slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân Trung Quốc giai đoạn 1924-1927

27 Tháng 05 Năm 2015 / 18923 lượt xem
                                                               Th.s Mai Lệ Huyền
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm đến vấn đề nông dân và giải phóng người nông dân. Đây được coi là một trong những vấn đề chiến lược của cách mạng vô sản. Với tư cách là chiến sĩ hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, Người đã đánh giá đúng đắn lực lượng và khả năng cách mạng vô cùng to lớn của quần chúng lao động mà tuyệt đại đa số là nông dân.
Trên hành trình đi tìm con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ Trung Quốc là một trong những nước Người lui tới nhiều lần nhất, và có thời gian sinh sống dài nhất đồng thời có những cống hiến rất lớn cho phong trào cách mạng, đặc biệt là nghiên cứu về vấn đề nông dân và tìm ra con đường giải phóng người nông dân.
Sau những hoạt động cách mạng sôi nổi tại nước Nga Xô viết, tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc đã tới Quảng Châu (Trung Quốc). Một trong ba bức thư Người gửi từ Quảng Châu về Matxcơva có thư gửi đồng chí Đômban- Tổng thư ký Quốc tế Nông dân. Trong thư, Người nhận định: “Ở đây, chúng ta có một phong trào nông dân rất đáng chú ý: dưới sự bảo trợ của Quốc dân Đảng và sự lãnh đạo của những người cộng sản, những người nông dân nghèo đã tự tổ chức lại…”(1). Trong thời gian ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quốc tế như: cùng một số người cộng sản Trung Quốc triệu tập hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân tỉnh Quảng Đông và đầu tháng 5-1925 Người đã tham dự Hội nghị lần thứ hai đại biểu công nhân Trung Quốc; tháng 7-1925 được đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân ủy nhiệm phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và một số nước khác, tham gia sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông nhằm đoàn kết các dân tộc bị áp bức ở châu Á trong một mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc.
Thấu hiểu và thương cảm trước tình cảnh và đời sống của người nông dân Trung Quốc, thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Tình cảnh nông dân Trung Quốc, đăng trên báo La Vie Ouvriere, trình bày những kiến giải của tác giả về kết cấu giai cấp ở nông thôn Trung Quốc, hình thức bóc lột ruộng đất, tác động phân hoá do sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản nước ngoài, đặc biệt là nỗi khổ cực của bộ phận nông dân nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nông dân Trung Quốc. Đến giữa năm 1925 Người phối hợp với một số nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Indonexia, Ấn Độ, Thái Lan... thành lập Hội Liên hiệp bị áp bức ở Á Đông nhằm đoàn kết các dân tộc bị áp bức ở châu Á trong một mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc. Cùng với những bài viết nghiên cứu và phản ánh các vấn đề về tình hình châu Á, Người cũng đã phân tích và tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự khốn cùng của người dân Trung Quốc. Những nghiên cứu của Người được tóm lược trong bài viết: Nông dân Trung Quốc được Người viết vào dịp tháng 3-1925, trong đó nêu lên 7 nguyên nhân đó là:
  1. Dân quá đông, ruộng đất nhiều
  2. Phương tiện canh tác thô sơ
  3. Công nghiệp chậm phát triển
  4. Chủ nghĩa quân phiệt
  5. Sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản nước ngoài
  6. Thiên tai
  7. Lòng tham của địa chủ
Người cũng cho biết, trước tình cảnh đó nông dân Trung Quốc bắt đầu đi vào tổ chức nhờ sự thúc đẩy của công nhân công nghiệp có tổ chức và sự khích lệ của Chính phủ miền Nam. Đứng trước phong trào cách mạng này, giai cấp địa chủ Trung Quốc đã dùng những biện pháp phát xít để chống lại, hòng dập tắt phong trào.
