slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghệ thuật xiếc

18 Tháng 05 Năm 2022 / 345 lượt xem

Cao Thanh Huyền

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Xiếc là một trong những bộ môn nghệ thuật lâu đời của Việt Nam, được đông đảo nhân dân yêu thích, bởi đặc trưng ngôn ngữ xiếc vừa mỹ lệ vừa cụ thể nên không cần thuyết minh phiên dịch mà người xem vẫn tiếp nhận một cách thoải mái và thú vị. Do vậy nghệ thuật xiếc còn đóng vai trò cầu nối văn hóa giữa sân khấu và cuộc đời, giữa dân tộc này với các dân tộc khác. Sinh thời, Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc Người vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến sự phát triển của nghệ thuật xiếc và dành thời gian đến thăm các nghệ sĩ xiếc.

Lịch sử ngành xiếc hiện đại Việt Nam bắt đầu từ “Đội xiếc Trung ương” ra đời ngày 16/01/1956 với hai nhóm xiếc: Vũ đài thủ đô anh dũng và Hoa hồng đỏ do ông Phạm Xuân Thư làm đội trưởng. Lúc đầu, đội chỉ có khoảng 20 cán bộ và diễn viên, vốn liếng nghệ thuật rất nghèo nàn, động tác đơn giản, đạo cụ thô sơ mộc mạc. Nhưng chỉ 15 ngày sau khi thành lập, vào tối ngày 04/02/1956, đội xiếc Trung ương non trẻ đã biểu diễn buổi đầu tiên tại nhà hát Thành phố Hà Nội nhân dịp bác Tôn Đức Thắng (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) được tặng Huân chương Hòa Bình. Ngày 19/5/1958, ông Tạ Duy Hiển sáp nhập gánh xiếc thú của mình với Đội xiếc Trung ương thành “Đoàn xiếc Thống nhất” (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngày nay), do ông Hiển làm trưởng đoàn. Ngày đó chưa có rạp diễn, chưa có sân khấu tròn vẫn chỉ duy trì hình thức tạo lập nhà bạt để biểu diễn lưu động phục vụ bà con. Khoảng giữa năm 1958, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đoàn xiếc tại khu đất đối diện hồ Bảy Mẫu và trò chuyện vui vẻ với nghệ sĩ trưởng đoàn Tạ Duy Hiển(1). Bác hỏi thăm các nghệ sĩ và công nhân kĩ thuật của rạp. Sau đó Người thăm sân khấu biểu diễn, thăm khu chuồng thú, nuôi thú. Biết anh chị em ngành xiếc phải luyện tập trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, Bác ân cần hỏi han cặn kẽ từng người, động viên anh em tiếp tục xây dựng các tiết mục hay, đặc sắc để biểu diễn phục vụ công chúng. Bác đi tới đâu thì anh em nghệ sĩ xiếc xúm xít lại quanh Bác để nghe từng lời căn dặn.

Những năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian để ghé thăm đoàn xiếc lúc đó đã đổi tên thành Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương. Người vui mừng khi thấy anh chị em nghệ sĩ chăm chỉ luyện tập. Bác hào hứng đón xem các tiết mục của đoàn và kết thúc chương trình Bác không quên nhắn nhủ các nghệ sĩ phải giữ nghề nối nghiệp. Mỗi lời chỉ bảo dạy dỗ ấm áp tình yêu thương của Người cứ thế ngấm sâu vào trong tâm trí của mỗi nghệ sĩ xiếc, trở thành động lực để họ phấn đấu đưa đoàn xiếc Việt Nam phát triển, đi lên. Ngày 11/01/1960, Bác đến thăm Đoàn xiếc trong lúc anh em trong đoàn đang hạ rạp bạt tại hồ Bảy Mẫu, Hà Nội(2). Thấy Bác vào cửa khu rạp xiếc, diễn viên Phi Hùng mừng rỡ reo lên: Bác Hồ, Bác Hồ đến...! Mọi người vô cùng sung sướng dừng công việc hạ rạp lại. Nghệ sĩ Tạ Duy Hiển, trưởng Đoàn xiếc ra đón Bác và đưa Bác đi thăm khu rạp, nhà ăn, nhà tập, cả nhà để thú nữa, tất cả đều mới dựng bằng tranh tre, vách liếp. Xem xong, Bác bảo anh em quây quần bên Bác. Bác hỏi:

-           Các cháu hạ rạp, chuyển rạp đi đâu?

