slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa nhân loại

18 Tháng 05 Năm 2022 / 1150 lượt xem

ThS. Vũ Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

TS. Trần Thị Mai Thanh

Đại học Văn hóa Hà Nội

Trong truyền thống dân tộc Việt Nam thường trực một niềm tự hào về lịch sử, trân trọng nền văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và những giá trị tốt đẹp khác của dân tộc. Đó chính là một cơ sở hình thành nên tư tưởng, phẩm chất của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh với chủ trương văn hóa là mục tiêu, động lực của cách mạng; cần giữ gìn cốt cách văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hoá mới của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng cao đẹp của sự tích hợp tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây. Con người hiểu rất sâu sắc văn hóa dân tộc mình ấy cũng là con người rất quý trọng di sản văn hóa thế giới và có những đóng góp nổi bật trong hoạt động bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại.

Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 - “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời mới được thành lập sau Cách mạng tháng Tám 1945 ký ban hành được coi là nền móng đầu tiên cho công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Sắc lệnh Số 65 quy định việc bảo tồn cổ tích “là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể). Sắc lệnh còn cấm phá hủy đình, chùa, đền đài, điện thờ, hoặc những nơi thờ cúng, các lâu đài, thành quách, và lăng mộ, cũng như các đồ vật, sắc chỉ, văn bằng, tư liệu, sách báo có giá trị cho lịch sử, dù có tính tín ngưỡng hoặc không. Sắc lệnh số 65/SL được ban hành trong thời điểm bộn bề những khó khăn, thách thức đang bủa vây nhà nước mới, càng thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thấu hiểu giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa, đó là những báu vật kết tinh tư tưởng, tài năng sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Cho nên trong rất nhiều công việc cần phải làm để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.

Với tinh thần đó, Sắc lệnh tiếp theo do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành liên quan đến công tác bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa là Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 quy định những ngày Lễ chính thức của đất nước, các công sở trong toàn quốc sẽ được đóng cửa, viên chức tại các công sở được nghỉ làm và có quyền được hưởng lương trong các ngày nghỉ lễ đó. Kế thừa truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Sắc lệnh công nhận Lễ hội Giỗ tổ Hùng vương trở thành ngày lễ chính thức của đất nước và các cán bộ công chức nhà nước được nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo này của cả dân tộc. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, vào ngày 10 tháng 3 hằng năm, chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ đều kính cẩn làm lễ dâng hương, có đại diện của Nhà nước về dự. Đến với Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào” mà củng cố thêm sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, dù bộn bề công việc lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhà nước, cũng đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”(1). Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tính định hướng, phát triển, tôn tạo đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” dân tộc. Với giá trị đặc biệt, độc đáo, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6/12/2012). Không những thế, UNESCO còn khuyến cáo các dân tộc khác hãy noi gương Việt Nam, biết nhớ tới cội nguồn và biết ơn tổ tiên của mình.

Tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa luôn nhất quán qua các văn kiện, trong các bài nói, bài phát biểu và trong những hoạt động thực tiễn của Người. Đọc các tác phẩm của Người, có thể gặp lại biết bao nhiêu nhân vật và di sản văn hóa xa xưa, từ Vạn lý trường thành của Trung Quốc đến lăng Taj Mahal của Ấn Độ, từ Đức Phật tổ đến Đức Chúa Jesus, từ Khổng Tử đến Aristote, từ Đỗ Phủ đến Shakespeare, từ chữ viết cổ của Miến Điện đến kiến trúc cổ xưa ở La Mã... mà qua đó có thể suy ngẫm được rất nhiều điều quan trọng từ thái độ của Người với di sản văn hóa nhân loại.

