slider
Phát triển kinh tế số

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

11 Tháng 11 Năm 2009 / 7094 lượt xem
 
Nguyễn Thị Kim Liên
Phòng Tuyên truyền-Giáo dục
 
 Sau hàng chục năm bôn ba cứu nước, sau khi đã huấn luyện và tổ chức lực lượng, thành lập Đảng cách mạng tiền phong, chuẩn bị những điều kiện quan trọng nhất để lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về nước để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng đầu năm 1941. Điểm đầu tiên mà người đặt chân trên Tổ Quốc là vùng biên giới thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng thời Người cũng chính thức quyết định chọn tỉnh Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng. Bác Hồ nói: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên là toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”(1).
 Việc chọn Cao Bằng, một tỉnh miền núi có nhiều thành phần dân tộc ít người sinh sống làm căn cứ địa cách mạng cho cả nước đã thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Bác. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của địa bàn vùng miền núi và dân tộc ít người trong sự nghiệp cách mạng của cả nước. Người đánh giá cao vai trò và vị trí của các dân tộc thiểu số và miền núi trong sự nghiệp chung của đất nước. Vấn đề đoàn kết dân tộc và đấu tranh kiên cường đã trở thành truyền thống hết sức quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó đã góp phần làm cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam đững vững trước thử thách lớn lao của lịch sử mà vẫn giữ được một khối thống nhất. Khi sáng lập mặt trận dân tộc thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chăm lo xây dựng, củng cố và phát triển khối đoàn kết giữa các dân tộc. Người nêu cao truyền thống tốt đẹp và sự đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp chung của đất nước. Có thể khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đoàn kết dân tộc là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đảm bảo sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, một chân lý trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong bản Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp của nhà nước Việt Nam mới, Người chỉ rõ: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp” (2).
 Từ thực tế lịch sử vùng miền núi và đồng bảo các dân tộc thiểu số luôn luôn phải chịu nhiều áp bức bất công, với cuộc sống vô cùng đói khổ và tăm tối, đồng thời cũng là nơi thường bị kẻ địch lợi dụng nhằm phá hoại tình đoàn kết thống nhất, thực hiện chính sách “ chia đề trị”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm khơi dậy tinh thần đoan kết dân tộc và coi đây là một mục tiêu quan trọng của cách mạng. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Miền Nam, Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia lai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều la con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay  nước Việt Nam là chung của chúng ta…Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thường xuyên thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(3). Qua những lời kêu gọi, thư gửi tới các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng cũng như trong các buổi nói chuyện, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở đến nhiệm vụ đoàn kết các dân tộc. Đó là vấn đề đặc biệt quan trọng. Trong hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm của Đất nước, Bác Hồ đánh giá cao vai trò và vị trí của các dân tộc thiểu số và miền núi trong sự nghiệp chung. Trước hết, Người quan điểm cộng đồng các dân tộc Việt Nam là những người anh em ruột thịt, có nghĩa vụ đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau như những người thân trong gia đình. Là một đất nước trải qua hàng ngàn năm đấu tranh chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù, Vì vậy đoàn kết dân tộc trở thành nhu cầu sống còn,  trở thành truyền thống quý báu của cộng đồng các dân tộc Việt nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đồng bào các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ để làm thất bại mọi thủ đoạnh chia rẽ các dân tộc trong mưu đồ thống trị của chúng. Bất kỳ ở đâu, bao giờ, Người cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên – Việt toàn quốc, Người chỉ rõ: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; Ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà” (4).
 Khi nói chuyện với cán bộ chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, Bác Hồ đã hết sức chú ý cán bộ về tình hình đặc điểm của vùng đồng bào thiểu số và nhấn mạnh đến chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ: “Chính sách đối với đồng bào thiểu số, Chính phủ đã có quy định, các chú và bộ đội phải làm đúng. Đó là một cách tranh thủ nhân dân để phá tan âm mưu của địch “lấy người Việt hại người Việt”. Phải làm cho mỗi chiến sỹ là một người tuyên truyền. Các chú phải làm thế nào khi mình đến thì đồng bào hoan nghênh, khi đóng quân thì đồng bào vui vẻ giúp đỡ, khi mình đi thì đồng bào quyến luyến”(5). Bác luôn tìm cách động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng chung của cá nước. Người chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay đồng bào rẻo cao được tự do bình đắng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt. Đồng bào tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà” (6). Nói về sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, Bác Hồ bao giờ cũng coi đó là sự nghiệp chung của toàn thể cộng đồng từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng núi đến vùng đồng bằng. Đây là cuộc cách mạng đem lại tự do cho bình đẳng cho tất cả các dân tộc của Tổ quốc Việt Nam. Bác thường nói một cách giản dị và thuyết phục về tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, Bác dùng hình ảnh gần gũi với tư duy của đồng bào làm cho những lý lẽ của cách mạng dễ được lĩnh hội và thấm sâu vào lòng người. Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cấn bộ huyện Yên Châu, Sơn Là, Bác nói: “Vì Tây là Vua quan muốn chia rẽ đồng bào, muốn làm cho đồng bào yếu đi. Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc... đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh anh hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xã, Puộc như trước nữa. Ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gẫy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gẫy được không? Chẳng những không ai bẻ gẫy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này. Cán bô, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này. Nếu mà Tây, Mỹ muốn xâm phạm nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó”(7).
 Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều thời gian và tình cảm quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Trong những bức thư, những buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân, với phụ nữ và các cháu học sinh Bác thường nhắc nhở tới tình đoàn kết, tới việc chăm lo đời sống cho đồng bào, căn dặn đồng bào tích cực xây dựng đời sống mới… Nói chuyện với đồng bào Hà Giang, Bác căn dặn: “Trước kia, bọn thực dân phong kiến nắm quyền làm chủ, chúng bắt đồng bào ta làm nô lệ. Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà. Cán bộ từ Trung ương đến khu, đến Tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng”. Nhân dân đã làm chủ, thì phải làm gì để xứng đáng là người chủ tốt? – Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà. – hai là, đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm cơm lo. Muốn như vậy, đồng bào vùng thấp cũng như vùng rẻo cao, phải tổ chức nhau lại thành tổ đổi công và hợp tác xã. Người đông thì sức mạnh, sức mạnh thì sản xuất được nhiều hơn”(8) . Bác Hồ cũng hết sức quan tâm đến việc chăm lo phát triển cho con em miền núi, bởi vì đó chính là lực lượng quan trọng sẽ giúp cho đời sống của đồng bào miền núi tiến nhanh cùng đồng bào cả nước. Trong thư gửi các học sinh trường sư phạm Miền núi Trung ương, nhân dịp trường khai giảng, Bác viết: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: là Tổ quốc Việt Nam. Trong hơn 80 năm, vì chúng ta bị thực dân Pháp và bọn vua chúa áp bức cho nên chúng ta lạc hậu, văn hoá kém cỏi, mà chúng nó áp bức được là vì chúng nó chia rẽ chúng ta, vì chúng ta chưa biết đoàn kết. Ngày nay, các dân tộc anh em, chúng ta muốn tiến bô, muốn phát triển văn hoá của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt nam yêu quý của chúng ta”(9). Trong một lần khác, nói chuyện với cán bộ học sinh trường sư phạm miền núi Nghệ An, Bác hỏi rất kỹ về quan hệ đoàn kết trong học sinh thuộc các dân tộc khác nhau, qua đó Bác nhắc lại cho các cháu học sinh phải thấm nhuần tinh thần đoàn kết, Bác hỏi: “Ở đây có mấy dân tộc?- Sao mà lại mặc theo người Kinh cả? - Các cháu Thổ đâu? - Mặc sao giống người Kinh? - Các cháu Thái đâu? - Các cháu Thanh đâu? - Các cháu Tày Mường đầu? - Các cháu Tày, Hãy đâu? Chỉ có một cháu thôi à? Sao lại không có cháu gái? Lần sau phải có cháu gái. – Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì? Hồi trước, bọn Tây và vua quan phong kiến làm cho các dân tộc thù ghét lẫn nhau, ngừơi Mường ghét người Kinh. Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ…”(10).
 Từ thực tế cuộc đấu tranh giải phóng và phong trào cách mạng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bác liên tục căn dặn cán bộ phải xuất phát từ lòng chân thành và nhiệt tình cách mạng để giúp đỡ đồng bào. Nói chuyện với Hội nghị cán bộ Tuyên giáo miền núi, Bác nhắc nhở: “Công việc của các cô, các chú không phải đơn giản. Nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thường yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt. Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”(11). Trong thời kỳ kháng chiến, vấn đề dân tộc thiếu số và miền núi luôn luôn là mục tiêu để kẻ địch lợi dụng phá hoại. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Chúng ta phải cố gắng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và giáo dục đồng bào thiểu số đề chuẩn bị điều kiện cho việc lập dần dần những vùng dân tộc tự trị. Việc này rất quan hệ với kháng chiến. Địch  dùng tự trị giả để chia rẽ các dân tộc, để phá hoại sức kháng chiến. Ta phải kịp thời dùng tự trị thật để đoàn kết các dân tộc, để đẩy mạnh kháng chiến” (12). Nhờ chính sách và đường lối đúng đắn, chúng ta đã làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù đồng thời làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng trở lên bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại chung của cả nước.
Như vậy, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành mối quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Điều đó xuất phát từ mục tiêu cao cả của cách mạng Việt nam là đem lại tự do hạnh phúc cho tất cả mọi người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Qua những bài nói, thư từ gửi cán bộ và đồng bào các dân tộc miền núi, Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở cán bộ và đồng bào không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, chống lại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, cùng nhau đánh đuổi quân xâm lược, chung tay xây dựng tổ quốc. Những mối quan tâm của vị lãnh tụ đã trở thành kim chỉ nam hành động và là đường lối cách mạng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Bằng tình cảm và những quan tâm thiết thực, Bác Hồ đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính điều này đã trở thành một phần quan trọng trong cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, một nhân tố đảm bảo thắng lợi vững chắc cho phong trào cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của toàn thể dân tộc.
 Chú thích:
(1).Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H.1994, tr33.
(2),(4),(7). Hồ Chí Minh toàn tập, T. 9,Nxb CTQG, H.2000, tr587.
(3). Sdd, nt, T.6, tr560.
(5). Sdd, nt, T 4, tr127.
(6), (8),(10). Sdd, nt, T.10, tr323,326,460 .
(7). Sdd, nt, T. 9, tr443.
(9), (12). Sdd, nt, T.7, tr496,18 .
(11). Sdd, nt, T.11, tr138.

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)