Cũng như nước ta, Trung Quốc căn bản là một nước nông nghiệp, với 85% dân số là nông dân, nhưng chế độ ruộng đất Trung Quốc là chế độ phân tán từng mảnh, nên hầu hết tất cả mọi người nông dân dù nghèo đến đâu đi nữa thì trước kia cũng đều có được một mảnh đất để có thể "kiếm lấy nén hương cúng tổ tiên". Nhưng hiện nay, rất nhiều người tuyệt đối không có gì, thậm chí không có lấy "một miếng đất để cắm dùi". Để có được bữa cơm hàng ngày, họ phải  đi ở hay đi làm mùa. Những người đi làm mùa không có công xá nhất định, cũng không có việc làm thường xuyên: hết vụ gặt, họ ra thành thị làm hay đi chài lưới. Những người lớn đi ở thì hằng năm kiếm được một số tiền tính ra khoảng từ 25 đến 40 đôla, cơm nuôi và áo mặc; các trẻ em đi ở chăn trâu bò thì được từ 3 đến 5 đôla một năm. Sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản nước ngoài làm mất thăng bằng giá cả giữa các hàng chế biến và nông sản phẩm. Người nông dân luôn luôn bắt buộc phải bán rẻ thóc lúa hay khoai của họ để mua những dụng cụ hiện nay đắt hơn trước kia rất nhiều. Chủ nghĩa tư bản cũng làm cho người chủ ruộng mất đi đầu óc tập quyền và gia trưởng, thay bằng tính hám lợi rất dữ tợn. Cố noi theo gương các đồng nghiệp của chúng ở thành thị, bọn địa chủ tìm cách để ngày càng nắm độc quyền ruộng đất. Nhiều công ty khai khẩn đã được thành lập, bao gồm những đất đai vô cùng rộng lớn, và hất một số lớn tiểu nông ra ngoài. Bên cạnh đó lụt lội, bão táp, nạn đói, nội chiến đều gây ra cảnh cùng khổ cho nông dân. Bọn quan liêu tham nhũng của chế độ quan lại cũng chịu phần trách nhiệm gây ra cảnh đói khổ ấy. Chính phủ đã lập những trạm thí nghiệm để tìm cách cải tiến nông nghiệp. Những cơ quan ấy vừa thành lập ra là đã trở ngay thành những miếng phó mát cho bọn quan lại, chứ không phải là những cơ quan để phục vụ nhân dân. Một tai hoạ khác nữa là chủ nghĩa quân phiệt. Tất cả bọn tướng tá lớn nhỏ, kiểu Napôlêông, đều làm giàu cho bản thân họ, làm giàu cho bè đảng và cho bọn tay chân của họ, bằng mồ hôi nước mắt của nông dân là những người hàng năm phải đóng vào khoảng 225.000.000 đôla. Sưu thuế đè lên người tiểu nông nặng nề hơn bọn giàu có, Sau hết, phương pháp làm việc cổ sơ và nền giáo dục lạc hậu lại còn làm cho đời sống của quần chúng cần lao càng thêm cực khổ. Theo tài liệu thống kê của Bộ Canh nông, năm 1918, Trung Quốc có hơn 15.500.000 nông dân và thợ thuyền đã bỏ nông thôn ra thành thị, làm cho số người bị bóc lột và đạo quân thất nghiệp ở thành thị tăng lên.
Bởi vậy, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: Nông dân Trung Quốc cũng chịu hậu quả bởi chế độ quân phiệt, ách bóc lột địa tô của chế độ cũ cộng với sự bóc lột của chế độ tư bản cũng như bộ máy quan liêu. Người kết luận: “Muốn xoá bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu "Tất cả ruộng đất về tay nông dân". Người xác định đây chính là trách nhiệm của những người cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi nghiên cứu về vấn đề này, Người đã có thời gian được tham dự và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử như: Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Hội nghị lần thứ I Quốc tế Nông dân, Đại hội lần thứ IV Quốc tế Thanh niên, Đại hội lần thứ III Quốc tế Công đoàn đồng thời Người còn theo học trường Đại học Phương Đông. Tại các diễn đàn đó, Người đã thể hiện rõ quan điểm của mình về vai trò của giai cấp công nhân và nông dân trong cách mạng giải phóng dân tộc và vai trò của phong trào giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản thế giới.
