slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

10 Tháng 09 Năm 2021 / 1690 lượt xem

ThS. Phan Thị Hoài

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Cách đây tròn 75 năm, trước vận mệnh của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Năm tháng đã qua đi, nhưng âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi vẫn còn mãi với thời gian, để lại cho Đảng và sự nghiệp cách mạng nước ta những bài học hết sức quý báu, có ý nghĩa to lớn và thiết thực với công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.

1.       Sách lược hòa hoãn và quá trình chuẩn bị tiềm lực cho kháng chiến

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngay khi vừa giành lại độc lập, đất nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách thù trong, giặc ngoài. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng: sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết, hơn 90% dân số mù chữ... Trong khi đó, theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh thắng trận, phía Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng, đi cùng là bọn Việt Quốc, Việt Cách với âm mưu “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Phía Nam, thực dân Pháp núp sau quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật (lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới) nhưng thực chất là muốn cướp nước ta lần nữa. Vận mệnh dân tộc nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: “Khó khăn lớn nhất lúc này là các quân đội nước ngoài từ bốn phương cùng dồn dập kéo tới. Bọn ở gần, bọn ở xa. Chúng khác nhau về màu da, về tiếng nói, nhưng rất giống nhau ở một dã tâm: muốn thôn tính đất nước chúng ta, muốn đẩy chúng ta trở về với cuộc sống nô lệ”(1).

Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra những quyết sách đúng đắn: Tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhằm củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng nền móng cho chế độ mới; phát động phong trào tăng gia sản xuất, xóa bỏ mọi thứ thuế vô lý, thực hiện giảm tô, chia lại ruộng công, tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho nông dân nghèo; mở lớp Bình dân học vụ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ; xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng” huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân; phát triển lực lượng vũ trang cách mạng theo nguyên tắc toàn diện cả về chính trị và quân sự, chú trọng cả số lượng và chất lượng... Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, ta đã căn bản diệt được “giặc đói”, “giặc dốt”, giải quyết khó khăn về tài chính, từng bước tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài.

Với chính sách bảo thủ phản động, thực dân Pháp huy động lực lượng trở lại tái chiếm Đông Dương. Chúng hi vọng với vũ khí trang bị cùng phương tiện chiến tranh hiện đại, đội quân xâm lược nhà nghề sẽ nhanh chóng phát huy sức mạnh, đè bẹp mọi sự kháng cự của cách mạng Việt Nam, thiết lập lại nền cai trị thuộc địa hà khắc, tàn bạo trước đây. Được sự giúp đỡ của quân đội Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tiếp đó, từ tháng 10/1945 - 1/1946, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm nhiều địa bàn quan trọng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, từng bước thiết lập hệ thống kìm kẹp tại cơ sở.

Trong bối cảnh đó, để tránh phải đương đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thực hiện sách lược hòa hoãn linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết đối với cả thực dân Pháp và Tưởng Giới Thạch. Một mặt ở miền Bắc, ta chấp nhận nhượng bộ cho quân đội Tưởng Giới Thạch và các phần tử tay sai của chúng một số quyền lợi chính trị, kinh tế như: Đặc cách cho một số ghế bộ trưởng trong chính phủ và 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử; nhận cung cấp một phần lương thực, thực phẩm; nhận tiêu tiền “quan kim”, “quốc tệ” đã mất giá của quân Tưởng...; mặt khác kiên quyết phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu, trực tiếp góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.

Do gặp khó khăn ở chiến trường miền Nam, thực dân Pháp không đủ khả năng đánh chiếm ngay miền Bắc, buộc phải đàm phán với Tưởng Giới Thạch hòng tìm bước đi thích hợp. Cuối tháng 2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết. Theo đó, thực dân Pháp nhượng bộ cho Tưởng Giới Thạch một số quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa... Ngược lại, quân Pháp sẽ ra miền Bắc thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất là chờ viện binh phát động chiến tranh.

Trước thực tế ấy, để nhanh chóng gạt quân Tưởng về nước, đồng thời có thêm điều kiện để xây dựng và củng cố lực lượng, bằng tất cả khả năng có thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với toàn Đảng và cả dân tộc sát cánh bên nhau, đưa ra nhiều biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ngày 06/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ, chấp thuận cho quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật; cử phái đoàn đàm phán ở Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Phông-ten-nơ-blô; đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, trực tiếp ký Tạm ước Việt - Pháp 14/9 nhượng bộ cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam. Tranh thủ thời gian hòa hoãn, nhân dân ta ra sức xây dựng lực lượng. Cuối tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cán bộ lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các xí nghiệp, kho tàng, máy móc khi cần thiết. Ngày 22/5/1946, Chính phủ ra sắc lệnh quy định Vệ quốc đoàn chính thức trở thành Quân đội quốc gia nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra, cách mạng còn có gần 1 triệu đội viên thuộc lực lượng dân quân tự vệ khắp cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh suốt chặng đường về sau.

