CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ GIAI ĐOẠN 1954-1960 (từ sau hoà bình lập lại đến khi hoàn thành Kế hoạch 3 năm lần thứ hai)
15 Tháng 11 Năm 2010 / 2649 lượt xem
Phạm Hoàng Điệp
Phòng Tuyên truyền-Giáo dục
Chiến thắng vẻ vang của chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Thực dân Pháp đã phải ngồi vào bàn đàm phán kí kết hiệp định Giơnevơ, rút quân về nước, lập lại hoà bình trên cơ sở thừa nhận chủ quyền dân tộc của 3 nước Đông Dương. Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn cách mạng mới: Miền Bắc vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh đồng thời phải khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ để tiến tới thống nhất đất nước.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, mọi hoạt động của các ngành, các cấp và của giáo dục diễn ra trong hoàn cảnh hoà bình, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của Đảng. Từ phân tán về tập trung, hoạt động của giáo dục nằm trong mối liên hệ tổng thể với các ngành khác, có điều kiện để phát triển. Đó là một sự thay đổi lớn ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, phương pháp tổ chức của giáo dục. Hoàn cảnh mới tạo thuận lợi cho việc phát triển nền giáo dục qui củ, nề nếp và theo hướng hiện đại.
Sau hiệp định Giơnevơ, chúng ta không những có khu tự do cũ, mà còn tiếp quản những vùng nông thôn mới, các thành phố lớn, nơi tập trung dân cư đông đúc, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá. Sự biến đổi này đem lại thuận lợi cho việc phát triển nền giáo dục ở qui mô lớn.
Vị thế nước ta trên chính trường quốc tế được nâng cao, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Các nước xã hội chủ nghĩa nhất là Liên Xô và Trung Quốc cam kết giúp đỡ, ủng hộ chúng ta về nhiều mặt, trong đó có cam kết giúp đỡ phát triển giáo dục, đào tạo cán bộ chuyên môn.
Nhiệm vụ chống nạn mù chữ do Đảng và Chính phủ phát động cơ bản đã hoàn thành. Giáo dục phổ thông phát triển mạnh mẽ theo phương châm và nội dung chương trình đào tạo của cuộc cải cách giáo dục năm 1950. Thành tựu của giáo dục giai đoạn 1945–1954 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giáo dục Việt Nam trong các giai đoan tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, công cuộc xây dựng nền giáo dục hiện đại còn gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, song do đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau: miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và bước đầu đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam vẫn tạm thời bị Mỹ và bọn tay sai thống trị. Hoàn cảnh đặc biệt đó khiến cho nhiệm vụ của mỗi miền đều khác nhau.
Một đảng lãnh đạo đồng thời hai nhiệm vụ khác nhau ở mỗi miền là hết sức khó khăn và phức tạp. Công cuộc xây dựng miền Bắc nói chung và xây dựng nền giáo dục nói riêng còn mới mẻ đối với chúng ta, do đó phải vừa làm, vừa tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm.
Hậu quả của cuộc chiến tranh để lại là hết sức nặng nề đối với sự phát triển văn hóa giáo dục. Trước khi rút lui, thực dân Pháp xuyên tạc, tuyên truyền dụ dỗ gần một triệu đồng bào Công giáo di cư vào Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Chúng phá huỷ hoặc tháo dỡ trang thiết bị, đồ dùng phục vụ giảng dạy và học tập của các trường học, tìm mọi cách lôi kéo, kích động các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, gây hoang mang dao động trong họ. Sự nghiệp xây dựng nền giáo dục nằm trong bối cảnh bối cảnh đầy khó khăn.
Trong kháng chiến chống Pháp, giáo dục Việt Nam phải trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, kế hoạch giảng dạy - học tập chưa ổn định, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lấy nhiệm vụ phục vụ kháng chiến là chủ yếu, chuyển sang thời bình cần phải điều chỉnh để phát triển. Thời gian này, chúng ta bắt tay vào xây dựng hệ thống các trường chuyên nghiệp theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa. Ngoài 8 trường đã có trong kháng chiến chống Pháp, đến năm 1960 đã lên tới 39 trường trung học chuyên nghiệp. Việc củng cố, mở rộng chính quyền các cấp, thành lập các bộ, ban ngành mới và mở ra nhiều trường chuyên nghiệp đã đặt ra nhu cầu rất lớn về cán bộ ở trình độ khác nhau, nhất là cán bộ trình độ đại học.