Tháng 7-1925 Nguyễn Ái Quốc được Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân quyết định phân công phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và ở thuộc địa Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan và quần đảo Philippin, nhiệm vụ của Người là liên hệ với các thuộc địa đó, tiếp xúc với các tổ chức nông dân hoặc hạt nhân nông dân ở những nơi chưa có các tổ chức nông dân chuẩn bị để những tổ chức này chính thức tham gia Quốc tế Nông dân. Để mở rộng và tăng cường hơn nữa công tác vận động nông dân Trung Quốc, Người đã liên hệ với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng để bàn việc thực hiện, đồng thời thành lập các Ban Nông dân của Quốc dân Đảng tại khắp các địa phương và làm cho các ban Nông dân đó gia nhập Quốc tế Nông dân. Đến tháng 10-1925 Nguyễn Ái Quốc đã viết báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông. Báo cáo đã nêu bật sự phát triển của phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về các mặt tổ chức, hoạt động và đấu tranh, đặc biệt ở các huyện Hải Phong, Quảng Ninh, Hoa Yên và Vệ Hoa. Người cũng cho biết, đông đảo nông dân Quảng Đông đã được tập hợp trong các hội nông dân. Tới thời điểm hiện tại, các hội nông dân đã được thành lập ở 32 huyện. Hưởng ứng lời kêu gọi của hội, nông dân đã tổ chức lực lượng tự vệ của mình, xuống đường tuần hành đòi giảm tô giảm tức, tiến hành nhiều cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với anh em công nhân bãi công… Tỷ lệ thanh niên và phụ nữ tham gia Hội Nông dân chiếm khá cao và sẽ là một điều rất lý thú nếu thiết lập được sự trao đổi tin tức giữa thanh niên nông dân với Ban Thanh niên của Quốc tế Nông dân. Có thể nói, trong thời gian này, Người đã theo sát và nắm bắt chặt chẽ tình hình của nông dân Trung Quốc và có những nhận xét, đánh giá về tình cảm, nguyện vọng, trình độ văn hoá, tâm lý, thái độ chính trị của họ qua những báo cáo và nghị quyết của Đảng bộ Quốc dân Đảng Quảng Đông.
Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài: “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân” nêu lên tầm quan trọng của nông dân trong tiến trình cách mạng và đảng của giai cấp vô sản phải hết sức quan tâm tới công tác chính trị và tổ chức (cả về công tác quân sự) trong nông dân. Thời gian hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến cuộc chiến tranh Bắc phạt do Tôn Trung Sơn phát động nhằm mở rộng thành quả cách mạng ra phạm vi cả nước. Đây là cuộc chiến tranh chống đế quốc phong kiến của nhân dân Trung Quốc, thực chất là do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhưng bề ngoài do chính phủ quốc dân tiến hành. Cuộc chiến tranh Bắc phạt được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là nông dân, nên liên tiếp giành được những thắng lợi về quân sự, lực lượng cách mạng nhanh chóng phát triển, khống chế được quá nửa lãnh thổ Trung Quốc nhưng cuối cùng cuộc Bắc phạt đã thất bại.
Là người theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc chiến tranh, suy nghĩ về những sự biến diễn ra, tổng kết những bài học kinh nghiệm, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “Chính sách kém cỏi về vấn đề nông dân của Đảng Cộng sản là một trong những nguyên nhân quyết định làm cho cuộc cách mạng Trung Quốc cuối năm 1927 thất bại”. Người cho rằng: “Đảng của giai cấp vô sản, trước hết ở tất cả các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp phải quan tâm tới công tác chính trị và tổ chức (cả về công tác quân sự) trong nông dân. Công tác này được phó thác cho sự may rủi, hay tiến hành gặp chăng hay chớ, một kiểu giống nhau trên khắp cả nước”. Người cũng kết luận: “Cuộc cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản cách mạng không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực. Đó là một sự thực hiển nhiên đối với cả hai cuộc cách mạng- cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng vô sản”. Do vậy mà công tác tuyên truyền, tổ chức của đảng với nông dân có tầm quan trọng đặc biệt. “Cách mạng chỉ có thể thắng lợi nếu như những làn sóng cách mạng lay động được quần chúng nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản”.(2)
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều sự thay đổi ảnh hưởng không nhỏ tới chính trị, kinh tế văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi sự nghiệp và lợi ích của cách mạng Trung Quốc như của chính mình nên Người đã luôn tôn trọng giữ gìn tình hữu nghị anh em. Nhớ lại chuyến đến thăm Việt Nam của Thủ tướng Chu Ân Lai vào ngày 8-11-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam lần này, mang theo tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân Trung Quốc, tôi cảm thấy hết sức phấn khởi!”. “Ba mươi mấy năm qua do có Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên mối quan hệ láng giềng thân thiện có sẵn từ xưa đến nay giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc càng thêm thân mật”. Đáp lại tình cảm ấy, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng bày tỏ: “Sự đánh giá của Hồ Chủ tịch đối với chuyến thăm của chúng tôi thực tế là sự đánh giá đối với nhân dân Trung Quốc, đã bày tỏ tình hữu nghị đối với nhân dân Trung Quốc… và Thủ tướng Chu Ân Lai cũng nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ tịch, nhân dân Trung Quốc chúng tôi đang tiếp tục nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ và sinh sống giản dị. Về mặt này, chúng tôi đã học tập được rất nhiều ở Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam. Bất cứ dân tộc nào, dù lớn hay nhỏ, cũng có nhiều chỗ đáng học tập”(3).
