slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Trung Hoa

27 Tháng 05 Năm 2015 / 21514 lượt xem
Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Nhận định về mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa các nước nói chung, Nghị quyết 24C/18.6.5 của Khóa họp Ðại Hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO lần thứ 24 tại Pa-ri, từ ngày 20/10 - 20/11/1987 nêu rõ: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Bên cạnh cốt lõi là sự kết tinh truyền thống dân tộc, ở Hồ Chí Minh còn có sự tiếp biến văn hóa từ quá trình tìm tòi, học hỏi nhiều nền văn hóa thế giới, trong đó không thể không nhắc tới nền văn hóa của nước bạn láng giềng gần gũi là Trung Hoa. Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nền văn hóa Trung Hoa khẳng định sự gặp gỡ và tiếp biến của tinh hoa nhân loại để làm phong phú thêm vốn văn hóa dân tộc vốn rất bền chặt, sâu sắc trong con người Hồ Chí Minh.
Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và văn hóa Trung Hoa
Ngay từ nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong môi trường giáo dục của Nho giáo du nhập vào Việt Nam. Người được sinh ra trên quê hương xứ Nghệ - mảnh đất địa linh nhân kiệt vốn nổi tiếng về nho học, trong gia đình mà cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc là nhà khoa bảng được đào tạo nơi "cửa Khổng sân Trình". Người đã được cha dạy những bài học đầu tiên về chữ Hán. Thời gian học tại trường Quốc học (Huế), Người tiếp tục được truyền thụ sách vở Nho giáo. Sự gặp gỡ, tiếp xúc với những nhà nho - bạn bè cùng chí hướng của cha cũng để lại ảnh hưởng về cốt cách, tư tưởng đến Người. Năm 1923, trong lý lịch tự khai khi đến Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã tự giới thiệu: “Tôi xuất thân trong một gia đình nhà nho, nơi mà các thanh niên đều theo học đạo Khổng”. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1935, Nguyễn Ái Quốc cũng ghi trong lý lịch: “Thành phần gia đình nhà nho” (1). Có thể nói tinh thần Nho giáo đã để lại dấu ấn đầu tiên, sâu sắc trong tâm hồn người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Trong cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những giai đoạn hoạt động ở Trung Quốc, Người có nhiều điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa nước bạn. Tháng 9/1924, văn phòng Ban Bí thư quốc tế cộng sản ra quyết định điều động Nguyễn Ái Quốc đi Quảng Châu. Người tìm đến làm phiên dịch cho ông Bôrôđin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và của Chính phủ Quảng Châu. Thời gian này, Người trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lí luận Mác - Lênin vào trong nước và đến năm 1930, chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam. Cuối nǎm 1933, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông, trở lại Liên Xô. Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Trung Quốc. Cuối nǎm 1940, Nguyễn Ái Quốc về sát biên giới Việt - Trung, bắt liên lạc với tổ chức Đảng và sau 30 năm bôn ba xứ người, mùa xuân Tân Tỵ (năm 1941), Người đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 13/5/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh đi Trùng Khánh để gặp Chu Ân Lai và tháng 8/1942 bị bắt giữ ở Túc Vinh. Kể từ đó, Người bị giải qua 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Nhờ sự giúp đỡ can thiệp từ nhiều phía, ngày 10/9/1943, Người được đưa ra khỏi nhà tù nhưng vẫn bị quản thúc. Trong thời gian này, Tư lệnh chiến khu IV Trương Phát Khuê đã yêu cầu Người hợp tác với tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Người đã đồng ý. Ngày 23/11/1943, Người được đón về trụ sở của Việt Nam cách mạng đồng minh hội ở Liễu Châu để nhận công tác. Sau đại hội cách mạng hải ngoại ngày 28/3/1944, Người đã làm kế hoạch về Việt Nam công tác để phát triển tổ chức. Ngày 9/8/1944, Người được chính thức tự do và được cấp phép trở về Việt Nam. Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhiều lần sang thăm hữu nghị Trung Quốc để thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung.