-           Dạ thưa Bác, chuyển rạp đi diễn ở Hải Phòng, Thái Bình. (Nghệ sĩ Tạ Duy Hiển thưa).

-           Đoàn đã diễn ở đây được bao nhiêu buổi và có đông người xem không?

-           Thưa Bác, đã diễn ra được hai tháng mười ngày với 65 buổi diễn, buổi nào cũng rất đông người xem.

-           Bác biết, nhân dân ta rất thích xiếc và Bác cũng rất thích xiếc.

Bác nói tiếp:

-           Các cháu biểu diễn xiếc thì các cháu phải biết xiếc Việt Nam có từ lâu đời. Vậy Đoàn xiếc phải xây dựng được nhiều tiết mục đúng là xiếc Việt Nam mà không lẫn với xiếc ngoại.

Những lời căn dặn của Bác chính là nguồn động viên vô cùng quý giá, không chỉ cổ vũ lòng yêu nghề của những người nghệ sĩ xiếc mà Người còn chỉ ra định hướng phát triển của xiếc Việt Nam.

Ngày ấy, xiếc được coi là mũi nhọn của ngành sân khấu, được đông đảo nhân dân rất hâm mộ. Do vậy, những buổi tiếp khách quốc tế trong Phủ Chủ tịch hoặc chiêu đãi ở Hội trường Ba Đình, Bác Hồ thường cho mời xiếc vào biểu diễn phục vụ, Bác cùng xem với khách. Có lần diễn cả chương trình hoặc một số tiết mục. Những tiết mục thường xuyên được vào diễn tại Phủ Chủ tịch là: Uốn dẻo, Tung hứng, Cô hàng giải khát, Hình tượng, Đế trụ, Luồn thang, Thang đưa, Nhào lộn, Ảo thuật, Hề... Với tất cả sự điêu luyện và tâm hồn của người nghệ sĩ xiếc, cả niềm vinh dự được trình diễn cho Bác và các vị khách quý xem cho nên các nghệ sĩ đều cống hiến hết mình, các tiết mục đều có sức truyền cảm mạnh mẽ, sôi động, cuốn hút người xem. Trong phòng diễn những tràng vỗ tay cứ liên tiếp vang lên như pháo nổ. Một hôm, Giang Kim Thanh diễn xong tiết mục Uốn dẻo, Bác vẫy tay Thanh đến bên, Bác xoa đầu cô diễn viên trẻ, cho Thanh kẹo và hỏi:

-           Cháu diễn như thế, có mệt không?

-           Dạ, thưa Bác. (Thanh cảm động quá, nói chẳng nên lời!)

-           Bác biết, diễn xiếc vất vả lắm, diễn uốn dẻo còn mệt hơn, mệt lắm!

Thanh vô cùng cảm động, sung sướng bởi Bác hiểu giá trị của những tiết mục xiếc nói chung và thông cảm với nỗi vất vả khổ luyện của mình. Bằng sự quan tâm, thấu hiểu, Bác đã thôi thúc những người nghệ sĩ xiếc càng say mê gắn bó với xiếc hơn(3).