Trong lòng nhân dân thế giới nói chung và người dân Trung Quốc nói riêng những tình cảm và sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự thành công của cách mạng mãi luôn được tôn trọng, nể phục. Việc Người tìm ra sức mạnh của nông dân, giải quyết các vẫn đề nông dân, biết tập hợp tổ chức, đào tạo và giúp họ liên kết với các tổ chức để làm cách mạng thì công cuộc cách mạng đã nhanh chóng thành công. Sau những năm tháng đất nước được độc lập, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về sản lượng nông sản. Chỉ khoảng một nửa lực lượng lao động của Trung Quốc làm việc trong ngành nông nghiệp. Người nông dân sử dụng để trồng cây lương thực như: lúa gạo, khoai tây, kê, lạc, vừng… đến năm 1978, Trung Quốc phát động phong trào hiện đại hoá nông thôn, bãi bỏ chính sách tập thể hoá. Người nông dân được phát ruộng, phát đất để trồng trọt, được đem nông phẩm ra chợ bán tự do. Ngay từ năm 1980, đời sống của người nông dân có những bước biến chuyển. Nhưng đến khoảng năm 1990 thì sự quan tâm của chính quyền tập trung vào sự phát triển của các đô thị, của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, và quá trình toàn cầu hoá, tình hình nông thôn lại một lần nữa xuống cấp: thuế má ngày càng nhiều, chi phí sản xuất tăng, học phí cho con cái tăng, các dịch vụ y tế thiếu thốn, môi trường bị ô nhiễm, nạn thất nghiệp tràn lan. Hố sâu giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn.
Theo số liệu thống kê năm 2004 của Trung Quốc cho biết số dân nghèo đến mức tối đa (tính theo tiêu chuẩn dưới 75USD/người/năm), lần đầu tiên đã tăng lên sau 25 năm kể từ năm 1979, đa số những người này là nông dân. Vào mùa xuân năm 2005, đã nổ ra những vụ tranh giành đất đai giữa nông dân và các quan chức địa phương, cũng như đã có những cuộc biểu tình của nông dân chống việc các nhà hữu trách đã để cho các chất thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường của mình. Không những nông thôn thiếu đất trồng trọt, mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp vì phải dành đất cho công nghiệp hóa. Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. Hơn 190 triệu nông dân sống trong một môi trường không lành mạnh, nước sông, nước hồ phần lớn đều bị ô nhiễm. Chính sách kinh tế của Nhà nước đối với nông thôn, cộng với các hủ tục còn tồn tại ở nông thôn đối với người phụ nữ, khiến cho họ lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng.
Bức tranh toàn cảnh về nông dân Trung Quốc và đời sống của họ đã thể hiện sự phức tạp và cần thiết rút ra bài học kinh nghiệm cho nước ta trong quá trình đang hội nhập và phát triển và một lần nữa khẳng định vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng của người nông dân trong xã hội mới. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng góp những năm tháng hoạt động cách mạng của mình và dành nhiều tình cảm cho người nông dân Trung Quốc cũng chính xuất phát từ nét tương đồng trong bối cảnh lịch sử và văn hoá Việt Nam-Trung Hoa.
Cho dù thời gian có đổi thay, con người nay thế này và mai thế khác nhưng chân lý về tình hữu nghị anh em, tình hàng xóm láng giềng Việt Nam-Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy mối quan hệ tốt đẹp mà các bậc tiền nhân và Bác Hồ đã dày công vun đắp và xây dựng. 

 
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.t1, tr.295.
2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t.1, tr.381-383.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế. Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2006. tr.62-63. 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)