Xuất phát từ quan hệ lịch sử mật thiết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước Việt - Trung mà mối liên hệ với đất nước và nền văn hóa Trung Hoa của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thêm gắn bó. Những năm 1920, Quảng Châu được coi là “Mạc Tư Khoa của phương Đông”, với sự giúp đỡ đắc lực của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn, Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa đã được thành lập mà Lý Thụy là nhân vật chủ chốt. Sau này, trong bài Tôn Dật Tiên tạ thế, Người không quên “nhắc nhở người Việt Nam cần nhớ rằng trên mảnh đất Hoa Nam những người yêu nước Việt Nam sống trong cảnh lưu vong, hy sinh mọi hưởng thụ để lo việc cứu giống nòi, đã tìm thấy nơi quê hương Tôn Dật Tiên một sự che chở, một lò rèn luyện để giữ vững niềm tin và ý chí cứu nước” (2). Trong thời gian cả nước kháng chiến chống Pháp, tháng 1/1950, với mong muốn phát triển mối quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế nhằm đẩy nhanh kháng chiến đến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị chuyến công du ngoại giao bí mật thăm Trung Quốc, Liên Xô. Trong chuyến đi này, với nhãn quan chính trị sắc bén và tài ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho bạn hiểu rõ cách mạng Việt Nam, từ đó thiết lập được mối quan hệ chiến lược Việt - Xô - Trung, mang tầm ảnh hưởng to lớn và thường xuyên đến cách mạng Việt Nam trong nhiều thập niên sau đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tinh hoa triết học Trung Hoa để hình thành tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đậm đà bản sắc phương Đông và tinh thần thời đại.
Nền văn hóa Trung Quốc là một di sản đồ sộ, có nhiều giai đoạn với những nhà văn hóa lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần xã hội. Trong hàng loạt những nhân vật ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều hơn cả đến Khổng Tử, Tôn Tử thời cổ đại, đến các nhà thơ Đường thời trung đại, đến Tôn Trung Sơn và Lỗ Tấn thời hiện đại. Ở các nhân vật lịch sử này, Người tìm thấy sự gặp gỡ về lí tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức và nghệ thuật.
Tư tưởng Mác-xít – Lê-nin-nít của Chủ tịch Hồ Chí Minh sở dĩ có sắc thái độc đáo bởi tư tưởng Mác-xít – Lê-nin-nít đã được xây dựng và phát triển trên mảnh đất truyền thống dân tộc, mà trong những truyền thống tốt đẹp ấy, yếu tố Nho giáo chiếm một vị trí không nhỏ. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh có những nét của con người lý tưởng Nho giáo. Người khẳng định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”(3). Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến những giá trị đạo đức của Nho giáo một cách trân trọng. Người nhắc đến vế thứ nhất trong bốn vế liên hoàn của đạo đức chính trị Nho gia (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) và đặc biệt đề cao sự tu dưỡng đạo đức cách mạng theo nhiều khái niệm rút trong kho tàng đạo đức của Nho giáo nhưng đã được suy rộng thêm cho phù hợp với thời đại. Có lẽ bởi Nho giáo nguyên thủy mang nhiều yếu tố nhân văn và dân chủ nhất, có thể xem như một lý thuyết về luân lý của phương Đông, răn dạy con người sống đúng đạo, có trách nhiệm - những tín điều rất gần gũi với văn hóa bản địa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo các ý niệm và mệnh đề của Khổng Mạnh vốn rất quen thuộc, lồng ghép vào những khái niệm cũ tinh thần của thời đại để giáo dục đạo đức cách mạng. Người đã phát triển hàm nghĩa Trung, Hiếu – phạm trù cốt lõi của đạo đức Nho giáo: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua sai khiến bề tôi bằng lễ, bề tôi phụng vua bằng trung - sách Luận Ngữ); “Hiếu sự thân; thân dĩ thính mệnh” (Hiếu để phụng thờ song thân, thuận để vâng lời người trên - sách Lễ ký), thành phạm trù của đạo đức cách mạng với một ý nghĩa hợp thời đại là “Trung với nước, Hiếu với dân”, “Trung với Đảng, Hiếu với dân”. Ngày 3/3/1951, trong lời kết thúc lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đảng viên cộng sản phải là những người mà giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”. Đó tức là câu của Mạnh Tử nói về phẩm cách của người đại trượng phu: “Phú bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
Am hiểu binh pháp Tôn Tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vận dụng tư tưởng quân sự này vào chiến tranh du kích ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phép dùng binh của ông Tôn Tử tuy đã lâu đời nhưng những nguyên tắc của ông đến nay vẫn còn rất đúng. Những nguyên tắc dùng binh của Tôn Tử chẳng những đúng về quân sự, mà dùng về chính trị cũng rất hay” (4). Người biên soạn cuốn Chiến thuật du kích trong những năm chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và đầu năm 1945, Người lại viết 13 bài đăng trên báo Cứu quốc về cách dùng binh của Tôn Tử để huấn luyện cho nhân dân và bộ đội.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm tòi nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các học thuyết trong đó có chủ nghĩa Tam dân với đường lối chính trị: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc của Tôn Trung Sơn và tìm thấy sự gặp gỡ về tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc: “Trong tất cả các lý luận cách mạng, ông Nguyễn cảm thấy chủ nghĩa Tôn Văn là thích hợp nhất với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam… Đây là cái mà Nguyễn Ái Quốc tìm kiếm”(5). Ba nguyên tắc “thích hợp nhất với hoàn cảnh Việt Nam” này cũng chính là ba mặt cấu thành tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đồng thời nhiều lần Người nhấn mạnh: có độc lập tự do mà dân không hạnh phúc thì tự do ấy cũng không có nghĩa lý gì.