Trong số các tiết mục vinh dự được Bác Hồ chọn biểu diễn nhiều lần để tiếp khách quốc tế là tiết mục xiếc có tên “Cô hàng giải khát” của Nghệ sĩ Tâm Chính. Không thể kể hết được từ tiết mục khéo léo, uyển chuyển của cô hàng giải khát đã có được biết bao giải thưởng tại các cuộc thi trong và ngoài nước. NSND Tâm Chính kể rằng, ý tưởng tiết mục “Cô hàng giải khát” ra đời cũng thực tình cờ và trở thành tiết mục đi theo tên tuổi bà suốt đời. Khi tiết mục được đem ra công diễn đã gây tiếng vang lớn bởi sự điêu luyện của nghệ sĩ, hình ảnh cô gái đứng trên 8 tầng cốc đặt trên con lăn có trụ là 4 chai rượu, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Tiết mục được lưu diễn ở khắp nơi và còn là tiết mục chủ đạo khi đoàn đi biểu diễn ở Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên..., cả ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bungari, Rumani, Cộng hòa dân chủ Đức... “Cô hàng giải khát” là tiết mục Tâm Chính nhiều lần biểu diễn cho Bác Hồ xem mỗi khi Bác tiếp khách quốc tế. Lần đầu tiên được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác xem, Tâm Chính mừng khôn xiết. Đêm hôm ấy, bà về phòng và viết ngay một bức thư về quê. Trong thư, Tâm Chính viết: “Thầy ơi, mẹ ơi! Thế là con đã được gặp Bác rồi. Con đã được gặp Người bằng xương, bằng thịt.”. Nhiều lần trực tiếp xem Tâm Chính biểu diễn, Bác từng ôm hôn và cho Tâm Chính rất nhiều kẹo, bánh. Mỗi lần nhận được quà của Bác, Tâm Chính thường giữ lại rất lâu không ăn. Có lần, Tâm Chính gặp lại Bác, vừa nhìn thấy Tâm Chính, Bác đã cười: “A, cô hàng giải khát đây rồi! Cho Bác xin một cốc nước với nào”. Sau những lần như thế, Tâm Chính càng thêm yêu kính Người cha già hồn hậu, gần gũi và giản dị. NSND Tâm Chính vẫn nhớ mãi lời Bác dặn: Cháu biểu diễn hay lắm nhưng cháu phải cố gắng truyền đạt tiết mục của mình cho nhiều người khác cùng diễn với nhé! Phải nâng tiết mục cao lên nữa nhé! Ký ức về những tháng ngày được biểu diễn cho Bác xem, được nghe những lời dặn dò của Bác đã luôn là ký ức đẹp nhất không thể nào quên. Bà luôn nhớ ánh mắt trìu mến của Bác và cả những tràng vỗ tay động viên của Người mỗi khi tiết mục của mình được hoàn thành. Đặc biệt bà luôn khắc sâu lời căn dặn của Người: Xiếc là cần phải có nội dung thì xem như vậy người ta nhớ và thể hiện được màu sắc của dân tộc Việt Nam. Đó vừa là kỷ niệm, vừa là động lực để nghệ sĩ xiếc Tâm Chính quyết tâm khổ luyện, đóng góp và xây dựng các tiết mục đặc sắc cho xiếc Việt Nam.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương đã khắc phục những trở ngại, gian khó vừa ổn định mọi mặt sinh hoạt vừa tập luyện. Cuối năm 1965, những đội xung kích của Đoàn đã đi biểu diễn phục vụ phong trào sản xuất và chiến đấu ở những vùng tuyến lửa khu bốn cũ, nơi ngày đêm diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân ta giáng trả những bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của đế quốc Mỹ. Anh chị em nghệ sĩ đã biểu diễn phục vụ các đơn vị pháo cao xạ ở Nghệ An, Quảng Bình hay đi ngược lên miền thượng du phục vụ bộ đội biên phòng... Thời gian này các diễn viên sinh hoạt với bộ đội ngay ở trận địa, buổi biểu diễn khoảng một tiếng đồng hồ và được tổ chức xen kẽ giữa các trận đánh. Hình ảnh các nghệ sĩ lăn lộn khiêng vác đạo cụ đến từng trận địa biểu diễn khiến các chiến sĩ vô cùng yêu mến và cảm động. Có những buổi nhân dân đến xem cùng với bộ đội đông tới hàng nghìn người. Thậm chí, nhân dân còn vượt hàng chục cây số đường rừng ban đêm đến xem “cái xiếc Cụ Hồ” nó tài như thế nào.

Vinh dự và tự hào, ngày 03/8/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem các tiết mục của Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương biểu diễn trước khi Đoàn đi phục vụ bộ đội Trường Sơn(4). Đây là tuyến đường địch bắn phá ác liệt nhất hòng ngăn chặn việc vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến của ta, do đó việc tổ chức biểu diễn gặp nhiều khó khăn. Có khi sắp sửa khai mạc buổi diễn thì công binh phát hiện ở chính giữa sân khấu có một quả bom chưa nổ. Ngay lập tức cả diễn viên lẫn khán giả cấp tốc kéo đến một địa điểm khác rồi cùng nhau phát cây san nền làm sân khấu biểu diễn luôn. Vượt mọi khó khăn gian khổ, anh chị em nghệ sĩ xiếc đã hoàn thành các buổi biểu diễn với niềm vinh dự được mang nghệ thuật của mình góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến xiếc, nhất là mỗi khi Đoàn xiếc đi biểu diễn ở nước ngoài. Trước ngày Đoàn đi biểu diễn ở các nước Đông Âu tháng 9 năm 1967, Bác cho gọi Đoàn vào Phủ Chủ tịch, diễn từng tiết mục để Bác xem. Có tiết mục Bác còn cho thêm cả ý đồ và kỹ thuật diễn nữa như tiết mục Trò khéo trên chân của nữ diễn viên Cao Oanh. Rồi Bác căn dặn: Các cháu đi biểu diễn ở các nước đó cho tốt, Việt Nam chiến đấu anh hùng thì xiếc Việt Nam cũng phải diễn cho hay, thể hiện được tinh thần đó. Khi Đoàn về nước, Bác cũng gọi Đoàn vào báo cáo kết quả của chuyến đi. Đồng chí Ngô Ngọc Yêng, Trưởng đoàn thưa Bác: Chuyến đi này ba tháng, chúng cháu diễn ở 43 thành phố của 7 nước, gồm 108 buổi diễn, với tổng số 173.200 lượt người xem, trong đó diễn ở Liên Xô 36 buổi, có 52.000 lượt người xem. Được nhân dân các nước đó khen xiếc Việt Nam và cổ vũ rất nhiệt tình các buổi diễn. Bác vui vẻ, gật đầu. Sau đó, Bác chụp ảnh với anh em trong Đoàn(5).

