slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

13 Tháng 11 Năm 2019 / 2881 lượt xem

ThS. Vũ Thị Kim Yến
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi đã tìm thấy con đường cách mạng và nhận thức được chân lý của thời đại nhờ giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, với sự thức tỉnh và cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dồn tất cả nỗ lực và tâm huyết của mình để thực hiện đến cùng lý tưởng và mục tiêu cách mạng ấy. Trong quá trình đó, với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, Người sớm tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng, điểm tựa vững chắc để toàn Đảng, toàn dân ta hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Cuối năm 1924, lấy tên là Lý Thuỵ, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến hoạt động ở Quảng Châu, trung tâm cách mạng lớn của Trung Quốc, nhằm mục đích xúc tiến việc chuẩn bị cho công cuộc thành lập chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Một trong những việc chuẩn bị đó là mở trường huấn luyện cán bộ, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Từ đầu năm 1925 đến năm 1927, các lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách mở tại nhà số 13A, đường Văn Minh (nay là nhà số 248, đường Văn Minh), Quảng Châu. Thời gian mỗi lớp từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng. Trong những lớp này, Nguyễn Ái Quốc là giảng viên chính. Người còn mời các đồng chí trong Tỉnh uỷ Quảng Đông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nói chuyện và giảng bài. Những bài giảng của Người sau đã được tập hợp trong cuốn “Đường cách mệnh”. Ngoài ra còn một số bài về chủ nghĩa Mác-Lênin, về lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, v.v.. Từ đầu năm 1925 đến tháng 9-1927, Người đã trực tiếp mở được 3 lớp huấn luyện, tổng số học viên có khoảng 75 người. Sau khi học xong, một số học viên được đưa vào học trường quân sự Hoàng Phố, một số được đưa về hoạt động gây cơ sở cách mạng trong nước và một số ít ở lại tham gia đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc... Việc Nguyễn Ái Quốc mở trường huấn luyện chính trị ở Quảng Châu có ý nghĩa rất to lớn, đã đào tạo cho cách mạng Việt Nam những lớp cán bộ đầu tiên theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin và góp phần quan trọng vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu tiên của việc quán triệt quan điểm coi trọng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong số những người học trò đầu tiên của Người lúc bấy giờ có đồng chí Trần Phú, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta.
 
Cùng với việc chuẩn bị về nhân sự, Nguyễn Ái Quốc còn cho xuất bản báo “Lính cách mệnh” như cơ quan ngôn luận của quân đội cách mạng đang trong quá trình hình thành, nhằm tuyên truyền, giác ngộ binh lính người Việt. Báo in trên giấy sáp, khổ 13 x 19cm, được đóng thành tập để dễ lưu hành. Báo ra số đầu tiên vào tháng 02-1927. Ngoài Nguyễn Ái Quốc là cây bút chính, ban biên tập còn có các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm. Nội dung chủ yếu của báo nhằm giới thiệu quan điểm cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Mác-Lênin, hướng tới xây dựng đội quân cách mạng theo mẫu hình Hồng quân Liên Xô, lấy công nông và các chiến sĩ yêu nước làm nòng cốt. Có thể nói “Lính cách mệnh” là tờ báo tiền thân của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay, tờ báo đầu tiên của quân đội chúng ta.
 
Đầu năm 1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm đầu tay về lĩnh vực quân sự có tựa đề “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”. Đây chính là bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại trường quân sự của những người cộng sản Đức ở Mátxcơva vào cuối năm 1927 và được xuất bản lần đầu tiên ở Đức vào năm 1928. Tác phẩm chứa đựng những tư tưởng quan trọng về vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng (cả cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng vô sản), về tổ chức, cấu trúc và hoạt động du kích trong tiến trình cách mạng. Đây chính là cơ sở quan trọng để sau này khi về nước Người viết các tác phẩm quân sự như “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Kinh nghiệm du kích Nga”, làm tài liệu huấn luyện và trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sĩ ta từ năm 1941 trở đi, chuẩn bị có hiệu quả cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này.
 