Bên cạnh tư tưởng chủ đạo về giải phóng dân tộc và tu dưỡng đạo đức cách mạng đã nói ở trên, còn nhiều tư tưởng và nguyên tắc ứng xử của cổ nhân Trung Hoa được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng linh hoạt, sáng tạo trong những hoàn cảnh khác nhau. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, trước khi đi Người dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (Lấy sự không thay đổi để đối phó với mọi sự thay đổi). Đây là một mệnh đề tinh túy trong triết học nhân sinh của Kinh Dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm vững nguyên tắc lấy điều không thể thay đổi là chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc để ứng phó với muôn sự đổi thay trong quá trình đi lên của cách mạng để lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, từng bước đi tới thắng lợi. Hay như đề cập đến vấn đề giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dùng câu nói của Quản Trọng trong sách Quản tử “Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc/ Thập niên chi kế mạc như thụ mộc/ Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn” (Kế một năm, chi bằng trồng lúa/ Kế 10 năm, chi bằng trồng cây/ Kế trọn đời, chi bằng trồng người) và Việt hóa theo cách của mình để nhắc nhở về tầm quan trọng của sự nghiệp trồng người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thích và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nghệ thuật Trung Hoa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thích nền văn hóa Trung Hoa nên nhiều nhân vật lịch sử và nhà tư tưởng để lại dấu ấn đậm nét trong trí nhớ của Người. Người nhắc tới những ấn tượng sâu sắc về các tín điều Nho giáo: “Bác gần 80 tuổi rồi mà vẫn còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa”. Có lần, Bác hỏi một cán bộ chính trị: “Chú còn nhớ những chuyện Nhị thập tứ hiếu không? Bác gần 80 tuổi rồi mà vẫn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, chú bé Hán Lục Tích hiếu thảo với cha mẹ như thế nào” (6).
Về văn học Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thích thơ Đường và các tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn. Người “thích đọc Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Quốc” vì sự gần gũi trong quan niệm văn chương phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Người đã trích dẫn câu nói của Lỗ Tấn để nói về người cách mạng và đảng cách mạng: “Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ: “Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ/Phú thủ cam vi nhũ tử ngưu” (Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng). Nghìn lực sĩ có nghĩa là những địch mạnh, thí dụ lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là sự khó khăn gian khổ. Các nhi đồng nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc lợi dân” (7).
Trong thời gian thăm ngoại giao, đi nghỉ, hoặc chữa bệnh ở Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian đi thăm di tích lịch sử, thắng cảnh và tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của nước bạn. Năm 1955, lần đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc, đúng vào tết đoan ngọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà lưu niệm Khuất Nguyên. Đến thăm Vạn Lý Trường Thành lúc trời rất nắng, Người vẫn hăng hái bước lên tận tầng lầu của phong hỏa đài trên đỉnh núi. Người thăm tháp Đại Nhạn ở Tây An, thăm mộ Tần Thủy Hoàng, thăm đền thờ Đỗ Phủ, thăm quê hương và đền thờ Khổng Tử. Người đến viếng lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, thăm ngôi nhà cũ của Chủ tịch Mao Trạch Đông ở Hồ Nam, thăm tất cả những nơi gắn bó với hoạt động cách mạng của Mao Trạch Đông lúc còn trẻ ở thành phố Trường Sa.
