slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cụ Nguyễn Văn Tố

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3593 lượt xem
ThS. Văn Thị Thanh Hương
 Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
 
           Ứng hoè Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889, trong một gia đình nhà nho ở làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là số 78, phố Bát Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là một trí thức Nho học và Tây học. Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn, ông về làm việc tại Học viện Viễn đông Bác Cổ (Ecole F rancai se d’ Ê xtrême-O rient - E. F. E. O), cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hoá của người Pháp ở số 26, phố Lý Thường kiệt, Hà Nội.
Trong những năm từ 1932-1936, ông viết nghiều bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp về lịch sử, văn học, v,v.. trên tập san của Hội Trí Tri và có nhiều bài viết về tri thức lịch sử đăng trên báo Đông Thanh. Những bài viết của ông, đặc biệt là những bài viết trên các chuyên mục của tạp chí Tri Tân không chỉ khẳng định tầm uyên bác của tri thức, tinh thần nghiêm túc của một nhà sử học, mà còn thể hiện rõ tấm lòng yêu nước nồng nàn của một nhân sĩ.
Là một trong những người thuộc lớp trí thức đầu thế kỷ như Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Vũ Đình Hòe, v.v..phát động cuộc cách mạng chữ quốc ngữ, ông đã được nhóm các chiễn sĩ cộng sản hoạt động công khai thời Mặt trận Bình dân như Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,... mời làm Hội trưởng Hội truyền bá học chữ quốc ngữ (trụ sở đặt tại Hội đồng Trí Tri, 59 phố Hàng Đàn cũ, nay là 47 Hàng Quạt, Hà Nội).
 Cách mạng tháng 8 thành công, một đất nước Việt Nam độc lập, tự do đã trở thành hiện thực. Nói về cảm tưởng của mình trong những ngày thu tháng 8/1945 lịch sử ấy, trong phần Lời tựa cuốn Chặt xiềng, xuất bản 1974, ứng hoè Nguyễn Văn Tố viết: Đó là “những thời khắc oanh liệt, những giây phút thiêng liêng nó làm cho ta như trông thấy ánh hào quang rực rỡ của những người đã đem hết nhiệt huyết để tháo xiềng, chặt xích mà lấy lại cơ đồ đất nước[1]. Kính trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh, kính trọng những nhà lãnh đạo cách mạng khác, ông cảm phục tấm lòng yêu nước, thương dân, cách lãnh đạo và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong cách mạng tháng Tám “của những vị huyng trưởng”, và với lòng nhiệt thành cách mạng, ông hăng hái đón mừng thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ lâm thời, với nhiệm vụ cấp bách là “chống đói và chống dốt” cho nhân dân, ông đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Từ đây cho đến khi qua đời, ông đã đem hết tinh thần cách mạng và tri thức của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, cho một nước Việt Nam độc lập, tự do thực sự. 
Nhận thức sâu sắc rằng, dốt nát cũng là một kẻ thù và “mù chữ thì đứng ngoài chính trị”, chỉ sáu ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh số 19/SL thành lập Nha bình dân học vụ, để “trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối”, nhằm mục đích xoá nạn mù chữ cho nhân dân lao động. Khi đó, với nhiệm vụ của mình, ông đã cùng các thành viên Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta một mặt kiên cường đấu tranh, bảo vệ nền dân chủ cộng hòa non trẻ vừa giành được, mặt khác từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt giặc dốt (một trong ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đang đe doạ sự tồn vong của nước Việt Nam độc lập).
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam (6/1/1946), bầu Quốc hội khoá I đã thành công sau rất nhiều trở lực. Trong cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ và đoàn kết đó, ông Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Nam Định. Trở thành người đại biểu của nhân dân, ông cùng các đại biểu Quốc hội - những người được nhân dân tín nhiệm. Lựa chọn và uỷ thác quyền lực sẽ thay mặt nhân dân gánh vác trọng trách của nước nhà trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Tiếp đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (2/3/1946), tinh thần cách mạng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của người nhân sĩ yêu nước đã đưa ông trở thành vị Trưởng Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay).
Trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách của vận nước, ông với tư cách ừa Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã cùng Đảng, Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ, động viên nhân dân ta từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu và “đưa nước nhà tới một địa vị khả quan”. Tuy nhiên, quỹ thời gian hoà bình để nhân dân ta vừa xây dựng và củng cố nền độc lập, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc trường chinh sắp tới đã không còn khi Hiệp định Sơ Bộ Việt - Pháp ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt -Pháp ngày 14/9/1946 đã bị thực dân Pháp xâm phạm nghiêm trọng.