Trước hết, cũng như những nhà văn hóa lớn của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đối lập giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người thường dẫn Chinh phụ ngâm, Kiều, những câu hò, lời ca, điệu ví vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc như hát tuồng, chèo, hát ví, hát dặm..., thể hiện thái độ trân trọng vốn văn hóa dân tộc. Đồng thời, qua những bài thơ chữ Hán của Người, mà tập thơ Nhật ký trong tù là đỉnh cao nhất, “có một số bài thơ rất hay, nếu xếp chung vào tập thơ Đường, Tống e rằng cũng không dễ gì nhận ra”(2) như nhận xét của học giả Trung Quốc nổi tiếng Quách Mạt Nhược, đủ thấy trình độ Hán học cũng như thi tài của Người uyên thâm, xuất sắc đến mức nào. Nhà văn Trung Quốc Đới Hoàng thì kể lại dịp “du xuân” với Bác Hồ năm 1956: “Người nói rất nhiều chuyện vui, từ đồng thoại Đan Mạch, thần thoại Hy Lạp đến núi Thiên Mục...” và ca ngợi trí nhớ siêu phàm của Bác: “Chỉ có những người khổng lồ khắc khổ học tập siêu phàm mới có thể đủ tri thức uyên bác mà không có điều gì không thông suốt và mới có thể có được trí nhớ thiên tài như vậy”(3).

Nếu như trong hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng uyên thâm những nguyên lý, những khái niệm, những cặp mệnh đề như Dĩ bất biến ứng vạn biến, bĩ cực thái lai, Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm,... trong triết học phương Đông cổ thì Người cũng sử dụng ngôn ngữ Pháp thành thạo, “nói tiếng Pháp hoàn hảo”(4), “nghe trầm trầm, lắng xuống như âm hưởng của tiếng mẹ đẻ”(5). Người thích “đọc Shakespeare và Dickens, bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Hugo, Zola bằng tiếng Pháp”(6). Người quý trọng tất cả những công trình kiến trúc cổ xưa nổi tiếng của mọi dân tộc. Thời kỳ hoạt động ở Pháp, nhờ vào Hội Du lịch, Người đã đi thăm được nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và cả tòa thánh Vatican. Người kể: “Vatican có nhiều lâu đài vĩ đại. Nhà thờ thánh Pierre là một kỳ công kiến trúc. Thành phố La Mã đẹp,. đầy những cổ tích La Mã, nhà thờ, với nước phun”(7). Người đi thăm Trung Quốc nhiều lần và cũng dành nhiều thời gian tham quan các di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước có nền văn minh lâu đời bậc nhất thế giới này. Năm 1959, Người đến thành phố Tây An (xưa là kinh đô cổ Trường An, thuộc tỉnh Thiểm Tây), cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà. Trong chuyến đi này, Người đã thăm Gác chuông Tây An, Bảo tàng Thiểm Tây, Bảo tàng thôn Bán Pha (một trong những làng cổ nhất Trung Quốc, có từ 4500-3750 năm TCN). Người cũng đến thăm chùa Đại Từ Ân và tháp Đại Nhạn, tương truyền Đường Tam Tạng đã dịch Kinh Phật ở đây sau khi lấy được kinh ở Ấn Độ về. Lúc leo tháp Đại Nhạn (cao 64m), Người vừa leo vừa ngâm hai câu thơ của nhà thơ đời Đường - Vương Chi Hoán: “Dục cùng thiên lý mục, Cánh thướng nhất tằng lâu”(Đại ý: Muốn nhìn xa được ngàn dặm, hãy lên cao thêm một tầng lầu).

Với đất nước Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự thán phục trước nghệ thuật xây dựng rất tinh vi có từ thời xa xưa với những “cung điện lâu đài cực kỳ đồ sộ”. Bác cho biết: “Ấn Độ có nhiều lâu đài, chùa miếu lâu đời và đồ sộ, nhưng Tagiơ Mahan nổi tiếng là đẹp nhất ở Ấn Độ và trên thế giới”. Bác ca ngợi công trình như “bài thơ bằng đá gấm” và miêu tả: “Cung điện này. xây bằng đá đỏ và đá trắng, gồm có nhiều lâu đài rất đồ sộ và chạm trổ rất tinh vi. Từ ngoài cửa đi vào là một khu vườn rộng và đẹp. Ở giữa có một cái hồ dài và một cái truông chắn lại như chữ i viết hoa. Giữa hồ có những vòi nước phun lên cao, hai bên có những cây cổ thụ soi bóng xuống nước hồ trong vắt”(8).

