slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng cảnh vệ công an nhân dân

18 Tháng 05 Năm 2022 / 3670 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hằng

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, luôn chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện lực lượng cảnh vệ công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ đội ngũ một số chiến sĩ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng cảnh vệ. Sau này, ngày 16/2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng cảnh vệ công an nhân dân. Tháng 2/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ, có bài nói chuyện động viên và nêu một số yêu cầu quan trọng trong thực thi nhiệm vụ đối với các chiến sĩ cảnh vệ.

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm rèn luyện lực lượng cảnh vệ công an nhân dân trưởng thành, chuyên nghiệp

Tại hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ tháng 2/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận những thành tích của các chiến sĩ cảnh vệ: “Nàm qua, các cô, các chú làm công tác đã có cố gắng, tận tuỵ, như thế là tốt”(1). Người nêu kinh nghiệm của bản thân thời kỳ hoạt động bí mật và căn dặn các đồng chí “còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”(2), muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật, giữ được bí mật và có thái độ tốt đối với đồng bào.

Thứ nhất, phải cố gắng rèn luyện nhiều nữa để kỹ thuật bảo vệ khéo léo. Phải biết tại sao phải bảo vệ? Lúc nào thì bảo vệ? Người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khoẻ, phải bắn súng giỏi, bơi giỏi, chèo thuyền giỏi để “lúc có việc phải sang sông không phải chờ thuyền”(3). Bác lấy ví dụ: có kẻ địch xông vào đánh Bác thì chú bảo vệ phải biết đánh nó, mà muốn đánh được nó, phải giỏi hơn nó. Hay lúc Bác ở Việt Bắc cọp đuổi, Bác không trèo được, thì lúc đó, chú bảo vệ phải biết trèo.

Thứ hai, phải giữ bí mật. Nói về yêu cầu này, Bác nhắc nhở khuyết điểm “chưa giữ được bí mật, chỗ Bác đi các cô, các chú lộ hết”(4). Bác đến làng nào thì nhân dân biết, đến nhà máy thì công nhân biết, đến trường học thì các cháu đã biết. Dân biết thì địch biết. Bác phê bình nhẹ nhàng nhưng thấu đáo rằng công tác bảo vệ còn “không khéo” nên “trông thấy các cô, các chú đứng ở ngoài đường hay các chỗ Bác đến thì Bác biết ngay”(5). Để khắc phục điều này, Bác dạy phải hiểu tâm lý kẻ địch vì địch lừa lúc ta sơ hở, mất cảnh giác và nghiên cứu những hiện tượng không bình thường để đoán biết tình hình mà chống phá ta, muốn giữ bí mật phải tìm cách hòa với hoàn cảnh, phải làm bất thình lình thì kẻ địch mới không kịp chuẩn bị.

Thứ ba, phải chú ý thái độ đối với nhân dân. Bác phê bình hiện tượng các đồng chí cảnh vệ vì bảo vệ Bác, không muốn đồng bào đến gần nên đã xô đẩy đồng bào: “Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác nhưng các chú thì lại không muốn”(6). Để giải quyết tình huống này, Bác nhắc lại yêu cầu quan trọng là cần thực hành dân chủ: “Mình là dân chủ, Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân”. Bác yêu cầu “phải khéo tổ chức”, “phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào”(7).