Trước nguy cơ chiến tranh ngày càng lan rộng, từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946, Quốc hội khoá I đã họp kỳ thứ nhất. Và cũng tại kỳ họp này, thực hiện chức năng và quyền hạn của mình, Quốc hội đã uỷ quyền cho lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới. Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kháng chiếndo Hồ Chí Minh thành lập theo nguyên tắc đoàn kết, tập hợp nhân tài không đảng phái thực sự phải “là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”. Cùng nhiều nhân sỹ, trí thức lớn, ông Nguyễn Văn Tố - một nhân sĩ tân tâm, tận lực vì Tổ quốc, vì nhân dân được mời tham gia Chính phủ kháng chiến (3/11/1946) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chiến tranh ngày càng lan rộng, mùa đông năm 1946, hưởng ứng lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/`1946), hưởng ứng lời Hịch của tinh thần “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cả nước đồng tâm, đồng lòng quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng hành cùng đồng bào và chiến sĩ trong cuộc trường chinh đầy gian khổ, ông Nguyễn Văn Tố đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Việt Bắc. Sau gần một năm tiến hành cuộc chiến tranh, tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 8/10/1947, trong cuộc tiến công vào thị xã Bắc Cạn, thực dân Pháp đã bắt được vị Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố khi đó chưa kịp di chuyển đến nơi an toàn.
 Nhìn thấy một ông cụ có bộ râu thưa, trông rất chững chạc, nói tiếng Pháp rất giỏi, lại yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh, một tên đội tây lai bỗng nhầm cụ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến vỗ vai cụ và nói: Oh! Monsieur le President! (ồ! Ngài Chủ tịch). Ngay lập tức cụ bị đưa đến sở chỉ huy của giặc. Đồng thời tin bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền báo ngay cho Raun Xa lăng - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương khi đó đang bay lượn vòng trên bầu trời Bắc Cạn, và tin đã “bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh” cũng được báo ngay vào Sài gòn cho Bôla - Cao uỷ Pháp ở Đông Dương. Nhưng rồi, trước mặt Bô la, chính Xa lăng đã báo cáo: “Chúng tôi…chúng ta đã bị lầm”[2].
Sau đó, khi biết người bị bắt không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, giặc Pháp đã bắn chết cụ khi cụ tìm cách chạy trốn. Cụ Nguyễn Văn Tố, vị Bộ trtưởng đầu tiên và duy nhất, đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tin vị Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, người đại biểu nhân dân qua đời thực sự làm Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc thương và xúc động. Trong Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết rằng: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta”.
Và không chỉ có vậy! Phiên họp “tất niên” của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý 1948 diễn ra giữa núi rừng Việt Bắc trong cái rét cắt da, cắt thịt. Khi đó, tất cả thành viên Chính phủ đều có mặt đông đủ (trừ ông Đặng Phúc Thông bị ốm) và đều cùng chung một khát vọng độc lập, tự do, cùng một quyết tâm phấn đấu vì “Tổ quốc trên hết”. Song đặc biệt nhưng không hề bất ngờ, chuẩn bị khai họp, Chủ tịch đã bật khóc khi nhớ đến vị Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố. Sau đó, Người đã thống thiết viết những lời văn tế ca ngợi vị nhân sĩ, tài năng, đức độ này.
Trong lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Chính phủ kháng chiến đã dành cho cụ những lời thật sâu sắc và trân trọng:
“Nhớ cụ xưa,
Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng
Phú quý, công danh cụ nào có thiết
….
Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt
….
Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”[3]
Biến đau thương thành hành động cách mạng, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ Nguyễn Văn Tố, vị Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh hứa rằng:
“Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Quyết tranh thống nhất độc lập cho nước nhà Nam Việt
Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng
Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như nhật nguyệt”[4].
Nói về bài văn tế thống thiết, đầy tiếc thương này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tâm sự với vị Trưởng ban Thường trực thứ 2 của Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn rằng: Xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế, nhưng trước sự hy sinh oanh liệt của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố (6/1889-10/1947), Người đã “bạo dạn thảo ra” bài tế truy điệu. Xuất phát từ tấm lòng thành, từ sự cảm phục bậc chí sĩ, những lời văn tế đó không chỉ là tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho cụ, đó còn là những câu, những chữ của tấm lòng những người dân Việt Nam dành tưởng nhớ đến cụ.
Hơn 60 năm sau khi vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố qua đời, nước Việt Nam đã được độc lập, tự do, thống nhất và đi lên CNXH. Cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm ngày nào dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được thực hiện, vì một nước Việt Nam XHCN và phồn vinh. Và cũng phải 60 năm sau, phần mộ của cụ cùng những liệt sĩ khác hy sinh trong chiến dịch Việt Bắc (10/1947) mới được tìm thấy, để làm yên lòng những người thân và để có thể thắp cho vị nhân sĩ yêu nước ấy nén tâm nhang mỗi dịp thu về./.  


(1) Chặt xiềng, Nxb. Sự thật, H, 1974, tr. 9
(2) Vĩnh Thạch, Chúng tôi…chúng ta đã bị lầm, Sự kiện và Nhân chứng, số 166, tháng 10/2007, tr.9
(3) Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh
(4) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, t.4, tr. 211

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)