Do vậy, giáo dục vừa phải đào tạo cán bộ phục vụ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, cải tạo xã hội chủ nghĩa, vừa phải đào tạo cán bộ cung cấp cho bộ máy chính quyền các cấp và cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý cho các trường chuyên nghiệp đang trên đà phát triển. Nghị quyết lần thứ tám (8/1955) BCHTW Đảng nhấn mạnh việc phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đào tạo cán bộ chuyên môn “phải có kế hoạch toàn diện, trước mắt và lâu dài, bao gồm việc đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật đủ các cấp” đồng thời “phải ăn khớp với chương trình khôi phục kinh tế trước mắt và kế hoạch phát triển kinh tế sau này”(1).
Tháng 3/1956, Chính phủ thông qua Đề án cải cách giáo dục phổ thông lần thứ hai. Mục tiêu của cuộc cải cách giáo dục này là đào tạo, bồi dưỡng thanh thiếu niên phát triển mọi mặt, thành những công dân tốt, người lao động tốt, cán bộ tốt, có đức, có tài trung thành với Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thống nhất đất nước. Nội dung giáo dục toàn diện: đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục. Phương châm giáo dục là lý luận liên hệ với thực hiện, nhà trường gắn với thực tiễn đời sống xã hội. Đề án nhấn mạnh việc mở rộng phong trào bình dân học vụ, các trường phổ thông lao động và bổ túc văn hoá để nâng cao trình độ văn hoá của công nông và cán bộ công chức.
Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai là bước đi cơ bản ban đầu quan trọng trong quá trình xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Hệ thống giáo dục “theo mô hình của Pháp trước đây được cải tạo và xây dựng lại theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là của Liên Xô”. Công cuộc xây dựng hệ thống giáo dục mới này đã “tiến hành không chỉ ở giáo dục phổ thông, mà còn ở giáo dục đại học và chuyên nghiệp. Đó là một quyết sách đúng đắn có tầm chiến lược, nhờ vậy chúng ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em”(2).
Tiếp theo kế hoạch 3 năm lần thứ nhất (1955-1957) nhằm khôi phục kinh tế sau chiến tranh, Đảng ta đề ra kế hoạch 3 năm lần thứ hai (1958-1960) với nhiệm vụ cải tạo XHCN để phát triển kinh tế và văn hoá. Giáo dục cũng được đặt ra yêu cầu cao hơn về số lượng và chất lượng. Lúc này, kế hoạch phát triển giáo dục không chỉ phục vụ cho kế hoạch trước mắt, mà còn phục vụ cho kế hoạch lâu dài. Đảng ta chỉ rõ, đào tạo cán bộ “một phần để đảm bảo thực hiện kế hoạch năm 1957, nhưng phần chủ yếu là để chuẩn bị cho việc kiến thiết kinh tế và văn hoá nước nhà cho những năm sau”(3).
Bên cạnh mở rộng qui mô, việc đề cao chất lượng đào tạo được Đảng và Chính phủ đặt ra từ rất sớm. Giáo dục, đào tạo cán bộ chuyên môn ở trình độ cao, chất lượng đào tạo được nhấn mạnh ở yếu tố đức và tài, trong đó đức là nền tảng. Việc đẩy mạnh qui mô phải gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo được đặt ra mạnh mẽ từ năm 1957 trở đi. Kết thúc giai đoạn khôi phục kinh tế, chuyển sang giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá, nhu cầu về đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn là một nhu cầu khách quan. Việc đề cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan đó được thể hiện trong Nghị quyết lần thứ mười bốn (11/1958) BCHTW Đảng: “Công tác phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ cần thiết, chất lượng tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cần phải thi hành mọi biện pháp để tăng thêm số lượng và nâng cao trình độ các cán bộ kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…”. Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân cũng như những yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, Hội nghị giáo dục (6/1959) đã thông qua chủ trương “Tận lực phát triển giáo dục”.
Như vậy, ngay khi hoà bình lập lại, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc phát triển giáo dục, hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại để phục vụ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động, nhiều bài viết, bài nói về vấn đề giáo dục nhằm phát triển sâu rộng giáo dục trong toàn thể nhân dân.