Sinh thời, không chỉ tại hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ tháng 2/1962 mà trong nhiều dịp khác Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ dạy lực lượng cảnh vệ những bài học sâu sắc. Nói chuyện tại hội nghị mừng công của Trung đoàn 600, ngày 21/12/1965, Người yêu cầu “phải giữ gìn bí mật, đề cao cảnh giác thật tốt”, “phải học tập cho tốt, giữ gìn kỷ luật cho nghiêm, lúc không có địch cũng như lúc có địch, lúc có địch cũng như không có địch”, “phải dũng cảm, bình tĩnh, không lộn xộn, vội vàng khi sự việc xảy ra”(8). Có lần cùng Bác đi thực tế, đi bộ, tắt rừng, vượt đồi, đi một lát thì anh em cảnh vệ phát hiện ra lạc đường. Bác biết và nhẹ nhàng bảo anh em: “Thôi được cũng mệt rồi, Bác nghỉ chút. Các chú xem lại thử”. Thái độ bình thản, gần gũi của Bác khiến anh em yên tâm trở lại(9). Bác dặn không được làm náo loạn với việc chạy mô tô dẹp đường, chỉ cần hóa trang cho thật khéo, thật tự nhiên. Quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện tư cách đạo đức, thấy trình độ văn hóa của anh em còn thấp, hằng ngày, khi công việc tạm ngưng, Bác đặt chương trình học tập, giáo viên thì phân công người khá dạy người kém. Bác dạy cả cách đọc báo, nghiên cứu tài liệu. Mỗi lần đi công tác xa về, Bác đều cho quà anh em chiến sĩ bảo vệ. Hằng năm cứ đến tháng 10, tháng 11 âm lịch, vườn cam của Bác lại trĩu cành, Tết đến, Bác hái cam chia cho mỗi người một quả. Khi có đồng chí cảnh vệ báo cáo xin nghỉ về quê tổ chức lễ cưới, Bác cử thêm người giúp đỡ và đưa hai bao thuốc, dặn tổ chức sao cho vui vẻ nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm.

Đối với nhiệm vụ cảnh vệ, những lời Bác dạy giản dị, cụ thể, tỉ mỉ nhưng là bài học bổ ích trong thời điểm công tác nghiệp vụ buổi ban đầu mới thành lập còn đơn giản, chung chung. Trong đời sống, sự quan tâm của Bác là tấm lòng của người cha đối với người con, người ông đối với đàn cháu. Người ân cần dạy bảo mọi điều từ cách ăn ở, học hành đến việc rèn luyện trở thành chiến sĩ tốt.

2.         Với sự quan tâm, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng cảnh vệ công an nhân dân ngày càng trưởng thành và luôn ghi nhớ những bài học, những kỷ niệm bên Người

Từ sự chỉ dạy, quan tâm rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng vinh dự bảo vệ Người, lực lượng cảnh vệ buổi ban đầu thành lập đã có quá trình trưởng thành về mọi mặt. Vào dịp Tết cổ truyền năm 1962, Bác nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an bố trí để Bác đi chợ Đồng Xuân. Lãnh đạo Bộ chỉ thị cho Cục Cảnh vệ phải thực hiện tốt việc này. Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh vệ được giao nhiệm vụ rất lo lắng về trách nhiệm, anh em khẩn trương đi nắm tình hình khu vực chợ. Vào dịp Tết, người các nơi dồn về chợ Đồng Xuân rất đông, có lúc lên đến hàng vạn, sẽ rất khó bảo vệ nếu để mọi người biết và chen lấn, xô đẩy lại gần Bác. Tuy nhiên lãnh đạo Cục Cảnh vệ quyết tâm thực hiện bằng được chỉ thị của Bộ Công an bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác đi chợ Tết. Nhiều phương án được đặt ra, cuối cùng lựa chọn được một phương án tối ưu. Bác cùng mọi người phải hóa trang để đảm bảo bí mật. Kết thúc buổi đi chợ Tết, Bác cười vui, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ, khen lực lượng cảnh vệ đã có nhiều tiến bộ và cố gắng trong công tác chuyên môn(10).