Đến công viên Tửu Tuyền, nghe giới thiệu về chén dạ quang bôi để uống rượu nho, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngâm bài thơ Lương châu khúc của nhà thơ đời Đường Vương Hàn “Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà thượng mã thôi” (Rượu nho và chén dạ quang bôi/ Muốn uống nhưng tiếng tỳ bà giục giã lên đường). Người lại hỏi ở Tửu Tuyền có tỳ bà không, dạ quang bôi ở Tửu Tuyền có đặc điểm gì, và lúc rời Tửu Tuyền, trên xe lửa Người đã thưởng thức một ít rượu nho trong chén dạ quang bôi. Yêu thích phong cảnh đẹp, đến thăm nơi nào Người cũng yêu cầu được nghe giới thiệu về lịch sử, về truyền thuyết ở đó. Đầu tháng 10/1960, nghỉ ở Hải Nam, Người hỏi về truyền thuyết Lộ Hồi Đầu và lắng nghe một cách chăm chú. Người nói: “Ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cũng có những truyền thuyết đẹp đẽ và cảm động như thế. Những truyền thuyết như thế phản ánh tâm hồn đẹp và ước mơ về cuộc sống tự do hạnh phúc của người lao động” (8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thích nghệ thuật thư pháp và nhiều lần đề thơ trên giấy quyến lớn dùng cho thư họa. Người còn làm câu đối, viết thơ tặng bạn bè, đề chữ tặng khách sạn nơi Người nghỉ lại. Ở Hoàng Sơn, thấy đỉnh núi hình bảo tháp chưa có tên, Người nói: “Ta gọi nó là Luyện Đan tháp”. Người cầm bút viết năm chữ Hán “Hoàng Sơn phong cảnh hảo” và đề biển cho Quan Bộc Đình. Lúc rời Hoàng Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết chùm thơ chữ Hán “Nhật ký Hoàng Sơn” tặng Phó Chủ tịch Đặng Tất Vũ, lời thơ thể hiện tình cảm chân thực, giản dị, không hào nhoáng, từng ý thấm đượm tình hữu nghị đậm đà dành cho nhân dân Trung Quốc. Những lúc thư giãn, Người xem hý kịch, ngâm thơ, xem văn nghệ, thăm triển lãm tranh sơn dầu của các họa sĩ ở Bắc Kinh. Thăm Diên An, nghe các nghệ sĩ biểu diễn bài ca của Thiểm Bắc, Người vui vẻ nói: “Dân ca Thiểm Bắc và những điệu múa Ương Ca càng nghe càng thích, càng xem càng say sưa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bắt nhịp và cùng hát vang những bài dân ca với nhân dân địa phương. Đây là những minh chứng sinh động về sự hiểu biết sâu sắc nền văn hóa Trung Hoa của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu ngôn ngữ Trung Hoa và sử dụng nhuần nhuyễn các hình thức nghệ thuật Trung Hoa trong các sáng tác văn thơ.
Tiếp xúc với Hán tự từ nhỏ lại hoạt động cách mạng ở Trung Quốc nhiều năm nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu ngôn ngữ nước bạn. Trong mỗi hoàn cảnh, Bác đều có cách sử dụng tiếng Trung phù hợp. Nhận lời mời của Đài Phát thanh nhân dân Trung ương Trung Quốc, Người bày tỏ niềm vui mừng được nói chuyện với 600 triệu nhân dân nước bạn bằng tiếng phổ thông Trung Quốc. Người dùng giọng Tứ Xuyên để đọc lời bài dân ca Cô gái Tứ Xuyên đảm đang. Gặp nông dân ở Tùng Hóa, Người lại dùng tiếng Quảng Đông chào hỏi họ. Khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ này được bộc lộ rõ nét hơn cả trong thơ chữ Hán của Người. Trong bài thơ Mộ chỉ với một chữ hồng ở câu thơ cuối “Xay hết lò than đã rực hồng”, tứ thơ đã sáng bừng. Trong nghệ thuật Đường thi, người ta gọi đây là “nhãn tự”, nó làm cân lại hai mươi bảy chữ khác chất chứa nỗi niềm tâm sự lúc chiều hôm.
