hỏi và hướng dẫn bà con đắp đê chống lũ lụt. Tại các Iội nghị về thủy nông, Người không dùng diễn văn, không đọc những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Đây là những hình ảnh quý, hết sức bình dị song chứa đựng sự quan tâm của một vị lãnh tụ đối với công tác thủy lợi và vấn đề dân sinh: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội...”. Mỗi lời nói, hành động của Người đã trở thành những bài học sinh động, quý báu đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, đối với cán bộ ngành thủy lợi nói riêng để cùng nhau đoàn kết xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững, xứng đáng vị trí quan trọng then chốt của nền kinh tế nước nhà.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tập 9, tr.506.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Ià Nội, 2011, tập 12, tr.13-14.

3.            Báo Nhân dân, số 2182, ngày 9/3/1960.

4.            Báo Nhân Dân, số 3509 và 3510, ngày 6 và ngày 7/11/1963.

5.            Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Ià Sơn Bình: Bác Hồ với cán bộ, nhân dân các dân tộc Hà ơn Bình, 1980, tr.149.

6.            Báo Nhân Dân, số 3529, ngày 26/11/1963.

7.            Báo Nhân dân, số 3642, ngày 19/3/1964.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)