slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh

05 Tháng 10 Năm 2018 / 1410 lượt xem
Nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh (1958-2018)
 
Ths. Hồ Thị Quỳnh Thoa
Phòng TTGD
Bắc Ninh là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh  luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Bắc Ninh. Trong 18 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc ninh, có tới 9 lần (riêng năm 1958 có đến 4 lần) Người về thăm, chỉ đạo về công tác sản xuất nông nghiệp.
Nước ta đi lên từ một nền sản xuất nhỏ, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nên sản xuất nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ta . Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ngay những ngày đầu cách mạng Tháng Tám mới thành công, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(1).
Nhân dịp kỷ niệm 30 nǎm Ngày thành lập Đảng, trên Báo Nhân dân số 2120  ra ngày 06/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ việc phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính: "Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hoá nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh"(2). Về vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp đối với đời sống, Người nhấn mạnh: Việt Nam có câu tục ngữ "Có thực mới vực được đạo". Trung Quốc cũng có câu tục ngữ: “Dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ǎn làm trời). Hai câu ấy rất đơn giản nhưng đúng lẽ. Muốn nâng cao đời sống nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ǎn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết tốt vấn đề ǎn thì phải làm thế nào cho có đủ lương thực, mà lương thực do nông nghiệp sản xuất ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận, “Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng"(3).
 Một trong những tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp không thể không nói đến vấn đề phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, là trong các cây lương thực, Người nói nhiều đến việc trồng lúa, coi cây lúa là chính. Trong thư  “Gửi nông gia Việt Nam” ngày 07/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh  trực tiếp kêu gọi: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc” thì “binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất, tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập. Hỡi anh em nhà nông, tiến lên”(4).Thực hiện lời kêu gọi của Bác, Chính phủ yêu cầu tất cả ruộng đất đều phải được canh tác. Phong trào thi đua sản xuất được phát động sâu rộng trong cả nước bằng nhiều hình thức. Nhờ các phong trào thi đua, sức mạnh của nông dân được khơi dậy, tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm nhanh chóng được đẩy mạnh. Vụ mùa năm 1946 ở Bắc Bộ đã đạt gấp đôi năm 1945. 
Tháng 7 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân bài Một nước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật, ký bút danh Trần Lực, chỉ rõ sự chăm chỉ, cần cù của nông dân Trung Quốc trong việc tưới nước, làm phân bón ruộng, nhờ đó, họ đã có một mùa lúa mạch bội thu, đồng thời Người cũng nêu một số kinh nghiệm làm mùa của nông dân tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), nêu rõ sự cần thiết phải cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp.
Thi đua làm nhiều thuỷ nông,
Dùng nhiều phân bón, là công việc đầu
Ba là cuốc bẫm, cày sâu,
Bốn chọn giống tốt, năm lo cấy dày
Sáu là kỹ thuật đổi thay,
Toàn dân, toàn Đảng ra tay cùng làm”(5).
Bên cạnh cây lúa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn đề cao vai trò của các loại cây hoa màu khác để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, trồng cây ăn quả, trồng cây lấy gỗ:  “Sản xuất nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch Nhà nước nhằm tăng cường thêm nữa sản xuất lương thực, thật sự đẩy mạnh việc trồng cây công nghiệp, việc chăn nuôi gia súc; đồng thời coi trọng nghề rừng, nghề cá, nghề muối và những nghề phụ khác. Đó là một nhiệm vụ rất to lớn và vẻ vang của đồng bào nông dân và cán bộ các cấp”(6).
Không chỉ bằng lời nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên theo sát chỉ đạo mọi ngành, mọi cấp, mọi người thực hiện nhiều biện pháp ra sức phát triển nông nghiệp. Người đích thân xuống các địa phương xem xét thực tiễn sản xuất nông nghiệp; tham dự hội nghị tổng kết kinh nghiệm về xây dựng hợp tác xã, về thuỷ lợi, về khoa học kỹ thuật…  Khi đến thăm đồng bào, Bác không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Bác chỉ ra nguyên nhân: Coi trọng sản xuất lúa là tốt, nhưng bà con nông dân còn xem nhẹ hoa màu và cây công nghiệp. Do xem nhẹ hoa màu nên chăn nuôi không phát triển được…Tại hội nghị tổng kết phong trào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 1959, Người yêu cầu phải phát triển mạnh chăn nuôi để có thêm thịt ăn, thêm sức kéo, thêm phân bón. Chăn nuôi không những là nguồn thực phẩm quan trọng mà còn cung cấp phân bón cho trồng trọt. Đi liền với việc khuyến khích phát triển chăn nuôi, nhiều lần Người nhắc nhở không được lạm sát trâu bò, vì vừa làm giảm sức kéo, vừa gây ra tệ nạn ăn uống lãng phí: “Tôi kêu gọi đồng bào nông dân và cán bộ các cấp hãy ra sức thực hiện đầy đủ và kịp thời những công tác sau đây: Cấy lúa chiêm và trồng ngô, khoai...; Trồng cây công nghiệp, nhất là trồng bông; Phát triển chăn nuôi nhiều lợn, gà, trâu, bò…”(7).