Sinh thời, dù không bao giờ tự nhận là nghệ sĩ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đời sau những tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong nền văn học nước nhà. Nói đến thơ Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến mối liên hệ với thơ Đường. Nếu Lỗ Tấn và Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của tâm hồn nghệ sĩ luôn ấp ủ lý tưởng giải phóng dân tộc thì thơ chữ Hán Hồ Chí Minh và thơ Đường là sự gặp gỡ của thi pháp cổ điển. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác nhiều thơ chữ Hán theo thể tứ tuyệt, thất ngôn hoặc ngũ ngôn – thể thơ phổ biến nhất trong thơ luật Đường. Các đề tài xuất hiện trong thơ Người như Thượng sơn, Nguyên tiêu, Đối nguyệt, Đăng sơn… cũng là đề tài quen thuộc trong thơ Đường. Đó đều là những sáng tác thể hiện mối giao cảm giữa con người và thiên nhiên bằng bút pháp gợi mà không tả, thoáng nhẹ, sâu lắng đầy âm vang thường thấy trong thơ Đường. Tìm hiểu về âm vang thơ Đường trong tập thơ Nhật ký trong tù, nhà thơ Quách Mạt Nhược nhận xét: “Có một số bài đặt lẫn vào thơ Đường Tống cũng không phân biệt được”. Tuy nhiên, thơ Hồ Chí Minh rất Đường ở bút pháp mà không Đường về tư tưởng. Bác mang lại cho phong thái bình tĩnh ung dung của thơ xưa một tinh thần thời đại. Nếu như thi nhân xưa ung dung vì ngộ đạo, nhập thiền, xa lánh cuộc đời thì người chiến sĩ Hồ Chí Minh lại ung dung vì nắm vững quy luật vận động đi lên của cuộc sống, luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh. Đó là sức mạnh bình tĩnh, không khiếp sợ, không hoảng hốt, đó là sức mạnh của những người sống một nhịp với trào lưu của thế giới, với quy luật tiến hóa của lịch sử. Tinh thần này thể hiện rất rõ trong những sáng tác của Hồ Chí Minh mà tập thơ Nhật ký trong tù là điển hình. Cách sử dụng ngôn ngữ uyển chuyển, đậm đà bút pháp Đường thi trong văn thơ như thế cho thấy văn hóa Trung Hoa từ chỗ là vốn tiếp thu từ bên ngoài đã ngấm vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, không cần gò ép, đối cảnh là sinh tình, là “thơ bay cánh hạc ung dung”. Thế nhưng dù với hình thức hoàn toàn Trung Hoa như thế, vẫn dễ dàng nhận thấy dấu ấn cá tính sáng tạo Hồ Chí Minh trong nhãn quan biện chứng của người nghệ sĩ chiến sĩ khi nói về sự chuyển mình, vận động của cảnh, của tình từ bóng tối ra ánh sáng. Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) sau khi đọc Nhật ký trong tù viết: “Chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng… Tôi cảm thấy trái tim vĩ đại đó đã tỏa ánh sáng chói ngời trong một hoàn cảnh tối tăm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những nhà tư tưởng lỗi lạc và luôn yêu mến, quan tâm, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa của Trung Hoa.
Với lòng kính trọng sâu sắc và nguyện trở thành người học trò trung thực của Tôn Trung Sơn, trong bài Tôn Dật Tiên tạ thế gửi sang Paris đăng báo Người cùng khổ nhân ngày mất của ông (12/3/1925), Người bày tỏ tình cảm thương tiếc: “Chúng ta nghiêng mình trước thi hài một con người đã giải phóng 400 triệu đồng bào của mình khỏi ách chuyên chế phong kiến từ bao thế kỷ và bảo vệ đất nước của mình trước cuộc xâu xé của bọn đế quốc. Các dân tộc châu Á mất một người bạn. Cách mạng Nga mất một người đồng tình ủng hộ… Bản Di chúc của ông là lời kêu gọi đấu tranh chống kẻ thù…” (10). Tại Đại hội Quốc dân Đảng năm 1926 ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc với cái tên Vương Thành Đạt tham dự với tư cách Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản đã một lần nữa khẳng định tư tưởng và công lao của Tôn Trung Sơn.