Năm 1963, hoạt động biệt kích của Mỹ - Ngụy đã lan rộng tới một số vùng ở miền Bắc, tình hình an ninh phức tạp. Bộ Chính trị chỉ thị mọi hoạt động của Bác phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Một lực lượng cảnh vệ bí mật bảo vệ trên đường được thành lập. Hằng ngày, gần bên Bác, các đồng chí được Bác chỉ bảo từng công việc cụ thể sách vở nhà trường chưa hề nói tới hay những tình huống các đồng chí đi trước trao đổi kinh nghiệm không lường hết được: “Các chú không biết cách hóa trang. Từ quần áo các chú mặc đến con mắt đảo liếc là Bác có thể nhận ra ngay”(11). Đơn vị sau đó đã họp rút kinh nghiệm sửa ngay những non yếu còn mắc phải. Một lần đi gặt lúa với dân ở ngoại thành Hà Nội, Bác nói: “Thứ nhất, Bác phê bình các chú còn lãng phí lực lượng, thứ hai là cách hóa trang của các chú còn lộ liễu lắm. Cơ quan nào đi gặt giúp dân mà lại may quần áo gần như đồng phục thế? Còn mấy chú gánh lúa ở trên đường cũng vậy. Dân họ mà nhìn thấy Bác không chỉ chào Bác ạ, rồi chạy biến như các chú đàu... Các chú phải sửa ngay”(12). Đi công tác địa phương xa, Bác bảo: “Các chú vẫn còn đơn giản trong suy nghĩ về cảnh giác lắm. Hôm nay đi công tác xa, lại phải qua vùng núi hẻo lánh nên phải đề phòng. Hai xe giống nhau quá thì chú phải đổi chỗ Bác ngồi luôn. Biển số xe cũng phải dự phòng, vài ngày hay vài tuần phải đổi biển số khác. Chỗ ngồi trên xe cũng vậy, có thể chú và Bác phải thay đổi chỗ ngồi mỗi lần đi để kẻ địch không phát hiện ra quy luật”(13). Từ những lời phê bình của Bác, lực lượng cảnh vệ đã tự kiểm điểm, tổ chức họp bàn biện pháp, kế hoạch thực hiện lời Bác dạy. Nhờ đó, công tác bảo vệ từng bước tiến bộ, được Bác nhiều lần khen ngợi. Đối với những chiến sĩ cảnh vệ, từng bài học Người giảng giải về nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác, những sơ hở mà địch thường lợi dụng, càng nghe càng thấy “lớn lên cả về trí tuệ và nghiệp vụ”(14). Đồng chí Nguyễn Tất Liêm kể lại: Từ lần họp rút kinh nghiệm, anh Kháng gặp riêng tôi bàn việc thực hiện một số kế hoạch bí mật. Trong đời thường Bác hay mặc bộ quần áo đại cán kaki màu sáng, đầu đội mũ cát két màu sẫm, mùa đông Bác quàng thêm chiếc khăn len để giữ ấm. Tôi cũng may một bộ quần áo đại cán kaki màu sáng, cũng sắm một chiếc mũ cát két màu sẫm và một chiếc khăn len. Lần Bác đến thăm một bệnh viện, Bác ngồi ghế trên bên cạnh lái xe, còn tôi và anh Vũ Kỳ, thư ký ngồi ghế sau. Khi xe đến cổng bệnh viện, lãnh đạo, nhân viên đã tập trung đầy đủ. Xe vừa dừng bánh thì đồng chí Giám đốc vội vàng chạy lại phía tôi mở cửa trong khi đó anh Kỳ đã xuống mời Bác đi về phía cán bộ, nhân viên đang đứng đón Người. Bị nhầm, đồng chí Giám đốc vội chạy đuổi theo Bác. Anh Kỳ nhìn tôi nháy mắt cười rất vui(15).

Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ, tuy qua nhiều nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền khác nhau nhưng trong ký ức điều thấm thía nhất vẫn là nhớ kỷ niệm bên Bác với bao nhiêu trách nhiệm, bao nhiêu tình cảm. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhuận nhớ rừng Việt Bắc hoang vắng, giữa đêm tối mịt mù mưa gió đầy trời, trước căn nhà nứa không có lấy một mẩu sắt cài cửa, một mình trông giấc ngủ của Bác, xúc động cảm thấy “vinh dự lớn lao và đời tôi gắn liền với Đảng đến thế”: “Phiên gác của tôi vào mãi gần sáng, nằm ngủ nhưng tôi không hề chợp được mắt, nằm nghĩ đến trách nhiệm quan trọng, vinh dự ít có trong đời và cũng lo đồng chí khác gác quá giờ thì lại chẳng đến lượt mình. Đêm trằn trọc chờ đợi thật là dài... Lần đầu tiên tôi gác đêm giữa rừng, lại là lần đầu tiên nhận nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ tối cao nên tôi lúng túng chỉ sợ sơ hở, nửa lo đứng gác ở cửa, nửa đi tuần tra quanh nhà. Đêm khuya, thỉnh thoảng tiếng ho khan của Bác lại vọng ra. Tôi trộm lo: kháng chiến còn dài, đêm nay liệu Bác có ngủ ngon không? Bác với mái đầu bạc, đang nằm ngủ đó, trong ngôi nhà nứa, cửa không có. Tôi càng lo và tự đặt trách nhiệm của mình: phải bảo vệ thật an toàn giấc ngủ và sức khỏe của Bác trong đêm nay. Ánh ban mai mới mờ mờ trên khu rừng, Bác đã trở dậy ra đứng ở cửa nói điều gì với đồng chí Trần Duy Hưng. Tôi vẫn đứng nghiêm, nắm chặt súng tay đứng gác. Đồng chí Trần Duy Hưng ra nói với tôi: Bác bảo chú về nghỉ đi. Câu nói tuy ngắn và do người khác truyền lại nhưng tôi vẫn cảm thấy chứa chan tình thương yêu cán bộ của Hồ Chủ tịch. Tôi tần ngần nhìn Bác một lát rồi mới về nghỉ”(16).