Ngày 11/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tỉnh Bắc Ninh. Tại cuộc họp với cán bộ phụ trách các ngành, các giới và các đại biểu tham dự Hội nghị thi đua của tỉnh, sau khi nghe báo cáo về tình hình làm mùa và phong trào đổi công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích một số khuyết điểm của cán bộ, nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc lãnh đạo và thi đua sản xuất nông nghiệp. Sau đó, Người gặp gỡ và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ các cấp từ tỉnh đến xã, chiến sĩ thi đua, các đại diện tổ đổi công, hợp tác xã và bộ đội. Người kể chuyện về tấm gương huyện Lai Tân (Trung Quốc) từ một vùng đói nghèo, khan hiếm nước, nhờ sức phấn đấu của nhân dân và cán bộ mà trở thành một huyện no đủ, giàu có. Trước khi kết thúc, Người tặng huy hiệu của Người cho tổ đổi công Liên Hà và xã Hà Mãn là hai đơn vị khá nhất tỉnh.
Ngày 20/9//1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Văn Lộc thăm các cán bộ, công nhân và dân công đang làm việc trên công trường đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa, mục đích của công trình đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân phong kiến, ba tỉnh Bắc - Hưng- Hải mười năm chín hạn. Năm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn... Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình thủy lợi Bắc - Hưng- Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”. Người động viên và mong mỏi đồng bào và cán bộ 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cố gắng khắc phục mọi khó khăn, để hoàn thành thắng lợi công trình: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”(8).
Ngày 16/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm một số công trường thủy lợi loại vừa ở Bắc Ninh và lần thứ hai đến Công trường thuỷ lợi lớn Bắc - Hưng - Hải. Người đến tận nơi thăm anh chị em dân công đang hăng hái thi đua đào kênh và nạo vét sông. Nói chuyện với đông đảo cán bộ tỉnh Bắc Ninh, Người khen ngợi những đơn vị, cá nhân có thành tích thi đua; cảm ơn các cụ và đồng bào địa phương đã tận tình giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, lại luôn luôn đến thăm hỏi động viên dân công và căn dặn: “Việc xây dựng công trình đại thủy lợi Bắc - Hưng- Hải là một chiến dịch, chiến dịch chống giặc hạn. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến, quyết thắng”(9).
Ngày 25/12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Bắc - Hưng- Hải lần thứ ba giữa lúc cán bộ, dân công đang thi đua đổ bê tông tầng móng cống Xuân Quan và hoàn thành việc đào kênh để kịp lấy nước phục vụ sản xuất Đông- Xuân. Người khen anh em công nhân có nhiều tiến bộ và nhắc nhở cần cố gắng hơn nữa, phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô.
Ngày 20/2/1959, trước khi công trình hoàn thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường lần thứ tư. Người đến và cũng không cho báo trước, Chủ tịch nước đến thăm công trình mà giản dị như người cha đến thăm con cháu đang lao động với một tình yêu thương sâu sắc và sự chỉ bảo ân cần, giúp đỡ giải quyết những khó khăn cụ thể. Người xem xét từng hạng mục công trình và nghe Ban chỉ huy công trình báo cáo về tình hình thi công. Người thăm hỏi cán bộ, bà con dân công và động viên mọi người quyết tâm vượt qua mọi trở ngại trước mắt, giữ vững ý chí thi đua lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường.