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể. Trên bình diện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi, gặp gỡ với giáo lý Phật giáo ở tư tưởng Từ bi hỷ xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Nhận rõ những giá trị cao đẹp của Phật giáo, có sự gần gũi, gặp nhau với tư tưởng Phật giáo trên những nét lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận Phật giáo với một thái độ trân trọng: “Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình, bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật và khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới”(9). Cũng trong chuyến đi thăm Ấn Độ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Hội Mahabodi. Hội này thành lập từ năm 1891 nhằm mục đích truyền bá đạo Phật khắp thế giới. Khi đến nơi, Bác và Đoàn được các vị Hòa thượng đưa lên lầu trên là nơi thờ Đức Phật. Lễ Phật xong, Bác và Đoàn cùng bà Thủ hiến đến dự mít tinh hoan nghênh; có thiện nam tín nữ rất đông.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa không chỉ để làm phong phú đời sống tinh thần mà văn hóa cùng với Người có mặt trong đấu tranh và xây dựng. Trong Thư gửi Khải Định khi vị vua bù nhìn này sang Pháp, Người đặt câu hỏi: “Qua những lời tán tụng hèn hạ..., ngài còn có nghe thấy gì nữa không? Ngài có được nghe người ta nói đến Paxtơ hay Vônte, Víchto Huygô hay Annatôn Phrăngxơ không? Ngài có được nghe người ta nói đến bản Tuyên ngôn nhân quyền và công dân quyền không?”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thích đọc Shakespeare và đã dùng những nhân vật của Shakespeare như Othelo, Desdemona mỉa mai, châm biếm bọn thực dân (bài báo Những người bản xứ được ưa chuộng đăng Báo Le Paria, số 10, ngày 15/01/1923). Người khiêm tốn nhận mình là người “học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi”, như lời Người viết trong bài báo nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Tônxtôi mất đăng báo Văn học Liên Xô, số ra ngày 19/11/1960 rằng “Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích”, Người học tập Tônxtôi để trau dồi ngòi bút chống đế quốc và phong kiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tìm thấy sự đồng điệu trong quan niệm văn chương, nhân cách cá nhân và đặc biệt là tư tưởng cách mạng với nhà văn Lỗ Tấn, người được nhân dân Trung Quốc gọi là “linh hồn dân tộc” bởi cả cuộc đời ông đã dốc toàn bộ tâm huyết và tài năng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 03/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát về người cách mạng và mối quan hệ giữa Đảng cách mạng với nhân dân bằng trích dẫn ra một câu thơ của Lỗ Tấn: “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ - Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”. Xin tạm dịch là: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ - Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. Và Người giải thích: “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo, cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân. Từ đó Người kết luận: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung hăng đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.

Như nhà báo Mỹ David Halbertam đã viết: “Hồ Chí Minh là một trong những hình tượng đặc biệt của thời đại này: Ông có chất của Gandhi, Lê-nin nhưng rất Việt Nam”. Tinh hoa của thế giới và của Việt Nam gặp gỡ nhau rất hài hòa ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng với Người có mặt trong đấu tranh và xây dựng, tham gia tích cực vào quá trình tiến bộ của lịch sử. Ôn lại những đóng góp của Người cho hoạt động bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa chính là để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày hôm nay.

Chú thích:

          Lời giới thiệu sách “Bác Hồ về thăm Đền Hùng”, Tỉnh ủy Phú Thọ, 8/2009.

2.       Quách Mạt Nhược: Nay ở trong thơ nên có thép, Tạp chí Nghiên cứu văn học, 12/1960.

3.       Hình ảnh Hồ Chủ tịch trong thơ văn Trung Quốc, Tạp chí Điện tử Hồn Việt, 30/08/2010.

4.       Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.48-56.

5.       ÔxípManđenxtam (Nhà báo Liên Xô), Báo Ogoniok (Liên Xô), số 39 ngày 23/12/1923.

6.       Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1969, tr.33.

7.       Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.38.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.324-325.

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.310.

10.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.119.

          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.50.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)