Trong những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác-Lênin được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào “vô sản hoá” đã làm chuyển biến phong trào công nhân từ hình thức đấu tranh tự phát, đơn lẻ, chủ yếu đòi quyền lợi về kinh tế sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, có sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương. Sự phát triển cả bề sâu và bề rộng của phong trào cách mạng trong cả nước đã đặt ra một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong bối cảnh đó, những phần tử tiên phong trong phong trào cách mạng đã nhận thức được tình hình và đứng ra thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên vào nửa cuối năm 1929 đầu năm 1930. Sự tồn tại ba tổ chức cộng sản biệt lập, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau trong một đất nước, đã dẫn đến nguy cơ chia rẽ, phân liệt của phong trào đấu tranh cách mạng. Nhận thức được tầm quan trọng nguy cơ phân liệt, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc gấp rút rời Xiêm đi Hồng Công, gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức cộng sản sang Hồng Công bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản. Tại Cửu Long, Hồng Công, từ ngày 06-01-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị hợp nhất diễn ra khẩn trương, thuận lợi và đạt được sự nhất trí hoàn toàn, trên cơ sở bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở những nguyên lý Mácxit- Lêninnít về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa vũ trang và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc được thông qua ở Hội nghị đã ghi rõ yêu cầu “Tổ chức ra quân đội công nông”(1).
 
Từ cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc tham gia hoạt động trong “Văn phòng Bát lộ quân” do tướng Diệp Kiếm Anh làm chỉ huy. Trong thời gian này, Người viết cuốn sách nói về Khu vực đặc biệt và một số bài báo phản ánh những biến cố chính trị và quân sự, sự tàn ác của bọn phát xít Nhật, tinh thần anh dũng của các chiến sĩ Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống bọn tơrốtxkít… để tuyên truyền, vận động cho quân đội cách mạng. Tháng 6-1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) vừa ở trong nước sang. Bằng trí tuệ thiên tài, Người đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của đồng chí Võ Nguyên Giáp nên giới thiệu đồng chí đi học trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “lên trên ấy nghiên cứu lý luận chính trị, phương pháp vận động quần chúng. Nếu có thể nên nghiên cứu về đường lối quân sự, cách chỉ huy”.
 
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-01-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Người vẫn tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập với lời căn dặn “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự”.
 
Cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng thành lập đội du kích tập trung. Tiêu chuẩn lựa chọn đội viên vào đội du kích là những người trung thành với cách mạng, dũng cảm, khỏe mạnh, đã được thử thách qua thực tế và những người đã được dự lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên tại Trung Quốc do Người trực tiếp huấn luyện. Tháng 11-1941 tại Pài Co Nhản, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đội du kích thoát ly đầu tiên của cách mạng Việt Nam đã được ra đời. Đội du kích Pác Bó gồm 12 thành viên do đồng chí Lê Quảng Ba là Đội trưởng. Đội du kích có nhiệm vụ: Bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ; làm giao thông liên lạc đặc biệt; Vũ trang tuyên truyền trong quần chúng; Huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu ở địa phương. Đặc biệt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bổ sung nhiệm vụ của Đội thêm nhiệm vụ thứ năm nữa là: Làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp giáo dục chính trị, hướng dẫn quân sự cho đội, viết tài liệu huấn luyện quân sự cho đội. Để phổ biến học tập quân sự phục vụ công cuộc chuẩn bị vũ trang của toàn dân, Người viết ra những tài liệu, những chuyện dễ hiểu về cách đánh du kích, cho in litô thành sách nhỏ bỏ túi, rất đơn giản, như “Kinh nghiệm du kích Nga”, “Kinh nghiệm du kích Tầu”, đã được các đội tự vệ và hội viên cứu quốc các giới rất chăm đọc.
 
Sau một thời gian huấn luyện, đội du kích Pác Bó đã triển khai công tác vũ trang tuyên truyền làm cho dân hiểu thêm và tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh. Đầu tháng 4-1942 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho đội du kích phân tán hoạt động, điều các đội viên đi làm nòng cốt tổ chức các đội vũ trang địa phương. Từ những cán bộ cốt cán của đội du kích Pác Bó nhiều đội vũ trang ở các địa phương được thành lập. Đội du kích Pác Bó hoạt động đến tháng 7-1943 thì kết thúc. Tuy chỉ tồn tại được 2 năm nhưng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Được rèn luyện trong thực tiễn, đội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ có khả năng huấn luyện chính trị, quân sự cho các địa phương mà đã tổ chức được các đội vũ trang trong các Tổng và các Châu. Các hoạt động chính trị, quân sự của đội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân các dân tộc Cao Bằng về một đội quân kiểu mới chưa từng có trong lịch sử nước ta: một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một lòng một dạ trung thành với nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự ra đời và hoạt động của đội du kích Pác Bó là những kinh nghiệm và bài học quý báu cho việc thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
 
