slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (Tháng 2/1951)

20 Tháng 05 Năm 2021 / 4164 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Bình

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

ThS. Lâm Thị Huệ

Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam

 

Trước yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 21 đến ngày 23/6/1950 đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, Đại hội chính thức đã khai mạc tại Bản Khay, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và chỉ đạo Đại hội với một tư tưởng xuyên suốt: Tổ chức chuẩn bị và tiến hành theo một nề nếp khoa học và dân chủ.

Trong “Thư gửi Đại hội trù bị” (tháng 01/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”(1). Người yêu cầu các đại biểu cần nghiên cứu sâu sắc các văn kiện, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính: “Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác. Nên đưa ra các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ”(2).

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng nhằm giải quyết những vấn đề mới mà cách mạng đặt ra đó là: Đến năm 1951, năm thứ 6 của cuộc kháng chiến, thế và lực của chiến tranh nhân dân có sự phát triển vượt bậc. Sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân 3 nước Đông Dương đẩy kháng chiến mau tới thắng lợi hoàn toàn.Ta đã có những vùng giải phóng rộng lớn, mở được cửa thông thương quốc tế; lực lượng vũ trang có khả năng tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Song, thực dân Pháp với sự trợ giúp của đế quốc Mỹ, vẫn nỗ lực tăng cường chiến tranh, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: chuẩn bị chu đáo việc thiết kế chính sách, bởi nó quyết định một phần quan trọng những nhiệm vụ vạch ra. Đề ra chính sách phải có biện pháp và con người thực hiện. Khi bàn về chính trị, phải bàn đồng thời với bộ máy, tổ chức. Người không bao biện công việc mà phân công một số đồng chí Trung ương cùng làm. Trong các cuộc họp, sau khi tuyên bố lý do, nêu ra những định hướng chính, Hồ Chí Minh chăm chú lắng nghe ý kiến thảo luận của mọi người rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng. Gặp những vấn đề còn thiếu sự nhất trí của các đại biểu, Người đề nghị mọi người tập trung bàn thảo để đi tới thống nhất, không bao giờ Người áp đặt ý kiến cá nhân. Cách làm việc này được Người duy trì trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Trước khi diễn ra Đại hội, Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp hoàn thiện Báo cáo Chính trị và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội II của Đảng. Trước ngày 18/01/1951, Hồ Chí Minh viết thư gửi Đại hội trù bị toàn quốc lần thứ II của Đảng. Người yêu cầu các đại biểu nghiên cứu sâu sắc các văn kiện, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính. Ngày 18/1/1951, Người dự phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Sau khi nghe báo cáo của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Người nói: Báo cáo cần tập trung phân tích sự cần thiết thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt làm một. Trong mười ngày làm việc, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày là một văn kiện có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn. Báo cáo tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi

Đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn là nhiệm vụ cấp bách. Các nhiệm vụ khác đều nhằm phục vụ nhiệm vụ cấp bách đó. Báo cáo chỉ rõ, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng đẩy mạnh thi đua yêu nước, thi hành chính sách ruộng đất ở vùng tự do, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Lào - Campuchia, đoàn kết quốc tế. Về tổ chức Đảng, Báo cáo khẳng định: “Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam”(3).

Kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người căn dặn phải đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện phê bình và tự phê bình thẳng thắn, đúng mức để cùng tiến bộ. Phải vận động nhân dân phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, như vậy là thực hiện dân chủ thiết thực và sâu sắc. “Trong lúc thực hiện phê bình và tự phê bình, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc 10 câu chỉ đúng 2, nhưng ta cứ phải để dân phê bình, nếu không ta sẽ khóa cửa sự phê bình”(4)... Sau 21 năm thành lập, Đại hội đại biểu lần thứ II là Đại hội Đảng toàn quốc lần đầu được tổ chức ở trong nước với quy mô lớn chưa từng thấy trước đó. Mặc dù thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, nhưng đã có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại về dự Đại hội.

Tại các phiên họp Đại hội, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng chủ tri trong không khí trang nghiêm, biểu thị quyết tâm cao của những người cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Hồ Chí Minh còn tham gia dự thảo luận ở các đoàn. Ở đâu, Người cũng nhấn mạnh với các đại biểu về hai nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải quyết tâm kháng chiến thành công và Đảng ra công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Người nhấn mạnh Đảng đổi tên nhưng bản chất không thay đổi, phải tiếp tục phát huy truyền thống Đảng Cộng sản trong điều kiện mới. Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội có đoạn: “Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam”(5).

“Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(6). Đảng đó không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của dân tộc và toàn thể nhân dân lao động.

Kết thúc Báo cáo Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của Đảng là: “Xây dựng một Đảng Lao động Việt Nam rất mạnh mẽ. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Xây dựng Việt Nam dân chủ mới. Góp sức vào việc giữ gìn dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”(7).

Ngoài giờ họp chính thức, Hồ Chí Minh có chương trình thăm hỏi động viên từng đoàn đại biểu, đặc biệt là đoàn đại biểu Nam Bộ, Lào, Cam-pu-chia. Người như có sức hấp dẫn kỳ diệu, đi đến đâu là ở đó có tiếng cười rộn ràng, giữa Người và các đại biểu không có sự ngăn cách tình cảm, không phân biệt tuổi tác. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng.

Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 ủy viên chính thức: đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng. Phát huy vai trò chỉ đạo Đại hội lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên những vấn đề rất quan trọng: Xác định những biến chuyển của tình hình thế giới; các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; mạnh dạn nêu lên các hạn chế, sai lầm của Đảng; khẳng định vai trò, bản chất của Đảng; các nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực của dân tộc. Những luận điểm đó của Người, cho đến nay, vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Với tư duy độc lập, chủ động sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám quyết, Đại hội Đảng II do Hồ Chí Minh chỉ đạo đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực cho chúng ta học tập, kết tinh thành giá trị văn hóa chính trị, văn hóa Đảng bền vững.

 

Chú thích:

1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.14-15.

4.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.12.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 40.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 41.

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 42.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)