Đối với văn nghệ sĩ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những lời ca, tiếng hát, vở kịch hay bức ảnh mà anh chị em tặng Người là món quà tinh thần đáng quý. Với thái độ trân trọng nghệ thuật và đóng góp của nghệ sĩ, Người xem các chương trình biểu diễn một cách say sưa và thích thú, Người cổ vũ, động viên nghệ sĩ trên sân khấu và quan tâm đến cuộc sống đời thường của anh chị em. Cuối năm 1961, sau khi xem đoàn ca múa tỉnh Vân Nam biểu diễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi diễn viên Đỗ Lệ Hoa lên sân khấu đứng giữa Người và Chủ tịch Mao Trạch Đông chụp một bức ảnh. Tháng 8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời gia đình Đỗ Lệ Hoa cùng đi với Người thăm rừng đá Lộ Nam. Khi Đỗ Lệ Hoa tới, Người đã đợi sẵn ở cửa và gọi: “Cháu Đỗ Lệ Hoa, hoan nghênh cháu, cháu vẫn nhớ lần gặp đầu tiên của Bác cháu ta ở Bắc Kinh chứ?”. Người xem ảnh Đỗ Lệ Hoa rồi quay sang nhìn khuôn mặt Đỗ Lệ Hoa, ôn tồn hỏi: “Cháu ốm hay sao? Sắc mặt cháu hơi xanh”. Với giọng hiền từ, Người nói: “Diễn viên như các cháu là tài sản quý của đất nước, phải hết sức giữ gìn sức khỏe đấy”. Năm 1964, nhận bức ảnh chân dung do đồng chí Lục Văn Tuấn, phóng viên của báo ảnh Quảng Đông chụp, Người xem xong tỏ ý hài lòng và nói với Lục Văn Tuấn: “Cảm ơn đồng chí”. Sau khi về nước, Người gửi Lục Văn Tuấn tập thơ của mình với dòng chữ Hán đề phía ngoài “Hồ bá bá tặng” (Bác Hồ tặng). Ở Tùng Hóa, sau khi nghe diễn viên nổi tiếng Nghiêm Phượng Anh của đoàn kịch Mai Vàng tỉnh An Huy hát tặng bài dân ca, Người khen hay và ân cần hỏi thăm, rồi nói: “Đem nghệ thuật cống hiến cho nhân dân, động viên nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, điều đó tuyệt diệu biết bao” (11). Với phong cách quần chúng giản dị, cởi mở đôi khi, Người còn đề nghị các bạn Trung Quốc phổ thơ của Người.
Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã tiếp nhiều đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam như đoàn xiếc Chiến sĩ nhân dân giải phóng quân Trung Quốc, đoàn nghệ thuật ca múa Phương Đông... Ghi nhận tình cảm và sự đóng góp của văn nghệ sĩ Trung Quốc với Việt Nam, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký lệnh tặng các bạn những danh hiệu cao quý. Những tình cảm yêu mến của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đội ngũ làm công tác văn hóa Trung Quốc bắt nguồn từ tình thương yêu và quan tâm đến con người nói chung và thái độ trân trọng văn nghệ nói riêng. Lối cư xử gần gũi này không chỉ thắt chặt tình cảm giữa Người và văn nghệ sĩ Trung Quốc mà còn củng cố mối quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em giữa hai nước Việt – Trung.
Trong hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trên nền tảng truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa để hình thành tư tưởng giải phóng dân tộc, tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh vừa mang tinh thần thời đại, vừa đậm đà bản sắc Việt Nam. Cũng giống như sự gặp gỡ với văn hóa Pháp, văn hóa Xô viết, mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nền văn hóa Trung Hoa làm phong phú thêm vốn văn hóa dân tộc vốn rất bền chặt, sâu sắc trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Tuy rằng sinh thời Bác nói một cách khiêm tốn: “Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ” (12) nhưng đến nay thế giới đều chung nhận định rằng “người học trò nhỏ” này đã làm rạng danh quê hương đất nước và văn hóa dân tộc trong hành trình tìm tòi, sàng lọc, điều chỉnh và phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại nói chung, văn hóa Trung Hoa nói riêng phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Chú thích:
 (1), (2), (3), (7), (10) Lương Duy Thứ, Bác Hồ với văn hóa Trung Quốc, NXB Trẻ, tr30; tr55; tr10; tr59; tr55.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, tr 513.
(5), (12) Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh truyện, NXB Tam Liên, tháng 6/1949, tr 81; tr91.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 15, tr.661.
(8) Đặng Quang Huy (biên soạn) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, NXB Chính trị quốc gia, tr 58.
(9) Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, NXB Hội nhà văn, tập 9, tr109.
(11) Đặng Quang Huy (biên soạn), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, NXB Chính trị quốc gia, tr 77.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)