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho xiếc Việt Nam mà còn với các đoàn xiếc nước ngoài sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam. Ngày đoàn xiếc Hungari sang thăm hữu nghị và biểu diễn ở nước ta tháng 3 năm 1963, Người đã thân mật nói chuyện và thăm hỏi sức khỏe diễn viên trong đoàn(6). Đến tháng 5 năm 1963, Người tiếp đoàn xiếc “Chiến sĩ nhân dân giải phóng quân Trung Quốc” và xem đoàn biểu diễn tại Phủ Chủ tịch. Người đã ký Lệnh số 32-LCT tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đoàn xiếc(7). Năm 1964, Đoàn xiếc Đức sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam. Bác cho mời Đoàn vào Phủ Chủ tịch. Bác cảm ơn, khen ngợi xiếc của bạn và chụp ảnh với các nghệ sĩ trong đoàn. Buổi gặp mặt này, có cả diễn viên đoàn xiếc của ta, Bác cũng tạo cơ hội cho diễn viên xiếc của hai nước gần gũi nhau. Bác bảo diễn viên ta ngồi xen kẽ với diễn viên bạn(8). Bởi Bác mong rằng xiếc Việt Nam có sự giao lưu hợp tác với các đoàn xiếc các nước khác để học hỏi lẫn nhau cũng như góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị với các nước. Thực hiện lời căn dặn của Bác, giữa hai Đoàn xiếc Việt Nam và Đoàn xiếc Đức đã có quan hệ hợp tác với nhau cả về trao đổi kinh nghiệm và biểu diễn xiếc.

Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, các thế hệ nghệ sĩ xiếc vẫn đang ra sức rèn luyện, đóng góp tài năng và sức sáng tạo cho sự phát triển của xiếc Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng I, II, III, Huân chương Lao động Hạng I,II,III và cờ Chính phủ nhiều năm... Đặc biệt, các nghệ sĩ của Liên đoàn đã được trao tặng 7 danh hiệu NSND, 31 danh hiệu NSƯT minh chứng cho những cống hiến, lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi góp phần vào thành tích sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật xiếc nói riêng. Bên cạnh đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn giành nhiều giải thưởng lớn tại các Liên hoan Xiếc quốc tế tại Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Liên Bang Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba... được bạn bè năm châu khen ngợi. Thông qua đó, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu Xiếc Việt Nam và trao đổi hợp tác.

Nhìn lại cả một chặng đường dài lịch sử hình thành và phát triển của ngành xiếc, có thể tự hào thấy rằng xiếc Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Đây là kết quả của những nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi, vượt qua khó khăn, gian khổ của lớp lớp nghệ sĩ xiếc trong suốt những năm qua. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghệ thuật xiếc và tình thương bao la của Người dành cho diễn viên xiếc là vô cùng quý giá, đọng lại mãi mãi trong ký ức những người nghệ sĩ xiếc. Từ sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho xiếc trong những ngày đầu thành lập đã là động lực to lớn để các thế hệ nghệ sĩ xiếc Việt Nam không ngừng sáng tạo, xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Chú thích:

1.         Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 7, tr.80.

2.         Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 7, tr.323.

3.         Bác Hồ với nghệ thuật xiếc, Sân khấu, 2005, Số 5, tr.3-5.

4.         Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 10, tr.204.

5.         Bác Hồ với nghệ thuật xiếc, Sân khấu, 2005, Số 5, tr.3-5.

6.         Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.279.

7.         Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.298, 300, 314.

8.         Bác Hồ với nghệ thuật xiếc, Sân khấu, 2005, Số 5, tr.3-5.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)