Đồng chí Lê Minh Thưởng kể lại nhiệm vụ đầu tiên của người chiến sĩ cảnh vệ là cùng đồng đội ngày ngày túc trực 24/24 trên con đường dẫn vào nhà sàn nơi Bác ở. Ánh mắt người cảnh vệ năm xưa như ánh lên vì tự hào rồi ngấn lệ: “Được làm cảnh vệ của Bác là niềm hạnh phúc, niềm vinh hạnh lớn nhất đời của tôi. Gần Bác, tôi cũng như các chiến sĩ khác học được rất nhiều điều về cuộc sống. Đó là sự kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, chịu khổ, biết quan tâm đến mọi người. Bác mất, cả dân tộc, cả thế giới tiếc thương, với mỗi chúng tôi là cận vệ của Bác thì như mất đi một điều gì đó quá lớn trong cuộc đời. Nhìn căn nhà sàn, con đường, ao cá. chúng tôi không nguôi nhớ về Bác”(17). Gần 10 năm làm cảnh vệ, với ông “chiếc huy hiệu của Bác tặng và những tấm ảnh được chụp chung với Bác sẽ mãi là niềm tự hào của người chiến sĩ cảnh vệ cho Bác”(18).

Theo Bác qua bao nhiêu chặng đường in dấu, những lời Bác dạy là hành trang các chiến sĩ cảnh vệ mang theo suốt những năm tháng hoạt động cách mạng và sau này hoàn thành nhiệm vụ, khi trở về địa phương vẫn luôn nhớ Bác. Thật khó nói hết niềm vui sướng chen lẫn tự hào trong thời kỳ bên Bác và những kỷ niệm sâu sắc còn lắng đọng không phai. Dù lúc thuận lợi hay khi tình hình phức tạp, khó khăn, căng thẳng, phong thái của Bác vẫn luôn điềm tĩnh, kiên quyết, lạc quan, tự tin. Giống như người cầm lái, dù tối trời, biển lặng hay lúc sóng to, gió lớn vẫn vững tay chèo lái. Ở bên Bác, các chiến sĩ cảnh vệ đã được rèn dạy ngày càng tiến bộ.

Từ khi thành lập đến nay, lực lượng cảnh vệ công an nhân dân luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Những chiến công đạt được, sự trung thành, tận tụy và tấm gương chiến đấu, hi sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh vệ đã góp phần tô thắm truyền thống lực lượng công an nhân dân Việt Nam anh hùng. Phát huy vai trò trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, lực lượng cảnh vệ luôn nỗ lực hoàn thành mục tiêu bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các đoàn khách quốc tế, các cơ quan trọng yếu và các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới của đất nước, bảo vệ nhân dân. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, can thiệp lật đổ ở nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng cảnh vệ công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý với toàn Đảng, toàn quân ta.

Chú thích:

1.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.76.

2.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.76.

3.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.76.

4.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.78.

5.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.78.

6.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.78.

7.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.79.

8.         Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.91.

9.         Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.169.

10.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.176.

11.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.185.

12.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.187.

13.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.189.

14.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.189.

15.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.190.

16.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.127-128.

17.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.156.

18.       Đỗ Hoàng Linh (chủ biên), Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, tr.156.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)