2.       Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Lời hịch của non sông

Với dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14-9 không được phía Pháp thực hiện ở Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, ngày 17/12, chúng phá các công sự của quân dân thủ đô ở phố Hàng Bún - Yên Ninh, gây đổ máu ở khu vực cầu Long Biên, Cửa Đông (Hà Nội). Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, giải tán lực lượng tự vệ, bàn giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội. Quân Pháp đe dọa, nếu các yêu cầu trên không được thực hiện, chậm nhất sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp sẽ hành động.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và ra quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm 19/12/1946, trên căn gác xép nhà ông Nguyễn Văn Dương tại làng Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến. Sáng sớm ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước. Báo Cứu quốc, Đồng xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Cảm tử, Tiền phong, Chiến thăng... đều đăng trang trọng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chỉ vẻn vẹn 197 chữ rất ngăn gọn nhưng súc tích, giản dị nhưng đanh thép, đã vạch trần âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, tỏ rõ lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta. Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thăng lợi vẻ vang.

Mở đầu Lời kêu gọi Người viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”, cách mở đầu này cũng giống với cách mở đầu của tuyên ngôn Độc lập “Hỡi đồng bào cả nước!”. “Đồng bào” vốn là một khái niệm dùng để gọi những người cùng nguồn cội, giống nòi, một dân tộc, một Tổ quốc với mình nói chung, với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ này một cách nhuần nhuyễn, tài tình, có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu săc, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, sự kiên cường, dũng cảm ở mỗi người Việt Nam, khơi dậy điểm tương đồng, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ chung của mọi người dân đối với Tổ quốc.

Tiếp đó, chỉ bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tính chính nghĩa của Việt Nam khi đòi hỏi hòa bình, đồng thời chỉ ra thái độ ngang ngược và âm mưu quyết tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”(2). Sự nhẫn nhịn từ phía Việt Nam đã bị thực dân Pháp đẩy đến giới hạn, tức là không phải Việt Nam muốn chiến tranh, mà chính thực dân Pháp đã buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên chiến đấu, đó là sự lựa chọn cuối cùng của nhân dân Việt Nam.

Cuộc chiến tranh toàn quốc bùng nổ, toàn dân tộc lại đứng trước một thử thách mới lớn lao, Lời kêu gọi không dừng lại ở việc nêu lên ý thức trách nhiệm chung chung, ở lực lượng chung chung, mà đã chỉ ra một cách rõ ràng, cụ thể, hợp lý vị trí, vai trò của mỗi một thành phần, mỗi lực lượng trong xã hội. Người viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”(3). Cùng với kêu gọi toàn thể nhân dân tham gia kháng chiến, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”(4). Điều đó có nghĩa, lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, lương giáo, đảng phái, dân tộc, thành phần giai cấp, binh sĩ, tự vệ hay dân quân,... Ai cũng đều thấy rõ bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình và phải ra sức chống thực dân Pháp cứu quốc. Điều này thể hiện ý chí toàn thể dân tộc Việt Nam quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để bảo vệ nền tự do, độc lập mà Người đã tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thế giới.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(5). Tiếp bước Hà Nội nổ phát súng đại bác ở Pháo đài Láng mở đầu kháng chiến toàn quốc, các đô thị khác như Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Đà Nang..., dưới sự chỉ huy chung, theo một kế hoạch thống nhất từ Bộ Tổng chỉ huy, đã chủ động nổ súng tiến công quân xâm lược, hợp thành một bản hợp xướng hùng ca của lòng yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng, tạo nên một sự mở đầu hiệu quả và hoàn hảo cho hành trình những năm kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang. Đúng như dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thắng lợi cuối cùng chắc chắn thuộc về dân tộc Việt Nam: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”(6), sau 9 năm vào năm 1954 “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc gian khổ chiến đấu và hy sinh giành lại một nửa Việt Nam và hai mươi năm sau, với chiến thắng mùa xuân 1975, lực lượng Mỹ, ngụy hoàn toàn bị quét sạch. Nước Việt Nam thống nhất một dải suốt từ Bắc đến Nam. Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc đã kết thúc thắng lợi.

Ra đời trong thời khắc cam go của lịch sử, từng câu, từng chữ trong hịch cứu nước của Hồ Chí Minh đã chạm tới điều sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, đó là lòng yêu nước và khát vọng tự do; đã thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thúc giục triệu triệu người nhất quyết xông tới, với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và với lời thề: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. 75 năm trôi qua kể từ ngày mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, những dấu tích của những năm tháng hào hùng đó có thể bị bào mòn bởi thời gian, nhưng âm hưởng, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử để lại trên mảnh đất này đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay và mai sau./.

Chú thích:

1.       Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.253.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, Tập 4, tr. 480.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 4, tr.480.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 4, tr.480.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 4, tr.480.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 4, tr.480.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)