Giữ đúng lời hứa với Bác, ngày 01/5/1959, công việc hoàn thành trước khi mùa lũ đến với khối lượng khổng lồ: xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát 226.000 m3 đá, đào đắp gần 3.000.000 m3 đất... Hệ thống sông chính dài 200km bảo đảm cấp nước tưới cho gần 120.000 ha diện tích cây trồng, tiêu úng cho hơn 192.000 ha. Công trình hoàn thành, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng chảy về đồng ruộng, giữa tiếng reo hò của hàng vạn cán bộ công nhân viên và nhân dân ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Đây là hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời và từng được gọi là Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Ngay sau khi công trình hoàn thành, cũng năm 1959, bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” được khởi dựng giới thiệu về quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi này. Bộ phim đã đoạt giải Giải Bông sen vàng và Huy chương vàng tại Liên hoan phim Matxcơva 1959.
Nhiệm vụ thủy lợi, nhất là thủy lợi nhỏ của tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả tốt do biết dựa vào nhân dân, phát huy toàn dân làm thủy lợi. Ngày 14/9/1959, Trung ương tổ chức Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Hội nghị vinh dự được đón Bác về thăm. Sau khi nghe đại biểu Bắc Ninh đánh giá thành tích công tác thủy lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho tỉnh 10 huy hiệu của Người để tỉnh trao tặng cho những cá nhân có thành tích trong công tác thủy lợi vừa qua.
60 năm qua thực hiện lời dạy của Bác, từ một tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Bắc Ninh đã chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng quê hương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều khởi  sắc, đã hình thành nhiều trang trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cho giá trị kinh tế cao, xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Toàn tỉnh hiện có 153 trang trại chăn nuôi, 47 trang trại trồng trọt, 27 trang trại  thủy sản, 21 trang trại tổng hợp và hàng nghìn gia trại, thu nhập bình quân 1,83 tỷ đồng/trang trại; 88 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 24 cơ sở được cấp giấy chứng nhận Viet GAP; 78 vùng sản xuất chuyên canh với tổng diện tích khoảng 1.500 ha, đã hình thành nhiều vùng trồng rau an toàn, các cánh đồng hàng hóa mẫu lớn cho năng suất, giá trị cao. Năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8.745 tỷ đồng.
 Chương trình nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai tích cực. Hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, đường điện, đường giao thông nội đồng và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh. Đến hết năm 2017, có 73 xã đạt chuẩn Nông thôn mới chiếm 75,3% tổng số xã trên toàn tỉnh; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,25 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân cả nước 4,25 tiêu chí), đứng trong tốp 10 cả nước, có 02 đơn vị cấp huyện (Tiên Du và Từ Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Riêng trong lĩnh vực thủy lợi, hệ thống đê điều ở Bắc Ninh từng bước được đầu tư, tu bổ, hoàn thiện, cải tạo nâng cấp. Để nâng cao khả năng phòng, chống lũ cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, hàng năm, Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh chủ động tham mưu đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo đánh giá chất lượng đê điều, công trình thủy lợi trước và sau lũ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tu bổ đê điều địa phương thường xuyên, năm 2017 có 20 dự án với tổng chi phí xấp xỉ 52 tỉ đồng, khối lượng đất đắp 137.000m3; bê tông, đá, gạch 25.400m3. Cùng với việc đầu tư mặt đê, Chi cục phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Đuống tổ chức kiểm tra, giải tỏa khơi thông các trục tiêu chính, chủ động bơm tiêu nước đệm, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực, máy móc thực hiện phòng, chống úng; tăng cường kiểm tra, phát hiện, sửa chữa kịp thời các hư hỏng để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
 Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và 60 năm Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh thành kính tưởng nhớ và biết ơn những tình cảm sâu nặng, ân tình và công lao trời biển của Người. Mỗi người dân Bắc Ninh luôn tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phong trào, hành động cách mạng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh.
 
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.4, tr.246.
(2) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.12, tr.413.
(3) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.13, tr.375.
(4) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.4, tr.134.
(5) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.11, tr.453.
(6) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.10, tr.474.
(7) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb, Chính trị Quốc gia, H. 2011, t.10, tr.475.
(8) Ban thường vụ tỉnh Bắc Ninh, Bác Hồ với Bắc Ninh, Nxb. Thế giới, H. 2000, tr. 53.
(9) Ban thường vụ tỉnh Bắc Ninh, Bác Hồ với Bắc Ninh, Nxb. Thế giới, H. 2000, tr. 59.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)