Trong các bài nói, bài viết của mình, Người đã chỉ ra con đường đưa đất nước thoát khỏi cảnh yếu hèn đó chính là con đường phát triển giáo dục. Với quan niêm “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Chủ tịch Hồ Chí minh kêu gọi toàn dân thi đua học tập để đưa dân tộc ta thành một dân tộc văn minh tiến bộ. Trong những bức gửi các trường phổ thông, đại học và trung học, Người đã phân tích cho các thày cô giáo, học sinh, sinh viên thấy được tầm quan trọng của việc học tập, đó là: học để làm người, học để trở thành những người có ích cho xã hội, để xây dựng xã hội XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng CNXH ở Vịêt Nam có thành công hay không phụ thuộc một phần không nhỏ vào giáo dục. Người cho rằng: Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hoá. Người chỉ rõ nhiệm vụ của nền giáo dục cách mạng là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân. Giáo dục phải tạo ra những con người mới với những phẩm chất: yêu nước nồng nàn, trung với nước hiếu với dân, có đạo đức trong sáng, khiêm tốn giản dị, tiết kiệm, yêu lao động, có ý chí vươn lên, không sợ hy sinh gian khổ, có tri thức về văn hoá, khoa học kỹ thuật để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây là tư tưởng then chốt của Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong bài phát biểu tại Hội nghị giáo dục (6/1959), Hồ Chí Minh đã phân tích những điểm mới của nền giáo dục hiện đại và chỉ rõ vai trò và nhiệm vụ của người thày: thày giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy học phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu mau nhớ, lý luận đi đôi với thực hành.
Về nội dung giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải giáo dục toàn diện các mặt trí, dục, thể, mỹ, để tạo ra những con người toàn diện. Về phương pháp học, Người khuyến khích toàn dân học trong mọi hoàn cảnh, học mọi lúc mọi nơi, học trong nhà trường và ngoài nhà tường, học lý thuyết phải kết hợp với thực hành Ngoài ra, Người cũng rất quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong nhà trường: đoàn kết giữa thày với thày, giữa thày với trò và giữa trò với nhau, phối hợp giữa gia đình- nhà trường- xã hội để xây dựng một nền giáo dục toàn dân, toàn diện.
Trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác bình dân học vụ. Người theo dõi sát sao những những kết quả mà công tác bình dân học vụ đã đạt được và động viên khen thưởng kịp thời. Trong nhiều bài nói, bài viết Người đề cập đến tầm quan trọng của công tác bình dân học vụ trong sự nghiệp giáo dục ở nước ta và yêu cầu các cán bộ ngành giáo dục phải chú trọng đến công tác này để nhanh chóng xoá nạn mù chữ trong cả nước.
Ngoài việc quan tâm đến giáo dục trong nước, Hồ Chí Minh còn luôn theo dõi việc học tập của các học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Người nhắc nhở các em phải luôn nhớ nhiệm vụ học tập của mình để sau này về phục vụ nhân dân phục vụ Tổ quốc.
Những quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục giai đoạn từ sau hoà bình lập lại đến hoàn thành Kế hoạch 3 lần thứ hai (1954-1960) có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp giáo dục nước ta, những chỉ đạo của Người trong hoạt động giáo dục ở giai đoạn này làm nền tảng cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước ta sau này.
Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hoạt động giáo dục của Người đã góp phần vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người nói chung và chiến lược phát triển giáo dục nói riêng trong suốt mấy chục năm qua và trong những giai đoạn tiếp theo. Quán triệt tư tưởng của Người về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ chỗ xoá nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập trung học cơ sở ở một số thành phố và tỉnh, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, mở rộng mạng lưới trường học đến hầu hết các thôn bản. Quy mô và cơ sở vật chất giáo dục được phát triển. Hệ thống các trường học nội trú tỉnh huyện được củng cố và mở rộng. Mạng lưới các trường đại học, trung học chuyên nghiệp đã được tổ chức sắp xếp lại. Hệ thống các trường đào tạo nghề đã được phục hồi và phát triển. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, việc thực hiện “Ba không trong giáo dục” đã hạn chế được một số hiện tượng tiêu cực nổi cộm trong ngành giáo dục. Chúng ta phấn đấu đến năm 2010 sẽ đổi mới và phát triển toàn diện ngành giáo dục nước nhà, thực hiện ước muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, tr. 550 - 551
(2) Năm mươi năm phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo (1945 - 1995), tr. 20
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, tr. 173
* Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với giáo viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội (4/3/1960).