Tháng 5-1944, Mặt trận Việt Minh cho ra mắt cuốn “Chiến thuật du kích” do Nguyễn Ái Quốc biên soạn, thể hiện rõ sự sáng tạo tuyệt vời của Người trong cách dùng từ ngữ quân sự và vận dụng tài tình nghệ thuật đánh giặc của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Rất ngắn gọn với 33 trang gồm 13 chương, có chương như chương “Căn cứ địa” chỉ vẻn vẹn trên nửa trang giấy, nhưng cuốn sách đã giới thiệu đầy đủ các vấn đề liên quan đến chiến tranh du kích bao gồm: mục đích, cách bố trí lực lượng, phương thức hoạt động, chiến thuật…, trong đó nổi rõ tư tưởng chiến lược quân sự cách mạng là tiến công, đồng thời khẳng định: “Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc… Chuyến này chúng ta vũ trang đánh Tây - Nhật chính dùng lối du kích mà đánh. Biết đánh du kích thì thế nào cũng thắng lợi”(2).
 
Thực tế, giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao - Bắc - Lạng, nhưng dù đã có những đội du kích vũ trang thì hoạt động gắn kết giữa vũ trang với chính trị vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Tháng 9-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở lại Cao Bằng. Người xét thấy điều kiện chưa chín muồi nên quyết định đình chỉ việc phát động chiến tranh du kích trên quy mô lớn để tránh tổn thất cho cách mạng.
 
Cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến kiểm tra Đại đội tự vệ vũ trang(3) chiến đấu Hồng Phong (tên bí mật của châu Hà Quảng). Sau khi phân tích tình hình và cân nhắc những điều kiện chuẩn bị cho ngày “vùng lên”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đẩy mạnh phong trào cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Người chỉ rõ: Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị đến hình thức quân sự. Tuy nhiên, chính trị phải coi trọng hơn quân sự. Do đó chúng ta phải tìm một hình thức thích hợp để có thể đẩy phong trào cách mạng tiến lên mạnh hơn. Theo tinh thần đó, đầu tháng 12-1944, Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp có kể lại: “Bác đề nghị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó, tức là đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.  Nó  có  nhiệm vụ dùng vũ trang đấu tranh để động viên và kêu gọi nhân dân đứng dậy, nhưng lúc đầu, phương châm hoạt động coi chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến... Chỉ thị ấy đã trở thành đường lối của quân đội ta chẳng những trong thời gian bấy giờ, mà còn cho cả sau này, suốt cuộc toàn quốc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của quân và dân ta. Bác nhắc đi nhắc lại: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động, hoạt động thật nhanh chóng, trận đầu nhất định phải thắng lợi. Hành động quân sự đầu tiên này sẽ là nội dung rất tốt của công tác tuyên truyền...”. Hôm sau, trước khi về, Bác còn căn dặn: “Nhớ bí mật: ta ở Đông, địch tưởng ta ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình”(4).
 
Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là dấu mốc lịch sử trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo tư tưởng, đường lối chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập, Chỉ thị tuy ngắn gọn nhưng đã nêu lên được những tư tưởng lớn về quân sự của Người, về đường lối quân sự của Đảng ta trong vấn đề kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng và hoạt động của các thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp chính trị với quân sự của lực lượng vũ trang, nguyên tắc chiến thuật, tác chiến, cách đánh của lực lượng vũ trang, bí mật, bất ngờ, chủ động, mưu trí, linh hoạt…
 
Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, việc thành lập đội được tổ chức nhanh chóng. Cán bộ và vũ khí được điều động về. 34 đồng chí đầu tiên tham gia thành lập đội được chọn trong những trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hay những chiến sĩ xuất sắc rất dũng cảm của đội vũ trang địa phương, lại thêm có một số cán bộ vừa học quân sự ở Trung Quốc về, như trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã viết: “Không người nào là không mang một mối hận thù với đế quốc. Hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những kẻ đang bị truy nã, đầu bị treo thưởng hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối”(5). Đó là đội trưởng Hoàng Sâm, thoát ly gia đình từ nhỏ tham gia hoạt động cách mạng, đã qua Xiêm, Trung Quốc rồi lại trở về nước hoạt động, qua nhiều năm bị đế quốc truy nã vẫn lăn lộn trong đồng bào Kinh, Thổ, Mán, Nùng, nhiều lần vũ trang chiến đấu đánh vào các đội quân tuần tiễu của Pháp, làm cho bọn thổ phỉ cũng phải kinh sợ; chính trị viên Xích Thắng, dân tộc Thổ, hoạt động từ lâu trong phong trào bí mật, nhà cửa bị tịch thu, gia đình bị truy nã, đã nhiều lần chết hụt trước mũi sung của quân đội đế quốc; đồng chí Hoàng Văn Thái, xuất thân từ một gia đình nông dân, phụ trách học sinh quân ở nước ngoài mới về; đồng chí Lâm Cẩm Như, vốn là cháu đích tôn của cụ Nguyễn Thượng Hiền, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, mặc dầu chưa thạo tiếng Việt, nhưng tấm lòng vẫn gắn liền với Tổ quốc Việt Nam; lão đồng chí Văn Tiên, các nữ đồng chí Cầm, Loan, Thanh… là những đồng chí đã được thử thách qua nhiều lần khủng bố gắt gao của kẻ thù. Như vậy, với sự thành lập của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong toàn khu Cao-Bắc-Lạng bấy giờ đã hình thành ba hình thức vũ trang: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội chủ lực; chung quanh đội chủ lực có những đội vũ trang châu, rồi đến những đội tự vệ nửa vũ trang của xã. Ba lực lượng ấy đoàn kết phối hợp chặt chẽ với nhau.
 
5 giờ chiều ngày 22-12-1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt, trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lần đầu tập hợp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Đại diện liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn đến tham dự, đứng thành hai hàng bên bộ đội. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin khi trao sứ mệnh chỉ huy đội cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, người mà từ buổi đầu tiên gặp gỡ ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc tháng 6-1940, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cốt cách cao đẹp của một con người yêu nước nồng nàn, một nhà báo, nhà giáo và sau này là một nhà quân sự, chính trị có tầm cao tư duy và lại có trái tim nhân văn cao cả. Được ủy nhiệm thay mặt đoàn thể thành lập đội và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định quyết tâm của toàn thể các đội viên: “Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”(6).
 
Tuy lực lượng ít, vũ khí trang thiết bị thô sơ (2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, 14 khẩu súng kíp) nhưng chỉ mấy ngày sau, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (ngày 25-12-1944) và Nà Ngần (ngày 26-12-1944), đúng như lời Bác căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “trận đầu nhất định phải thắng lợi. Hành động quân sự đầu tiên này sẽ là nội dung rất tốt của công tác tuyên truyền...”. Những chiến công đó đã tạo ra một luồng sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Quá trình hình thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên quân đội ta đã được nhân dân gọi với cái tên rất thân mật nhưng cũng rất đỗi tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Như dòng cảm xúc vào buổi ban đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 22-12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ: “Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù”(7) hay của người đội viên Hoàng Văn Thái (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên đại tướng, nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) tự hào khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trở thành chủ lực trong công cuộc giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 : “Tôi xúc động giống như ngày thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày đó mới chỉ là ước mơ Quân giải phóng sẽ “tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long, trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau”, hôm nay sắp thành hiện thực rồi”(8). Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đùm bọc, che chở của nhân dân, quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm trang sử vàng chói lọi của dân tộc và đang phấn đấu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Chú thích:
1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, t.3, tr.1
2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.499
3.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t.2, tr.222
4.       Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005
5.       Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra (Hồi ký), Nxb Quân đội nhân dân, H.1969, tr.146
6.       Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra (Hồi ký), Sđd, tr.143
7.       Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra (Hồi ký), Sđd, tr.145-146
8.       Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 1, Sđd, H. 2005

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)